Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Vườn Thơ Phật Giáo :

    
              ೠ- KIẾP LỮ HÀNH CÔ ĐỘC -ೠ

Tam giới không nhà (*)
Mình ta lê bước
Trông mây và nước
Bất chợt lệ rơi

Luân chuyển ngàn đời
Trong mơ tìm bóng
Nhân gian như mộng
Tình ơi! Tình ơi!

Tình mãi lên ngôi
Gom về say đắm
Tiền tài danh vọng
Ngũ dục đê mê (**)

Phút chốc đổ về
Vô thường tan nát
Lục thú trôi dạt (***)
Sầu não ưu bi

Than khóc được gì?
Khi đã thọ báo
Đi vào nghiệp đạo
Thiện ác mình làm

Dù vua thế gian
Hay kẻ hèn mạt
Cũng không sai khác
Nhân quả công bằng (****)

Khi sống nghĩ rằng
Chết đi là hết
Nên không nhàm mệt
Theo đuổi dục tham.

Ác nghiệp mình làm
Giờ mình phải chịu
Địa ngục Hý tiếu
Thiêu đốt phanh thây

Muốn chạy đông tây
Tìm phương thoát khổ
Rơi vào nhầm chỗ
Rừng kiếm núi đao.

Thân nát miệng gào
Ăn năn đã muộn
Lúc ấy chỉ muốn
Được một bát canh

Thọ báo rất nhanh
Vào loài quỷ đói
Nghiệp duyên tiếp nối
Mãi mãi luân hồi

Khi được làm người
Thì lại quên hết
Thoáng cái già chết
Bệnh khổ đến nơi

Tiếp tục luân hồi
Thọ sanh các cõi
Lòng ta khắc khoải
Lệ chảy thành dòng

Tràng ngập biển đông
Tâm can vỡ nát
Nguyện ước thoát xác
Hóa thành hư không

Ôm con vào lòng
Vì con thay thế
Bao nhiêu nỗi khổ
Trong kiếp luân hồi

Thọ báo ngàn đời
Cũng không thoái chuyển
Vì con dâng hiến
Cả thân tâm này

Con hỡi có hay
Đêm nay trăng vỡ
Trăng buồn muôn thuở
Rụng vào tim đau

Tìm đâu, tìm đâu
Mộng tàn qua gối
Lòng ta mãi gọi
Con ơi, hãy về!

Vượt khỏi bến mê
Cùng ta sánh bước
Đi vào Ngũ trược (*****)
Hóa độ chúng sinh

Thắp sáng bình minh
Với tình Diệu giác
Rửa tan lầm lạc
Bằng nước Từ bi

Đêm lạnh ta đi

Tìm trong bóng tối
Thương con ngập lối
Con ở nơi đâu?
     __ೋ-  Thích Long Viễn - ೋ__


Ghi Chú:
        (*) Tam giới:
        Bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
1. Dục giới (zh. 欲界; s, p: kāmalokakāmadhātu, bo. `dod khams འདོད་ཁམས་, `dod pa`i     khams འདོད་པའི་ཁམས་), có ham muốn về giới tính và những ham muốn khác.
  • Trong dục giới có sáu loại hữu tình sau:
  • 1. Địa ngục (zh. 地獄, sa. naraka)
2. Ngạ quỷ (Quỷ đói) (zh. 餓鬼, sa. preta)
3. Súc sanh (Loài thú) (zh. 畜生, sa. paśu)
4. Loài người (zh. 人世, sa. nāra)
5. A tu la (Loài thần)(zh. 阿修羅, sa. asura)
6. Cõi trời ở cõi dục (lục dục thiên 六欲天):
Trời Tứ thiên vương (zh. 四天王, sa. cāturmahārājika);
Trời Đao lợi (忉利) hay trời Ba mươi ba (zh. 三十三天, sa. trayastriṃśa);
Trời Dạ-ma (zh. 夜摩, sa. yāmadeva) hoặc trời Tu-dạ-ma (zh. 須夜摩天, sa. suyāma);
Trời Đâu suất (zh. 兜率天, sa. tuṣita);
Trời Hoá lạc (zh. 化樂天, sa. nirmāṇarati);
Trời Tha hoá tự tại (zh. 他化自在天, sa. paranirmitavaśavarti);
2. Sắc giới (zh. 色界, sa. rūpalokarūpadhātu, bo. gzugs khams གཟུགས་ཁམས་): các vị ở đây thuộc nam tính nhưng đã chấm dứt mọi ham muốn, ăn uống, nhưng còn có khoái lạc. Đây là thế giới của các người trời trong cõi Thiền (sa. dhyāna). Hành giả tu tập thiền định có thể tái sinh trong cõi sắc. Sắc giới gồm bốn cõi, mỗi cõi lại được chia thành nhiều cõi trời khác nhau:
  • Trời Sơ thiền (zh. 初禪天) với ba cõi sau:
Trời Phạm thân (zh. 梵身天, sa. brahmakāyika);
Trời Phạm phụ (zh. 梵輔天, sa. brahmapurohita);
Trời Đại phạm (zh. 大梵天, sa. mahābrahmā).
Có hệ thống ghi thêm cõi trời thứ tư của trời Sơ thiền là trời Phạm chúng (zh. 梵眾天, sa. brahmaparśadya).
  • Trời Nhị thiền (zh. 二禪天) với ba cõi sau:
Trời Thiểu quang (zh. 少光天, sa. parīttābha);
Trời Vô lượng quang (zh. 無量光天, sa. apramāṇābha);
Trời Cực quang tịnh (zh. 極光淨天, sa. abhāsvara, kiểu dịch cũ là trời Quang âm (zh. 光音天).
  • Trời Tam thiền (zh. 三禪天) bao gồm:
Trời Thiểu tịnh (zh. 少淨天, sa. parīttaśubha);
Trời Vô lượng tịnh (zh. 無量淨天, sa. apramāṇaśubha);
Trời Biến tịnh (zh. 遍淨天, sa. śubhakṛtsna).
  • Trời Tứ thiền (zh. 四禪天) gồm có:
Trời Vô vân (zh. 無雲天, sa. anabhraka);
Trời Phúc sinh (zh. 福生天, sa. puṇyaprasava);
Trời Quảng quả (zh. 廣果天, sa. bṛhatphala);
Trời Vô tưởng (zh. 無想天, sa. asāṃjñika);
Trời Vô phiền (zh. 無煩天, sa. avṛha);
Trời Vô nhiệt (zh. 無熱天, sa. atapa);
Trời Thiện kiến (zh. 善見天, sa. sudarśana);
Trời Sắc cứu kính (zh. 色究竟天, sa. akaniṣṭha);
Trời Hoà âm (zh. 和音天, sa. aghaniṣṭha);
Trời Đại tự tại (zh. 大自在天, sa. mahāmaheśvara).
Có sách xếp trời Vô tưởng, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu kính, trời Hoà âm thuộc trời Tịnh phạm (zh. 淨梵天), không thuộc về trời Tứ thiền.
3. Vô sắc giới (zh. 無色界, sa. arūpalokaarūpadhātu, bo. gzugs med khams གཟུགས་མེད་ཁམས་, gzugs med kyi khams གཟུགས་མེད་ཀྱི་ཁམས་): thế giới này được tạo dựng thuần tuý bằng tâm thức và gồm bốn xứ (sa. arūpasamādhi). Vô sắc giới gồm:
Xứ Không vô biên (zh. 空無邊處, sa. ākāśanantyāyatana);
Xứ Thức vô biên (zh. 識無邊處, sa. vijñānanantyāyatana);
Xứ Vô sở hữu (zh. 無所有處, sa. ākiṃcanyāyatana);
Xứ Phi tưởng phi phi tưởng (zh. 非想非非想處, sa. naivasaṃjñā-nāsaṃjñāyatana).
Hành giả tu học Tứ thiền Cửu định có thể sinh vào bốn xứ này.
Chúng sanh luân hồi không thể nào vượt ra ngoài Tam giới.
        (**) Ngũ dục:
* Ngũ dục là 5 sự ham muốn, là năm thứ dục lạc của trần cảnh nên cũng gọi là Ngũ Trần.
1. Sắc dục : Ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt.
2. Thinh dục : Ham muốn tiếng hay, dịu ngọt….
3. Hương dục : Ham muốn mùi thơm ngạt ngào….
4. Vị dục : Ham muốn đồ ăn thức uống ngon ngọt…
5. Xúc dục : Ham muốn sự đụng chạm mềm dịu….
** Ngũ dục còn có 5 thứ sau :
1. Tài dục : Ham muốn của cải, vàng ngọc.
2. Sắc dục : Tham sắc đẹp, tướng tốt.
3. Danh dục : Tham muốn địa vị cao sang, tiếng tốt.
4. Thực dục : Tham muốn thức ăn ngon nhiều.
5. Thùy dục : Tham muốn ngủ nghỉ nhiều.
Ngũ dục cũng kêu là Ngũ độc tiển ( năm mũi tên độc hại) ngũ dục là 5 món dục của chúng sanh, từ súc sanh đến nhơn loài thần tiên, nếu mình không điều phục ngũ căn( Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) để cho sa đắm ngũ dục thì thất lạc thiện căn, sa vào nẽo ác lụy. Tham đắm ngũ dục tức cuộc đời bị trói buộc bởi năm thứ độc hại ham muốn.
(***) Lục thú:
 Hay còn gọi là Lục đạo chỉ cho chúng sanh trong Sáu cõi luân hồi gồm có
1. Cõi trời (tiếng phạn: deva)
2.Cõi thần (tiếng Phạn: asura)
3.Cõi người (tiếng Phạn: manussa) 
4.Cõi súc sinh (tiếng Phạn: tiracchānayoni)
5.Cõi ngạ quỷ (quỷ đói) (tiếng Phạn: petta)
6.Cõi địa ngục (tiếng Phạn: niraya)
Còn những chúng sinh đã nhập Niết bàn thì sẽ không phải luân hồi sau khi chết nữa.
Đặc điểm chung của các cõi luân hồi là Vô thường.
(****) Nhân quả:
Nhân quả là tiếng Hán ta nên hiểu nhân là nguyên nhân, là hạt giống là hành động tạo tác; còn quả là kết quả từ nguyên nhân và hành động đó mang lại. Nói ngắn gọn thì  nhân quả là hành động và kết quả của hành động. Nhân cần phải có Duyên, mới sanh ra Quả. Cho nên nói đầy đủ là Nhân- Duyên- Quả. Quả báo thì có Hiện-Báo, Sanh-Báo và Hậu-Báo.
+ Hiện-Báo (hay còn gọi là Hoa-Báo) là tạo nhân đời này, hưởng luôn quả báo trong đời này.
+ Sinh-Báo là đời này tạo nghiệp, đời sau, hai hoặc ba đời sau mới bắt đầu thọ báo.
+ Hậu-Báo là đời này tạo nghiệp, sau bốn đời, hoặc trăm đời, hoặc ngàn đời, hoặc vô lượng đời kiếp sau mới thọ báo.

(*****) Ngũ trược:
 Trược hay trọc là nhơ bẩn. Ngũ trược tức là năm cái nhơ bẩn:
 Kiếp trược (S. Kalpa kasayah): Sự ô uế của kiếp sống chúng sinh, làm nhiều điều ô uế, và chịu đựng nhiều điều ô uế.
 Kiến trược (drsti kasayah): Sự ô uế của nhận thức sai lầm, do chấp cái thân năm uẩn này là ta cho nên làm nhiều điều ô uế và chịu đựng nhiều điều ô uế.
 Phiền não trược (Klesa kasayah): Sự ô uế của các phiền não, như thâm, sân, si v.v… bắt nguồn từ cái chấp ngã sai lầm.
 Chúng sinh trược (Sattva kasayah): Cả thân và tâm của chúng sinh đều không trong sạch, chứa nhóm phiền não mê lầm.
 Mạng trược (Asyuskasayah): Thọ mạng nhơ bẩn, dơ thân tâm chúng sinh chứa nhóm phiền não, làm nhiều tội ác cho nên thọ mạng cứ giảm dần, cho đến khi chỉ còn 10 tuổi. Khi ấy, chúng sinh sẽ biết tu tỉnh, bỏ ác làm lành một cách phổ biến và thọ mạng của con người sẽ tăng trở lại, cứ 100 năm trung bình sẽ tăng 1 tuổi, cho đến mức cao nhất, theo sách Phật là 84.000 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét