Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Tiểu Sử Thầy Tôi:

ಥ Lược Sử Thầy Tôi: Thích Long Viễn  

Câu chuyện:

                             LIÊN HOA HÓA SANH

Phần I:  

Tín Nữ Thiện Căn

Phật Quang Phổ Chiếu

Khi Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn, là con mắt của trời người đã tắt, lòng người và chư thiên ai cũng rất đau khổ, nhưng sức mạnh của vô thường quá lớn nó chi phối tất cả, có sanh ắt có tử, hội họp tất biệt ly...  

Sầu não ưu bi với khát ái lại khiến con người càng lao vào hố sâu của hắc nghiệp, nhất là thời đại năm thứ suy đồi này. Tôi vô cùng may mắn, phải chăng do túc nghiệp căn lành mà tôi đã gặp được Ngài- một Ân Sư đã truyền dạy cho tôi Chánh Pháp Nhãn Tạng để nhìn đời và thấu suốt đường đi Nhân Quả luân hồi, không những tôi mà tất cả những ai có hữu duyên với Ngài đều nhận ra điều ấy cả. Thầy tôi- Người đã đốt lên ngọn đuốc của Chánh Pháp soi rọi vào đêm đen u tối của cuộc đời và phá tan màn vô minh dày đặc trong lòng người, để nối tiếp mạng mạch của Như Lai, lợi ích cho chúng sanh vì loài trời và loài  người...Tôi xin trích một đoạn ngắn mà Sư Cô Huệ Nghiêm đã viết đúng sự thật về Thầy, người mà dưới bước chân hình như bao giờ cũng ngập đầy những dòng nước mắt: 

"Kể về Thầy chúng tôi, người từ nhỏ đã luôn luôn buồn vui thủ thỉ với Đức Phật, hay rúc vào tủ thờ ôm hình Phật mà khóc mà cười. Thầy hay bảo "Thầy thương ông Phật nhất nhất trên đời". Vậy nên, sau khi hoàn tất chương trình Phổ Thông, Thầy xin phép gia đình cho xuất gia để được gần gũi hơn với "ông Phật". Trải qua những tháng ngày rèn luyện, tích lũy tư lương và kiến thức về Phật Pháp tại Đại Tòng Lâm Tự (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Trường Phật học Huế, Sài Gòn, Thầy tin chắc vào sự giải thoát của Diệu Pháp mà quyết định về quê, lựa chọn một trú xứ thanh vắng ở chốn núi rừng để sống hạnh độc cư, mong sớm đạt Đạo quả vì sự nghiệp gầy dựng Chánh Pháp, báo đền ơn Phật. Dần dần, có những Phật tử đầu tiên không hiểu vì lý do gì mà lần tìm vào chốn rừng sâu, vô tình bắt gặp bóng người đang ngồi thiền định dưới vách lá, mưa nắng chẳng màn... cảm thấy hơi khiếp vía nhưng cũng không khỏi xót xa, họ thảng thốt: "Ôi, người này chẳng biết là ma hay Phật?". Nghe kể thì có vẻ giống phim, hay quý vị có thể nghĩ chuyện hoang đường, cũng có thể cho rằng giống mô tuýp của Ngài Milarepa quá, nhưng thật chất Thầy tôi đã trải qua những tháng ngày như vậy. Thầy sống theo hạnh đức Phật, chặt cây chuối mà ăn, lần tìm rau cỏ trong rừng mà sống, làm bạn với thú rừng rắn rết, thấm đẫm gió sương... chỉ chuyên tâm thiền định, cần dõng tinh tấn, quyết sống quyết chết "để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ". Thầy tôi thường hay bảo rằng: "Chỉ cần làm Đức Thế Tôn mỉm cười, dù thân Thầy có nổ tung vỡ thành triệu mảnh ngay tại chỗ thì Thầy cũng cam lòng, chẳng tiếc thân!" Quả thật, khi tôi bắt đầu nghiên cứu bộ Kinh Nguyên Thủy (Nikaya) ghi chép lại tất cả những lời Giảng từ Kim Khẩu của Đức Thế Tôn, thời ấy rõ ràng không có vị Tỳ Kheo nào có thể chứng đắc quả vị cao nhất mà không trải qua giai đoạn sống hạnh độc cư.

Cái hạnh thanh tịnh, luôn hướng thượng của Thầy tôi là vậy. Những ai biết đến Thầy đều không hề có chút nghi ngại. Còn về việc Thầy chứng đạt những gì, chứng đắc hay chưa, chứng ngộ tới đâu, phận chúng tôi làm đệ tử xin phép không dám nghĩ bàn. Chỉ biết rằng từ ngày có duyên trưởng ngộ Thầy, riêng tôi vẫn luôn suy tư và cảm thấy vô cùng may mắn. Nhờ Thầy mà tôi ngày càng vững tin, thật tin vào Giáo Pháp của Đức Như Lai, cũng như đặt trọn lòng tin vào khả năng dẫn dắt của Thầy cho đến ngày tôi sang được bờ Giác."

Vâng! Nói về Thầy thì không biết bao nhiêu bút mực để diễn tả cho hết được. Ở đây tôi xin lược kể về thần thức Thầy nhập thai, qua lời mẫu thân của Thầy kể lại, trong một vài ngày nghỉ phép ngắn ngủi mà tôi về thăm quê.

Thân mẫu của Thầy tên Võ Thị Mỹ (Sinh năm 1950), thân phụ là Nguyễn Ngọc Thành (Sinh 1941) hiện trú tại thôn Phú Văn, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Hai cụ thân sinh nhìn rất phúc hậu, đức độ lan tỏa khắp làng xóm, ai nghe cũng đều rất kính nể, hai cụ ở trong một ngôi nhà cổ kính nằm sâu trong chốn quê nghèo hẻo lánh, nơi ấy đã nuôi dưỡng Thầy khôn lớn trưởng thành, nhưng ngôi nhà ấy hiện tại do anh trưởng của Thầy tiếp quản, còn hai cụ thân sinh lại trú tại một quán nhỏ bên vệ con đường làng. Tuy tuổi đã cao nhưng ông, bà vẫn rất cực khổ, thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tầng để kiếm bát cơm, tuy cực mà vui, đêm về cả hai cùng tọa thiền, tụng kinh tu tập, cuộc sống cứ thế mà đi qua...

Khi chưa lập gia đình, thân mẫu của Thầy không muốn có chồng, chí cầu xuất gia tu đạo, nhưng mẹ cô nhất quyết không cho còn đánh đập và đe dọa nếu đi tu thì bà sẽ giết chết, nên cô đành phải ngậm ngùi rơi lệ mà cất bước sang ngang. Tuy đã lấy chồng nhưng tâm từ bi vẫn không thay đổi, bà không dám giết dù chỉ một chúng sanh nhỏ. Có lần cuộc sống gia đình bức bách bà thầm than khóc với Trời Phật và muốn chết đi cho xong, thì tối đến Bồ Tát Quán Thế Âm ứng mộng nói rằng: " Nếu con không muốn sống, ta sẽ dẫn con đi dạo chốn địa ngục ba ngày, sau đó con hãy quyết định, ta sẽ thuận theo ý con mà tiếp dẫn!" (Khi ấy Thầy tôi chưa ra đời). Và rồi đúng như lời Bồ Tát nói qua ngày hôm sau, bà tự nhiên tắt thở chết tươi, khi thần thức thoát xác bà nhìn thấy có nhiều ánh sáng khác nhau tỏa chiếu đến mình (Giai đoạn thân trung ấm, như lời Phật thuyết, mỗi ánh sáng là một cõi giới khác nhau), trông thấy những ánh sáng kỳ lạ ấy xuất hiện bà rất đỗi kinh ngạc, lúc ấy Bồ Tát xuất hiện và bảo: "Con hãy đi theo ta...!" Bà đi theo ánh hào quang phổ chiếu của Bồ Tát Quán Thế Âm, đến một cây cầu nhỏ rất dài hai đầu cầu có hai con chó rất lớn, hai cái răng nanh chỉa ra ngoài bén nhọn như dao, mắt đỏ rực như máu canh dữ, phía dưới cầu là vực sâu không đáy, toàn là lửa rừng rực cháy, thiêu đốt muôn loài dã thú cùng với quỷ la sát đuổi giết người ăn thịt...tiếng la hét kinh hồn khiếp đảm của mọi người vang lên, ôi thật là kinh hãi; nhưng bà đã đi qua một cách an toàn. Đoạn bà đến thế giới trú xứ đầu tiên đó là những người Thiên Chúa Giáo (Thân phụ sinh ra bà vốn là một vị Cha nhà thờ, nên vừa mới sinh ra bà đã được làm lễ rửa tội...), nhìn thấy những cảnh sinh hoạt của họ mà ruột gan bà quặn thắt từng cơn, lúc ấy bà gặp được những người thân, nghe họ tâm sự về cuộc sống ở chốn này mà nỗi lòng bi thiết không thể nào ngăn được những dòng lệ chảy... Rồi bà đi theo hào quang chiếu dịu vô biên màu sắc của Bồ Tát tham quan 18 tầng địa ngục lớn, mỗi địa ngục đều có những khí cụ hành hình và cực hình cũng khác nhau, tội khí như chỉa, gậy; chim ưng, rắn, sói, chó; giã, mài, cưa, đục, chém, chặt, chảo dầu sôi; lưới sắt, dây sắt; lừa sắt, ngựa sắt; miếng da sống quấn trên đầu; sắt nóng tạt vào thân; đói nuốt viên sắt nóng; khát uống nước sắt sôi...

Hoặc có địa ngục quỷ la sát kéo lưỡi người tội ra cho trâu cày trên đó, hoặc có địa ngục tội nhân bị moi tim ra cho quỷ Dạ Xoa ăn, hoặc có địa ngục lửa cháy ngút trời đốt thiêu người tội, hoặc có địa ngục băng giá vô cùng khiến thân người tội cô đặt lại và bùng vỡ ra, hoặc có địa ngục toàn là phân tiểu dòi tửa với mỏ sắc cắn rúc người tội, hoặc có địa ngục toàn là lửa dữ trong ấy lại có chó sắt chạy đuổi cắn thân thể người tội bấy nhừ, hoặc có địa ngục mưa gai chong sắt xuyên qua thân thể tội nhân… bà nói mỗi khi nghĩ đến mà tay chân rụng rời, lông tóc dựng ngược, thất đảm hồn kinh, thật ghê sợ lắm, không từ diễn tả hết bằng lời được (Bà kể rất rõ ràng, tôi xin phép khái lược qua).

Địa ngục lớn thời có mười tám chỗ, địa ngục nhỏ thì có đến cả trăm ngàn, mỗi ngục đều có cách trị tội riêng, thật không lường sự thống khổ.

 Lúc ấy có lẽ nương sức oai thần của Bồ Tát Quan Âm mà bà được thấy những cảnh đau khổ cùng cực, nước mắt tuôn như mưa, ruột gan quặn thắt… mà không bị vỡ tim chết tại chỗ.

Khi dạo quanh các tầng địa ngục xong, Bồ Tát Quán Âm nhìn bà với ánh mắt từ bi vô hạn, như người mẹ hiền nhìn con âu yếm, Bồ Tát bảo: “Chúng sanh đau khổ vô biên, trôi lăn mãi mãi, thọ khổ vô cùng trong chốn địa ngục, đều do ác nghiệp đã tạo từ những kiếp trước, nghiệp đã tạo thì phải nhận lãnh như bóng với hình không thể sai được. Chúng sanh đang đau khổ, trời người đang thương tổn, con còn có nhiệm vụ chưa làm xong, nếu con khởi bi tâm thương xót chúng sanh thì ta sẽ đưa con quay về!”

Lúc ấy bà chấp tay kính cẩn thưa với Bồ Tát mà nước mắt đầm đìa: “Dạ, con xin nghe theo sự chỉ dạy của mẹ - Quán Thế Âm Bồ Tát!”

Vừa nói xong thì bà giật mình tỉnh lại, thấy mọi người xung quanh khóc lóc vật vã, mọi người nhìn thấy bà tỉnh lại cũng rất đỗi ngạc nhiên, nhiều người giật mình sửng sốt… Cũng may là mọi người không chôn cất bà vì cơ thể và trái tim vẫn ấm, chứ nếu không chắc tỉnh lại nằm sâu dưới ba tất đất rồi!

  ===============ಥಥಥ=============

Phần II: 

                 Liên Hoa Nhập Thai

                 Bồ Tát Ứng Mộng

Sau khi du hý chốn địa ngục môn trở về, cuộc sống của bà vẫn âm thầm tiếp diễn, cho đến một đêm nọ…

Đêm ấy bầu trời rất đẹp, cảnh vật chan hòa dưới ánh trăng, ánh trăng sáng lạ lùng như in mình vào muôn ngàn cỏ cây hoa lá, với hương gió mát dịu mang theo hương đồng cỏ nội…khiến cho lòng bà an tĩnh lạ thường. Bà nói, bà không thể nào quên được đêm trăng hôm ấy, vì thường bà rất ít ngắm trăng, chẳng biết sao đêm ấy lại lãng mạn dị thường. Sau khi ngắm trăng và hít thở thật sau không khí yên bình mát dịu, bà vào giường nằm để chợp mắt sau một ngày dài mệt mỏi.

Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, bà thấy Bồ Tát Quán Âm ngự trên mây ngũ sắc, bay đến đứng bên cạnh bà. Bồ Tát đứng nhìn bà với ánh mắt đại bi vô hạn, ánh mắt của Bồ Tát như chứa đựng cả một đại dương tình thương không giới hạn, cho đến bây giờ bà vẫn không quên ánh mắt ấy. Bồ Tát nhìn bà trìu mến độ vài chục giây, rồi Ngài mỉm cười, nụ cười hứa khả thiền vị thật tinh khôi, toát lên hương vị giải thoát tự tại… khó nói nên lời. Tay trái Bồ Tát cầm bình cam lồ, tay phải Ngài đưa ra, bàn tay duỗi xuống và xuất hiện một đóa hoa sen, đóa hoa đủ màu sắc, lại phóng ra hào quang lạ thường mà thế gian này không thể nhìn thấy. Sau đó đoá hoa sen này dần dần bay đến và nhập vào trong bụng của bà. Lúc ấy bà giật mình nhìn quanh thì không thấy Bồ Tát đâu cả. Chỉ còn một cảm giác hỷ lạc vô cùng, bà xoa bụng vài cái, thầm cảm ơn Bồ Tát và tiếp tục đi vào giấc ngủ lúc nửa đêm.

Sau đó bà mới biết là mình đã mang thai.

                       ============ಥಥಥ============

 Phần III: 

                    Thai Nhi Chi Phối

                    Điềm Lạ Phi Thường

Kể từ khi mang thai, trong người bà hoàn toàn thay đổi, mà chính bà cũng phải ngạc nhiên không biết tại sao. Thường khi gia đình ăn mặn, nhưng kể từ khi mang thai này thì bà chỉ thích ăn chay, lại không thích hoan lạc ân ái vợ chồng, cũng không ham đua đòi trang sức. Lại thích bố thí cho người nghèo, làm rất nhiều điều phước lành.

Có một điều mà bà rất đỗi kinh ngạc mà không làm chủ được, đó là lúc nào trong tâm cũng nhớ Đức Phật A Di Đà, miệng thường niệm Nam Mô A Di Đà Phật, nhiều khi bà cố gắng không niệm nhưng cũng không được, âm thanh niệm Phật Di Đà luôn luôn văng vẳng và xâm chiếm làm chủ tâm thức của bà.

Nói đến ông thân của Thầy, bấy giờ là người không tin sâu Tam Bảo nhưng cũng không phỉ báng, nhiều lần chính ông cũng phải cúi đầu xá lễ khi thấy điều mà vượt ngoài suy nghĩ, phán quyết theo khoa học của ông. Ông đã rất nhiều lần thấy bên cạnh bà có những luồng hào quang rực rỡ đi theo. Một đêm nọ, ông đang đi chơi từ nhà hàng xóm về, ông rất kinh hãi khi thấy ba luồng hào quang khổng lỗ đang ngự phía trên đầu vợ mình, ông kể nó to hơn con người mình và dài tới cả chục mét, một luồng sáng rực vàng chính giữa, trong luồng ánh sáng này thì có đủ vô lượng màu sắc nhỏ tia ra bốn phía; hai bên là hai luồng ánh sáng màu xanh xanh, pha lẫn nhiều màu sắc khác rực sáng, chiếu tỏa toàn thân của vợ mình, bất giác ông chấp tay cúi đầu đảnh lễ, với tâm kính cẩn vô biên.

Không phải một lần và rất nhiều lần ông thấy như vậy, hàng xóm có bà Bảy Lý bên cạnh cũng thường xuyên thấy những điều kỳ dị với ánh hào quang phi thường này, bà cũng như ông, mỗi lần thấy là cúi đầu chấp tay cung kính đảnh lễ.

Có một lần thai nhi bị trằn, bà có cảm giác rất đau và mệt mỏi, thì cũng đêm ấy bà thấy Bồ Tát Quan Âm xuất hiện đặt bàn tay phải lên bụng bà, thì ngay lập tức thai nhi được an ổn, bà cũng an ổn, nên với Bồ Tát Quán Thế Âm thì bà có lòng kính ngưỡng vô cùng cực.

                ==============ಥಥಥಥ=============

Phần IV: 

                   Tín Nữ Hạ Sanh

                   Duyên Lành Ứng Thế

 Thời gian cứ như vậy thấm thoát đi qua, thân mẫu của Thầy cũng đến lúc khai hoa nở nhụy. 

Hôm ấy là hôm ba mươi tết. Khi mọi người vô cùng tất bậc vì chuẩn bị đón tết theo truyền thống Việt Nam thì Thầy lại được sanh ra đời…

Thân mẫu Thầy kể lại: Hôm ấy bà đang chuẩn bị đồ để cúng giao thừa thì trong bụng bỗng nhiên nhói đau một cái, bà biết ngay là mình sắp sanh, nên bảo người nhà đi gọi bà mụ đỡ đẻ. (Cái thời ấy việc đi lại còn hạn chế và khó khăn, nên tôi chỉ được nghe kể lại là hay gọi người có kinh nghiệm đỡ đẻ lâu năm là bà mụ đến tận nhà.)

Bà mụ đỡ đẻ sau khi đến khám bụng và nói với bà rằng: “Mày chưa đẻ được đâu, còn lâu lắm, để tao qua nhà bà Ba Xia (bà già hàng xóm), ăn miếng trầu rồi tao về đỡ đẻ cho mày, mày yên tâm nằm đó nghỉ đi nghe!”

Nhưng sự tình không như bà mụ tiên đón, bà vừa đi thì thân mẫu Thầy đã hạ sanh, một điều kỳ lạ là khi vừa mới sanh ra Thầy không có khóc. Khi bà mụ đi ăn trầu vừa về đến nơi, mới bước vào cửa thì bà ngạc nhiên vô cùng hỏi: “Ủa Mỹ (tên thân mẫu của Thầy) mày sức nước hoa gì mà thơm dữ dị mạy?” Bởi khi thai nhi vừa hạ sanh thì có một mùi thơm rất lạ lùng thanh khiết xông khắp trong và ngoài nhà của Thầy, những người ở đấy ai cũng ngửi thấy cả.

Xong bà mụ bước đến buồng, nơi thân mẫu Thầy đang nằm bà nhìn hai mẹ con và nói: “Mày đẻ gì mà như ăn bánh dị mày? Tao vừa mới đi về mày đẻ xong rồi! Cái con này, trong suốt cuộc đời đỡ đẻ của tao, tao chưa thấy ai đẻ nhanh như mày, đẻ mà như ăn bánh chơi vậy!”

Nói đoạn bà ôm thai nhi lên và đánh vào mông vài cái, thì chỉ nghe một tiếng: “Ứ!” mà thôi. Bà mụ lại ngạc nhiên nói: “Cái thằng này lạ, ra đời mà không khóc, đánh nó thì nó “Ứ” mình, kinh khủng quá đi! Đáng yêu quá đi nè!”

Đây là nguồn duyên thù thắng khi Thầy nhập thai và hạ sanh! Còn cuộc sống khi thơ ấu thế nào? Nhân duyên xuất gia ra sao? Đời Tăng lữ du ẩn tu hành và tạo duyên giáo hóa chúng sanh thế nào? Lần lượt con (Hồng Tuyến) sẽ kết tập lại, để chúng ta cùng nhau quyết nghi và hiểu rõ hơn về vị Thầy hướng đạo của mình!





                


 


 


 


2 nhận xét:

  1. Hay quá ạ! Có phần tiếp theo chưa ạ?

    Trả lờiXóa
  2. Cha mẹ sinh mình ra nuôi mình khôn lớn mà người thương nhất không phải là cha mẹ mình. Phật Chúa hay bất kỳ một vị nào mà tín đồ đang thờ phụng, tôn sùng cũng là đức tin, chưa ai thấy tận mặt, còn cha mẹ có ơn dưỡng dục với ta thì thấy rõ bằng mắt, bằng xương bằng thịt.

    Trả lờiXóa