Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Lời Vàng Thầy Dạy:

 Kinh nghiệm tu tập:
ಥ- Đoạn Sanh Tử- Chứng Thánh Định Rất Dễ Dàng -

 Một buổi sáng tiết trời trong xanh mang cái se se lạnh, đó là cái lạnh rất thơ mộng của bầu trời Đà Lạt. Mặt trời đã lên cao độ mấy cây sào mà sương mù vẫn còn bao phủ quanh đồi núi, những tia nắng xuyên qua màn sương ấy hóa mình trên những giọt sương còn đọng trên từng phiến lá cây như những hạt pha lê phản sắc dưới cầu vòng trông như một bức tranh tiên cảnh vậy. Lúc ấy Sư Phụ Long Viễn cũng đang chống gậy bước đi trong hơi sương ngọt phảng phất hòa tan với nắng mai tỏa chiếu xuyên mây hồng, phải chăng đang ban rải nguồn sống vô tận vào cỏ cây núi đồi? Ngài đến từng thất mà quý Sư Cô và Phật Tử đang nhập để đả thất (Phá vỡ lưới nghi về Pháp với phương pháp và kinh nghiệm thực tế, để thân, khẩu, ý người nhập thất không sơ sót, mà an trụ vào trong chánh niệm, chứng Thánh Định), cùng với chú Thị Giả. Khi đã phá nghi và sách tấn một số thất xong, Sư Phụ đến thất Cô Diệu Nhân. Sau khi đảnh lễ Sư Phụ, Cô quỳ lên chấp tay trình kiến giải công phu tu tập trong mấy ngày qua, trình bày đã xong  rồi Cô mới thưa hỏi:
-" Kính bạch Thầy! Tuổi con đã già rồi, không biết thần chết đến gõ cửa lúc nào, xin Thầy từ bi hoan hỷ chỉ dạy tại sao người tu bây giờ ít ai thành tựu? Và Pháp nào dễ tu mà cũng dễ chứng nhất, để con có thể áp dụng hiệu quả trên thân tâm mình, để ngay đây con có thể thành tựu diệu Pháp, cắt đứt dòng sanh tử mà thẳng nhập Bồ Đề ạ?"
Sư Phụ nhìn Cô với ánh mắt từ bi như biển cả , rồi Sư Phụ trả lời:
-" Câu hỏi của con rất hay, đây cũng là mối bận tâm lớn nhất của chúng sanh học Phật, không luận là xuất gia hay tại gia. Và Thầy rất cần những câu hỏi như thế, vì sao? Nếu không phải là bậc chân tu thì làm sao có thể tha thiết chứng ngộ diệu Pháp? Con người thời nay đa phần thích huyễn danh, chạy theo Ngũ dục(*) bị tham, sân, si, phiền não thiêu đốt mà ít ai tỉnh ngộ. Một số nghiên cứu giáo lý lập ra đường lối mới... mới nghe qua thật là cao siêu, chắc là tu chứng quả vị cao lắm, nhưng xem lại thì căn bản Phật Giáo cũng không nắm được, độ mình còn chưa được nói chi độ người? Đây là bọn đệ tử Thiên Ma Ba Tuần đội lốp phá Phật giáo. Một số khác lại đắm chìm trong giáo nghĩa, rơi vào lý chướng được một chút cho ta là hơn, hay đi thử người khác, cống cao ngã mạn vô cùng, những hạng người này chắc chắn sẽ đi vào Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh...Cho nên khi con nghe bất kỳ lời dạy nào của ai, dù họ nói họ là Phật, là Bồ Tát, là A La Hán, họ nhận lãnh những lời dạy này từ cổ Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh... cũng chớ vội tin, mà hãy đối chiếu lại Kinh, đối chiếu lại Luật, xem trong Kinh và trong Luật, Đức Phật đã từng nói chưa, nếu Đức Phật chưa từng nói thì con dứt quyết không được tin và làm theo, đây là một trong bốn Đại Pháp mà khi sắp nhập Niết Bàn, Như Lai đã tuyên thuyết trong Kinh A Hàm. Thời đại này Pháp suy thì Quỷ lộng, Pháp nhược thì Ma cường, tà sư thuyết Pháp nhiều hơn cát ở sông Hằng, nên nếu con không có Phước Báo và Công Đức thì không thể nào gặp được bậc Chân Sư. Một khi Pháp tà tiêm nhiễm vào tâm thì nó sẽ phá hoại thiện Pháp và căn lành của con, nguy hiểm lắm con, cẩn thận con nha!"
Nghỉ một lúc rồi Sư Phụ nói tiếp:
- " Một điều nữa con cần lưu ý là nguyên nhân vì sao người tu thì rất nhiều mà người chứng quả thì lại rất ít ? Bởi vì kiến chấp lập thuyết không từ bỏ được, ví như bây giờ con tu Pháp gì, phải chuyên sâu quán kỹ thực hành Pháp đó, không được cho Pháp khác xen lẫn và an trú trong tâm con. Một số người nghe Pháp môn Niệm Phật thù thắng liền tu theo, rồi lại nghe Mật tông rất vi diệu cũng tu theo, rồi tiếp nghe Thiền tông rất lợi ích cũng tu theo... Cuối cùng là tu cái gì? Cho nên người xưa thường nói: "Chuyên nhất tất đạt đến linh ứng, phân chia thì bế tắc!" Cũng như hai chân con đứng trên hai chiếc thuyền vì không muốn buông bỏ chiếc nào, làm sao thuyền chạy được đây? Mà nếu có chạy chắc chắn con sẽ rơi ngay xuống nước, tha hồ mà uống nước cho đã đến chết luôn. Con có muốn mình như vậy không?".
 Lúc bấy giờ Sư Phụ nhìn Cô Diệu Nhân mà mỉm cười như đã nhìn thấu được câu trả lời trong tâm Cô, rồi tiếp tục dạy rằng:
- " Điểm thứ ba con phải lưu tâm kỹ là: Mình phải biết mình là ai, căn cơ mình đến đâu. Thường người ta hay thích cái gì thật là cao siêu, cứ mơ tưởng và nghiên cứu cái cao siêu mà quên thực tế, quên căn bản. Con thấy một đứa trẻ trước khi biết chạy và thành người lớn thì nó phải tập bò, tập đứng và tập đi từng bước một. Cũng vậy ngày xưa khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã đào tạo đệ tử qua Bảy giai đoạn tu chứng, còn bây giờ thì sao? Ai muốn tu pháp gì thì tu, đôi khi trong thức ăn ngon có lẫn thuốc độc mà họ không biết, họ không biết được căn cơ của mình, do không gặp được một vị Thầy sáng. Rồi lại nghe lời bọn Tà Sư nói tà pháp rằng: "Trong thời Mạt Pháp không người tu chứng!" Pháp vẫn còn nguyên đó, tại sao lại nói Mạt? Mạt là do tâm anh mạt, anh không chịu tu thì lấy gì chứng? Đã tu tất phải chứng, cũng như đã ăn cơm thì nhất định phải no, ăn hoài mà không no thật không có lý đó. Cho nên Đức Phật từng nói: "Giáo Pháp của Ta chân thật và hiện tại, không có thời gian đến để mà thấy!" và trong Kinh Niệm Xứ của hệ A Hàm, Ngài cũng từng nói: "Sáng tu là chiều có ngay kết quả!" Nhưng để tu có kết quả thì nhất định phải biết Pháp và Tùy Pháp Hành. Điều này Thầy dạy và con đã nắm bắt kỹ lắm rồi, Thầy không cần nói nữa.
 - Đối với bản thân con hiện tại, hãy buông bỏ những cái mà con đã học xuống như nào là Tánh Không Bát Nhã, Duyên khởi Hoa Nghiêm...Giáo lý này rất hay đó, rất cao siêu đó, hãy để nó sang một bên đi con, quán chiếu sâu vào Ngũ Uẩn (**)  cho Thầy, nói đơn giản hơn là chiếu kiến thân tâm này ngay đây cho Thầy. Chiếu kiến thế nào? Hãy đặt niệm thân và tâm trước mặt rồi quán chiếu, tư duy, nghiền ngẫm, dùng tất cả những triết lý Phật pháp liên quan về nó mà mổ sẻ nó ra, xem nó là cái gì? Nó có phải là con? Là của con? Hay tự ngã của con không? Nếu nó là con vậy thì con làm được gì với nó? Con bảo nó nghe con không? Con bảo nó không được già, không được bệnh, không được chết... nó đâu có nghe! Nó đi theo tiến trình sanh diệt của nó, bây giờ con thấy nó thật xinh đẹp, thơm tho, đáng yêu? Không, hãy thử một tuần không tắm xem sao? Thân này của con nó thay đổi luôn luôn, mới ngày nào con còn nhỏ, bây giờ đã thế này rồi. Thoáng một cái già chết đến nơi; khi chết thì sao? Chừng vài ngày nó sình lên thối rữa ra, dòi tửa bò lúc nhúc trông thật là kinh khủng, hồi đó cái gì là con? Là của con? Hay tự ngã của con? Dù người mà trước kia họ nói yêu con nhất trần gian cùng con xây dựng hạnh phúc trăm năm, thử hỏi bây giờ họ dám ôm con vào lòng vuốt ve hôn hít và ái ân nữa không? Hay họ kinh tởm, ói mửa ra mật, bịt mũi, co giò bỏ chạy mất dép? Vậy bây giờ đây cái tâm bám chặt vào cái thân, cho thân và tâm là một thể, ai la chửi thân thì tâm sân si, ai khen ngợi thân thì tâm vui mừng, thân lạnh thì tâm phải tìm cách cho nó ấm, thân đói thì tâm phải lo tìm cái ăn... tâm làm tất cả chỉ vì thân này! Nhưng khi cái chết đến thì thân đi theo sự phân hủy, hủy diệt, tan rã của thân; còn tâm lại rơi vào chốn Địa Ngục, hay Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Than ôi, thật lạnh lùng và bất hạnh! Thân mình như thế nào thì người cũng như thế, đâu có khác gì!  Cho nên cả thân và tâm bản chất của nó là Vô Thường, mà cái gì Vô Thường thì sẽ chịu sự tan rã, biến hoại và đoạn diệt. Để đoạn lìa sự bám chấp vào thân và tâm này thì con nên dùng câu này làm Pháp hướng nhắc nhở mình liên tục kết hợp quán chiếu thật sâu, chánh tư niệm về nó: "Thân này là vô thường, là khổ, là bệnh hoạn, ung nhọt, là kẻ lạ hủy hoại, là điều bất hạnh, là kẻ địch, là móc câu, là rỗng không, vô ngã!" Hãy trạch pháp và Như Lý Tác Ý về nó như vậy! Khi ấy tâm con dần xa lìa sự bám chấp vào thân, khi đã nhàm chán nó thì tâm ly tham, do ly tham con được giải thoát. Nếu con an trú vững chắc ở đây thì con có thể đoạn tận các lậu hoặc (Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) rất dễ dàng. Nếu con không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham Pháp, hỷ Pháp của mình, thời do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử (Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân), nếu cái chết vô thường đến con sẽ hóa sanh, nhập Niết Bàn ở đấy, không trở lui đời này nữa. Đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, sự lậu tận, ái diệt, minh sanh, trí tuệ sanh. Mà khi các lậu hoặc đã tận thì Thiền gì mà con không chứng? Tam muội nào mà con không thành? Thần thông nào mà không đạt? Trí tuệ nào mà không sanh? Sự chứng ngộ và đắc Tam Muội không khó, cái khó là con có thật sự muốn không, nếu muốn thì hãy lập tức lên đường với chí trượng phu lực, trượng phu tinh tấn và trượng phu cần dõng ngay! Sư Tử Vương Tam Muội đang đợi con, Kim Cang Đại Định đang chờ con, tất cả chúng sanh đang trông ngóng ở con đó! "
-" Dạ, vâng! Kính bạch Sư Phụ, con vô cùng cảm niệm ân đức của Thầy! Con sẽ cố gắng tinh tấn giải quyết sanh tử đời này cho xong, không phụ lòng thầy đã truyền trao Pháp và kinh nghiệm tu tập ạ!"  -Cô Diệu Nhân thưa lời trong sự xúc động vô cùng.
Những lời Sư Phụ dạy Cô rất chăm chú, tập trung tâm lực lắng nghe, với anh mắt cương nghị thể hiện sự quyết tâm sắt đá, đạt cho bằng được cứu cánh Phạm Hạnh. Sau kỳ nhập thất này Cô dường như đã thay đổi hẳn tri kiến của mình, sự chứng ngộ thiền định của Cô sâu hay cạn? Cô không nói, Sư Phụ cũng không nói, nhưng tất cả mọi người đều biết qua từng oai nghi tế hạnh của Cô, qua cách đối duyên xúc cảnh của Cô, tất cả Phật tử có duyên đã từng tiếp xúc với Cô ai nấy đều thầm kính phục và ngưỡng mộ Cô lắm.

Đệ tử Hồng Tuyến hữu duyên kính chép lại đoạn Pháp thoại đả thất này của Sư Phụ cho Cô Diệu Nhân! Nguyện cầu cho Chánh Pháp được tuyên lưu khắp chốn, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh! )




Ghi Chú:

       (*) Ngũ dục:
* Ngũ dục là 5 sự ham muốn, là năm thứ dục lạc của trần cảnh nên cũng gọi là Ngũ Trần.
1. Sắc dục : Ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt.
2. Thinh dục : Ham muốn tiếng hay, dịu ngọt….
3. Hương dục : Ham muốn mùi thơm ngạt ngào….
4. Vị dục : Ham muốn đồ ăn thức uống ngon ngọt…
5. Xúc dục : Ham muốn sự đụng chạm mềm dịu….
** Ngũ dục còn có 5 thứ sau :
1. Tài dục : Ham muốn của cải, vàng ngọc.
2. Sắc dục : Tham sắc đẹp, tướng tốt.
3. Danh dục : Tham muốn địa vị cao sang, tiếng tốt.
4. Thực dục : Tham muốn thức ăn ngon nhiều.
5. Thùy dục : Tham muốn ngủ nghỉ nhiều.
Ngũ dục cũng kêu là Ngũ độc tiển ( năm mũi tên độc hại), ngũ dục là 5 món dục của chúng sanh, từ súc sanh đến nhơn loài thần tiên, nếu mình không điều phục ngũ căn( Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) để cho sa đắm ngũ dục thì thất lạc thiện căn, sa vào nẽo ác lụy. Tham đắm ngũ dục tức cuộc đời bị trói buộc bởi năm thứ độc hại ham muốn.
(**) Ngũ uẩn: 
 1)- Sắc uẩn (Rùpa-khandha), Đức Phật định nghĩa về Sắc uẩn như sau:
      « Này các Tỳ kheo, phàm Sắc gì thuộc quá khứvị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Sắc uẩn« (Kinh Đại Kinh Mãn NguyệtTrung Bộ kinh III). Như vậy yếu tố vật chất là thân thể hay ngoài thân thể, lớn hay nhỏ,  thuộc vật chất hay năng lượng, xa hay gần, thuộc thời gian hay không gian... đều bao hàm trong Sắc uẩn cả.

2)- Thọ uẩn (Vedanà-khandha), Đức Phật định nghĩa về Thọ uẩn như sau:
«Này các thầy Tỳ kheo, phàm cảm Thọ gì quá khứvị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Thọ uẩn« (Kinh Đại Kinh Mãn NguyệtTrung Bộ kinh III ). Như vậy, những loại cảm giác, tri giác, cảm nhận,... về thời giankhông giancảm giác sâu sắc bên trong tâm như thiền định chẳng hạn, hay cảm giác bên ngoài qua các giác quancảm giác cường độ mạnh hay yếu, xa hay gần... đều nằm trong Thọ uẩn.
3)- Tưởng uẩn (Sãnnã-khandha): Đức Phật định nghĩa Tưởng uẩn như sau:
     «Này các Tỳ kheo, phàm tri giác gì thuộc quá khứvị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Tưởng uẩn« (Kinh Đại Kinh Mãn NguyệtTrung Bộ kinh III ). Như vậy, những tri giác về các đối tượng bên ngoài, bên trong, thuộc thời giankhông gianđơn giản hay phức tạp đều gồm trong Tưởng uẩn cả.
4)- Hành uẩn (Sankhàra-khandha): Đức Phật định nghĩa Hành uẩn như sau:
    «Này các Tỳ kheo, phàm Hành gì thuộc quá khứhiện tại hay vị lai, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Hành uẩn« (Kinh Đại Kinh Mãn NguyệtTrung Bộ kinh III )
-Hành còn gọi là Tư, Đức Phật dạy Hành có sáu Tư:
   «Này các Tỳ kheo, thế nào là Hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thinh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư. Đây gọi là Hành« (Tương Ưng Bộ kinh III)
Tư là động lực quyết định, là ý chíý muốnTâm sở này tạo động lực dẫn dắt tâm ý theo xu hướng thiện, bất thiện.Vậy Hành uẩn bao gồm mọi hiện tượng về tâm thức .
5)- Thức uẩn (Vinnãna-khandha): 
   Thức là có khả năng nhận biết, phân biệt đối tượng, khi tiếp xúc với trần cánh (Phản ánh thế giới hiện thực).
    Thức uẩn là một hợp thể của bốn uẩn kia, nên Đức Phật dạy: «Thức tồn tại nhờ Sắc làm điều kiện, làm đối tượng, sắc làm nơi nương tựa... Thức phát triển hưng thịnh nhờ sắc. Thức tồn tại nhờ Thọ... nhờ Tưởng... nhờ Hành... (như trên). Nếu có ai nói tôi sẽ chỉ ra sự đi, sự đến, sự sinh, sự diệt của Thức biệt lập với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành thì người ấy đã nói một điều không thực« (Kinh Tương Ưng III).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét