Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Lời Vàng Thầy Dạy :

  Kinh Nghiệm Tu Tập:

-ಢ- MỘT PHÁP TỐI THẮNG NHẤT -
(Một Pháp thù thắng nhất có thể đoạn tất cả lậu hoặc, tự tại chứng nhập Thánh Định, làm chủ sanh, già, bệnh, chết; chấm dứt luân hồi, tái sanh mà không có Pháp thứ hai)

Trong một buổi Pháp thoại sách tấn đệ tử tu học ở Chùa Phật Đảnh Bảo Vương, Sư Phụ Long Viễn dạy:
..." Do đâu các lậu hoặc (Tham, sân, si) chưa sanh không sanh khởi nữa? Các lậu hoặc đã sanh dễ dàng được đoạn tận? Do đâu mà các lậu hoặc chưa sanh ngày càng tăng trưởng cường liệt và các lậu hoặc đã sanh không thể trừ diệt được?
  Do các con không biết khéo léo điều phục tâm, nhiếp phục tâm và đánh bại tâm. Vậy làm sao để có thể làm chủ tâm thức một cách hoàn toàn mà đoạn tận tất cả lậu hoặc, dục và ác pháp? Nếu các con biết cách cách tu thì dụng công ít mà thành công thì  dễ, còn không biết cách tu thì dù các con có tinh tấn hành trì thế nào cũng khó mà đắc định được. Muốn không còn ưu, bi, khổ não mà mãi mãi an trú trong phúc lạc ư? Muốn là có thể được ngay thôi! Muốn chứng Niệm Phật Tam Muội ư? Muốn là chứng ngay thôi! Muốn nhập Tứ Thánh Định làm chủ sự sống chết ư? Muốn là có thể tự tại ra vào Thánh Định ngay thôi! Muốn vào Niết Bàn ư? Muốn vào là vào ngay thôi! Không đợi thời gian, đã tu là phải thành tựu, không khó khăn tí nào.
 Chỉ cần các con biết và hành trì đúng một Pháp, chỉ một Pháp này thì các con muốn chứng cái gì thì có thể dễ dàng chứng đắc, muốn đoạn cái gì thì đoạn một cách dễ dàng không cực nhọc. Vậy một Pháp đó là gì? Đó là Như Lý Tác Ý .
  Thời Đức Phật còn tại thế, có người đến hỏi thế này : " Thế nào là một Pháp thù thắng nhất?" Tôn giả Xá Lợi Phất - bậc Tướng Quân Chánh Pháp trả lời: " Như Lý Tác Ý". Thế thì một Pháp là vua của các Pháp, tối thắng nhất, hy hữu nhất, diệu dụng nhất, bất khả tư nghì nhất, ... mà không có Pháp thứ hai đó là Như Lý Tác Ý. Chính vì thế mà trong Kinh Sabbàsava Sutta (Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc), Đức Phật dạy: "Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt." 
 Vậy Như Lý Tác Ý là thế nào? Có nghĩa là tác ý đúng như chân lý, tác ý về chân lý khi đối duyên xúc cảnh  để tâm chúng ta bất động (như) trước các dục và ác pháp. Tác ý về chân lý nào? Chân lý mà Đức Phật đã từng dạy, như là : Vô thường, Khổ, Không, Vô Ngã ...
 Thầy ví dụ như khi ra đường con thấy một cô gái đẹp như tiên: Sao mà mắt cô ta long lanh như hai viên ngọc, trông đôi môi đỏ chín mọng như một quả táo thơm, kia là khuôn mặt và làn da trắng như bông tuyết, thật là hấp dẫn kích thích lòng dục... Con thấy đẹp như thế là do con Bất Chánh Tác Ý (Tác ý không đúng như lý), tức là con đã tác ý về tịnh tướng (tướng đẹp trong thanh tịnh) của cô ta. Vậy giờ con Như Lý Tác Ý xem: Ồ côta  đẹp đấy nhưng một mai kia cô sẽ già đi một cách xấu xí, cô sẽ chết đi vài ngày là nó sình lên, da thịt nứt nẻ và thối rữa ra, những chất nước vàng vàng đỏ đỏ rỉ chảy ra từ thân cô ta, rồi ruồi nhặng bu lại, hôi thúi vô cùng, khi ấy cô ta sẽ thế nào? Còn đẹp không? Còn hấp dẫn không? Còn kích thích lòng dục không? Môi còn chín mọng như quả táo chăng? Mắt dòi tửa bò lúc nhúc còn đẹp như ngọc chăng? Da bầm tím xanh nứt nẻ rỉ chảy máu mủ hôi tanh còn trắng như tuyết không? Hay con có thể tác ý về chín lỗ bất tịnh trên cơ thể cô ta: Hai con mắt thời có cức ghèn, hai lỗ tai thời có cức ráy, hai lỗ mũi thời có nước và cức mũi, ô! Vậy trong đầu cô ta toàn là cức không? Còn trong miệng thì đàm dãi, hai lỗ ở dưới thì luôn rỉ chảy những chất bất tịnh tanh dơ hôi thúi, trong bụng thời toàn phân và nước tiểu, nếu tất cả những gì trong người cô ta tuôn hết ra ngoài thì chắc chắn người ta sẽ cầm gậy đuổi xô như chó, quạ, có gì mà phải đam mê, say đắm? Khi con đúng với lý Vô thường, bất tịnh mà tác ý ra như vậy thì tâm con sẽ không còn mê luyến nữ sắc nữa, tâm con sẽ dần nhàm chán hướng đến  an tịnh ... 
Sau khi con tác ý đúng như lý về dục và ác pháp, trong lúc đối duyên xúc cảnh với bên ngoài và cả trong định như thế; thì tham, sân, si, sầu, bi, ưu, khổ, não sẽ không chi phối tâm con. Lúc ấy con tác ý nhắc tâm đi vào đề mục thiền quán con muốn, thí dụ con tác ý:" Tâm định vào hơi thở, không được phóng dật theo ra các Pháp nữa!" . Tâm con lập tức biết hơi thở và định vào hơi thở ngay, hoặc con tác ý : " Tâm định vào hơi thở, niệm Phật đi!". Ngay lập tức câu danh hiệu của Đức Phật sẽ định ngay vào hơi thở, vậy là con có thể đạt được nhất tâm ngay. Nhưng con phải lưu ý là dục và ác pháp kia chưa đoạn hẳn đâu, nếu con không quán chiếu sâu hơn vào. Một khi dục và ác pháp con xả ly một cách hoàn toàn rồi thì Tứ Thần Túc xuất hiện, con muốn nhập định gì chỉ cần tác ý là ngay lập tức nhập ngay vào định đó, sự chứng định và Thần Túc dễ quá phải không? Cho nên Thầy nói chỉ cần các con làm đúng lời Phật dạy, theo sự hướng dẫn của Thầy thì việc đoạn phiền não, chứng Niết Bàn một đời nhất định phải xong, mà cần gì một đời? Đã tu là có kết quả ngay liền không đợi thời gian đâu con...
 Thầy nói thêm về pháp quán bất tịnh ở trên, các con có thể tham cứu trong Kinh Niệm Xứ, Đức Phật đã dạy về các giai đoạn thiền quán rất rõ, nếu con quán chiếu sâu hơn vào thì tâm con sẽ đoạn tất cả lậu hoặc một cách dễ dàng mà chứng Vô Lậu Bất Động Tâm, Thầy tóm gọn ý như sau:
1. Tưởng thân mới chết.
2. Tưởng thây chết đổi sắc bầm xanh tím.
3. Tưởng thây chết sình lên dẫy đầy máu mủ và sắp rã.
4. Tưởng thây sình bấy nứt rã, nước hôi chảy ra.
5. Tưởng thây sình rã, dòi tửa bò lúc nhúc.
6. Tưởng thây sình thịt tiêu hết chỉ còn gân và xương.
7. Tưởng gân cũng tiêu hoại chỉ còn xương nằm ngổn ngang.
8. Tưởng thây rã chỉ còn những khúc xương thúi.
9. Tưởng nắng chan mưa gội, xương hóa thành khô trắng.
10. Tưởng qua năm tháng xương thối trở thành bột, hòa vào đất và tan biến vào hư không.
Thân này tính chất là như vậy, bản tính là như vậy, không vượt khỏi tính chất ấy " ...

( Bài Pháp thoại rất dài, Hồng Tuyến xin chép lại một phần nhỏ trong bài này, vì thiết nghĩ diệu pháp này sẽ rất hữu ích cho chúng sanh, nhất là những bậc chân tu trên đường tìm về Bảo Sở. Nguyện cho chánh Pháp rộng truyền khắp nhân thiên, lợi lạc khắp chúng sinh muôn loài!)








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét