Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Lời Vàng Thầy Dạy:

__ക__CHỨNG NGỘ CHÁNH ĐỊNH __ക__


Một hôm vào khoảng giữa trưa có một vị Thầy tuổi độ trên 30 đến thăm Sư Phụ Long Viễn, sau khi chào hỏi xong, Sư Phụ mời Thầy ngồi uống trà trong giây lát rồi vị Thầy kia bạch hỏi:
- "Thưa Thầy! Làm sao để một hành giả có thể chứng ngộ Thiền định theo đúng Chánh kiến trong Phật giáo?"

Sư Phụ uống một ngụm trà, đưa mắt mắt nhìn vị Thầy khả kính kia rồi Ngài nhẹ nhàng đặt ly xuống, phải chăng Sư Phụ đã hiểu rõ lời hỏi chân thành với nhiệt huyết muốn tu chứng nhưng sợ Ma chướng trên đường tu của vị Thầy kia? Bởi vì nếu một khi hành giả bước vào ngưỡng cửa Thiền định chỉ cần dụng công tu lệch hướng trong một niệm thôi thì đất trời đã xa cách rồi. Đoạn Sư Phụ từ tốn trả lời:

- "Nếu muốn tu Thiền định thì trước hết phải thành tựu Thánh giới uẩn, thưa Thầy !"

Vị Thầy kia hỏi:
- "Thầy có thể nói rõ hơn một chút không?"
Sư Phụ trả lời:
- "Dạ, được! Nếu một hành giả thật sự muốn chứng ngộ Thánh định thì trước nhất phải thành tựu Giới uẩn, nghĩa là thành tựu hộ trì các căn (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác và chánh niệm tỉnh giác. Sau đó lựa chọn một trú xứ thanh vắng yên tịnh, triển khai đề mục Thiền quán, Chánh tư duy với Như lý tác ý về Vô thường, Khổ, Vô ngã...để đoạn trừ Năm triền cái (Dục tham, Sân, Hôn trầm thụy miên, Trạo cử hối quá, Nghi ngờ thiện pháp), thay đổi Năm triền cái này thành Năm chi của Thiền định đó là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm. Vị ấy sẽ chứng ngộ Thánh định rất dễ dàng."
-" Thưa Thầy! Thầy có thể nói rõ hơn về Năm chi Thiền định được không?"
Sư Phụ đáp:
- "Dạ, được! Tầm có nghĩa là hướng tâm đến đối tượng. Tứ có nghĩa là dán tâm trên đối tượng. Tâm không còn phóng dật chạy theo đối tượng khác, do đó hành giả có thể an trụ trong Chánh niệm với đề mục Thiền quán mà mình tu tập nên có thể đối trị Hôn trầm thụy miên, nhờ dán chặt tâm vào đối tượng Thiền quán nên Nghi ngờ phân vân không còn nữa. Thiền chi tiếp theo đó là Hỷ và Lạc, Hỷ nghĩa là tâm thoải mái, còn Lạc có nghĩa là thân thoải mái. Hỷ và Lạc do đâu mà có? Do Ly dục mà sanh, sự Hỷ và Lạc đó nó thấm nhuần và tẩm ướt toàn thân và toàn tâm của hành giả. Đây là Diệu lạc do Thiền định mang lại, với sự Hỷ và Lạc này không gì ở thế gian có thể so sánh được. Nhờ Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc nên lúc nào Hành giả cũng an trụ trong Chánh niệm hướng đến lậu tận (Đoạn tham, sân, si), đó cũng gọi là Nhất tâm vậy. Cho nên Thiền định của Đức Phật còn gọi là Hiện tại lạc trú là do nghĩa đó..."
***
Thời Pháp thoại còn rất dài, Hồng Tuyến xin lược chép một đoạn ngắn mở đầu vì thấy Diệu pháp này quá lợi ích cho những hành giả quyết tâm làm chủ vận mệnh của mình, phá rách lưới ma mà hoại giặc sanh tử... Sau cuộc Pháp thoại này vị Thầy khả kính kia đứng lên xin được đảnh lễ Sư Phụ nhưng Sư Phụ bảo "Thôi! Thầy quyết tâm tu hành, có chí tham cầu học hỏi như vậy tôi đã hoan hỷ lắm rồi, Thầy hãy cố gắng nổ lực tinh tấn để chứng ngộ Thánh định, hướng đến lậu tận thành tựu Chánh trí, giác ngộ, Niết bàn, đấy là cách cúng dường lên Tam Bảo tốt nhất!" Vị Thầy kia y giáo phụng hành. 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét