CHIẾU KIẾN NGŨ THỦ UẨN
VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ
(Phần I)
VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ
(Phần I)
ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ❁ೋ•ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ❁ೋ•
Khái quát về
CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN
Là một hành giả muốn
đoạn tất cả sầu bi khổ não, thành tựu quả vị giải thoát
(A La Hán), chứng ngộ Niết-bàn... Thật sự không
khó, cái khó là ở chỗ chúng ta có muốn chứng hay không, có quyết tâm thật sự
hay không thôi. Chỉ
cần chúng ta bước đi đúng đường thì nhất định sẽ tới đúng đích. Nhưng điều cốt
yếu là đi con đường nào nhanh chóng nhất, dễ dàng nhất, an toàn nhất, để về đến
đích tối thắng nhất. Cũng như muốn
nhổ sạch tất cả kiến mạn tùy miên, vượt qua hố thẳm tà kiến, giải trừ tất cả
báo chướng, tịnh hóa tất cả nghiệp chướng, thanh tịnh tất cả kiến chướng, chiến
thắng tất cả phiền não chướng, điều phục tất cả ma chướng, với chánh trí một
cách viên mãn nhất thì không gì hơn là phải chánh niệm và thiền quán về Năm thủ uẩn; với trí tuệ do chánh
tinh tấn phát sanh ta sẽ nhận biết được như thật về
sự Tập khởi, Vị ngọt, sự Nguy hiểm, sự Xuất ly của Năm thủ uẩn,
rồi từ sự
quán chiếu đó tâm mình sanh ra
cảm giác nhàm chán, do nhàm chán mình ly tham, do ly tham mình mới đạt được giải thoát.Trong sự giải thoát biết rằng ta đã giải
thoát, khi ấy ta sẽ hiện thân thọ chứng “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần
làm đã làm xong, sau đời hiện tại không còn một đời sống nào khác nữa!”Vậy sự giải thoát quá dễ phải không? Tại sao chúng ta
không chịu giải thoát? Nào
chúng ta hãy cùng nhau lên đường, tôi sẽ nguyện làm kẻ chỉ đường và cung cấp
lương thực cho các vị, hãy dấn thân và chúng ta sẽ đạt được những gì mình mong
muốn!
Trước nhất chúng ta
muốn quán chiếu về Ngũ uẩn thì cần phải biết Ngũ uẩn là gì? Tại sao có tên gọi
đó? Cũng như chúng ta muốn đánh giặc thì việc trước nhất là phải xác định được
chỗ trú ngụ của kẻ thù, sau đó mới dùng binh pháp phá trận của địch, nhất định
chúng ta sẽ bắt được tướng địch và chiến thắng một cách vẻ vang.
Ngũ uẩn tiếng
Sankrit là Pañca-skandha, Pàli làPañca-khandhaNgài Cưu-ma-la-thập dịch là Ngũ ấm, chữ Ấm
có nghĩa là ngăn che, tức là năm thứ này có thể ngăn che Giác tánh Nguyên minh,
làm cho Chân tánh không thể hiển lộ, không thể liễu đạt được thực tướng của vạn
pháp. Còn ngài Huyền Trang lại dịch thành Ngũ uẩn, chữ Uẩn có nghĩa là sự tụ
tập, tích tập, gom nhóm lại thành từng loại có tính chất giống nhau. Ngũ thủ
uẩn tức là Năm nhóm bị Ái kiết sử trói buộc, sanh ra Thủ chấp trước. Hay còn
gọi là Năm thọ ấm, tức là khi sáu căn, tiếp xúc với sáu trần sanh ra sáu Thức,
từ Thức sanh Thọ, có Thọ thì có chấp trước, nên chữ Thọ cũng đồng nghĩa với chữ
Thủ.
Ngũ thủ uẩn gồm có Sắc thủ uẩn, Thọ thủ uẩn, Tưởng thủ uẩn, Hành thủ uẩn và
Thức thủ uẩn.
Theo luận Câu- xá 1, tất cả phiền não gọi
chung là Thủ; Uẩn từ Thủ sinh hoặc Uẩn thuộc Thủ hoặc Uẩn sinh Thủ nên gọi Thủ
uẩn.
Lại theo Đại Thừa A-tì-đạt-ma Tạp Tập Luận 1 thì
dục tham có trong các Uẩn gọi là Thủ, vì hợp với Thủ, nên gọi là Thủ uẩn.
Hay trong Luận Đại Tì-bà-sa 75, nếu sắc hữu lậu
hữu thủ thì sắc ấy ở quá khứ, hiện tại và vị lai hoặc khởi dục hoặc khởi tham,
sân, si, bố (sợ) hoặc lại tùy theo đó mà khởi tâm sở Tùy phiền não gọi là Sắc
thủ uẩn. Phân biệt rộng ra thì Thọ, Tưởng, Hành, Thức… cũng lại như thế. Trong
bộ luận này cũng phân biệt khá rõ về Uẩn và Thủ uẩn, Luận cho rằng Uẩn thì
chung cả hữu lậu và vô lậu, còn Thủ uẩn thì chỉ có hữu lậu mà thôi.
Chúng ta cần lưu ý
nguyên chữ “Uẩn” là tích tụ, chứa nhóm, bản chất của nó không hữu lậu hay vô
lậu gì cả. Khi nói nó hữu lậu vì trong nó có Ái, do Ái kiết sử trói buộc, nên
trong Ái đã có Thủ, chính vì có Thủ nên có tham, sân, si, mạn, nghi…châm ngòi
cho sự tái sanh rơi rớt và luân hồi mãi mãi trong ba cõi. Còn khi gọi nó là vô
lậu vì nơi nó có trí tuệ soi chiếu làm minh đạt Pháp tánh. Trong Kinh Trung A
Hàm tập 4, Kinh Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc dạy rất rõ ràng:
“Thế nào là Uẩn tức là Thủ uẩn? Sắc hữu lậu, được chấp
thủ; Thọ, Tưởng, Hành, Thức hữu lậu, được chấp thủ, nói Uẩn tức là Thủ uẩn.
Thế nào nói Uẩn tức chẳng phải là Thủ uẩn? Sắc vô lậu,
không bị chấp thủ; Thọ, Tưởng, Hành, Thức vô lậu, không bị chấp thủ, nói Uẩn
chẳng phải là Thủ uẩn.”
Người ta thường gọi Ngũ uẩn là
Ngũ ấm thế gian hay Ngũ chủng thế gian. Do đâu có tên gọi này? Trong Ma-ha
Chỉ Quán 5, phần đầu Thiên Thai Trí Giả Đại Sư có tuệ phân biệt như sau:
“Mười pháp giới tuy gọi chung là ấm nhập giới, nhưng
trong mỗi pháp giới đó thật ra đều khác nhau, như ba đường ác (Tam đồ) là Ác ấm
giới nhập của hữu lậu, ba điều lành là Thiện ấm giới nhập của hữu lậu. Nhị thừa
là ấm giới nhập của vô lậu, Bồ-tát là ấm giới nhập của vừa hữu lậu vừa vô lậu,
Phật là ấm giới nhập của chẳng phải hữu lậu chẳng phải vô lậu. Vì ấm giới của
mười cõi, mỗi cõi tự khác nhau nên gọi là Ngũ ấm thế gian.”
Thuyết này Ngài Trí
Khải căn cứ vào Đại Trí Độ Luận mà lập ra.
Tuy nhiên trong Tam
tạng thánh điển Nguyên thủy, Ngũ thủ uẩn còn
một tên khác là Sanh y. Trong Kinh Tiểu Bộ 1, Đức Phật dạy:
“Do duyên Sanh y, khổ này được sanh khởi. Chính do đoạn
diệt tất cả Sanh y, khổ không có hiện hữu.”
Sanh y tức là ý niệm bám chấp vào sự hiện hữu của vật
chất (Nhà cửa, con cái, vợ chồng, tiền bạc...), của thân và tâm
này. Sự bám chấp đó
do tâm tham Ái phát sinh. Mà tâm tham Ái lấy gì làm gốc?
Ngũ thủ uẩn là câu trả lời! Cho nên sự tập khởi của Ái chính là sự tập khởi của
Sanh y, sự tập khởi của Sanh y tức là sự tập khởi của Ngũ uẩn, sự tập khởi của
Ngũ uẩn tức là sự tập khởi của sầu bi khổ ưu não, sự tập khởi của sầu bi khổ ưu
não tức là sự tập khởi của luân hồi. Vậy muốn đoạn dứt vòng luân hồi khổ não
thì phải từ bỏ, từ khước, buông xuống và đoạn tận Sanh y. Như trong Kinh
Tương Ưng Bộ I, Đức Phật dạy:
“ Sau khi biết Sanh
y
Là ràng buộc ở đời
Người biết vậy nên
học
Giải trừ mọi buộc
ràng.”
Cho nên ta muốn
buông xuống tất cả sầu ưu, đoạn tận tất cả phiền não, làm chủ bốn sự thật đau
khổ nhất của kiếp người là sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt luân hồi tái sanh,
thì phải từ bỏ Sanh y, tức là đoạn diệt khát Ái một cách hoàn toàn. Chính xác
như lời Phật dạy trong Kinh Tương Ưng Bộ
II:
“Những ai từ bỏ Ái,
những người ấy từ bỏ Sanh y. Những ai từ bỏ Sanh y, những người ấy từ bỏ đau
khổ. Những ai từ bỏ đau khổ, những người ấy đã được giải thoát khỏi sanh, già,
bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ đã giải thoát khỏi đau khổ”.
Lại trong hệ Nikàya thì Ngũ uẩn còn
có tên gọi khác là Trọng đởm (đởm là cái gánh), Trọng đởm tức là gánh nặng. Như
trong Kinh Tương Ưng BộIII, Đức Phật thuyếtnhư
sau:
“Năm uẩn là gánh
nặng,
Kẻ gánh nặng là
người.
Cầm lấy gánh nặng
lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn bỏ gánh nặng
xuống,
Tức là lạc không
khổ.
Gánh nặng bỏ xuống xong,
Gánh nặng bỏ xuống xong,
Không mang theo
gánh khác.
Nếu nhổ khát ái
lên,
Tận cùng đến gốc
rễ,
Không còn đói khát
ái,
Được giải thoát
tịnh lạc.”
Trong đoạn Kinh trên, Đức Phật đã dạy rất rõ ràng:
- Thế nào là gánh nặng? Năm thủ uẩn là câu trả lời!
- Thế nào là kẻ mang gánh nặng? Người là câu trả lời!
- Thế nào là mang gánh nặng lên? Chính là tham ái này đưa
đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, đi tìm hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục
ái, hữu ái và phi hữu ái. Dục ái chỉ cho sự
tham đắm ngũ dục hệ thuộc Dục giới, hữu ái tức là từ sự đắm say ngũ dục sanh ra
cảm giác chấp thủ, mong rằng tất cả thuộc về ta, sở hữu của ta, hệ thuộc Sắc
giới. Phi hữu ái tức là phần vi tế chấp thủ “hữu” nhưng trong trạng thái vô
định
tính, không phân biệt rõ ràng, phi hữu phi vô nên gọi là phi
hữu ái, phi hữu ái này hệ thuộc Vô sắc giới. Như vậy, chính tham ái là mầm mống
đưa đến tái sanh luân hồi trong ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc.
-Thế
nào là đặt gánh nặng xuống?
Đây là sự ly tham, đoạn diệt ái một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải
thoát và sự không chấp thủ vậy.
Như thế, phải chăng cứu cánh Phạm Hạnh được thiết lập
trên sự quán chiếu tư duy về Ngũ thủ uẩn? Điều chắc chắn rằng nếu chúng ta muốn
đặt gánh nặng xuống, muốn từ bỏ, muốn đoạn tận, muốn xuất ly, muốn giải thoát
thì không thể không chiếu kiến Ngũ thủ uẩn. Mà muốn chiếu kiến Ngũ Uẩn để xả ly
hoàn toàn, để đoạn tận vĩnh viễn, để nhổ tận gốc rễ khát ái thì phải tu Chánh
niệm tỉnh giác định, có chánh niệm tức là có Giới, Chánh niệm hoàn toàn trên
Thân hành niệm cũng tức là thành tựu Thánh Giới vậy.
Cho nên Đức Phật dạy:
“Người có chánh niệm tức là người có Giới, người không có chánh niệm tức là người không có Giới”.
Mà không có Giới thì làm sao
đoạn được lậu hoặc, phiền não mà giải thoátđược?
Chính xác như vậy,
cho nên nếu là một hành giả nhập đạo có
trí cần phải tuệ tri tầm quan trọng của Giới, lợi ích của Giới và sự thù thắng
của Giới mang lại như thế nào! Như trong Kinh tạng Nikàya, Kinh Tiểu Bộ III, Đức Phật từng dạy:
“Giới sức mạnh vô song
Giới binh khí tối thượng
Giới trang sức đệ nhất
Giới áo giáp hy hữu.
Giới đầu cầu cường đại
Giới hương thơm vô thượng
Giới hương thoa đệ nhất
Nhờ giới đi bốn phương.
Giới tư lương cao nhất
Giới hành trang tối thượng
Giới vận tải, đệ nhất
Nhờ giới, đi bốn phương”
Cho
nên:
“Ai sống trong Giới luật
An trú không phóng dật
Đoạn tận cùng sống chết
Sẽ chấm dứt khổ đau!”
Thế
thì không phóng dật tức là Giới vậy! Mà muốn không phóng dật thì phải thu thúc
Sáu căn, tức là trên Sáu xúc xứ tu Tứ chánh cần. Sáu xúc xứ là gì? Là khi Sáu
căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý; tiếp xúc với Sáu trần: Sắc, Thanh, Hương,
Vị, Xúc và Pháp; sanh ra Sáu thức thân này, tức là: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ
thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức. Khi Sáu căn tiếp xúc với Sáu trần sanh
ra Sáu thức, Ba pháp này hiệp lại nên có Xúc, từ Xúc sanh Thọ, Thọ sanh
Ái… Chính tham Ái này châm ngòi cho ngọn
lửa tái sanh, luân chuyển trong Ba cõi, Sáu đường. Cho nên nếu trên Sáu xúc xứ
tu Tứ chánh cần, tức là trên Sáu xúc xứ dùng Như lý tác ý để ngăn ác- diệt ác pháp, làm sanh thiện- tăng trưởng
thiện pháp thì phiền não nào mà không đoạn?Trí tuệ nào không sanh? Luân hồi nào
mà không dứt? Giới luật nào mà không trọn? Quả vị nào mà không chứng? Do chúng
ta không biết thiện xảo điều phục tâm trên Sáu xúc xứ nên mới có chuyện phá
Giới, bẻ vụn Giới, không viên mãn Thánh Giới, làm cho Phật Pháp suy vi; con
đường đưa đến Thánh quả Niết-bàn trở nên u tối, mịt mù. Có khi trên con đường
đi tìm cầu giác ngộ giải thoát trọn không đạt được, lại đánh mất chính bản thân
mình, trở thành bè đảng của Ma vương, còn làm cho người khác đắm chìm trong tội
lỗi và nghiệp khổ. Vì sao? Vì không thủ hộ và thành tựu trọn vẹn Thánh Giới.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật từng dạy:
“Ý muốn qua dòng
sanh tử mà không tu tập theo pháp cấm Giới, thì bị Ma Ba Tuần chiếm phần tiện
lợi, đó là theo con đường đi tìm cầu Niết-bàn mong được giải thoát trọn không
đạt kết quả, tự tạo tội lỗi và nghiệp báo cho mình, lại còn làm cho người khác
đắm chìm trong tội lỗi và nghiệp khổ.”
ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ❁ೋ•ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ•❁ೋ• ❁ೋ• ❁ೋ•
CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ do Đại Đức Thích Long Viễn lược giảng