Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Ngũ Thủ Uẩn :



CHIẾU KIẾN NGŨ THỦ UẨN VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ
( Phần VIII - Phần kết)
 ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ•ೋ•

Các thầy Tỳ-kheo nói: “Người này tự biết vô ngã dễ được đắc độ!” Và nói với ông ấy rằng: “Thân ông từ xưa đến nay luôn luôn tự vô ngã, chẳng phải ngày nay mới như thế. Chỉ do tứ đại hội hợp chấp làm thân ta!”. Rồi chư Tăng độ ông ấy vào Đạo, ông ta liền dứt các phiền não đắc quả A La Hán. Đây là do tuệ tri được Vô ngã mà đắc đạo vậy.
Khi thấy Ngũ uẩn vốn không, chỉ là duyên hợp giả tạm gọi là thân, có thân đây mà không trụ, không chấp bất kỳ một vật gì trên đời, thế thì Sanh Tử và Niết-bàn có gì khác biệt? Thắng tri cùng tột lý ấy thì gọi là Vô sanh, cũng gọi là Ứng cúng, cũng gọi là Sát tặc vậy.
Thậm chí cả đến thân kim cương sắc vàng vi diệu đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp bất khả tư nghì của Như Lai cũng từ nhân duyên mà sanh, trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Phầm Đàm Vô Kiệt thứ 28, Đức Phật dạy:
“Này thiện nam!Thân các Đức Như Lai cũng vậy, không có pháp quyết định. Chẳng từ mười phương đến, cũng chẳng vô nhân mà có; do quả báo của bốn hạnh sanh, các duyên hội hợp thì có, các duyên diệt mất thì không. Này thiện nam! Ví như tiếng đàn không hầu, không từ đâu lại, đi không chỗ đến; thuộc về các nhân duyên có dây, có trục, có người lấy tay đánh nó, các duyên hội hợp thì có tiếng đàn. Tiếng này không từ dây ra, từ trục ra, hay từ tay ra, các duyên hội hợp thì có tiếng mà không từ đâu tới, các duyên tan rã thì diệt mất mà không chỗ đến.”
Ấy nên muốn biết thân Như Lai, sở hành của Như Lai thì phải quán tướng đi đến của các Đức Như Lai như thế, các pháp tướng cũng quán như vậy. Khi thấy rõ thân tướng của các Đức Như Lai và tất cả pháp không đi, không đến, không sanh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác như vậy, liền liễu đạt phương tiện Bát Nhã Ba La Mật mà chứng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phật giáo không chú trọng ở chỗ ngôn thuyết giáo tướng mà chú trọng ở chỗ chân thật tu chứng. Cũng như Đạo là phải hành, không hành thì không gọi là Đạo; Đức do Tu không Tu thì Đức sao thành? Nhưng muốn Chánh Tu để viên mãn Thánh Đức tối thượng, trở thành bậc Thầy của Trời Người, bậc mô phạm cho tất cả chúng sanh, đấng Cha lành của mười phương pháp giới thì không gì hơn là chiếu kiến Ngũ thủ uẩn!
Chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa lời tuyên bố giác ngộ hoàn toàn với kinh nghiệm hiện thân thọ chứng của Như Lai, cũng là lời thọ ký cho tất cả chúng ta khi hành thâm chiếu kiến Ngũ uẩn:
Này các Tỳ-kheo, cho đến khi nào đối với Năm thủ uẩn này, Ta chưa như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỳ-kheo, Ta không tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên, đối với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.
Nhưng này các Tỳ-kheo, khi nào đối với Năm thủ uẩn này, Ta như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỳ-kheo y, Ta tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên, đối với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và tri kiến như sau khởi lên nơi Ta: “Tâm ta giải thoát, bất động. Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa!”
(Kinh Tương Ưng Bộ III)
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không liền viên mãn cứu cánh Bồ Đề với tâm giải thoát, bất động; cũng đồng nghĩa với thành tựu và chứng đạt Giới tối thượng vậy. Giới Đức Phật dạy thuộc về nội giới, ngoại giới gồm:
     + Thân hành thiện,
     + Khẩu hành thiện,
     + Ý hành thiện.
Nếu chúng ta muốn Thân, Khẩu, Ý cực thiện không phạm những lỗi nhỏ nhặt, tức là không phá Giới, bẻ vụn Giới thì phải biết Pháp và tùy Pháp hành.Nghĩa là trên Ngũ thủ uẩn tu Sáuxúc xứ, dùng Như lý tác ý để ngăn ác - diệt ác pháp làm sanh thiện – tăng trưởng thiện pháp, câu hữu với quán tri theo bốn chuyển, tức là biết như thật sự Tập khởi, Vị ngọt, Snguy hiểm và sự Xuất ly của Ngũ thủ uẩn. Nói cho dễ hiểu là khi ta dụng công tuChánh NiệmTỉnh Giác Định một cách liên tục với Như lý tác ý về Ngũ uẩn theo bốn chuyển câu hữu với Tứ chánh cần, thì tự nhiên sẽ thâu nhiếp được Thân, Khẩu, Ý bên trong, từ đó tất cả thiện pháp phát sanh, ác pháp không còn cơ hội xâm chiếm tâm ta và an trú nữa. Như vậy mới có thể thànhtựu Thánh Giới Uẩn hay viên mãn cứu cánh Phạm Hạnh vậy! Trong Kinh Tiểu Bộ, Đức Phật từng nói:
“Giới là đạo cam lồ
Phóng dật là đường chết
Không phóng dật không chết
Mất đạo là mất mình”
Hãy tự răn đe mình mà tiến tu Phạm Hạnh, đừng để ân hận, đừng để hối tiếc về sau, chớ đi lạc đường, đừng nhảy vào vực thẳm!
 ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•

CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ do Đại Đức Thích Long Viễn lược giảng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét