Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

                           GIẢI THOÁT

      Một hôm khi ánh hoàng hôn dần dần khuất sau rặng núi, lúc ấy gió biển thổi về làm cho cả không gian yên tịnh của núi rừng như bừng tỉnh giấc, cây lá như reo vui trong sự mát dịu ngọt ngào, lòng người cũng cảm thấy thanh thản, an lạc vô cùng. Bấy giờ Sư Phụ Long Viễn chống gậy đi dạo từ tịnh thất xuống, cùng lúc ấy có một nam cư sĩ trẻ cũng đến viếng chùa; sau khi Sư Phụ mời ngồi hỏi han một lúc thì anh ta trịnh trọng cất lên lời thưa hỏi:

- Thưa Thầy, con đã tìm hiểu Phật giáo khá lâu rồi nhưng chưa gặp ai dạy con giáo lý giải thoát cả. Vậy thế nào là giải thoát, bạch Thầy?
Sư Phụ nhìn anh ta với ánh mắt từ hòa, rồi ôn tồn bảo:
- Giải thoát tức là không vướng bận, bên trong không bị sầu, bi, khổ, ưu, não bức bách. Bên ngoài không bị các hoàn cảnh thuận nghịch chi phối. Tâm luôn luôn bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, tịch diệt...
- Tu như thế nào để đạt được giải thoát ạ?
- Phải có được tri kiến Chánh Kiến!
- Làm sao con mới có được tri kiến Chánh Kiến?
- Bước đầu tiên anh phải quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ Giới làm một Phật Tử thật sự. Tiếp theo là phải biết đường đi của Nhân- Quả, Nghiệp Báo; phải ngưng ác- diệt ác pháp, làm sanh thiện và tăng trưởng thiện pháp!
Anh ta suy nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp:
- Quy y Tam Bảo con có thể làm được, còn làm sao để nhận biết được đường đi của Nhân- Quả, Nghiệp Báo...?
- Phải học và triển khai thiền quán dựa trên nền tảng của Giới Luật.
- Bạch Thầy, đề tài thiền quán thì rất nhiều, riêng về phần con phải hành thiền như thế nào mới có thể: "ngưng ác- diệt ác pháp, làm sanh thiện và tăng trưởng thiện pháp" để giải thoát? Xin Thầy chỉ dạy cho con một cách vắn tắt nhất, được không ạ?
 Sư Phụ dạy:
- Trên Tứ Niệm Xứ tu Tứ Chánh Cần, lấy Bát Chánh Đạo làm nền tảng, câu hữu với pháp Như Lý Tác Ý để ly dục và ly tất cả các pháp ác bất thiện, đoạn tất cả các lậu hoặc, thành tựu Chánh Niệm, từ Chánh Niệm sẽ xuất sanh Chánh Định, nhân Định mà Tuệ sanh. Với trí Tuệ anh sẽ thành tựu Bất Động Tâm Định, an trụ trong Thiền Tư. Đó là giải thoát!
- Ồ, con thật là hạnh phúc khi gặp được Thầy! Con xin quy y nơi Thầy, từ đây về sau con sẽ làm theo những gì Thầy dạy! Xin Thầy từ bi nhận con làm đệ tử, được không ạ?
... 

Đây là một đoạn Pháp thoại ngắn nhưng Hồng Tuyến thấy rất lợi lạc cho những học giả tìm cầu sự giải thoát, xin được lưu lại. Nguyện cầu Chánh Pháp trường tồn lợi ích nhân thiên!






Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

 -Tôi Đã Đến Và Đã Sống-

Tôi đến thế giới này với nỗi niềm bi xót
Lặng lẽ đi trong gió bụi cuộc đời
Chân bước chân lệ đắng chảy không vơi
Không người dắt, không một bàn tay nâng đỡ
Có những lúc lòng đau như đổ vỡ
Máu ngừng lưu và không chảy về tim
Dưới hàng mi mắt ướt xé môi mềm
Trần tình chết theo tháng ngày băng giá .

                                         Núi Lương Sơn 3/8/2019
                                _۞_Thích Long Viễn_۞_



Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019


 -Lệ Thiên Thu-

Thời gian lặng lẽ
Tan chảy dòng đời
Từng giọt mưa rơi
Bên hiên thềm vắng.

Trái sầu rụng trắng
Ở trong lòng tôi
Tình ơi! Người ơi!
Giấc nồng say đắm!

Chiêm bao lệ đẫm
Quán trọ đọa đày
Tình ái mãi xây
Bao giờ tỉnh giấc?

Ngày đêm tất bật
Chết đi về đâu?
Sao không mau mau
Đại Tâm phát khởi? (*)

Phá xiềng pháp giới
Nguyện độ chúng sanh
Diệu pháp khéo hành
Vượt ngang Tam Giới.

Chứng Tam Bất Thoái (**)
Vượt khỏi ái hà
Với hiệu Di Đà
Thành kính trì niệm.

Tín- Nguyện- Hạnh vững
Sanh quyết định sanh
Sợi chỉ mong manh
Mạng người cũng thế.

Luân hồi trời bể
Nghiệp kết oan gia
Nhân - Quả luận ra
Bao giờ thoát khỏi?

Lòng ta đau nhói
Nước mắt ngập tràng
Huyết lệ Trường Giang
Chảy dài không dứt...

           Núi Lương Sơn 4/8/2019
          _۞_Thích Long Viễn_۞_



   
(*) Đại Tâm: Tâm Bồ Đề là Tâm nguyện chứng Phật quả độ hết chúng sanh.


(**) Tam Bất Thoái:

  • (三不退) Trong quá trình tu hành Phật đạo, nhờ công đức đã giác ngộ mà vào được địa vị không trở lui, gọi là Bất thoái. Bất thoái có 3 là:1. Vị bất thoái: Địa vị đã chứng được không trở lui. 2. Hành bất thoái: Pháp tu hành không lui sụt. 3. Niệm bất thoái: Chính niệm không lui mất: Về việc phối hợp Tam bất thoái này với các giai vị tu hành của Bồ tát thì các tông nói không giống nhau. Tông Pháp tướng gọi giai vị muôn kiếp tu nhân vào Thập trụ, thành tựu Duy thức quán, không còn rơi trở lại địa vị do nghiệp ác mà phải trôi lăn trong sinh tử là Vị bất thoái; đã vào được Sơ địa, thành tựu chân Duy thức quán, đối với hạnh lợi tha không lui sụt, gọi là Hạnh bất thoái; từ Bát địa trở lên, được trí vô công dụng, niệm niệm nhập vào biển chân như, trong định, trong tán thường hằng tự tại, gọi là Niệm bất thoái. Tông Thiên thai thì chủ trương từ Sơ trụ đến Thất trụ của Biệt giáo là Vị bất thoái, trong giai đoạn này dứt trừ tất cả Kiến hoặc, Tư hoặc mà thoát hẳn sinh tử trong 3 cõi; từ Bát trụ đến hết Thập hồi hướng là Hạnh bất thoái, trong giai đoạn này phá trừ hoặc Trần sa mà không lui mất tâm lợi tha; từ Sơ địa trở lên là Niệm bất thoái, trong giai đoạn này dứt trừ hoặc Vô minh, vĩnh viễn không lui mất chính niệm Trung đạo. Nếu phối hợp với Viên giáo thì từ Sơ tín đến Thất tín là Vị bất thoái, từ Bát tín đến hết Thập tín là Hạnh bất thoái, từ Sơ trụ trở lên là Niệm bất thoái. Ngoài ra, trong Pháp hoa nghĩa sớ quyển 1, ngài Cát tạng có nêu ra 4 thuyết khác về Tam bất thoái sau đây: 1. Trong giai vị Thập trụ, Bồ tát từ Thật trụ trở lên không còn trở lui lại địa vị Nhị thừa, gọi là Vị bất thoái; trong Thập địa, sự tu hành của Bồ tát Thất địa không còn chuyển lui nữa, gọi là Hạnh bất thoái; Bồ tát từ Bát địa trở lên nhập vào Vô công dụng đạo, tự nhiên tiến đạo mà không động niệm, gọi là Niệm bất thoái. 2. Lục tâm của giai vị Ngoại phàm là Vị thoái, Thất tâm trở lên là Vị bất thoái, còn Hạnh bất thoái và Niệm bất thoái thì cũng giống như trước đã giải thích. 3. Tập chủng tính gọi là Vị bất thoái, Đạo chủng tính, giải và hành đều thuần thục, gọi là Hạnh bất thoái; Sơ địa trở lên được Vô sinh nhẫn, không còn sinh tâm động niệm, gọi là Niệm bất thoái. 4. Thập tín thập trụ là Tín bất thoái, Thập hành là Vị bất thoái, Thập hồi hướng là Hạnh bất thoái, Thập địa là Niệm bất thoái. Tam bất thoái nếu thêm Xứ bất thoái thì thành Tứ bất thoái. [X. Pháp hoa nghĩa sớ Q.2; Duy ma kinh lược sớ Q.1; Pháp hoa huyền nghĩa Q.4, thượng; Pháp hoa văn cú kí Q.2, trung]. (xt. Bất Thoái).


 



Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

   -Đại Thủ Ấn-

Trong mắt biếc đường trần màu xa lạ
Mộng thiên thu vạn cổ cháy băng hồn
Giọt tình buồn rơi rụng xuống cô thôn
Thành Thủ Ấn trong Đại Tâm huyết lệ.

                                  _۞_ Thích Long Viễn_۞_





ಝ---Hồn Hoang---ಝ

Lệ đắng
Lòng đau
Lệ đổ thầm
Đèn khuya 
Trăng tỏ
Mộng hồn hoang
Tàn đêm
Sương điểm
Cô phong đỉnh
Lạnh đến cửu thiên
Cháy
Băng hồn.
     _۞_ Thích Long Viễn_۞_