Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

                   CHỨNG NGỘ TRI KIẾN NHƯ LAI

      Có một đệ tử đến thăm Sư Phụ Long Viễn, sau khi chào đón hỏi han xong thì vị đệ tử kia lên tiếng hỏi:

-                  Kính bạch Thầy! Hằng ngày con thiền định thường quán chiếu Chân Tâm đôi khi trung lúc quán thấy tâm rất an ổn hỷ lạc; nhưng khi con xả thiền thì đối duyên xúc cảnh con vẫn phiền não, không biết con tu như vậy có đúng không và làm sao để vào được Tri Kiến Như Lai, thưa thầy?

          Sư Phụ đáp:

-                  Đã gọi là Chân Tâm thì sao còn dụng tâm để quán? Con phải biết tâm sanh thì phiền não sanh, tâm diệt thì phiền não diệt, nhưng Chân Tâm thường trụ không sanh cũng không diệt, đã không sanh không diệt thì còn muốn diệt cái gì?

     Người xưa có câu:

“Muốn trừ phiền não trùng thêm bệnh

Thú hướng chân như cũng là tà”

     Con phải lưu tâm, nếu dụng công quán chiếu các pháp duyên sanh nó vốn là Không, bản chất của nó đích thực là Không, do duyên tập sanh giả gọi là Có, Không thì không trụ vì đã Không thì trụ cái gì? Có cũng không trụ vì Có là Có trong Không. Cho nên Có và Không chỉ là do duyên giả hợp mà lập phương tiện mà thôi. Trong cái thấy khởi sanh chính là vô tự tánh, cần phải minh liễu. Khi thấy như thực các pháp sanh vốn không có tự tánh thì con an trú tâm ở Trung Đạo lìa nhị biên và nhị nguyên, nếu con an trú tâm được như vậy không phải là Đại Tự Tại hay sao? Còn nếu con dụng tâm muốn trừ phiền não thì cái tâm dụng đó vốn cũng là phiền não, thế thì trên phiền não lại chồng thêm phiền não, như trên đầu lại chồng thêm cái đầu, đã bệnh lại càng thêm bệnh cho nên mới nói: "Muốn trừ phiền não trùng thêm bệnh" là vậy, đây gọi chánh điên đảo. Vì thấy có phiền não nên mới vọng đoạn nó hướng tâm chứng ngộ Chân Tánh hay thể nhập tâm Bất Sanh Bất Diệt còn gọi là tâm Chân Như, đã gọi là Chân Như thì nó vốn không sanh không diệt, bản thể vắng lặng như nhiên sao còn vọng khởi để chứng? Đã khởi vọng muốn thể nhập Chân Như thì Chân Như ấy cũng thành ra vọng, tâm vọng ấy đích thực cũng là “tà” tâm vậy, nên mới nói: "Thú hướng chân như cũng là tà" là nghĩa như thế. Con phải thắng tri vạn pháp như thế, tuệ tri và minh đạt với chánh trí như thế, liễu ngộ như thế, thì khi làm tất cả mà không trụ không chấp là vào được Tri Kiến Như Lai.

 Đệ tử cúi đầu đảnh lễ và y giáo phụng hành.