Tri môn cảnh huấn
CẢNH SÁCH ĐẠI CHÚNG
CHÙA PHẬT ĐẢNH BẢO VƯƠNG
Kính thưa đại Chúng!
Việc tu tập trước là tự thân giác ngộ, đạo muốn thành phải nổ lực công phu. Nếu tự thân đã không giác thì còn tu tập để làm gì? Nếu không nổ lực công phu thì chí đạo làm sao thành được? Nếu tự thân đã giác thì hơn thua tranh luận để làm chi? Đã muốn thành đạo nghiệp sao lại để mất công phu chánh niệm? Thời Phật tại thế chúng Tăng mà loạn tưởng thị phi ồn náo là Ngài ngay lập tức đuổi đi không cho sám hối (Như 500 đệ tử của Ngài Mục Kiền Liên và Đức Xá Lợi Phất, ồn ào chốn tịnh môn, Đức Thế Tôn ngay lập tức đuổi đi và quyết định không cho sám hối; đến nỗi phải cảm Đức Đại Phạm Thiên Vương thị hiện cầu thỉnh Tối Thắng Tôn, Đấng Đại Hùng Mâu Ni mới khởi đại bi tâm mà cho sám hối). Kinh với Luật còn đó, đệ tử Phật há chẳng bận tâm ư? Nội bộ loạn do người lãnh đạo thiếu đức, Tăng Chúng loạn tức Tăng Chúng không tu. Lãnh đạo thiếu đức có thể bồi công lập đức, Tăng Chúng không tu thật quá si cuồng. Người lãnh đạo từ bi nhưng phải dùng trí tuệ làm việc, Tăng Chúng không tu lập tức có thể đuổi đi. Gương Phật còn đó mà các người đui điếc hay sao? Vô thường tấn tốc sao suốt ngày cứ chạy theo ma ý? Tôi thật thấy hổ thẹn thay cho các vị, tôi cảm thấy hối tiếc thay cho mọi người: Công phu không tiến, đạo nghiệp lùi xa, thật xấu hổ khi xưng ta đây là Thích tử, thật nhục nhã khi thân xuất tục mà tâm thế gian. Nếu đại Chúng hòa hợp đúng nghĩa Lục Hòa thì còn gì để nói? Nếu tất cả đều xả thân tu tập thì há có còn điên đảo hơn thua? Đức Phật dạy: “Chư Tỷ Kheo, như bị những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễu loạn, người ấy do vậy không phải người thực hành giáo pháp của ta. Ở đây, chư Tỷ Kheo, các ông phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ, và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.”
Nếu đại chúng cùng tư duy và thực hành theo lời dạy này của Như Lai thì còn loại ngôn ngữ nào, dầu tế nhị hay thô bạo mà các vị không kham nhẫn được chăng? Nếu không thực hành theo lời huấn thị, khai thị của Đức Như Lai thì kẻ ấy đích thực đang đi vào ma nghiệp! Nếu đã không xem trọng lời Phật dạy thế các vị còn xuất gia học đạo để làm chi? Đạo là phải hành, không hành thì không gọi là đạo. Đức là do tu, không tu thì đức làm sao thành? Để đại chúng tiến tu, thành tựu đạo nghiệp thì người lãnh đạo quyết phải sáng suốt, dùng công phu tu tập mô phạm cho chúng Tăng, xử lý phải nghiêm minh nhưng không thiếu từ bi tuệ giác. Còn Tăng chúng phải tuân thủ Thanh Quy, phải nghe và thuận theo người lãnh đạo.
Tôi hi vọng đại Chúng không cô phụ ân Phật và phải tôn trọng tánh linh của mình, đừng thấy lỗi người, đừng bận tâm người làm hay không làm, tu hay không tu, mà phải nhìn lại chính mình có thật tu đúng pháp không. Đừng nghĩ Đức Phật đã Niết Bàn mà các người muốn làm gì cũng được, đừng nghĩ thời Mạt pháp thì hành động theo kiểu thất phu. Đôi mắt Đức Phật vẫn nhìn các vị đấy thôi, giáo pháp vẫn trường lưu do không thực hành đổ lỗi mất gốc. Từ nay đại Chúng nguyện xin thương xót cho tâm nguyện khổ sở của tôi, cảm thông cho chí nguyện bi thiết của tôi mà phải cùng nhau sách tấn tiến tu, đừng để tâm làm thầy mình mà mình phải làm thầy của nó!
Thư Từ Ấn Độ 15/1/2020
Thích Long Viễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét