Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

BÍ MẬT TẠNG

   -------------------------ೋ•--------------------------

Một hôm, khi bóng tối của màn đêm bao phủ cả hoàn cầu, trong cái lạnh tê dại của núi rừng hòa với cái lạnh vô biên trong lòng người nhân thế.... bỗng vang lên âm thanh thuyết pháp như Sư Tử Hống giữa cảnh u tịch, như xé rách màn đêm u tối mà làm hiển lộ chân tánh rực sáng của tinh linh quỷ thần ở nơi đây! Tôi thoáng nghe mà lòng kinh hãi, là ai? Là quỷ thần ư? Hay chư thiên ư? Không...! Không...! Có lẽ là lời của một vị Thánh nào đó chăng? Tôi nhẹ tiến đến gần, ồ! Thì ra đó là Sư Phụ của chúng tôi (Thích Long Viễn)! Ngài đang thuyết Pháp cho ai vậy kìa? Nhìn không thấy ai cả... Đây là diệu pháp mà Ngài tuyên lưu:


Thành công là gì? Nếu không thất bại?

Hạnh phúc là gì? Nếu không khổ đau?

Giàu sang là gì? Nếu không bố thí?

Tu hành là gì? Nếu không kiến tánh?

Tánh thật của Pháp là gì? Nếu không thấy nguồn Tâm?

Giải thoát là gì? Nếu không triền phược?

Giác ngộ là gì? Nếu không ngu si?

Đắc pháp là gì? Nếu chẳng nhiễm sáu trần?

Xuất gia là gì? Nếu không lìa khỏi sanh tử?

Đắc đạo là gì? Nếu không còn thọ lãnh thân đời sau?

Niết Bàn là gì? Nếu không vọng tưởng?

Trí huệ là gì? Nếu không vô minh?

Tánh Phật là gì? Nếu không có tánh tham, sân, si?

Thấy Phật là gì? Nếu không rõ biết Tâm là Không?

Tạo sửa Chùa Tháp là gì? Nếu không dứt ba độc, sáu căn trong sạch, thân tâm thanh tịnh?

Lễ lạy là gì? Nếu trong tâm không luôn sáng rõ, ngoài không biết tùy duyên ứng cơ tiếp vật?

Đúc vẽ hình tượng Phật là gì? Nếu không lấy thân làm lò, pháp làm lửa, trí huệ làm thợ khéo; Tam Tụ Tịnh Giới và Lục Độ làm khuông, đúc luyện Phật tánh chân như trong mình?

Thọ trì trai giới là gì? Nếu ngoài không ngăn sáu tình, trong không ngăn ba độc, tâm thường thanh tịnh chánh niệm tỉnh thức?

Tụng niệm là gì? Nếu miệng đọc mà tâm không nhớ nghĩ, thường tu tỉnh giác?

Thắp đèn sáng mãi là gì? Nếu tâm không tỉnh thức, chân tánh không hiển bày?

Rải hoa là gì? Nếu không thuyết giảng Chánh Pháp làm thành các thứ hoa công đức, trang nghiêm Tịnh Độ khắp mọi nơi?

Đốt hương là gì? Nếu không xông hương Chánh Pháp Vô Vi? 

Hương Chánh Pháp Vô Vi là gì? Nếu không đoạn ác, tu thiện thành tựu hương Giới? Nếu không tin sâu Đại Thừa, lòng không thối chuyền, thành tựu hương Định? Nếu không thường tự quán xét thân tâm thành tựu hương Huệ? Nếu không dứt hết sự trói buộc của mê mờ, tăm tối thành tựu hương Giải Thoát? Nếu không thường quán chiếu sáng suốt, thấu đạt tất cả không ngăn ngại, thành tự hương Giải Thoát Tri Kiến?

Sáu pháp Ba La Mật là gì? Nếu sáu căn không thanh tịnh?

Bố Thí Ba La Mật là gì? Nếu không xả hình sắc, buông bỏ giặc mắt và cảnh vật?

Trì Giới Ba La Mật là gì? Nếu không ngăn cấm được giặc tai, xả tất cả thanh trần?

Nhẫn Nhục Ba La Mật là gì? Nếu không hàng phục giặc mũi, buông xuống tất cả hương trần?

Tinh Tấn Ba La Mật là gì? Nếu không chế ngự giặc lưỡi, xả ly hết thảy vị trần, âm thanh thuyết Pháp, ca vịnh?

Thiền Định Ba La Mật là gì? Nếu không khuất phục được giặc thân, ý bất động với sự xúc chạm?

Trí Tuệ Ba La Mật là gì? Nếu chẳng điều phục được giặc ý, chẳng thuận theo dòng vô minh?

Đây là diệu nghĩa thâm sâu cùng cực trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, là chỗ hành chân thật của đại Bồ Tát, là chỗ thấy chân thật của đại Bồ Tát, Bồ Tát tuy chiếu kiến thân tâm, linh diệu rõ biết thực tướng của vạn pháp nhưng không hủy diệt pháp tánh. Các vị phải dùng trí tuệ mà tư duy, Kinh điển của Phật thuyết đều là lời liễu nghĩa chân thật. Mật nghĩa rất thâm sâu, những ý chỉ tôi nói trên đây đều thuận theo Thánh ngôn mà phân biệt, nếu chánh quán với trí tuệ sẽ nhập Huyết Mạch của Chánh Pháp, từ Huyết Mạch này sẽ ngộ được Chân Tánh, khi đã triệt ngộ Chân Tánh rồi thì hành giả có thể Phá Tướng thâm nhập vào Không giải thoát môn, Vô Tướng giải thoát môn và Vô Tác giải thoát môn. Trên có thể ứng hợp với bản Tánh diệu Tâm của mười phương chư Phật, dưới có thể phương tiện quyền biến mà độ thoát hết thảy muôn loài. Cho nên các vị phải thường quán Tâm mà ngộ Tánh, quán Tâm là phương pháp tu chóng tắt nhất vượt ra ngoài ba cõi. Tâm này chính là nguồn cội của vạn pháp, đau khổ cũng do tâm mà an lạc cũng do tâm, giải thoát cũng do tâm mà triền phược cũng do tâm, thiện cũng do tâm mà ác cũng do tâm, Thánh cũng do tâm mà phàm cũng do tâm, sanh tử cũng do tâm mà Niết Bàn cũng do tâm, Tịnh Độ cũng do tâm mà Ta Bà cũng do tâm. Đạo Phật chính là đạo Tâm, Phật giáo tức là Tâm giáo? Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh đều có Tâm! Chỉ một Tâm này ở phàm không thiếu ở Thánh không hơn. Phàm là người tu đạo một khi rõ được nguồn Tâm thì dụng công ít mà thành công cao, không rõ được bản Tâm mà tu thì đó là tu mù. Còn không rõ ư? Nên Kinh Hoa Nghiêm nói:

"Nếu người muốn biết rõ

Tất cả Phật ba đời

Phải quán tánh pháp giới

Tất cả do tâm tạo".

Hay:

"Nếu người muốn biết cảnh giới Phật

Phải tịnh ý mình như hư không

Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ

Khiến tâm khắp nơi đều vô ngại".

Bởi thế nên: Trực Tâm, Thâm Tâm, Bồ Đề Tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát; Bồ Tát muốn được cõi Phật thanh tịnh, tùy tâm tịnh ấy liền được cõi Phật tịnh.  Cõi Phật Tịnh của Bồ Tát là nơi không có phiền não nhiễm ô, chính là cảnh giới cứu cánh Phạm Hạnh đó là Niết Bàn vậy! Niết mà không sinh, Bàn mà không tử; vượt thoát sinh tử gọi là Niết Bàn. Tâm không còn có đến có đi, không còn phân biệt, không còn sân si liền nhập vào Niết Bàn. Đã liễu chưa?

  Kinh dạy: "Không lìa bỏ trí huệ, gọi là ngu si". Một khi Tâm các vị sanh thì pháp Phật diệt, Tâm các vị diệt thì pháp Phật sanh. Tâm sanh thì pháp chân thật diệt còn Tâm diệt thì pháp chân thật sanh. Chính vì thế mà các bậc Thánh nhân không dùng Tâm để cầu Pháp, cũng không dùng Pháp để cầu Tâm, không dùng Tâm để cầu Tâm, không dùng Pháp để cầu Pháp. Cho nên Tâm không sinh Pháp, Pháp cũng không sinh Tâm. Tâm và Pháp đều Không nên thường ở trong đại định.

Hãy nghe tôi nói kệ:

"Tâm tâm tâm chớ truy tầm

Tình tình tình chân hư dối

Tưởng tưởng tưởng chớ câu hội

Kiến phi kiến thị Như Lai".

----------------=========----------------

Sau khi đứng nghiêm trang dùng hết tâm lực tập trung nghe diệu pháp của Sư Phụ mà những ý nghĩa thâm sâu như thế tôi chưa từng được nghe bao giờ, thật đúng như người khát nước mà chợt gặp được cam lồ, từng lời từng câu xuyên thẳng vào tâm can của tôi, tưới mát và thấm nhuần toàn thân toàn tâm, khiến tôi phát sanh hỷ lạc không bến bờ với niềm tin bất thối vào diệu Pháp của Đức Phật và đấng Tôn Sư của mình. Khi lời Kệ của Sư Phụ kết thúc, tôi bước đến quỳ xuống bên cạnh Ngài bạch hỏi:

- Thưa Sư Phụ, Sư Phụ đang thuyết pháp về Thật Tướng Của Các Pháp xứng với Chân Tánh trong Bí Mật Tạng phải không ạ?

Sư Phụ nhìn tôi với ánh mắt thật từ bi, mỉm cười và nói:

- Con có nghe không?

- Dạ vâng! Con có nghe ạ!

Sư Phụ chậm rãi nói:

- Đã nghe thì hãy đúng như Pháp đã nghe mà tu hành!

Lời Sư phụ đã dứt mà sao trong lòng tôi dường như cả hư không vẫn đang chuyển vận theo diệu âm của Thầy...Thầy đang thuyết pháp cho ai mà diệu nghĩa thâm sâu quá vậy? Thật ra trong lòng tôi đã có câu trả lời!

  

 (Thị Giả của Sư Phụ  Long Viễn kể lại, Hồng Tuyến kính lưu, nguyện cầu Chánh Pháp trường tồn, lợi ích khắp trời người!)  

                                                 ___++ Thích Long Viễn++___




 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét