Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

 TIÊN ĐẠO 

CON ĐƯỜNG KHÔNG HỐI TIẾC


Vào một buổi chiều khi ánh tịch dương dần dần tiến về dãy núi xa xa, xuyên ánh vàng qua từng kẽ lá trong khu rừng ấm cúng, vang vọng tiếng chuông chùa ngân nga như phá tan cảnh giới u minh của muôn loài hàm thức. Những tia nắng vàng soi bóng thấp thoáng hai cô Phật tử xa xa, dưới rừng Xà Cừ, họ đến thăm Sư Phụ Long Viễn, sau khi chào đón hỏi thăm xong, một cô trịnh trọng bạch hỏi:

Hỏi: 

- Kính bạch Thầy, từ lâu con đã tu hành theo Tiên đạo, thường đến những nơi có Mẫu mẹ nhập xác để hầu, chỉ mong Mẫu Mẹ thương tình tạo duyên mở căn để con làm lợi ích cho chúng sanh, và rồi con cũng toại nguyện, con đã có một đền thờ Mẫu rất lớn, Mẫu hay nhập xác con cứu độ nhiều người, không biết đường tu Tiên đạo của con như thế có đúng không?

Đáp: 

- Thật ra đạo cô tu không phải Tiên đạo như cô hằng nghĩ, đây là cô tu Điển, luyện Điển mà thôi!

Hỏi: 

- Vậy Thầy có biết thế nào là Tiên đạo thật sự không?

Đáp:

- Đương nhiên tôi biết rất rõ.

Hỏi:

- Nguyện xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con, Tiên đạo thật sự là thế nào?

Đáp:

- Vậy cô hãy chánh tâm tác ý lắng nghe, tôi sẽ vì cô mà lược nói. Ở trong loài người đây, có những người thiếu căn lành, không đủ duyên gặp những bậc Chân Nhân, Thiện Tri Thức hay những bậc Thánh, cho nên không thể phát sanh chánh kiến, tu tập chánh định. Với tư tưởng muốn trường sinh bất tử, muốn chứng ngộ thần thông, làm những việc phi thường... nên họ đi vào rừng núi thâm sâu hẻo lánh, chỗ không có người tới lui, mỗi người đều có những vọng niệm khác biệt, họ gom tư tưởng lại chuyên chú, kiên cố hình hài, cốt chỉ để đắc đạo thành Tiên. Như Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy có 10 hạng như sau:

1. Địa Hành Tiên: Hạng người chuyên tìm các thứ bổ dưỡng để ăn, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi đạo ăn thành tựu, gọi là Địa Hành Tiên.

2. Phi Hành Tiên: Hạng người chuyên ăn các thứ cỏ cây, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi đạo thuốc thành tựu, gọi là Phi Hành Tiên.

3. Du Hành Tiên: Hạng người chuyên luyện vàng, đá, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi đạo hóa chất thành tựu, gọi là Du Hành Tiên.

4. Không Hành Tiên: Hạng người chuyên vận khí dưỡng tinh, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi đạo khí tinh thành tựu, gọi là Không Hành Tiên. Đạo này xưa ở Trung Quốc rất thịnh hành, họ luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hóa hư và luyện hư hợp đạo. Khi đã đã hợp đạo rồi thì sẽ đắc đạo thành tiên. 

5. Thiên Hành Tiên: Hạng người chuyên nhai nuốt nước miếng, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi nhuận đức thành tựu, gọi là Thiên Hành Tiên. 

6. Thông Hành Tiên: Hạng người chuyên hút tinh hoa nhật nguyệt, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi hút khí tinh túy thành tựu, gọi là Thông Hành Tiên. 

7. Đạo Hành Tiên: Hạng người chuyên luyện bùa chú, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi thuật pháp thành tựu, gọi là Đạo Hành Tiên.

8. Chiếu Hành Tiên: Hạng người chuyên luyện về trầm tư tĩnh niệm, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi công phu tư niệm thành tựu, gọi là Chiếu Hành Tiên. 

9. Tinh Hành Tiên: Hạng người chuyên luyện về thủy hỏa giao cấu, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi đạo cảm ứng thành tựu, gọi là Tinh Hành Tiên. 

10. Tuyệt Hành Tiên: Hạng người chuyên luyện về biến hóa, bền bỉ luyện như thế mãi, cho đến khi tâm tĩnh giác thành tựu, gọi là Tuyệt Hành Tiên. 

Đó là 10 hạng Tiên đạo, người tu Tiên đạo có lợi ích chân thật không? Đây, cô hãy nghe Đức Phật dạy: "Này A Nan! Những hạng Tiên nhân đó đều ở trong nhân đạo mà tu vọng niệm, chẳng tu chánh giác, chỉ đạt công hiệu về sức sống, thọ ngàn vạn tuổi, ở ẩn trong núi rừng sâu thẳm, hoặc trên đảo giữa biển khơi, cách tuyệt với người đời. Tuy vậy, vì không tu chánh định, vẫn đầy dẫy vọng tưởng, họ vẫn trôi lăn trong luân hồi, khi quả báo hết rồi, lại lưu lạc vào các nẻo."

Những hành giả tu Tiên đạo, do dùng định tâm chuyên chú, khiến cho tưởng thức sanh khởi, do tưởng thức sanh khởi câu hữu với hành uẩn nên biến hiện ra cảnh giới "Duy tâm sở hiện" mà thôi. Cô tu Điển có phần cũng giống như thế. Tuy nhiên dù đã đắc đạo thành Tiên cũng không thể thoát khỏi bàn tay của Vô thường sát quỷ, vẫn triển chuyển trong lục đạo luân hồi; huống chi pháp tu Điển của cô? Nếu Mẫu mà cô tin tưởng có thần lực lớn không thể suy lường, thế thì tại sao lại mượn thân người phàm mà nhập xác? Cô cần phải tư duy với trí tuệ! Đạo là con đường đi, chúng ta phải đi trên nó, đừng để nó đồng hóa với mình và chuyển mình mà mình phải biết chuyển nó. Tuy nhiên có rất nhiều con đường để chúng ta lựa chọn. Hãy lựa chọn một con đường với con mắt trí tuệ! Một con đường mà chúng ta bước đi trên nó một cách thanh thản, khinh an, an lạc, hỷ lạc, vô sự, giải thoát khỏi tất cả sầu bi khổ ưu não, làm chủ bốn sự thật là sanh già bệnh chết, thoát khỏi lục đạo luân hồi, chấm dứt tái sanh. Đây là con đường mà tôi đang đi, con đường mà tôi đang đi là con đường không bao giờ hối tiếc!

Sau đó, hai cô Phật tử dường như đã nhận định được con đường mình cần phải đi, cô rơi lệ và đảnh lễ Sư Phụ lui ra.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét