Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

BỐ THÍ NHƯ PHÁP

ĐOẠN TẬN KHỔ ĐAU


(Đoạn Pháp thoại ngắn này được Sư Phụ Long Viễn khai thị cho một đoàn Phật tử hữu duyên ghé thăm chùa Phật Đảnh Bào Vương)


Hỏi: 

Kính bạch Thầy! Chúng tôi là những doanh nghiệp, xưa giờ thỉnh thoảng đi chùa nhưng ít có dịp tìm hiểu Phật pháp. Chúng tôi thấy những người đi chùa thường hay bố thí, trong khi mọi người đều có chân tay, đầu óc ... họ có thể tự làm tự ăn, nếu họ bần cùng là do quả báo của họ. Bố thí có lợi ích gì? Lý do nào mà đệ tử Phật phải bố thí? Xin Thầy từ bi chỉ dạy!

Đáp: “Bố Thí” là âm Hán Việt, gồm chữ “Bố” và chữ “Thí”. “Bố” là bày ra, ban cho, ban rộng ra, trải khắp nơi... “Thí” còn đọc một âm khác là “Thi”, nghĩa là hiển lộ, thực hiện, áp dụng, làm ngay... “Bố thí” có nghĩa là ban bố cùng khắp, ban cho tất cả ...

Bố thí có đủ thứ lợi ích, như Đại Trí Độ Luận nói: "Bố thí là kho báu, thường theo dõi người. Bố thí làm diệt khổ, đem vui cho người. Bố thí là kẻ đánh xe giỏi mở bày con đường chư thiên. Bố thí là điệu phù tốt thu nhiếp các người lành (thu nhiếp người lành cùng làm nhân duyên). Bố thí là an ổn, khi sắp mệnh chung tâm không sợ hãi. Bố thí là tướng từ tâm, hay cứu chúng sanh. Bố thí là nhóm điều vui, hay phá giặc khổ. Bố thí là đại tướng hay dẹp kẻ địch xan tham. Bố thí là diệu quả được trời người ưa thích. Bố thí là con đường thanh tịnh, hiền thánh dạo đi. Bố thí là cửa chứa phước đức lành. Bố thí là cái duyên để xây dựng nghiệp, quy tụ chúng. Bố thí là hạt giống thiện hành thọ quả. Bố thí là phước nghiệp, tướng của người lành. Bố thí phá nghèo cùng, dứt ba đường ác. Bố thí hay trọn vẹn được quả phước lạc. Bố thí là cái duyên ban đầu của Niết-bàn, là pháp thiết yếu để đi vào trong nhóm người lành, là nguồn phủ của sự tán thán khen ngợi, là công đức để vào giữa chúng không khó khăn, là hang nhà của tâm không hối hận, là căn bản của thiện pháp đạo hành, là rừng rậm của mọi điều hoan lạc, là ruộng phước của giàu sang an ổn, là bến bờ của sự đắc đạo Niết-bàn, là sở hành của Thánh nhân, đại sĩ, trí giả, là chỗ bắt chước của các người kém đức ít biết."

Hay như Đức Phật cũng dạy bố thí có năm lợi ích

1. Được nhiều người ưa thích mến mộ.

2. Được thiên nhân và các bậc chân nhân thân cận.

3. Tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi.

4. Không có sai lệch pháp của người gia chủ.

5. Khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi lành thiên giới.

Đặt biệt, có tám lý do mà chúng ta hành bố thí, các vị hãy lắng nghe suy nghĩ và khéo tác ý! Thế nào là tám?

1. Chúng ta thực hành bố thí là vì tình thương yêu với nhau, giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật.

2. Chúng ta bố thí có thể vì tâm sân hận.

3. Chúng ta bố thí có thể vì tâm ngu si.

4. Chúng ta bố thí có thể vì sự sợ hãi.

5. Chúng ta cũng có thể bố thí với ý nghĩ: "Trước kia ông cha ta đã bố thí, trước đây các người đã làm; vì thế ta sẽ không xứng đáng nếu ta từ bỏ truyền thống gia đình này!"

6. Chúng ta bố thí có thể với ý nghĩ: "Bằng cách bố thí này ta sẽ tái sanh vào cõi tốt đẹp, vào thiên giới, sau khi chết."

7. Chúng ta bố thí cũng có thể do ý nghĩ: "Khi bố thí như thế này, tâm ta sẽ an vui, hạnh phúc và hỷ lạc sẽ khởi sanh trong ta!"

8. Chúng ta có thể thực hành bố thí vì hành động này làm tâm cao thượng, làm tâm trang nghiêm.

Đấy là tám lý do để chúng ta thực hành bố thí, điều này đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy trong Kinh Tăng Chi rất rõ ràng. 

Cũng có câu chuyện thế này:

Thuở Ðức Phật còn tại thế, Ngài đi khắp nơi để giáo hóa chúng sanh. Lúc bấy giờ có một vị Trưởng giả rất giàu, kho tàng dẫy đầy, tôi tớ đông đảo, Trưởng giả ấy là em của Ngài Ðại Mục Kiền Liên.
Một hôm, Tôn giả Mục Liên đến nhà em, bảo rằng: “Tôi nghe chú không ưa bố thí, điều ấy rất không tốt. Ðức Thế Tôn thường dạy: “Người nào hay bố thí, sẽ được hưởng phước báo không lường”. Nay chú được giàu sang như thế này, là do công đức huệ thí từ kiếp trước. Nếu chú cứ ôm lòng lẩn tiếc chẳng những hưởng phước không được bao lâu, mà đời sau do nghiệp bỏn xẻn sẽ mang thân ngạ quỷ, khốn khổ vô cùng.

Nghe lời anh dạy, Trưởng giả mở rộng kho tàng, cúng dường Tam bảo châu cấp cho kẻ nghèo thiếu. Trong khi ấy, ông lại cất thêm kho vựa mới, ý muốn thâu chứa, những của cải, mình sẽ được do phước bố thí, nhưng chưa được bao lâu thì tiền của tiêu mòn, kho cũ đã hết, mà kho mới cũng trống trơn, trưởng giả sanh lòng ảo não, đến thưa với Ngài Mục Liên rằng: Khi trước anh bảo: “Bố thí sẽ được nhiều phước báo” tôi không dám trái lời dạy, đem tất cả ra làm việc phước đức, nay kho tàng đã hết sạch, nhưng phước báo đâu không thấy, hay là tôi đã bị lầm lạc vì anh chăng?”

Tôn giả Mục Liên bảo: “Chú chớ nên nói lời ấy! Chớ nên gây tà kiến cho những kẻ ngu mê! Nếu phước đức đều có hình tướng, thì cảnh giới hư không, dung chứa vào đâu cho hết. Tuy nhiên, nếu chú muốn, tôi có thể chỉ cho thấy một phần ít quả báo của sự bố thí.”

Nói đoạn, ngài Mục Liên dùng sức thần thông đem em lên đến một phương vức ở cõi trời. Nơi đây, một bầu trời thế giới trân kỳ hiển hiện: Lầu các rộng rãi bao la, cảnh trí vui tươi sáng suốt, ao thất bảo gió thơm thanh khiết, hoa Mạn Ðà vẻ đẹp thần tiên! Trưởng giả mục kích sững sờ, ngơ ngẩn, nhìn đông quên tây, lại thấy từ trong cung điện lộng lẫy, chậm rãi đi ra một đoàn ngọc nữ.

Trưởng giả liền hỏi anh rằng: “Ðây là cảnh nào mà phong cảnh xinh tươi như thế? Sao tôi chỉ thấy toàn là người nữ, không có nam nhơn? “Tôn giả Mục Liên bảo: “Chú hãy đến hỏi ngay mấy nàng kia, sẽ được biết rõ”. Trưởng giả đem những lời ấy hỏi, thiên nữ đáp: “Ðây là cung trời Ðao Lợi, chúng tôi ở chốn này đã lâu hưởng phước tự nhiên, những thức ăn mặc tùy niệm hiện ra, không cần phải nhọc sức tạo tác. Bao nhiêu cung điện và tất cả sự trang nghiêm tốt đẹp nơi đây, cho đến sắc thân thanh khiết xinh tươi của chúng tôi, đều là kết quả của sự bố thí. Ngài muốn biết ngài trượng phu của chúng tôi ư? Người ấy không ai xa lạ, chính là những vị nào siêng tu phước đức. Hiện nay, ở cõi nhân gian, về xứ Ca Tỳ La Vệ, Tôn giả Mục Liên vị đệ tử thần lực của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có một người em ưa bố thí, người ấy không bao lâu mạng chung, sẽ thác sanh lên đây và sẽ là người chủ quản của chúng tôi sau này”.

Nghe thiên nữ nói, trưởng giả bỗng nhiên vui mừng khấp khởi, cảm phát lòng lành, liền trở về chỗ Ngài Mục Liên thuật lại mấy lời ấy. Tôn giả mỉm cười, hỏi gạn lại: “Thế nào? Sự bố thí có phước báo hay không? “Trưởng giả hổ thẹn, sám hối. Sau khi trở về nhân gian, ông lại càng bố thí nhiều hơn và khuyến khích người khác làm theo, không lúc nào biết chán nản.

Thuở xưa, ở thành Xá Vệ có Vị trưởng giả, một ông tên là Tối Thắng, một ông tên là Nan Hàng. Cả hai đều rất giàu có, bảy báu đầy đủ, voi, ngựa, xe cộ, tôi trai, tớ gái đông đúc, ruộng vườn sự sản vô cùng to tát. Nhưng, về tánh tham lam, bỏn xẻn của hai ông này, ở trong nước thật không ai hơn. Trưởng giả Tối Thắng cũng như Nan Hàng, mỗi ông đều xây tường thành cao, làm bảy lớp cửa, dặn gia nhân đừng cho kẻ ăn xin vào nhà. Chưa lấy thế làm đủ, hai ông còn sắm những tấm lưới sắt che giăng khắp trên sân, vì sợ loài chim bay xuống mổ lúa thóc. Cho đến các kho vựa, cũng đều làm bằng sắt, quyết không để loài chuột xoi khoét vào cắn phá đồ vật.

Nghe tiếng hai ông trưởng giả keo bẩn, năm vị đệ tử lớn của Ðức Phật tuần tự nhau dùng phép thần thông, phân thân đi đến mỗi nhà, từ dưới đất bay lên, thuyết pháp giáo hóa. Nhưng kết cuộc, hai ông trưởng giả chẳng nghe lời giảng dạy. Sau rốt, Ðức Phật cũng dùng phép phân thân đi đến, hiện thần lực, ngồi nằm giữa hư không, phóng ánh sáng rực rỡ soi khắp mọi nơi, nói ra pháp màu nhiệm, hai vị trưởng giả tai nghe, nhưng còn chưa hiểu thấu đều tự nghĩ rằng: “Nay Ðức Thế Tôn đã đến nhà, ta không nên để cho Ngài về không” nghĩ như thế, mỗi ông tự vào kho lấy vải để đem ra cúng Phật. Vì còn nặng lòng tham tiếc, hai ông định lựa vải xấu, nhưng lấy lầm phải thứ tốt, khi trở vào đổi, lại lấy thứ khác tốt hơn. Bây giờ, cả hai tâm ý phân vân, nửa muốn đem ra, nửa muốn cất vào, băn khoăn không nhất định.

Lúc ấy, Ðức Phật dùng thiên nhãn xem thấy chư thiên đang đánh với A Tu La, khi được hơn khi bị thua, kia là quả báo của tâm trạng hơn kém trong khi bố thí. Ðức Thế Tôn lại quán sát, đến tâm của hai vị trưởng giả, thì thấy lúc có tâm bố thí hơn, tâm bỏn xẻn thua, có lúc tâm bỏn xẻn hơn, tâm bố thí thua, Ngài liền nói bài kệ rằng:

“Bố thí như chiến tranh
Ðiều ấy Phật không khen
Khi thí là khi đánh
Hai việc ấy đồng nhau”.

Hai vị trưởng giả nghe xong, trong lòng hổ thẹn, cho rằng Ðức Phật đã nói ngay tâm trạng của mình, mỗi vị đều đem vải tốt ra dâng cúng Phật. Cúng dường xong, cả hai tâm trí sáng suốt, đều chứng được đạo quả.

Lại nữa, cũng trong Kinh Tăng Chi Bộ III, có dạy như sau:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Velukandaki làm một thí vật gồm có sáu phần cúng dường chúng Tăng. Bấy giờ, Thế Tôn với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên thấy mẹ của Nanda làm một thí vật gồm có sáu phần liền bảo các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có ba phần thuộc về người bố thí và có ba phần thuộc về người nhận vật phẩm bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí? Này các Tỷ kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba phần của người bố thí. Thế nào là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí? Ở đây này các Tỷ kheo, những người nhận phẩm vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là thí vật có sáu phần.

Này các Tỷ kheo, công đức của thí vật sáu phần thật vô lượng: “Là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, hạnh phúc và an lạc”.

Cho nên việc bố thí có lý do như thế và có lợi ích như thế, người có trí tuệ phải nên suy nghĩ để thường hành bố thí. Trong Kinh Tăng Chi Bộ II, Đức Phật cũng dạy vì sao chúng ta phải nên bố thí:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái vua cùng năm trăm thiếu nữ hộ tống, đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai vị ấy được sanh lên cõi trời hoặc sanh lại cõi người thì giữa hai vị ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?

Có sự sai biệt, này Sumanà!

Người có bố thí, khi được làm một vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí trên năm phương diện. Đó là thọ mạng, nhan sắc, an lạc, danh xưng và tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí về năm phương diện này.

Các vị muốn thực hành hạnh bố thí viên mãn thành tựu để xuất sanh phước báu vô lượng và công đức thì nên y theo năm pháp này. Năm pháp này đã được nói đến trong Ưu Bà Tắc Giới Kinh:

1. Không lựa người có đức hay không đức

2. Chẳng nói việc tốt xấu

3. Chẳng kể dòng họ thân-sơ

4. Chẳng xem thường người xin

5. Không mắng chửi người nhận

Tuy nhiên các vị cũng nên biết thêm rằng: Bố thí phải đúng như pháp thì quả lành mới thành tựu được. Có năm cách bố thí mà không có phước báu, đã được Đức Thế Tôn khai thị trong Kinh Tăng Nhất A Hàm II, chúng ta nên lưu tâm để ý:

1. Lấy dao thí cho người.

2. Lấy độc thí cho người.

3. Lấy bò hoang thí cho người.

4. Lấy dâm nữ thí cho người.

5. Tạo các miễu thần.

 Và ngược lại cũng có năm việc bố thí khiến được phước lớn. Thế nào là năm? 

1. Tạo vườn cảnh.

2. Tạo rừng cây.

3. Tạo cầu đò.

4. Tạo thuyền lớn.

5. Tạo phòng xá trụ xứ cho người qua lại.

Bài kệ này đã được Đức Như Lai nói lên khi Ngài tuyên thuyết xong về bố thí không có phước báu và bố thí phát sanh phước báu lớn, ở trên:

"Vườn cảnh thí mát mẻ

Và tạo cầu đò tốt

Bến sông đưa mọi người

Và làm phòng nhà tốt

Người đó trong ngày đêm

Hằng sẽ nhận được phước

Giới định đã thành tựu

Người này ắt sanh thiên."

Lại nữa, trong Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy: "Này các Tỳ-kheo, có tám sự bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là tám? Cho vật trong sạch; cho vật thù diệu; cho đúng thời; cho vật thích ứng; cho với sự cẩn thận; cho luôn luôn; khi cho tâm tịnh tín; sau khi cho tâm luôn hoan hỷ".

Hỏi: 

Thưa Thầy! Ý nghĩa bố thí chúng con đã hiểu. Thầy cho con hỏi: Nếu người nghèo khổ bần cùng thì làm sao mà thực hành bố thí được?

Đáp: 

Kinh Nhân Quả nói: “Này, Thiện nam tử! Dầu cho những kẻ bần cùng trong thiên hạ đi nữa, đâu phải họ không có cái thân, nếu họ không có vật chi bố thí, thì mỗi khi thấy người khác tu bố thí, họ đem thân đến mà hiệp lực giúp đỡ.”  Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật cũng dạy: “Nếu có người bần cùng, không của bố thí, khi thấy kẻ khác bố thí thì nên khởi tâm tuỳ hỷ (tức là vui theo việc bố thí của người khác), phước báu tuỳ hỷ ngang với phước báu của kẻ bố thí không khác. Ấy là việc rất dễ làm.”

Các vị đã có duyên gặp được Phật pháp, nên phát khởi tâm lành thường hành bố thí để hướng đến hiện tại an lạc, sung mãn tài bảo, sức khỏe, tăng trưởng thiện căn, nghiệp chướng tiêu trừ, thành tựu nguyện ước... tương lai tái sanh cõi lành. Nếu có cơ hội làm thiện, có cơ hội bố thí mà không làm thì thật đáng thương xót, khi tử thần mang cái chết đến thì: Ôi thôi! Ô hô! Như người xưa nói:

"Tam thốn khí tại thiên ban dụng

Nhất đán vô thường vạn sự hưu”

Nghĩa là:

"Khi hơi thở còn thì lo tính đủ thứ

Lúc vô thường đến thì mọi việc cũng buông xuôi."

Lại nữa, người có trí tuệ lớn, bậc hữu tâm mới hay giác ngộ, biết thân như huyễn, tiền của không thể bảo toàn; vạn vật vô thường, chỉ có phước đức là có thể nương cậy, đưa người ra khỏi biển khổ, là bến thông đạo lớn.

Khi vô thường mang cái chết đến thì ăn năng hối hận đã không còn kịp nữa. Như Ngài Santideva từng nói:

"Có cơ hội làm thiện 
Mà bỏ qua không làm 
Liệu tôi làm được gì 
Khi thống khổ bức bách? 

Nếu không làm việc thiện
Chỉ toàn làm việc ác 
Dù trải qua muôn kiếp 
Vẫn không biết cõi lành."

Lại nữa, chúng ta phải biết:  Người ưa bố thí, được người kính phục, người ưa bố thí, được quý nhân tưởng nhớ, tiện nhân kính trọng, khi sắp mạng chung, tâm không sợ hãi... Ngài Shantideva dạy tiếp:

"Đức Thế Tôn dạy rằng 
Thân người khó được thay 
Như rùa mù dưới biển 
Cổ ngoi lên trúng ngay
Vào lỗ ván phiêu bồng. 

 Phạm tội nặng chốc lát 
Đã phải bị đọa đày
Vào địa ngục vô gián
Vậy với tội muôn kiếp 
Làm sao sinh cõi lành?" 

các vị nên biết phạm một tội nhỏ thôi, cũng đọa địa ngục bằng 500 tuổi thọ của cõi trời Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương là tầng trời thấp nhất trong 6 tầng trời cõi Dục. Về thọ mạng của Tứ Thiên Vương là 500 tuổi (một ngày đêm ở đây bằng 50 năm ở nhân gian). Nếu phạm tội nhỏ thôi mà cũng đọa địa ngục bằng 500 tuổi thọ của cõi trời này, các vị nhân lên thì biết mình đọa lạc thời gian trong địa ngục dài như thế nào. Mà trong đời sống khi vô tình, khi cố ý chúng ta tạo biết bao nhiêu điều tội lỗi? Chúng ta có biết được không? Tội nhỏ còn như thế huống gì tội lớn sẽ như thế nào? Nghĩ đến đây mà giật mình kinh hãi, thật đáng sợ thay! Thật đáng răng dè! Ngài Shantideva dạy tiếp:

"Chờ trả xong ác báo
Cũng khó thoát địa ngục
Bởi trong lúc trả nghiệp 
Lại gây thêm tội mới. 

Khi được thân con người
Là được cơ hội tốt
Cho công việc tu hành
Nếu bỏ cơ hội ấy
Thật không gì điên hơn.

Nếu đã biết như vậy 
Mà vẫn ngu si, lười
Khi thần chết gõ cửa 
Sẽ đau khổ dường bao. 

Lửa địa ngục hừng hực

Đốt thân tôi nhiều kiếp 
Và ngọn lửa ăn năng
Càng hành hạ tâm can.

Thật khó hiểu vì sao
Tôi có được thân người
Khi nhận biết điều này 
Thì rơi vào địa ngục!"

Hôm nay hữu duyên các vị về đây, nhân duyên thưa hỏi, tôi cũng đã vì các vị mà nói sơ lược về lý do bố thí, bố thí như thế nào... Người xưa từng nhắc nhở chúng ta:

"Đã biết chốn ni là quán trọ
Hơn, thua, hờn oán.. để mà chi!
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ
Hỏi họ mang theo được những gì!"

Cuộc sống là thế, đời người chóng qua, nhưng mấy ai suy nghĩ đến? Dẫu có suy nghĩ cũng ít người chuyên tu thiện nghiệp, cái chết là cái mà ai ai cũng phải trải qua, anh như thế, tôi cũng như thế! Khi tứ đại ngã xuống rồi thì của cải, tiền tài, nhà cửa, con cái... đều bỏ lại hết; chỉ có nghiệp thiện và nghiệp ác hằng theo mình mà thôi. Như Tôn Giả Shantideva cảnh báo:

"Do tâm nguyện hướng thiện
Mà làm nhiều việc lành
Đến đâu cũng gặp được
Những phước báo hiện tiền.

Những kẻ làm điều ác
Dù cầu mong hạnh phúc
Đến đâu cũng khổ đau
Do gặp quả báo ác."

Như trong Kinh Nikaya, có vị chư Thiên đến hỏi Đức Phật:

"Cho gì là cho lực?

Cho gì là cho sắc?

Cho gì là cho lạc?

Cho gì là cho mắt?

Cho gì cho tất cả?

Xin đáp điều con hỏi!"

Đức Thế Tôn dạy:

"Cho ăn là cho lực.

Cho mặc là cho sắc.

Cho xe là cho lạc.

Cho đèn là cho mắt.

Ai cho chỗ trú xứ,

Vị ấy cho tất cả.

Ai giảng dạy Chánh pháp,

Vị ấy cho bất tử!"

Mọi người chắc ai cũng biết bố thí có ba loại, đó là tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí có nghĩa là bố thí tiền của, vật thực, chăm sóc sức khỏe... Tài thí gồm có nội thí và ngoại thí. Nội thí là bố thí những gì trong cơ thể chúng ta: Hiến máu, hiến những bộ phận trong cơ thể của mình. Còn ngoại thí là bố thí những đồ vật bên ngoài: tiền bạc, vật chất, nhà cửa... Tài thí chân chánh là những gì mình bố thí không phải do cướp giật, lừa gạt, trộm cắp... mà có.  Pháp thí tức là bố thí pháp, khiến nghe nghe bỏ ác làm lành, thấy được tội lỗi mà ăn năng sám hối, hiểu được chân lý, giúp chúng sanh chứng ngộ hiện tại lạc trú... Pháp thí là loại bố thí ưu thắng, vì có thể khiến cho chúng sanh đạt được sự bất tử, tức là làm chủ sống chết, đoạn tận khổ đau, chứng ngộ Niết- bàn. Còn vô úy thí tức là bố thí sự không sợ hãi. Bố thí sự không sợ hãi này hệ thuộc và tài thí và pháp thí, đồng thời cũng nhiếp cả tài thí và pháp thí. 

Sự bố thí được xem là thanh tịnh và đem lại phước đức và quả báo lớn thù thắng thì cần phải có đủ ba yếu tố sau:

1) Người bố thí phải có tâm thanh tịnh, trong sạch.

2) Vật được thí phải chân chánh.

3) Người nhận phải được kính trọng tối đa.

Đức của bố thí đưa đến giàu sang an lạc, người trì giới thì được sanh lên trời, thiền trí tâm tịnh, không có nhiễm trước, thời được đạo Niết-bàn. Phước của bố thí là tư lương của đạo Niết-bànNgười thường niệm tưởng bố thí nên hoan hỷ, hoan hỷ nên nhất tâm, nhất tâm quán lý sanh diệt vô thường nên đắc đạo. Cũng như người mong có bóng mát mà trồng cây, hoặc mong có hoa, hoặc mong có quả mà trồng cây. Bố thí vì mong được quả báo cũng như vậy. Đời này, đời sau vui như mong bóng mát. Đạo Thanh-văn, Bích-chi Phật như hoa, thành Phật như quả, ấy là các thứ công đức của bố thí. Các vị nên nghiêm túc suy nghĩ, cố gắng thực hành bố thí, hãy tự răng dè mình mà cần dõng tu hành thiện pháp. 

Cố gắng!

Cố gắng!





Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

            THẾ NÀO LÀ HÀNH GIẢ CỦA PHÁP?


Một hôm có một hành giả đến thăm Sư Phụ Long Viễn, và đoạn pháp thoại ngắn sau đây được nói lên khi hành giả ấy cung kính thưa hỏi:


Hỏi: 

- Có bao nhiêu cách tạo ra công đức?

Đáp: 

- Có ba cách tạo ra công đức!

Hỏi: 

- Ba cách đó là gì?

Đáp: 

Ba cách tạo ra công đức đó là:

- Có cách tạo công đức bằng bố thí

- Có cách tạo công đức bằng trì giới

- Có cách tạo công đức bằng tu tập thiền định.

Hỏi: 

- Xin Thầy từ bi chỉ rõ sự khác biệt giữa phước đức và công đức được không?

Đáp:

- Người tạo ra phước đức là để được hưởng, vì hưởng nên phải giữ lấy, vì giữ lấy nên dính vào và đi theo dòng luân hồi của nó. Tức là người tạo tác thiện hạnh nhưng tâm còn chấp thủ vào việc mình làm, còn thấy có mình làm, có đối tượng nhận và vật phẩm mình bố thí... cùng với quả dị thục mà những thiện hạnh mình làm mang lại.

- Còn công đức thì nhìn vào trong tự tánh, ngay nơi pháp tánh mà hiển bày, có thể nương vào hành động tạo tác thiện lợi cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh: Bố thí, trì giới, thiền định nhưng trong tâm thanh tịnh, bình đẳng, không có phân biệt, không có chấp trụ; không lìa tự tánh thanh tịnh mà ứng dụng diệu tánh không nhiễm khi đối cơ ứng vật, tâm giác chiếu thường tri minh liễu những việc mình làm, sở hành tạo tác những thiện hạnh vì mục đích chứng ngộ Đại Bồ Đề. Mà Bồ Đề vốn không có nơi chỗ, chân thật là tự tác, tự giác, tự minh, tự liễu, tự chiếu, tự soi giác tánh ở nơi mình không thể tìm cầu bên ngoài mà được! Cho nên Đức Phật được gọi là Đại Giác Bồ Đề!... Đó là công đức. 

Ví như Xưa Lục Tổ Huệ Năng có dạy ông Vi công như sau:

“Vi công hỏi Ngài Lục Tổ Huệ Năng: Đệ tử nghe chuyện Đạt Ma thuở xưa giáo hóa cho Lương Võ Đế. Vua hỏi: “Một đời trẫm cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, ăn chay, có công đức gì không?”. Đạt Ma đáp: “Thật không công đức gì”. “Đệ tử chưa hiểu lẽ ấy, xin hòa thượng giảng giải cho”.

Sư đáp: “Thật không có công đức. Đừng nghi ngờ lời của bậc Thánh đời trước. Võ Đế lòng mê, chẳng rõ pháp chánh. Cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, ăn chay, gọi là cầu phước. Không thể lấy phước ấy mà xem là công đức. Công đức ở nơi Pháp thân, chẳng phải ở sự tu phước”.

Sư lại nói: “Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm tưởng không ngăn ngại, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức. Trong lòng khiêm nhượng là công, việc làm theo lễ là đức. Tự tánh sanh ra muôn pháp là công, tâm lìa vọng niệm là đức. Chẳng rời tự tánh là công, ứng dụng mà không đắm nhiễm là đức. Muốn tìm Pháp thân công đức, cứ nương theo đó mà làm, ấy là công đức chân thật. Nếu người tu công đức thì lòng chẳng khinh mạn, thường cung kính hết thảy. Lòng hay khinh người, tánh tự tôn chẳng dứt là tự mình không có công, tánh hư vọng chẳng thật là tự mình không có đức. Vì tánh tự đại tự tôn, nên thường khinh hết thảy.

“Các vị thiện tri thức! Chánh niệm không gián đoạn là công; trong tâm công bình, chánh trực là đức. Tự tu tánh mình là công, tự tu thân là đức.

Các vị thiện tri thức! Công đức nên nhìn từ trong tự tánh, không phải do bố thí, cúng dường mà cầu được”.

Khá không rõ lắm ư? Ông nên giác chiếu lại sở hành tạo tác của mình, minh liễu tự tánh mà ứng dụng linh tri ly niệm khi đối cơ ứng vật. Là một hành giả cần phải biết rõ mình là ai? Mình từ đâu đến? Mình đến đây để làm gì? Khi chết mình về đâu? Không phải tìm cầu thử thách người này người kia để minh chứng mình hay, mình giỏi. Hay đó! Giỏi đó! Có lợi ích gì khi quỷ vô thường mang cái chết đến? Hay ư? Giỏi ư? Có làm chủ được sanh già bệnh chết không? Tôi có thể tuyên bố với ông: "Không ai có thể chiến thắng nổi tôi! Vì tôi đã chịu thất bại rồi!" Ông hãy nhớ kỹ:

Chớ phóng niệm tìm cầu tri thức mà quên mất tự tánh của chính mình!

Chớ buông lung theo dục tình mà điên đảo với ma ý!

Chớ đắm mình bi lụy theo dòng chảy thế gian!

Chớ uất hận khóc than khi sanh ly tử biệt!

Chớ chạy theo mãi miết với bóng dáng tiền trần!

Chớ ham đắm sắc thân vì vô thường nuốt mất!

Chớ như con Lật Đật không phân biệt thị phi!

Chớ ngu si tạo tác ác hành để đi vào đọa lạc!

Nghiệp lực vốn không tha ai cả và nhân quả rất công bằng!

Hãy quán tri:

Diệu tánh vốn vô tướng

Diệu tánh vốn nguyên minh

Diệu tánh luôn hiển bày

Diệu tánh vô phân biệt!

Và:

Ở ngay đây: Vốn là Tịnh Độ!

Ở ngay đây: Chính là Niết Bàn!

Tìm Phật vốn không thể lìa tự tánh mà được! Nếu ông phóng tâm ra ngoài chính là chánh điên đảo, một  khi chân thật xoay trở vào chính là chánh biến tri!

Cố gắng!

Cố gắng!


Hành giả nghe xong cuối đầu chấp tay xá lễ, khuôn mặt trở nên cương nghị lạ thường, đôi mắt long lanh ần ận nước nhưng sáng rực phi phàm... phải chăng ông đã ngộ được gì với diệu nghĩa mà Sư Phụ từ bi huấn thị?






Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Tiểu Sử Thầy Tôi:

ಥ Lược Sử Thầy Tôi: Thích Long Viễn  

Câu chuyện:

                             LIÊN HOA HÓA SANH

Phần I:  

Tín Nữ Thiện Căn

Phật Quang Phổ Chiếu

Khi Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn, là con mắt của trời người đã tắt, lòng người và chư thiên ai cũng rất đau khổ, nhưng sức mạnh của vô thường quá lớn nó chi phối tất cả, có sanh ắt có tử, hội họp tất biệt ly...  

Sầu não ưu bi với khát ái lại khiến con người càng lao vào hố sâu của hắc nghiệp, nhất là thời đại năm thứ suy đồi này. Tôi vô cùng may mắn, phải chăng do túc nghiệp căn lành mà tôi đã gặp được Ngài- một Ân Sư đã truyền dạy cho tôi Chánh Pháp Nhãn Tạng để nhìn đời và thấu suốt đường đi Nhân Quả luân hồi, không những tôi mà tất cả những ai có hữu duyên với Ngài đều nhận ra điều ấy cả. Thầy tôi- Người đã đốt lên ngọn đuốc của Chánh Pháp soi rọi vào đêm đen u tối của cuộc đời và phá tan màn vô minh dày đặc trong lòng người, để nối tiếp mạng mạch của Như Lai, lợi ích cho chúng sanh vì loài trời và loài  người...Tôi xin trích một đoạn ngắn mà Sư Cô Huệ Nghiêm đã viết đúng sự thật về Thầy, người mà dưới bước chân hình như bao giờ cũng ngập đầy những dòng nước mắt: 

"Kể về Thầy chúng tôi, người từ nhỏ đã luôn luôn buồn vui thủ thỉ với Đức Phật, hay rúc vào tủ thờ ôm hình Phật mà khóc mà cười. Thầy hay bảo "Thầy thương ông Phật nhất nhất trên đời". Vậy nên, sau khi hoàn tất chương trình Phổ Thông, Thầy xin phép gia đình cho xuất gia để được gần gũi hơn với "ông Phật". Trải qua những tháng ngày rèn luyện, tích lũy tư lương và kiến thức về Phật Pháp tại Đại Tòng Lâm Tự (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Trường Phật học Huế, Sài Gòn, Thầy tin chắc vào sự giải thoát của Diệu Pháp mà quyết định về quê, lựa chọn một trú xứ thanh vắng ở chốn núi rừng để sống hạnh độc cư, mong sớm đạt Đạo quả vì sự nghiệp gầy dựng Chánh Pháp, báo đền ơn Phật. Dần dần, có những Phật tử đầu tiên không hiểu vì lý do gì mà lần tìm vào chốn rừng sâu, vô tình bắt gặp bóng người đang ngồi thiền định dưới vách lá, mưa nắng chẳng màn... cảm thấy hơi khiếp vía nhưng cũng không khỏi xót xa, họ thảng thốt: "Ôi, người này chẳng biết là ma hay Phật?". Nghe kể thì có vẻ giống phim, hay quý vị có thể nghĩ chuyện hoang đường, cũng có thể cho rằng giống mô tuýp của Ngài Milarepa quá, nhưng thật chất Thầy tôi đã trải qua những tháng ngày như vậy. Thầy sống theo hạnh đức Phật, chặt cây chuối mà ăn, lần tìm rau cỏ trong rừng mà sống, làm bạn với thú rừng rắn rết, thấm đẫm gió sương... chỉ chuyên tâm thiền định, cần dõng tinh tấn, quyết sống quyết chết "để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ". Thầy tôi thường hay bảo rằng: "Chỉ cần làm Đức Thế Tôn mỉm cười, dù thân Thầy có nổ tung vỡ thành triệu mảnh ngay tại chỗ thì Thầy cũng cam lòng, chẳng tiếc thân!" Quả thật, khi tôi bắt đầu nghiên cứu bộ Kinh Nguyên Thủy (Nikaya) ghi chép lại tất cả những lời Giảng từ Kim Khẩu của Đức Thế Tôn, thời ấy rõ ràng không có vị Tỳ Kheo nào có thể chứng đắc quả vị cao nhất mà không trải qua giai đoạn sống hạnh độc cư.

Cái hạnh thanh tịnh, luôn hướng thượng của Thầy tôi là vậy. Những ai biết đến Thầy đều không hề có chút nghi ngại. Còn về việc Thầy chứng đạt những gì, chứng đắc hay chưa, chứng ngộ tới đâu, phận chúng tôi làm đệ tử xin phép không dám nghĩ bàn. Chỉ biết rằng từ ngày có duyên trưởng ngộ Thầy, riêng tôi vẫn luôn suy tư và cảm thấy vô cùng may mắn. Nhờ Thầy mà tôi ngày càng vững tin, thật tin vào Giáo Pháp của Đức Như Lai, cũng như đặt trọn lòng tin vào khả năng dẫn dắt của Thầy cho đến ngày tôi sang được bờ Giác."

Vâng! Nói về Thầy thì không biết bao nhiêu bút mực để diễn tả cho hết được. Ở đây tôi xin lược kể về thần thức Thầy nhập thai, qua lời mẫu thân của Thầy kể lại, trong một vài ngày nghỉ phép ngắn ngủi mà tôi về thăm quê.

Thân mẫu của Thầy tên Võ Thị Mỹ (Sinh năm 1950), thân phụ là Nguyễn Ngọc Thành (Sinh 1941) hiện trú tại thôn Phú Văn, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Hai cụ thân sinh nhìn rất phúc hậu, đức độ lan tỏa khắp làng xóm, ai nghe cũng đều rất kính nể, hai cụ ở trong một ngôi nhà cổ kính nằm sâu trong chốn quê nghèo hẻo lánh, nơi ấy đã nuôi dưỡng Thầy khôn lớn trưởng thành, nhưng ngôi nhà ấy hiện tại do anh trưởng của Thầy tiếp quản, còn hai cụ thân sinh lại trú tại một quán nhỏ bên vệ con đường làng. Tuy tuổi đã cao nhưng ông, bà vẫn rất cực khổ, thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tầng để kiếm bát cơm, tuy cực mà vui, đêm về cả hai cùng tọa thiền, tụng kinh tu tập, cuộc sống cứ thế mà đi qua...

Khi chưa lập gia đình, thân mẫu của Thầy không muốn có chồng, chí cầu xuất gia tu đạo, nhưng mẹ cô nhất quyết không cho còn đánh đập và đe dọa nếu đi tu thì bà sẽ giết chết, nên cô đành phải ngậm ngùi rơi lệ mà cất bước sang ngang. Tuy đã lấy chồng nhưng tâm từ bi vẫn không thay đổi, bà không dám giết dù chỉ một chúng sanh nhỏ. Có lần cuộc sống gia đình bức bách bà thầm than khóc với Trời Phật và muốn chết đi cho xong, thì tối đến Bồ Tát Quán Thế Âm ứng mộng nói rằng: " Nếu con không muốn sống, ta sẽ dẫn con đi dạo chốn địa ngục ba ngày, sau đó con hãy quyết định, ta sẽ thuận theo ý con mà tiếp dẫn!" (Khi ấy Thầy tôi chưa ra đời). Và rồi đúng như lời Bồ Tát nói qua ngày hôm sau, bà tự nhiên tắt thở chết tươi, khi thần thức thoát xác bà nhìn thấy có nhiều ánh sáng khác nhau tỏa chiếu đến mình (Giai đoạn thân trung ấm, như lời Phật thuyết, mỗi ánh sáng là một cõi giới khác nhau), trông thấy những ánh sáng kỳ lạ ấy xuất hiện bà rất đỗi kinh ngạc, lúc ấy Bồ Tát xuất hiện và bảo: "Con hãy đi theo ta...!" Bà đi theo ánh hào quang phổ chiếu của Bồ Tát Quán Thế Âm, đến một cây cầu nhỏ rất dài hai đầu cầu có hai con chó rất lớn, hai cái răng nanh chỉa ra ngoài bén nhọn như dao, mắt đỏ rực như máu canh dữ, phía dưới cầu là vực sâu không đáy, toàn là lửa rừng rực cháy, thiêu đốt muôn loài dã thú cùng với quỷ la sát đuổi giết người ăn thịt...tiếng la hét kinh hồn khiếp đảm của mọi người vang lên, ôi thật là kinh hãi; nhưng bà đã đi qua một cách an toàn. Đoạn bà đến thế giới trú xứ đầu tiên đó là những người Thiên Chúa Giáo (Thân phụ sinh ra bà vốn là một vị Cha nhà thờ, nên vừa mới sinh ra bà đã được làm lễ rửa tội...), nhìn thấy những cảnh sinh hoạt của họ mà ruột gan bà quặn thắt từng cơn, lúc ấy bà gặp được những người thân, nghe họ tâm sự về cuộc sống ở chốn này mà nỗi lòng bi thiết không thể nào ngăn được những dòng lệ chảy... Rồi bà đi theo hào quang chiếu dịu vô biên màu sắc của Bồ Tát tham quan 18 tầng địa ngục lớn, mỗi địa ngục đều có những khí cụ hành hình và cực hình cũng khác nhau, tội khí như chỉa, gậy; chim ưng, rắn, sói, chó; giã, mài, cưa, đục, chém, chặt, chảo dầu sôi; lưới sắt, dây sắt; lừa sắt, ngựa sắt; miếng da sống quấn trên đầu; sắt nóng tạt vào thân; đói nuốt viên sắt nóng; khát uống nước sắt sôi...

Hoặc có địa ngục quỷ la sát kéo lưỡi người tội ra cho trâu cày trên đó, hoặc có địa ngục tội nhân bị moi tim ra cho quỷ Dạ Xoa ăn, hoặc có địa ngục lửa cháy ngút trời đốt thiêu người tội, hoặc có địa ngục băng giá vô cùng khiến thân người tội cô đặt lại và bùng vỡ ra, hoặc có địa ngục toàn là phân tiểu dòi tửa với mỏ sắc cắn rúc người tội, hoặc có địa ngục toàn là lửa dữ trong ấy lại có chó sắt chạy đuổi cắn thân thể người tội bấy nhừ, hoặc có địa ngục mưa gai chong sắt xuyên qua thân thể tội nhân… bà nói mỗi khi nghĩ đến mà tay chân rụng rời, lông tóc dựng ngược, thất đảm hồn kinh, thật ghê sợ lắm, không từ diễn tả hết bằng lời được (Bà kể rất rõ ràng, tôi xin phép khái lược qua).

Địa ngục lớn thời có mười tám chỗ, địa ngục nhỏ thì có đến cả trăm ngàn, mỗi ngục đều có cách trị tội riêng, thật không lường sự thống khổ.

 Lúc ấy có lẽ nương sức oai thần của Bồ Tát Quan Âm mà bà được thấy những cảnh đau khổ cùng cực, nước mắt tuôn như mưa, ruột gan quặn thắt… mà không bị vỡ tim chết tại chỗ.

Khi dạo quanh các tầng địa ngục xong, Bồ Tát Quán Âm nhìn bà với ánh mắt từ bi vô hạn, như người mẹ hiền nhìn con âu yếm, Bồ Tát bảo: “Chúng sanh đau khổ vô biên, trôi lăn mãi mãi, thọ khổ vô cùng trong chốn địa ngục, đều do ác nghiệp đã tạo từ những kiếp trước, nghiệp đã tạo thì phải nhận lãnh như bóng với hình không thể sai được. Chúng sanh đang đau khổ, trời người đang thương tổn, con còn có nhiệm vụ chưa làm xong, nếu con khởi bi tâm thương xót chúng sanh thì ta sẽ đưa con quay về!”

Lúc ấy bà chấp tay kính cẩn thưa với Bồ Tát mà nước mắt đầm đìa: “Dạ, con xin nghe theo sự chỉ dạy của mẹ - Quán Thế Âm Bồ Tát!”

Vừa nói xong thì bà giật mình tỉnh lại, thấy mọi người xung quanh khóc lóc vật vã, mọi người nhìn thấy bà tỉnh lại cũng rất đỗi ngạc nhiên, nhiều người giật mình sửng sốt… Cũng may là mọi người không chôn cất bà vì cơ thể và trái tim vẫn ấm, chứ nếu không chắc tỉnh lại nằm sâu dưới ba tất đất rồi!

  ===============ಥಥಥ=============

Phần II: 

                 Liên Hoa Nhập Thai

                 Bồ Tát Ứng Mộng

Sau khi du hý chốn địa ngục môn trở về, cuộc sống của bà vẫn âm thầm tiếp diễn, cho đến một đêm nọ…

Đêm ấy bầu trời rất đẹp, cảnh vật chan hòa dưới ánh trăng, ánh trăng sáng lạ lùng như in mình vào muôn ngàn cỏ cây hoa lá, với hương gió mát dịu mang theo hương đồng cỏ nội…khiến cho lòng bà an tĩnh lạ thường. Bà nói, bà không thể nào quên được đêm trăng hôm ấy, vì thường bà rất ít ngắm trăng, chẳng biết sao đêm ấy lại lãng mạn dị thường. Sau khi ngắm trăng và hít thở thật sau không khí yên bình mát dịu, bà vào giường nằm để chợp mắt sau một ngày dài mệt mỏi.

Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, bà thấy Bồ Tát Quán Âm ngự trên mây ngũ sắc, bay đến đứng bên cạnh bà. Bồ Tát đứng nhìn bà với ánh mắt đại bi vô hạn, ánh mắt của Bồ Tát như chứa đựng cả một đại dương tình thương không giới hạn, cho đến bây giờ bà vẫn không quên ánh mắt ấy. Bồ Tát nhìn bà trìu mến độ vài chục giây, rồi Ngài mỉm cười, nụ cười hứa khả thiền vị thật tinh khôi, toát lên hương vị giải thoát tự tại… khó nói nên lời. Tay trái Bồ Tát cầm bình cam lồ, tay phải Ngài đưa ra, bàn tay duỗi xuống và xuất hiện một đóa hoa sen, đóa hoa đủ màu sắc, lại phóng ra hào quang lạ thường mà thế gian này không thể nhìn thấy. Sau đó đoá hoa sen này dần dần bay đến và nhập vào trong bụng của bà. Lúc ấy bà giật mình nhìn quanh thì không thấy Bồ Tát đâu cả. Chỉ còn một cảm giác hỷ lạc vô cùng, bà xoa bụng vài cái, thầm cảm ơn Bồ Tát và tiếp tục đi vào giấc ngủ lúc nửa đêm.

Sau đó bà mới biết là mình đã mang thai.

                       ============ಥಥಥ============

 Phần III: 

                    Thai Nhi Chi Phối

                    Điềm Lạ Phi Thường

Kể từ khi mang thai, trong người bà hoàn toàn thay đổi, mà chính bà cũng phải ngạc nhiên không biết tại sao. Thường khi gia đình ăn mặn, nhưng kể từ khi mang thai này thì bà chỉ thích ăn chay, lại không thích hoan lạc ân ái vợ chồng, cũng không ham đua đòi trang sức. Lại thích bố thí cho người nghèo, làm rất nhiều điều phước lành.

Có một điều mà bà rất đỗi kinh ngạc mà không làm chủ được, đó là lúc nào trong tâm cũng nhớ Đức Phật A Di Đà, miệng thường niệm Nam Mô A Di Đà Phật, nhiều khi bà cố gắng không niệm nhưng cũng không được, âm thanh niệm Phật Di Đà luôn luôn văng vẳng và xâm chiếm làm chủ tâm thức của bà.

Nói đến ông thân của Thầy, bấy giờ là người không tin sâu Tam Bảo nhưng cũng không phỉ báng, nhiều lần chính ông cũng phải cúi đầu xá lễ khi thấy điều mà vượt ngoài suy nghĩ, phán quyết theo khoa học của ông. Ông đã rất nhiều lần thấy bên cạnh bà có những luồng hào quang rực rỡ đi theo. Một đêm nọ, ông đang đi chơi từ nhà hàng xóm về, ông rất kinh hãi khi thấy ba luồng hào quang khổng lỗ đang ngự phía trên đầu vợ mình, ông kể nó to hơn con người mình và dài tới cả chục mét, một luồng sáng rực vàng chính giữa, trong luồng ánh sáng này thì có đủ vô lượng màu sắc nhỏ tia ra bốn phía; hai bên là hai luồng ánh sáng màu xanh xanh, pha lẫn nhiều màu sắc khác rực sáng, chiếu tỏa toàn thân của vợ mình, bất giác ông chấp tay cúi đầu đảnh lễ, với tâm kính cẩn vô biên.

Không phải một lần và rất nhiều lần ông thấy như vậy, hàng xóm có bà Bảy Lý bên cạnh cũng thường xuyên thấy những điều kỳ dị với ánh hào quang phi thường này, bà cũng như ông, mỗi lần thấy là cúi đầu chấp tay cung kính đảnh lễ.

Có một lần thai nhi bị trằn, bà có cảm giác rất đau và mệt mỏi, thì cũng đêm ấy bà thấy Bồ Tát Quan Âm xuất hiện đặt bàn tay phải lên bụng bà, thì ngay lập tức thai nhi được an ổn, bà cũng an ổn, nên với Bồ Tát Quán Thế Âm thì bà có lòng kính ngưỡng vô cùng cực.

                ==============ಥಥಥಥ=============

Phần IV: 

                   Tín Nữ Hạ Sanh

                   Duyên Lành Ứng Thế

 Thời gian cứ như vậy thấm thoát đi qua, thân mẫu của Thầy cũng đến lúc khai hoa nở nhụy. 

Hôm ấy là hôm ba mươi tết. Khi mọi người vô cùng tất bậc vì chuẩn bị đón tết theo truyền thống Việt Nam thì Thầy lại được sanh ra đời…

Thân mẫu Thầy kể lại: Hôm ấy bà đang chuẩn bị đồ để cúng giao thừa thì trong bụng bỗng nhiên nhói đau một cái, bà biết ngay là mình sắp sanh, nên bảo người nhà đi gọi bà mụ đỡ đẻ. (Cái thời ấy việc đi lại còn hạn chế và khó khăn, nên tôi chỉ được nghe kể lại là hay gọi người có kinh nghiệm đỡ đẻ lâu năm là bà mụ đến tận nhà.)

Bà mụ đỡ đẻ sau khi đến khám bụng và nói với bà rằng: “Mày chưa đẻ được đâu, còn lâu lắm, để tao qua nhà bà Ba Xia (bà già hàng xóm), ăn miếng trầu rồi tao về đỡ đẻ cho mày, mày yên tâm nằm đó nghỉ đi nghe!”

Nhưng sự tình không như bà mụ tiên đón, bà vừa đi thì thân mẫu Thầy đã hạ sanh, một điều kỳ lạ là khi vừa mới sanh ra Thầy không có khóc. Khi bà mụ đi ăn trầu vừa về đến nơi, mới bước vào cửa thì bà ngạc nhiên vô cùng hỏi: “Ủa Mỹ (tên thân mẫu của Thầy) mày sức nước hoa gì mà thơm dữ dị mạy?” Bởi khi thai nhi vừa hạ sanh thì có một mùi thơm rất lạ lùng thanh khiết xông khắp trong và ngoài nhà của Thầy, những người ở đấy ai cũng ngửi thấy cả.

Xong bà mụ bước đến buồng, nơi thân mẫu Thầy đang nằm bà nhìn hai mẹ con và nói: “Mày đẻ gì mà như ăn bánh dị mày? Tao vừa mới đi về mày đẻ xong rồi! Cái con này, trong suốt cuộc đời đỡ đẻ của tao, tao chưa thấy ai đẻ nhanh như mày, đẻ mà như ăn bánh chơi vậy!”

Nói đoạn bà ôm thai nhi lên và đánh vào mông vài cái, thì chỉ nghe một tiếng: “Ứ!” mà thôi. Bà mụ lại ngạc nhiên nói: “Cái thằng này lạ, ra đời mà không khóc, đánh nó thì nó “Ứ” mình, kinh khủng quá đi! Đáng yêu quá đi nè!”

Đây là nguồn duyên thù thắng khi Thầy nhập thai và hạ sanh! Còn cuộc sống khi thơ ấu thế nào? Nhân duyên xuất gia ra sao? Đời Tăng lữ du ẩn tu hành và tạo duyên giáo hóa chúng sanh thế nào? Lần lượt con (Hồng Tuyến) sẽ kết tập lại, để chúng ta cùng nhau quyết nghi và hiểu rõ hơn về vị Thầy hướng đạo của mình!