Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Lời Vàng Thầy Dạy :


PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
DIỆU HẠNH BÁO ÂN TỐI THẮNG

                                Con xin quy mạng kính lễ hết thảy chư Phật
                                Và xin quy mạng tâm Bồ-đề
                                Con chí thành đảnh lễ Bậc phát tâm
                                Xin nguyện cầu pháp giới chúng sanh
                                Đều an lập trong thực tính Bồ-đề!

Có lần đức Kadampa thấy một người đàn ông đi nhiễu chung quanh tháp, Ngài hỏi:
 - "Anh đang làm gì đó?"
 - "Con đi nhiễu tháp! ": Người đàn ông trả lời.
Bậc Thầy lại hỏi:
- "Thôi anh thực hành Phật Pháp có hay hơn không?"
Lần sau Thầy lại thấy anh ta đang lễ lạy, Thầy hỏi tiếp:
- "Anh đang làm gì đó?"
- "Con lạy một trăm ngàn lạy! ": Anh ta đáp lời.
Bậc Thầy vẫn hỏi:
- "Thôi anh thực hành Phật Pháp có hay hơn không?"
      Qua cách huấn thị của đức Kadampa, cho ta biết rằng: Đạo là phải hành, không hành không gọi là đạo. Nhưng biết đạo để thực hành cần phải có chánh nhân thiện nghiệp. Thiện nghiệp chánh chân chính là thực hành Phật đạo, Phật đạo chân chánh không ngoài Hiếu đạo (Nói đến Hiếu đạo thì rất rộng lớn, nhưng không ngoài Tứ ân: Ân Tam Bảo, ân Sư Trưởng, ân Cha Mẹ và ân Đàn Việt – Chúng Sanh). Như thế, nếu ta muốn qua thiện hành đạo Pháp của Phật thuyết, để báo đền Tứ ân làm tròn câu Hiếu đạo thì cần phải phát Bồ-đề tâm. Bởi vì Bồ-đề tâm là chỗ quy hướng của tất cả trời - người, là chúa tể của tất cả mọi thứ thiện pháp trên đời này!
    Thế nên, chỉ lễ lạy, nhiễu tháp, hay hành Thiền, niệm Phật, trì chú thôi chưa đủ. Giả sử đức Kadampa thấy bạn đang ngồi Thiền, đang lần tràng hạt hay đang trì tụng Chân ngôn… Thầy cũng sẽ nói: Thôi anh thực hành Phật Pháp có hơn không? Vậy thì nhiễu tháp, lễ lạy, hành Thiền, niệm Phật… đều không phải là Phật Pháp ư ? Ồ! Vậy thì Phật Pháp là gì thế ? Đấy chính là vấn đề của người đàn ông trong câu chuyện trên, anh ta chẳng biết phải làm gì khác hơn!
   Vâng! Thực hành Phật Pháp đúng đắn, thực tế nhất và toàn hảo nhất không có gì hơn là thực hành Bồ-đề tâm! Bạn hãy xác tín rằng: Tất cả chúng sanh trong quá khứ đều là cha mẹ của ta! Không có sự cùng tận cho lòng thương và sự hy sinh của cha mẹ dành cho bạn để chăm sóc, bảo vệ bạn khỏi sự đau khổ hiểm nguy. Hãy tri ân và niệm báo ân, hãy trải rộng tình thương phát khởi Từ tâm, lập đại thệ nguyện cứu vớt họ; khi từng bước đi của họ đang được dẫn dắt bởi dục vọng và ác hành. Họ đang tiến dần về vực thẳm:
“Chúng sanh bình đẳng trong đau khổ,
Vì bị vọng tưởng làm điên cuồng
Và vô minh làm mù  quáng
Mỗi bước đi đưa chúng đến vực thẳm.”
                                                           (Đức Shantideva)
  Nhưng bạn không thể làm lợi lạc cho hữu tình, nếu tự thân chưa đạt được trí toàn giác. Nên Tiên đức có câu:
“Phát Tâm Bồ-đề
Là mong cầu toàn giác
Để lợi lạc hữu tình.”
   Không lúc nào tốt hơn lúc này để phát tâm Bồ-đề, vì cái thân người bạn đang có đủ để bạn đạt thành Phật quả! Chớ về trắng tay khi bạn đến đảo châu báu (Được thân người), chớ lần lữa trong sự đói nghèo khi gặp được kho tàng vô tận! Nếu bạn chưa phát tâm Bồ-đề thì bạn không phải là Bồ-tát hay con Phật, dù bạn đắc được những pháp thần thông cao thượng cùng những tri kiến thấu suốt chân tánh, hay những thiền chứng siêu tuyệt cùng những linh kiến mật điển sâu xa … Bạn sẽ không được dự vào hàng ngũ Đại Thừa và ngược lại như tác Phẩm Hành Bồ Tát Hạnh nói:
“Chúng sanh đang ở ngục tù sanh tử
Mà biết phát tâm Bồ-đề,
Tức thì họ được ngay danh hiệu
Là “ Con của chư Phật.”
Và:
“Từ đây tôi được sinh vào dòng họ Phật
Tôi đã thành người con Phât.”
Khi một chúng sanh phát tâm Bồ-đề, thì mười phương thế giới thảy đều chấn động, khiến cho cung điện Ma vương rung chuyển như sụp đổ. Ma vương phải giật mình kinh hãi nói rằng: “ HừmThật bất hạnh cho Ma giới, người này tương lai sẽ thành bậc Toàn Giác!”, mười phương chư Phật thảy đều hoan hỷ, chư Bồ-tát tán thán, chư Thiên ca múa vui mừng… “Nếu có tâm Bồ-đề thì dù khi bạn cho súc sanh một miếng ăn, việc ấy cũng góp phần vào sự đạt toàn giác…Bởi đó mà Bồ-đề tâm như một người cha. Đấy là lý do gọi Bát Nhã là “mẹ” (Đức Pabongka). Nếu có tâm Bồ-đề bạn sẽ vượt hẳn hàng Thanh Văn và Duyên Giác, có thể phá rách lưới Ma, hoại giặc sanh tử, dẫn đạo cho nhiều loại hữu tình, hay khiến chúng sanh được Tâm đắc mãn túc, như châu ngọc trong biển cả sáng hơn tất cả đá sỏi ở lục địa Nam phương, những người phát tâm Bồ-đề trong dòng tâm thức cũng sáng chói hơn tất cả Thanh văn và Duyên giác. Trong Kinh Hoa Nghiêm đấng Đại Từ Bi Phụ cũng dạy rằng: “Ví như chim Ca Lăng Tần Già, khi còn nằm trong trứng, đã có thế lực mạnh, các loài chim khác chẳng bằng. Vị Đại Bồ-tát cũng in như vậy. Còn ở trong trứng sanh tử, đã phát tâm Bồ-đề, công đức rất thế lực, hàng Thanh Văn, Duyên Giác làm gì so sánh kịp.”
Thế Tôn cũng từng nói: “Ai tôn kính Ta thì hãy kính lễ các vị Bồ-tát thay vì kính lễ các đức Như Lai, cũng như trăng mới mọc quý hơn trăng tròn vậy. Khi vị Bồ-tát bước lên một chiếc xe, chư Phật sẽ giúp họ hưởng khoái lạc thuộc năm giác quan và làm cho họ vui thích. Nếu xe không người đẩy thì chính chư Phật sẽ quấn một sợi dây quanh cổ mà kéo xe.”
Có lần đức Phật không cúng cho Bồ-tát Văn Thù miếng ăn đầu tiên trong bình bát của Ngài, nên cái bát bị đất nuốt mất tiêu. Trong Kinh Đại Bảo Tích Như Lai cũng từng nói: “Công đức Bồ-đề tâm, nếu có chất hẳn hòi, khắp cả cõi hư không, không thể dung chứa hết”, bởi vì: “Bồ-đề tâm là con đường lớn, vì có thể đưa người được vào cõi Nhất Thiết Trí. Bồ-đề tâm là con mắt sáng, vì có thể xem thấy hết thảy đường chánh nẻo tà. Bồ-đề tâm là mặt trăng sáng, vì soi rõ các tịnh pháp đều viên mãn. Bồ-đề tâm là nước sạch, vì rửa sạch tất cả dơ bẩn phiền não. Bồ-đề tâm là ruộng tốt, vì nuôi dưỡng chúng sanh trong sạch. Bồ-đề tâm là hạt giống tất cả đức Phật, vì có thể sanh tất cả Pháp các đức Phật.” (Kinh Hoa Nghiêm). Hành Bồ Tát Hạnh cũng nói:
“Người đã phát Bồ-đề tâm thuần tịnh
Thì dù trong lúc ngủ hay sơ ý,
Vẫn được năng lực của công đức.
Phước báo họ luôn luôn tăng trưởng
Và trở thành to lớn như hư không.”
Khi bạn phát Bồ-đề tâm trong tâm nguyện (Bồ-đề nguyện) hay trong hình thức dấn thân (Bồ-đề hạnh) thì dòng Thiện đức sẽ chảy tương tục không ngừng và dòng Đại lạc cũng mở ra không ngừng, ngay cả lúc ngủ say hay lúc bạn không để ý. Bạn có thể biến tất cả chướng ngại thành con đường và không sợ gì tội lỗi:
“Tội lỗi lớn chắc chắn tiêu tan
Như bị thiêu trong hoả tai kiếp tận”
                                                   (Đức Shantideva)
Như thế đủ để biết rằng không những Bồ-đề tâm là gốc rễ duy nhất cho hạnh phúc chúng sanh mà còn là tinh chất của tám muôn bốn ngàn thiện pháp. Nếu quên mất Bồ-đề tâm là nguyên nhân hư nát của căn cội Đại Thừa : “Nếu quên mất Bồ-đề tâm mà tu các thiện Pháp, gọi là hành động theo Ma vương” (Kinh Hoa Nghiêm), quên mất còn như thế huống là chưa phát ư?
Bởi đó, mà ngài Thật Hiền đã khóc ra lệ máu, cúi đầu kính lạy, khẩn thiết đau buồn thưa với đại chúng hiện tiền, cùng chư thiện nam tín nữ có đức tin trong sạch trong hiện đời, gia tâm thương xót lưu ý nghe một chút về hành tướng và diệu dụng của Bồ-đề tâm; nếu muốn học Như Lai Thừa thì trước tiên phải lập Bồ-tát nguyện, không thể chậm trễ vậy! Theo Thật Hiền Đại Sư thì tâm nguyện vốn có nhiều sai biệt, nhưng vắn tắt có ba điều căn bản là:
Thứ nhất: Danh lợi không ham, vui thú không màng, chỉ vì thoát sanh tử, chứng Bồ-đề. Ngước lên mong cầu Phật đạo, nhìn xuống hoá độ chúng sanh, nghe Phật đạo lâu xa không thối chí khiếp sợ, xét chúng sanh khó độ không chán nản nhàm lìa.
 Thứ hai: Chúng sanh giới hết, nguyện ta mới hết, Bồ-đề đạo thành, nguyện ta mới thành.
Thứ ba: Biết tự tánh chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện thành tựu, không thấy một Pháp ngoài tâm mà có, đem tâm vô tướng, lập nguyện vô tướng, hành hạnh vô tướng, chứng quả vô tướng, cái tướng vô tướng cũng không thủ đắc.
Nếu chỉ phát tâm thôi chưa đủ (Lập Bồ-đề tâm nguyện), cần phải tinh tấn, cần dõng thực hành (Hành Bồ-đề tâm hạnh), nghĩa là mỗi lời nói, hành động hay ý niệm đều phải hướng về chúng sanh, vì lợi ích an vui cho chúng sanh mà giữ giới mật nghiêm (Không làm các việc ác), tích cực cứu độ chúng sanh (Chuyên làm các điều lành) và thanh lọc tâm ý để từng bước hướng về Phật quả. Bồ-đề tâm vốn vô tướng - vô bất tướng cũng như một đạo quân dũng kiện, cầm những đồ binh - khí tinh nhuệ, quyết đem lại thắng lợi trong cuộc chiến. Chư Phật, Thế Tôn cùng chư đại Bồ- tát đều do nhân duyên phát tâm đại Bồ-đề mà thành đạo quả. Tâm Bồ-đề ấy là sự chân thật tối thượng, nghĩa chân thật ấy là không, chẳng bị nhiếp-tàng bởi năng-sở, lìa hữu-vô, điều phục Ba hữu: Dục hữu, Sắc hữu, Vô Sắc hữu. Các pháp vô sinh là không, vô ngã cũng là không. Nếu dụng vô sinh, vô ngã mà quán không, quán ấy không thành. Nếu đem nhiễm và tịnh mà phân biệt, chúng liền thành hai thứ kiến-tướng: đoạn và thường… Thật tướng của Bồ-đề tâm là tướng của chúng sanh, nếu nắm tướng chúng sanh thời xa lìa thật đạo. Nếu niệm tướng thường không, người ấy chẳng hành đạo. Trong Pháp không sanh diệt mà khởi tướng phân biệt, nếu phân biệt nhớ tưởng liền rơi vào lưới Ma. Đối với hết thảy Pháp, hết thảy hý luận, không lãnh thọ, không chấp trước, không thấy là thật, không cùng cạnh tranh, an trụ trong Tam giải thoát môn (Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội). Thể nhập được vị Cam lồ của Phật Pháp, nên Kinh nói: “Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh Thánh Hiền đó là hạnh Bồ-tát.” Người ấy từ trí tuệ sanh ra, được người trí hộ niệm, được người trí cúng dường, được người trí ca thán, là bậc hy hữu giữa chư thiên và loài người; như Đại Trí Độ có kệ nói:
“Nếu khi mới phát tâm
Thệ nguyện sẽ làm Phật
Đã qua khỏi thế gian
Đáng nhận đời cúng dường.”
Diệu Pháp đây tất cả chư Phật đều tán dương:

“Như Lai Đại Trí Tôn
Hiển thuyết công đức chứng,
Nhẫn, Huệ phước nghiệp lực,
Thệ nguyện lực tối thắng.”
      Tạm dịch:
“Đấng Như Lai bậc Đại Trí tôn kính
Đã nói rõ các công đức tu chứng,
Nhẫn nhục, Trí huệ, Phước nghiệp lớn
Thệ nguyện lực, là Pháp tối thắng.”
Cho nên, nếu bạn muốn sớm đạt Toàn Giác hãy tu luyện tâm Từ,  tâm Bi và tâm Bồ-đề, Bồ-đề tâm là phương tiện cao cả nhất, cũng là suối nguồn báo ân thâm sâu mà hàng Phàm phu và những bậc Thánh trong Tam Thừa khó đo lường được. Trong Hoa Nghiêm Kinh đấng Thiện Thệ đã từng khuyến giáo:
“Muốn được tối thắng đạo đệ nhất
Là vua giải thoát Nhất Thiết Trí
Nên phải mau phát Bồ-đề tâm
Hết hẳn hữu lậu lợi quần sanh.
Xu hướng Bồ-đề tâm thanh tịnh
Công đức rộng lớn bất khả thuyết.”
Và:
“Muốn thấy thập phương tất cả Phật
Muốn ban vô tận công đức tạng
Muốn diệt chúng sanh tất cả khổ
Phải nên mau phát Bồ-đề tâm.”
Thế nhưng phẩm chất Bồ-đề tâm của Đại thừa và Mật thừa có khác biệt chăng? Có lần bà Tsogyal hỏi đức Liên Hoa Sanh: “Người ta có cần phát khởi Bồ-đề tâm sau khi thành tựu điểm cốt yếu này là thấy vào thực tại?”
Đạo sư trả lời: “Đại thừa và Mật thừa thực ra có khác biệt do phẩm chất đặc biệt của sự phát Bồ-đề tâm. Tuy nhiên, trừ phi con luôn nhớ đến cái chết, vô thường, nhân quả và các hiểm nguy của sanh tử trong bốn phần của một ngày, thì các biến cố của cuộc đời này sẽ nhanh chóng vút qua …”
Hãy quyết định như sấm sét! Đã đến lúc bạn cần phải hoá nhập vào trong tánh Giác tự hữu của Phổ Hiền, cắt đức tất cả những giới hạn của lỗi lầm và lầm lạc, tắm mình trong biển công đức vô biên của chư Phật mà diệu đáp thâm ân của tất cả hữu tình! Quả vị Như Lai Đại Trí Tôn đang chờ bạn! Hãy thực hành Phật Đạo! Hãy làm những gì cần làm! Chớ để ân hận, chớ có hối tiếc về sau! Đừng đi lạc đường! Chớ nhảy vào vực thẳm!...
                                                     
                                  Linh Sơn Pháp Bảo – Nha Trang
                        An Cư PL 2555
                                                                  
                           Tỷ Kheo Thích Tâm Giải




      
Bài này được Sư Phụ Long Viễn viết khi còn ở Chùa Linh Sơn Pháp Bảo nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, an cư kiết hạ Pl 2555. Hồng Tuyến xin kính ghi lại vì thiết nghĩ bài viết sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng sanh! Nguyện cầu chánh Pháp trường tồn, Phật quang phổ chiếu lợi khắp nhân thiên, tất cả chúng sanh đều phát Bồ Đề Tâm, đều trọn thành Phật đạo! Nam Mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét