YẾU CHỈ CỦA KINH
KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT
KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT
(Rốt ráo Vô ngã tức Niết-bàn)
"Rốt ráo
vô ngã tức Niết-bàn. Như Kinh
nói: “Ta
nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi, mà không có một
chúng sanh thật diệt độ”. Ở trước, Thế Tôn đả phá tất cả tình chấp phân
biệt nơi sự tướng để hiển bày “Chân trí ”. Đến đây, khiến chân trí
cũng quên, ngầm hợp diệu lý “Chân tri vô vi”; bặt cả Lý và Trí,
chỉ còn “Thực tại như thị” mà thể nhập, cũng gọi là “Cứu
cánh Phạm hạnh hiện tiền” vậy!
Bởi đó, nên Bồ-tát phải ly tứ tướng (Ngã, nhân, chúng
sanh, thọ giả) mới thật là Bồ-tát! Không còn một niệm thật sanh, thật diệt, dứt
sạch cảnh duyên, bặt luôn tri quán. Nên Phật dạy “Thế nên Phật nói tất cả Pháp
không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.” Từ trước đến
đây, Đức Phật đã lần lược phá chấp Ngã – Pháp từ thô đến tế để đổng triệt tự tánh - hiển lộ Chân tâm.
Rốt ráo quy về đâu? Về nghĩa “NHƯ” của vạn pháp, vì “Như
Lai là nghĩa Như của các pháp”.
Khi sanh diệt đã diệt thì tịch diệt là chân. Cũng như có vị tăng hỏi quốc sư
Huệ Trung:
- "Làm sao được thành Phật?"
Ngài Huệ Trung đáp:
- "Phật và chúng sanh đồng thời dẹp đi, thì ngay đó giải
thoát."
Tức là hãy dẹp đi tình thù Phật và chúng sanh, thì
ngay đó sẽ thể nhập “Thực tại chân thật”(Thực tại vô tướng). Lục Tổ cũng nói: “Chẳng ngộ thì Phật là chúng sanh, ngộ rồi
thì chúng sanh là Phật”. Vậy thì “ngộ” cái gì? Ngộ: Chúng sanh bổn lai là Phật, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm.
Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm. Nếu lìa tâm mà tìm Bồ-đề, Niết-bàn thì thật
là không tưởng!
Vậy
thì, muôn pháp đều từ tâm sinh, tâm ta hay bao hàm muôm pháp ấy là Đại, muôn
pháp đều khởi dụng từ trong tự tánh của mỗi người. Ngoài tâm vốn không pháp, ngoài
pháp vốn không tâm. Ba cõi xoay vần đều do tâm khởi. Tâm là cửa luân hồi, tâm
là bờ giác ngộ. Chúng sanh cũng là tâm nhưng là tâm mê; Phật cũng là tâm nhưng
là tâm giác. Nếu tướng tâm thanh tịnh, rỗng lặng, tròn sáng liền thoát ly thân
tâm (Thân tâm vô sở đắc – vô sở trụ) trong lòng rỗng rang cùng trời đất đồng
lượng.
Thế nên, Tổ Bồ Đề Đạt Ma mới nói rằng:
“Phật cũng gọi là Pháp thân, cũng gọi là bổn tâm. Tâm này không hình tướng,
không nhân quả, không gân cốt. Vốn như hư không, bắt chẳng được;…Nhưng tâm này
không phải lìa cái thân vật chất này. Nếu thân tứ đại này mà lìa tâm là không
có sự sống, làm sao biết! Nhẫn đến nói năng vận động, thấy nghe hay biết đều là
cái động dụng của tâm...” Động là tâm động, dụng là tâm dụng. Động dụng
do tâm, tâm vốn không động. Nên Kinh nói: “Bặt đường nói năng dứt hết nơi chỗ, thấy
nghe hay biết vốn tự tròn vắng, nhẫn đến giận mừng, đau ngứa nào khác người gỗ,
chỉ vì suy tìm cái đau ngứa không thể được”. Nên Phật dạy:
“Nếu do sắc thấy Ta
Do âm thanh cầu Ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể kiến Như Lai.”
Sở dĩ Phật và
chúng sanh hiện hữu khi ý niệm “ngã”
hiện hữu, khi “ngã ái” không còn thì “chân ngã” hiện (Niết-bàn hiện hữu),
cũng gọi là Như Lai hiện tiền vậy!
Ngài Xuyên Công cũng đồng tình với ta về diệu ý trên,
Ngài nói:
Trước mắt chỉ ra muôn việc có,
Ta nói trong ấy một cũng không.
Đến trong ấy thì,
Sinh từ vật khác mà sinh,
Già cũng từ vật khác mà già.
Bệnh cũng từ vật khác mà bệnh,
Chết cũng từ vật khác mà chết.
Nếu người đã về đến nhà,
Thì không có sinh và tử.
Vâng! Chính thế nên Phật dạy “Như thị” và phải “Như thị”, tức là phải: “Như
thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sanh pháp tướng” và
“ Cái gọi là pháp tướng đó, Như Lai nói
ý chẳng phải pháp tướng, vì thế mới gọi là pháp tướng”, nghĩa là Ngài phủ định tất cả để làm
thành tất cả, hay “Nếu Bồ-tát thông đạt vô ngã pháp thì Như Lai nói đó là chân thật Bồ-tát”.
Yếu chỉ của Kim Cang Bát Nhã là ở đó vậy!Nếu còn sanh Pháp tướng thì
….
ĐI!
Đoạn yếu chỉ của Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật này là do một vị Thầy ở Đại Học Phật Giáo Việt Nam tại Huế, thưa hỏi Sư Phụ Long Viễn và Ngài đã tùy thuận hướng dẫn. Hồng Tuyến xin ghi lại vì thấy nó quá quan trọng đối với hành giả tiến tu trên con đường tìm cầu viên chứng tuệ giác vô thượng hướng đến lậu tận. Con nguyện cầu Chánh Pháp mãi trường tồn, lợi ích khắp nhân thiên, tất cả chúng sanh đều đượm nhuần mưa Pháp, tất cả muôn loài đều nhập vào chân tánh Bát Nhã!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét