Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Lời Vàng Thầy Dạy :


    ತ-  CHÂN TÂM VÀ VỌNG TÂM -

Nhân lời thưa thỉnh giáo Pháp của cô Mỹ Tho về Chân Tâm và Vọng Tâm mà tối đến khi đại chúng đã tụng Kinh Kim Cang xong, Sư Phụ Long Viễn mời đại chúng ở lại chánh điện, rồi Ngài dạy:
- " Hôm nay nhân lời thỉnh Pháp của cô Mỹ Tho về Chân Tâm và Vọng Tâm, tôi có vài điều mà quý Thầy và quý Cô cần lưu ý! Thế nào là CHÂN TÂM và thế nào là VỌNG TÂM? Nếu không thấu rõ, liễu tri thì khó mà tu hành thành tựu Thánh quả được, đại lược như sau:

  Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ Tát Mã Minh phân định Tâm có hai mặt đó là TÂM CHƠN NHƯ còn gọi là CHÂN TÂM  và TÂM SANH DIỆT còn gọi là VỌNG TÂM . Tuy phân định hai loại khác nhau nhưng không phải là hai tâm, trên thể tánh vốn không sai khác; cũng như nước và sóng, tuy gọi 2 tên khác nhau nhưng tính chất của nước vốn như vậy và luôn không đổi, chỉ khác nhau ở thể tĩnh và động mà thôi. Hai tâm này không rời nhau mà kiến lập vạn pháp dù có tướng hay vô tướng.
  TÂM CHÂN NHƯ thì bất sanh bất diệt, ứng hợp với BẢN THỂ thanh tịnh, rỗng lặng tịch nhiên nguyên minh; bổn tánh thường nhiên chân thật sáng tỏ, dù trải qua sanh tử nhiễm ô nhưng tánh của nó không hề ô nhiễm, vì thế nên gọi là NHƯ,  là CHÂN; chỉ thể tướng chân thật của tâm, thật tướng ấy vốn ngôn ngữ không thể nói, suy nghĩ không thể đến, lìa tất cả phân biệt vọng tưởng điên đảo, năng và sở...nó vốn không sanh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không một cũng không nhiều, không đến cũng không đi... nên gọi là CHÂN TÂM. TÂM SANH DIỆT thì từ trong BẢN THỂ mà ứng dụng theo tình, theo tưởng niệm niệm dời đổi, sanh diệt tương tục nên gọi là VỌNG TÂM, vọng tâm thì trái chướng với thể chân như. VỌNG TÂM chính là TÂM-  Ý - THỨC của chúng ta, như trong Kinh Tạp A- Hàm (Kinh số 289), Đức Phật dạy: “Tâm – Ý – Thức trong một ngày đêm, từng thời khắc, thoáng chốc sinh, thoáng chốc diệt, biến đổi không ngừng…”; hay trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật cũng nói : “Các dòng nước dục, hữu, kiến, vô minh, tiếp nối chảy liên tục, làm nảy sinh hạt giống Tâm – Ý- Thức trên mảnh đất ba cõi …”(*) . Hoặc trong Luận Câu Xá (Quyển 4) : “Nó tập khởi nên được gọi là Tâm. Nó tư duy trừu tượng nên được gọi là Ý. Nó phân biệt nhận thức nên được gọi là THỨC…TÂM, Ý, THỨC ba tên gọi cùng chỉ một nội hàm. Nghĩa tuy khác nhau nhưng thể là một.”

  Do đó mà Kinh Hoa Nghiêm, Đức Thế Tôn mới nói:
 “Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Phải quán tánh Pháp giới
Tất cả do tâm tạo.”

Các con phải biết, nếu một niệm quay về liền BỘI TRẦN HIỆP GIÁC, liền ĐỒNG VỚI BẢN ĐẮC, vậy còn gì để chỉ ra CHÂN- VỌNG đây?

Đệ tử Hồng Tuyến kính chép lại lời dạy này của Sư Phụ Long Viễn, nguyện cầu Chánh Pháp cửu trụ thế gian, lợi ích cho tất cả chúng sanh muôn loài. Nam Mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát. 



Ghi Chú:
(*) Ba cõi:
Bao gồm cõi Dục giới, cõi Sắc giới và cõi Vô sắc giới.
1. Dục giới (zh. 欲界; s, p: kāmalokakāmadhātu, bo. `dod khams འདོད་ཁམས་, `dod pa`i     khams འདོད་པའི་ཁམས་), có ham muốn về giới tính và những ham muốn khác.

  • Trong dục giới có sáu loại hữu tình sau:
  • 1. Địa ngục (zh. 地獄, sa. naraka)

2. Ngạ quỷ (Quỷ đói) (zh. 餓鬼, sa. preta)
3. Súc sanh (Loài thú) (zh. 畜生, sa. paśu)
4. Loài người (zh. 人世, sa. nāra)
5. A tu la (Loài thần)(zh. 阿修羅, sa. asura)
6. Cõi trời ở cõi dục (lục dục thiên 六欲天):
Trời Tứ thiên vương (zh. 四天王, sa. cāturmahārājika);
Trời Đao lợi (忉利) hay trời Ba mươi ba (zh. 三十三天, sa. trayastriṃśa);
Trời Dạ-ma (zh. 夜摩, sa. yāmadeva) hoặc trời Tu-dạ-ma (zh. 須夜摩天, sa. suyāma);
Trời Đâu suất (zh. 兜率天, sa. tuṣita);
Trời Hoá lạc (zh. 化樂天, sa. nirmāṇarati);
Trời Tha hoá tự tại (zh. 他化自在天, sa. paranirmitavaśavarti);

2. Sắc giới (zh. 色界, sa. rūpalokarūpadhātu, bo. gzugs khams གཟུགས་ཁམས་): các vị ở đây thuộc nam tính nhưng đã chấm dứt mọi ham muốn, ăn uống, nhưng còn có khoái lạc. Đây là thế giới của các người trời trong cõi Thiền (sa. dhyāna). Hành giả tu tập thiền định có thể tái sinh trong cõi sắc. Sắc giới gồm bốn cõi, mỗi cõi lại được chia thành nhiều cõi trời khác nhau:

  • Trời Sơ thiền (zh. 初禪天) với ba cõi sau:

Trời Phạm thân (zh. 梵身天, sa. brahmakāyika);
Trời Phạm phụ (zh. 梵輔天, sa. brahmapurohita);
Trời Đại phạm (zh. 大梵天, sa. mahābrahmā).
Có hệ thống ghi thêm cõi trời thứ tư của trời Sơ thiền là trời Phạm chúng (zh. 梵眾天, sa. brahmaparśadya).

  • Trời Nhị thiền (zh. 二禪天) với ba cõi sau:

Trời Thiểu quang (zh. 少光天, sa. parīttābha);
Trời Vô lượng quang (zh. 無量光天, sa. apramāṇābha);
Trời Cực quang tịnh (zh. 極光淨天, sa. abhāsvara, kiểu dịch cũ là trời Quang âm (zh. 光音天).

  • Trời Tam thiền (zh. 三禪天) bao gồm:

Trời Thiểu tịnh (zh. 少淨天, sa. parīttaśubha);
Trời Vô lượng tịnh (zh. 無量淨天, sa. apramāṇaśubha);
Trời Biến tịnh (zh. 遍淨天, sa. śubhakṛtsna).

  • Trời Tứ thiền (zh. 四禪天) gồm có:

Trời Vô vân (zh. 無雲天, sa. anabhraka);
Trời Phúc sinh (zh. 福生天, sa. puṇyaprasava);
Trời Quảng quả (zh. 廣果天, sa. bṛhatphala);
Trời Vô tưởng (zh. 無想天, sa. asāṃjñika);
Trời Vô phiền (zh. 無煩天, sa. avṛha);
Trời Vô nhiệt (zh. 無熱天, sa. atapa);
Trời Thiện kiến (zh. 善見天, sa. sudarśana);
Trời Sắc cứu kính (zh. 色究竟天, sa. akaniṣṭha);
Trời Hoà âm (zh. 和音天, sa. aghaniṣṭha);
Trời Đại tự tại (zh. 大自在天, sa. mahāmaheśvara).
Có sách xếp trời Vô tưởng, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu kính, trời Hoà âm thuộc trời Tịnh phạm (zh. 淨梵天), không thuộc về trời Tứ thiền.

3. Vô sắc giới (zh. 無色界, sa. arūpalokaarūpadhātu, bo. gzugs med khams གཟུགས་མེད་ཁམས་, gzugs med kyi khams གཟུགས་མེད་ཀྱི་ཁམས་): thế giới này được tạo dựng thuần tuý bằng tâm thức và gồm bốn xứ (sa. arūpasamādhi). Vô sắc giới gồm:

Xứ Không vô biên (zh. 空無邊處, sa. ākāśanantyāyatana);
Xứ Thức vô biên (zh. 識無邊處, sa. vijñānanantyāyatana);
Xứ Vô sở hữu (zh. 無所有處, sa. ākiṃcanyāyatana);
Xứ Phi tưởng phi phi tưởng (zh. 非想非非想處, sa. naivasaṃjñā-nāsaṃjñāyatana).

Hành giả tu học Tứ thiền Cửu định có thể sinh vào bốn xứ này.
Chúng sanh luân hồi không thể nào vượt ra ngoài Tam giới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét