Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

NHẬP THẬT TƯỚNG BÁT NHÃ
        ---------------------------                  
Hỏi: Tất cả ngôn hành đều có thể tận, vạn tượng sum la đều có thể diệt, sao lại nói thật tướng của các pháp không có tỳ vết, không có lỗ hỏng, chẳng thể phá, chẳng thể diệt?
Đáp: Tướng vọng tưởng là trần, thức tình là cấu, hai thứ ấy nếu một lúc xa lìa thì trí tuệ giác tánh mới chân nguyên hiển lộ rõ ràng. Vì các pháp không có tỳ vết, không có lỗ hỏng, chẳng thể phá, chẳng thể diệt nên trong Phật Pháp siêu việt ngữ ngôn, tâm hành cũng dứt, bất sanh bất diệt, bản thể thường Như, vắng lặng không tịch như tướng Niết bàn.
Bởi đó, nên Đức Long Thọ Bồ Tát mới nói:
“Vì nếu các pháp tướng là thật có, thời lúc sau chẳng nên không có, nếu các pháp trước có mà nay không, tức là đoạn diệt. Cũng chẳng phải thường, vì sao? Vì nếu thường tức không có tội phước, không có sát thương, cũng không có thí cho mạng sống, cũng không có lợi ích tu hành, cũng không triền phược không giải thoát, thế gian là Niết bàn, nên chẳng phải thường. Nếu các pháp là vô thường thời là đoạn diệt, cũng không có tội phước, cũng không thêm bớt, các nghiệp nhân duyên quả báo đều mất nên chẳng phải vô thường.”
Tam Thừa đều quán thật tướng của vạn pháp, bản thể thường “Không” mà đắc đạo. Nên quán “Không” gọi là chánh quán, quán khác đi gọi là tà quán. Khi mê có thế gian để ra khỏi, ngộ rồi thì thế gian là Niết bàn. Khi mê có bờ bên này, ngộ rồi thì bờ bên đây cũng không có. Khi mê thì có tâm có pháp, ngộ rồi thì tâm pháp đều không. Khi mê thì có Phật có chúng sanh, ngộ rồi thì chúng sanh là Phật. Khi mê thì có phàm phu và Thánh nhân, ngộ rồi thì vốn không sai khác. Khi mê thì vọng dứt phiền não vọng chứng Niết bàn, ngộ rồi thì phiền não tức là Bồ đề vậy.
Khi đó mới thật rõ ngộ lý chân truyền của Đức Phật Ca Diếp xưa:
“Nhất thiết chúng sanh tánh thanh tịnh
Tòng bổn vô sanh, vô khả diệt.
Tức thử thân, tâm thị huyễn sanh
Huyễn hóa chi trung vô tội, phúc.”
                         ****
“Tánh chúng sanh thảy đều thanh tịnh
Do không sanh, không diệt mà ra.
Thân, tâm là huyễn thôi mà
Huyễn thì tội, phước thật là đều không”.
Được vậy mới gọi là “Về Nguồn”. Cũng gọi là Như Lai dạo biển tịch diệt chuyển đại pháp luân nhập tất cả ngữ ngôn văn tự mà không có chỗ trụ. Cũng gọi là Phật độ hết chúng sanh vì Phật chẳng tự thành đều do chúng sanh độ cả (Chư Phật lấy vô minh làm cha, tham ái làm mẹ; vô minh và tham ái là biệt hiệu của chúng sanh). Khi Tâm, Phật và Chúng sanh không còn sai biệt thì mới có thể nhập vào Đại Đạo. Như Kinh Viên Giác nói: “Này Thiện nam tử, phải biết rằng các pháp đều bình đẳng và bất hoại diệt. Thân, Tâm và Ngã Pháp, sinh tử và Niết bàn đều như không hoa. Ở trong hành giả không có tạo tác và đình chỉ. Ở quả tu không có thủ xả và đắc thất. Rốt ráo không có Năng, Sở, Khứ lai, Sinh diệt. Có như thế mới nhập được vào Phật đạo.”
Ông Bàng Uẩn lúc lâm chung cũng có hai câu kệ:
“Không hoa lạc ảnh
Dương diệm phiên ba”.
 Hoa đốm trên không hiện ra hình bóng, Dương diệm (Ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất, ở xa nhìn thấy có nước nhưng đến gần thì chẳng có gì) nổi lên làn sóng. Ngài Vĩnh Minh tán thán rằng: Lời này không lọt vào kiến chấp “Có” và “Không”, khéo được ý chỉ vô sanh, kẻ học đạo nên quán sâu vào đó.” Khéo quán sâu vào đó mới gọi là kẻ nhập Phật Đạo có trí.                   
 (Trích Đại Giác Tánh Luận, Lương Sơn Long Viễn biên soạn)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét