Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018


 ಋ--Kinh Nhất Dạ Hiền Giả --
Bài Kinh NHẤT DẠ HIỀN GIẢ là căn bản của Phạm Hạnh.
Nếu như một Thánh đệ tử của Như Lai chưa học thuộc Nhất Dạ Hiền Giả, chưa hành trì Nhất Dạ Hiền Giả thì chưa phải là người thật tu theo Phạm Hạnh.Tôi sẽ vì các vị mà nói lên ý nghĩa của bài Kinh Nhất Dạ Hiền Giả.

Quá Khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng,

Quá Khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến.



Chỉ có Pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây,

Không động không rung chuyển,

Biết vậy, nên tu tập.



Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được.

Với đại quân thân chết.



Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.”



Ngày xưa, khi các bậc Thánh Tăng tuyên thuyết về Kinh Nhất Dạ Hiền Giả thì mỗi vị đều tuyên thuyết theo sở ngộ, sở chứng của mình sau đó trình kiến giải lên Đức Thế Tôn và được ấn khả. Như vậy, ngày hôm nay, tôi cũng trình bày khái quát ý nghĩa của bài kệ này.

“Quá Khứ không truy tìm”. Cái gì là Quá Khứ?_ Là Sắc ở Quá Khứ, Thọ ở Quá Khứ, Tưởng ở Quá Khứ, Hành ở Quá Khứ, và Thức ở Quá Khứ. Thế thì cái gì là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thứccủa chúng ta trong Quá Khứ?_Phàm Pháp gì đã qua, đã đoạn tận, đã chấm dứt, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thứcở trong Quá Khứ. Đó gọi là Pháp Quá Khứ.

Cái gì là Pháp Hiện Tại?_Đó là Sắc trong Hiện Tại, Thọ, Tưởng, Hành, Thức trong Hiện Tại. Hiện Tại là gì?_Hiện Tại là những pháp đang lưu chuyển, đang tồn tại, đang sở trú, đang hướng đến.

Cái gì là “ước vọng tương lai”? _Tức là Sắc của tôi như thế trong Tương Lai, Thọ, Tưởng, Hành, Thức của tôi như thế trong Tương Lai. Phàm Pháp gì liên hệ đến nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hướng đến tương lai, cầu mong, ước muốn, khát khao, chấp thủ thì đây gọi là Pháp của Tương Lai.

Như vậy, Quá Khứ đã qua rồi, Hiện Tại đang trôi không dừng.Cái gọi là Hiện Tại đây cũng là giả định bởi vì cái gọi là Hiện Tại là một dòng chảy liên tục. Nói Hiện Tại nhưng nó đã thuộc về Quá Khứ, ước vọng thì đang trôi chảy đến Tương Lai. Nhưng Quá Khứ, Hiện Tại, Tương Lai là một vòng xoắn ốc. Cho nên nếu Hành Giả “truy tìm Quá Khứ”, “ước vọng Tương Lai” mà không Chánh Niệm Tỉnh Giáctrong “Hiện Tại Lạc Trú” thì như thế không phải là người có Chánh Niệm Tỉnh Giác, không phải là người đang tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định hướng đến ly tham, đoạn diệt, thắng trí, Giác Ngộ và Niết Bàn. Cho nên, phàm cái gì đã qua, qua rồi! Nó không phải của Ta, không phải là Ta, không phải là TNgã của Ta. Sắc ở Quá Khứ, Thọ, Tưởng, Hành, Thức ở Quá Khứ đã qua, đã đoạn tận, đã chấm dứt. Nó không có cái gì là của Ta, là Ta, là TNgã của Ta. Thế thì ai chấp thủ ‘Tôi là’ và ‘cái gì là Tôi’? Cho nên, ngay Hiện Tại hãy buông xuống, xả ly, hướng đến đến ly tham, hướng đến thắng trí, hướng đến Giác Ngộ và Niết Bàn. Hãy an trú ngay đây, Chánh Niệm và hiện tại tu tập theo Thân Hành Niệm hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, thắng trí, Giác Ngộ và thành tựu tối thượng Phạm Hạnh.Như thế thì gọi là một hành giả an trú trongHiện Tại Bất Động Tâm, Vô Lậu Trí và chứng ngộ Bất Động Định. Rồi khi ở trong Hiện Tại đây thì‘cái gì của Tôi, cái gì là Tôi, cái gì là TNgã của Tôi?_ Bảo là an trú trong Hiện Tại, nhưng thực chất cũng không có Hiện Tại để an trú,  bởi vì lúc nãy tôi đã nói rằng Hiện Tại chỉ là một dòng chảy tương tục của ý thức chấp thủ pháp” mà thôi! Vậy nên, khi biết rõ rằng Tâm không thật thì Pháp cũng không thật. Mà Tâm và Pháp đều không thật thì ‘cái gì là Tôi’, ‘cái gì Tôi là”? Vì vậy mà đoạn hẳn, dứt trừ, viễn ly, buông xuống, ly tham  ‘Tôi là’, ‘là Tôi’. Khi không còn ‘Tôi là’, ‘không có cái gì là Tôi’ thì đạt được Vô Ngã đối với tất cả các Pháp. Đây gọi là Hành Giả an trú trong Hiện Tại với Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

Cho nên ‘Quá Khứ không truy tìm như thế’, ‘Tương Lai không ước vọng như thế’, “Quá Khứ đã đoạn tận” như thế, “Tương Lai lại chưa đến” như thế, “chỉ có Pháp Hiện Tại, Tuệ Quán chính ở đây” là như thế. Cho nên, khi các Vị buông xuống tất cả tình chấp phân biệt của Quá Khứ, của Bản Ngã, an trú trong Hiện Tại hướng đến ly tham, thắng trí, Giác Ngộ và Niết Bàn; buông xuống ý niệm chấp thủ mình đang an trú, an trụ trong Thân Hành Niệm với Tuệ Giác Vô Lậu như thế thì Tương Lai cũng ‘không có cái gì là Tôi’, buông xuống tất cả Ngũ Uẩn của Tương Lai. Khi một Hành Giả đã “không truy tìm Quá Khứ, không ước vọng Tương Lai” an trú trong Chánh Niệm Tỉnh Giác như thế thì ‘Sắc của tôi biến đổi’, ‘Thọ, Tưởng, Hành, Thức của tôi biến đổi’, thì cái biến đổi đó không phải ‘là Tôi’, không phải ‘Tôi là’, cho nên không có cái gì ‘là Tôi’, cũng không có cái gì ‘Tôi là’. Đoạn hẳn ‘Tôi là’, ‘là Tôi’ thì ngay đó chúng ta Giác Ngộ, chúng ta thành tựu tối thượng Phạm Hạnh.

Ở đây, bài kệ Nhất Dạ Hiền Giả ý nói gì?_Chính muốn cho ta biết rằng Ngũ Uẩn này không thật, nó là vô thường, là duyên sinh, giả hợp, là tạm bợ, là một kẻ hủy hoại, một kẻ với bàn tay Vô Thường tàn khóc. Nó ‘không phải của Tôi, không phải là Tôi, không phải là tự ngã của Tôi’. Cho nên phàm những Sắc gì, Thọ, Tưởng, Hành, Thức gì đã qua, qua rồi! Khi buông xuống cái đã qua, an trú trong cái Hiện Tại hướng đến ly tham, hướng đến thắng trí, hướng đến Giác Ngộ và Niết Bàn, nhìn tất cả mọi sự, mọi vật với ý niệm xả ly, không chấp thủ Tương Lai, không mong cầu Tương Lai, buông xuống tình chấp của Quá Khứ, an trụ trong Hiện Tại thì như thế gọi là ‘Một Bậc Hiền’, ‘một bậc Thánh’ trong Pháp và Luật này.

Nếu không hiểu như thế, không liễu tri như thế thì chưa phải là một Hành Giả nhập Đạo và còn cách xa Pháp và Luật này. Cho nên Đức Thế Tôn đã dạy:

Quá Khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng,

Quá Khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến.



Chỉ có Pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây,

Không động không rung chuyển,

Biết vậy, nên tu tập.



Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được.

Với đại quân thân chết.



Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.”

Các vị có thấy, khi một Hành Giả dụng công tiến tu thì sao? _Thì phải thực hành Phạm Hạnh của ‘một bậc Thánh’. Mà Phạm Hạnh của ‘một bậc Thánh’ là gì?_Là “trầm lặng”, là “an tịnh”.  Và chỉ có ‘trầm lặng’, chỉ có ‘an tịnh’, chỉ có ‘độc cư’ thì chúng ta mới thành tựu được Phạm Hạnh này. ‘Cái chết’ thì không hẹn mà đến, nhất định nó phải đến. Nó đến ngay bây giờ, ngay đây, Bây Giờ và Hiện Tại này! Cái mà chúng ta giả gọi Hiện Tại cũng đang chết dần, không tồn tại vĩnh cửu. Sắc đang biến hoại, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đang biến hoại. Như thế thì cái gì là Hiện Tại, cái gì là Quá Khứ và cái gì là Tương Lai?_Cái gọi là Quá Khứ, Hiện Tại, Tương Lai thật ra chỉ là những khái niệm của Tâm Thức phân biệt, giả định mà thôi. Cho nên khi hiểu rằng ‘Tâm vốn Không’, vậy thì ‘Ngã’ có không, ‘Thân’ có không? Tâm chấp trụ vào Thân, nó cho rằng cái Thân này ‘là của Ta, là Ta, là Tự Ngã của Ta’. Nên một khi Thân biến hoại thì Tâm sẽ sầu, bi, khổ, ưu, não. Bây giờ liễu tri Tâm là một khái niệm, là vọng tưởng, là vô thường, là không thật, buông xuống tình chấp phân biệt về Tâm, về Ý, về Thức. Thế thì cái gì gọi là Tâm, cái gì gọi là Thân, cái gì gọi là Ý, cái gì gọi là Thức?_Không có cái gì gọi là Tâm, Ý, Thức và Thân cả. Liễu tri được như thế thì chứng ngộ được Ngã Không và Pháp Không, thành tựu một ‘Bậc Hiền’, an trụ trầm lặng ngay đây, và thành tựu Tối thượng Phạm Hạnh này.

Cho nên tôi hy vọng các vị y vào Thánh Pháp mà hành trì, nhất định sẽ đạt được chơn an lạc. Nguyện cầu cho tất cả các vị thủ hộ Chánh Pháp, Chánh Pháp trường tồn và con mắt của Trời, Người không bao giờ nhắm lại.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

{Huệ Nghiêm đánh máy dựa trên buổi Trùng Tuyên Kinh Nhất Dạ Hiền Giả của Sư Phụ Long Viễn cho đại chúng trong khi tọa thiền dưới lòng sông Ni Liên Thiền, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ khuya ngày 01, rạng sáng ngày 02/02/2018.    

Nội dung được soạn thảo với mục đích lưu hành nội bộ, kết tập làm cơ sở Pháp Hành cho Quý Tăng Ni chùa Phật Đảnh Bảo Vương. Mọi sai sót nếu có là do lỗi của người kết tập, xin được sám hối trước Thầy Tổ và chư Phật.

Nguyện hồi hướng trọn thiện đức có được đến niềm hạnh phúc và an lạc tối thượng của tất thảy hữu tình.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.}


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét