Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018


 Chuyên Niệm Một Hướng Nhất Định Vãng Sanh


                                                         ----------------------------  

Hỏi: Về phần Phát Bồ Đề Tâm tôi thật đã quyết nghi! Thế nào gọi là “Chuyên niệm một hướng?”
Đáp: Chuyên tức là không tạp, chuyên cần, chuyên nhất. Niệm tức là nhớ nghĩ, tâm tâm nối tiếp nhau, không sanh tà niệm.
Một hướng tức là không phải hai hướng, ba hướng…
Như thế thì “Chuyên niệm một hướng” tức là: Tâm tâm nhớ nghĩ chuyên ròng về một hướng duy nhất. Một hướng đó là gì? Đó là Tây Phương Cực Lạc, về Đức Từ Phụ A Di Đà.
Tại sao chúng ta phải chuyên niệm một hướng?
Vì tâm của chúng sanh là do bóng dáng trần cảnh gôm lại mà thành, nếu không thu nhiếp tâm tâm số pháp về một hướng chuyên nhất thì định lực làm sao thành tựu?
Chuyên niệm một hướng, nói cho đủ là “Chuyên niệm một hướng Phật A Di Đà” . Tại sao chúng ta lại phải “Chuyên niệm một hướng Phật A Di Đà?” Vì Nam Mô A Di Đà Phật là Vạn Đức Hồng Danh, nếu ông niệm được một niệm danh hiệu Phật, tức trong một niệm đó bao gồm niệm Vạn Đức. Nay ông dùng Danh vời Đức, tức Đức châu viên. Cho nên Kinh dạy: “Trong khi tâm các ông tưởng Phật, thì tâm đó tức là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp!” Thế há chẳng vừa tưởng niệm đến Phật thì đã làm Phật rồi ư? Khi tâm ông phản vọng về chân tức liền bội trần hiệp giác! Chỉ cần ông “Chuyên” không tạp, “Niệm” không dứt, một hướng tu hành, với Tín Nguyện kiên cường bền chắc, ngàn voi kéo chẳng đổ, ngàn trâu giật chẳng lay, chấp trì danh hiệu Phật như hổ tựa sơn, như rồng nhập hải, như kẻ sắp chết đuối cần cầu một chiếc phao, như trẻ thơ khát khao giọt sữa mẹ hiền,…thì đâu còn phương tiện nào giản dị, thẳng tắc, viên đốn và thù thắng hơn đây. Bởi lẽ phép xưng danh niệm Phật này bao gồm căn cơ rất rộng, không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ nam người nữ, kẻ hiền người ngu, kẻ già người trẻ…nhà nhà đều tu được, người người đều tu được. Một khi đã gieo cái nhân niệm Phật một hướng tu hành thệ sanh An Dưỡng, vì diệt trừ khổ não cho tất cả chúng sanh mà quyết chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề; phàm có công đức nào đều dùng tâm thâm tín, tâm chí thành mà hồi hướng Vãng Sanh, thì tất cảm ra cái quả thấy Phật và Vãng Sanh vậy! Nên trong Kinh Xưng Dương Công Đức Chư Phật có dạy: “Nếu có người được nghe tên Như Lai Vô Lượng Thọ, nhất tâm tin thích, trì đọc tụng niệm…thì người ấy sẽ được vô lượng phước, sẽ vĩnh viễn lìa xa nạn khổ của Tam Đồ. Sau khi mạng chung đều được Vãng Sanh về quốc độ của Phật đó.”
Còn nếu ông đã phát đại Bồ Đề Tâm, nguyện sanh sanh thế thế hành Bồ Tát đạo, thì ông cần phải liễu tri rằng mối bận tâm lớn nhất của Bồ Tát là làm lợi ích rộng lớn cho tất cả hữu tình. Muốn vậy thì Bồ Tát phải thông đạt và thắng tri đạo lộ của tất cả các Thừa. Để đảm bảo lợi ích chân thật của tất cả chúng sanh thì Bồ Tát phải có công đức vô cùng rộng lớn. Bồ Tát muốn có công đức vô biên để cứu khổ ban vui và làm chỗ nương tựa vững chắc cho tất cả chúng sanh, đồng thời vượt qua ngôn hành đạo pháp của Phật thuyết vào biển Chân Như và thánh lớn Viên Giác của mười phương Như Lai, ngoài việc chấp trì danh hiệu Phật và nương tựa vào chư Như Lai như chim non không thể lìa xa mẹ, thì phép của Bồ Tát ngày ba thời, đêm ba thời, thường hành ba việc:
1.      Sáng sớm vệ sinh sạch sẽ, y phục chỉnh tề, chắp tay lễ mười phương chư Phật, cung kính lạy thưa: “Con tên…hoặc đời này, hoặc đời quá khứ, trong vô lượng kiếp thân, khẩu, ý tạo tội ác nghiệp, xin sám hối trước chư Phật hiện tại trong mười phương, nguyện được diệt trừ, không làm trở lại!” Trưa, chiều và đêm ba thời cũng làm như vậy!
2.      Nghĩ đến công đức sở hành của mười phương chư Phật trong ba đời và công đức của chúng đệ tử Phật, mà tùy hỷ khuyến trợ. Trưa, chiều và đêm ba thời đều làm như vậy!
3.      Khuyến thỉnh các đức Phật hiện tại trong mười phương, bắt đầu chuyển Pháp luân và thỉnh chư Phật trụ lâu ở trong thế gian vô lượng kiếp, để độ thoát hết thảy chúng sanh. Trưa, chiều và đêm ba thời đều làm như vậy!

Nếu Bồ Tát thực hiện ba việc như thế, công đức vô lượng.
Lại Bồ Tát cũng nên phát nguyện tu theo thập hạnh Phổ Hiền, xưng tán hạnh nguyện Phổ Hiền và tập hợp đạo Phổ Hiền. Ngày đêm thường xuyên đọc tụng và tưởng niệm đến bảy phần cầu nguyện trong Kinh Phổ Hiền Nguyện Vương, lời Kinh như sau:
         Đối trước tất cả chư Phật
Ở khắp nơi trong vũ trụ
Đã vượt ngoài mọi chiều thời gian
Con xin kính lễ bằng cả thân, lời, ý.

Nhờ năng lực thực hành Nguyện lớn
Con dùng vô số thân nhiều hơn cát bụi
Để kính lễ các đấng Chiến Thắng
Mà tâm con có thể nghĩ lường.

Con đặt hết niềm tin nơi chư Phật
Và những giới đức vượt bậc của các Ngài
Vô số Phật đang an tọa
Giữa chúng Bồ Tát nhiều hơn vi trần.

Con ca tụng tất cả các đấng Thiện Thệ
Bằng biển cả ngôn từ vô tận tán dương
Con hát ca công đức các đấng Chiến Thắng
Với toàn thể âm thanh của tiếng hải triều.

Với hoa tươi và những tràng hoa tốt đẹp
Âm thanh của não bạt, dầu thoa và lộng báu
Với đèn dầu và hương trầm hảo hạng
Con xin cúng dường tất cả Như Lai.

Với vải mịn nhất và hương thù thắng
Bình đựng hương bột cao như núi Tu Di
Với những đồ trang hoàng đặc biệt quý hiếm
Con dâng cúng lên các đấng Chiến Thắng.

Con xin dâng hiến lên chư Phật
Tất cả phẩm vật tráng lệ thù thắng
Với năng lực đức tin vào các thiện hành
Con xin kính lễ chư Như Lai.

Bất cứ tội lỗi nào con đã phạm
Do tham dục, giận dữ, si mê
Bằng thân, lời hay ý
Con xin sám hối tất cả.

Con xin vui theo những công đức
Của chư Bồ Tát và Độc Giác
Của các bậc còn học và hết học
Con tán thành việc tốt trong cả thế gian.

Với các bậc làm ngọn đèn của thế gian
Con thỉnh chuyển bánh xe Pháp vô thượng
Những người trải qua từng bước đến Giác Ngộ
Đã đạt thành Phật quả thênh thang.

Với những vị nào mong nhập Niết Bàn
Con xin chấp tay khẩn cầu các Ngài
Vì hạnh phúc an vui của chúng sanh
Hãy lưu lại thêm vô số kiếp.

Chút ít công đức nào con có được
Do kính lễ, cúng dường hay sám hối
Do vui theo, cung thỉnh, khẩn cầu
Tất cả con xin dồn cho mục đích Giác Ngộ.

Con xin kính lễ chư Phật quá khứ hiện tại
Nơi các Ngài an trú trong khắp mươi phương
Và cầu mong chư Phật vị lai chóng thành đạt
Qua những bước đường tiến đến Toàn giác.

Bồ Tát đem tất cả căn lành, phước đức và nhân duyên mình tạo được dùng tâm nguyện chí thành, tâm thâm tín sâu xa cùng với nguyện lực Bồ Đề Tâm mà hồi hướng Vãng Sanh. Tất cả những sở hành trên cũng được gọi là “Chuyên niệm một hướng”, chứ chẳng phải bỏ đây thủ kia mới gọi là “Chuyên niệm”. Vì sao? Vì trong Phật pháp không có lấy và bỏ. Ông nên biết: Chỗ sở hành của Bồ Tát không phải chỗ mà phàm phu có thể suy lường được. Tại sao? Vì chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh Thánh Hiền, đó là hạnh Bồ Tát. Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia!
            Đại Sư Ngẫu Ích cũng từng nói trong Phạm Thất Ngẫu Đàm rằng: “Lại Thiền giả muốn sanh Tây Phương, bất tất phải đổi qua niệm Phật. Chỉ đủ Tín Nguyện thì tham Thiền tức hành Tịnh Độ”. Đại Sư cũng từng đóng cửa thất kết đàn, trì Chú Vãng Sanh cầu sanh Tịnh Độ, phát thệ với lời kệ:
            “Con dùng tâm chí thành
Thâm tâm hồi hướng tâm
Đốt tay hương ba cột
Kết tịnh đàn một thất
Chuyên trì Chú Vãng Sanh
Chỉ trừ lúc ăn ngủ
Dùng lực công đức này
Quyết cầu sanh An Dưỡng”.
Nếu ông có lòng tin kiên định như kim cang, chí nguyện cầu sanh an dưỡng tha thiết như cứu lửa cháy đầu thì dù tham Thiền, trì Chú đều thành Tịnh Độ cả. Ông chớ để thời khắc luống trôi qua vô ích, phải nên gấp “Phát Đại Tâm chuyên niệm một hướng Phật A Di Đà”. Đấy cũng là tông chỉ chánh yếu của Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác vậy!
                                                     ------------- ಜ--------------
  Trích Tịnh Độ Phá Nghi, Lương Sơn Long Viễn biên soạn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét