Bổn Pháp Vi Diệu
Một hôm khi ánh thái dương đã khuất sau rặng núi xanh, cảnh vật như đang mơ màng chìm vào giấc ngủ, thì ở Phật Đảnh Bảo Vương Tự lại bừng sáng bởi hình ảnh của Sư Phụ Long Viễn với vi diệu Pháp âm đang nhắc nhở sách tấn đại chúng tu học, âm thanh vang xa... vang xa như bạt ngàn khắp hư không pháp giới và mỗi diệu âm lại như như tia sáng soi chiếu tận cùng ngõ ngách trong tâm u tối của mọi người nơi đây.. Tôi xin kính cẩn khể thủ lễ lược trích một đoạn ngắn trong bài diệu pháp mà Sư Phụ tuyên lưu, kính nguyện mọi người đều thể nhập bất động tâm, thành tựu và an trụ cảnh giới tối thượng của Phạm Hạnh!
...
Sư Phụ dạy:
Quý Thầy, quý Cô phải biết: Là một hành giả của Pháp cần phải liễu tri gốc của các Pháp, sự vận hành của nó như thế nào, tổng trì ra sao, tối thượng vi diệu cứu cánh Phạm Hạnh của các pháp là gì?... Nếu không học, không biết, không hành, không chánh quán với trí tuệ về căn bản của pháp thì không thể phát sanh tuệ giác không tịch, không thể đặt gánh nặng xuống, không thể nhổ tận gốc phiền não, không thể diệt trừ khổ ưu, không thể thành tựu chánh trí giác ngộ và Niết Bàn được. Cho nên rất cần phải minh liễu, nay tôi sẽ vì mọi người mà lược nói:
- Nếu có người hỏi: Tất cả các pháp lấy gì làm gốc? Phải đáp rằng: Dục là gốc của các pháp, vì sao? Vì các pháp sanh từ dục vậy! Nếu không có dục thì làm gì có yêu và không yêu, làm gì có kiết sử sanh ra để triển chuyển trôi lăn trong ba cõi sáu đường?
- Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm hòa hiệp? Phải đáp rằng: Xúc là hòa hiệp của các pháp, vì sao? Nếu không có xúc thì căn- trần- thức sao có thể kham nhậm, tổng trì khiến cho pháp hiện khởi? Cho nên biết rằng xúc là hòa hiệp của các pháp vậy.
- Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm dẫn khởi?Phải đáp rằng: Thọ là dẫn khởi của các pháp, vì sao? Vì từ xúc sanh vậy! Từ xúc sanh thọ, từ thọ sanh ái, ái sanh thủ... Cho nên chính thọ là nhiên liệu dẫn khởi khiến ý sanh ra phân biệt và hình thành nên các pháp vậy!
-Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm hiện hữu? Phải đáp rằng: Tác ý là hiện hữu của các pháp, vì sao? Vì nhân tác ý mới sanh sự tích tập các pháp và phân biệt các pháp vậy!
-Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm thượng thủ? Phải đáp rằng: Niệm là thượng thủ của các pháp, vì sao? Nếu không có niệm thì làm gì có các pháp sanh? Nếu không có niệm thì ai nhận biết, ai phân biệt, ai tích tập, ai dẫn khởi, ai liễu tri...Thượng thủ của các pháp đích thực là niệm vậy!
- Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm tiền đạo? Phải đáp rằng: Định là tiền đạo của các pháp, vì sao? Vì nhân định mà tâm không tán loạn, phóng dật, bất chánh tri, khiến hành giả nhận chân được sự hiện hành của vạn pháp vậy!
-Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm tối thượng? Phải đáp rằng: Tuệ là tối thượng của các pháp, vì sao? Do có tuệ mà hành giả thắng tri và liễu tri về sự sự vận hành của các pháp và thực tướng của nó vậy!
-Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm chắc thật? Phải đáp rằng: Giải thoát là chắc thật của các pháp, vì sao? Vì giải thoát thì không rơi rớt vào các hữu, không bị các pháp trói buộc nữa, không còn chấp thủ nơi các pháp, làm chủ thân tâm, an nhiên tự tại không chướng ngại, cho nên nói giải thoát là chắc thật của các pháp vậy!
-Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm cứu cánh? Phải đáp rằng: Niết Bàn là cứu cánh của các pháp, vì sao? Vì Niết Bàn là cứu cánh của Phạm Hạnh, Niết Bàn là pháp tối tôn, tối diệu, tối thắng, tối đại... không gì so sánh, không thể suy lường, là mục đích cuối cùng mà Thánh đệ tử hướng đến và phải chứng đắc vậy!
...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét