Câu Chuyện Thầy Trò
SỰ GIẢI THOÁT
Một hôm khi ánh thái dương dần khuất sau rặng núi xanh, le lói những ánh hồng xuyên qua khu rừng trước mặt tựa như những ánh hào quang xuyên qua lớp màng vô minh mà hiển bày chân tánh bất sanh bất diệt với những ai đang an trú trong Chỉ- Quán mà hành thâm tuệ giác Bát Nhã. Phải chăng cảnh vật đang khẽ hát lên bài ca bất tử: Diệu Pháp Âm Tuyên Lưu Biến Hóa Sở Tác, đúng thật là: "Phật pháp nơi thế gian, không lìa thế gian giác, lìa thế tìm Bồ Đề, cũng như tìm sừng thỏ." Lúc ấy Sư Phụ đang ngồi trên chiếc ghế nằm bằng gỗ hướng về phía biển trong khu rừng vắng, có mấy chú nhỏ vây quanh; những ánh thái dương hồng xuyên qua rừng cây phóng tỏa đến Ngài... Ôi, đẹp làm sao!...
Khi ấy Sư Phụ nhìn mấy chú tiểu mỉm cười và Ngài khẽ ngâm một bài kệ:
"Biết thân bị hủy hoại
Còn thức bị lụn tàn
Thấy sợ trong sanh y
Hiểu được sanh và chết.
Sau khi chứng đạt được
Sự an tịnh tối thượng
Tự ngã được tu tập
Chỉ còn đợi thời gian."
Rồi Sư Phụ im lặng một chốc sau đó Ngài nói tiếp:
Các con phải luôn ghi nhớ sự tập khởi của Sanh y là sự tập khởi của ái, sự tập khởi của ái là sự tập khởi của luân hồi, sự tập khởi của luân hồi là sự tập khởi của khổ đau. Cho nên Sanh y diệt thì ái diệt, ái diệt thì luân hồi diệt, luân hồi diệt tức là giải thoát đó con. Giải thoát tức là tâm không còn ái nhiễm đối với các pháp như thân, tâm, thế giới... vì tất cả các pháp này rồi cũng đến tàn hoại, vì sao? vì nếu cái gì có tướng đều là hư vọng, tất cả các pháp do duyên mà thành rồi cũng do duyên mà diệt, nếu sanh và diệt đã diệt thì tịch diệt hiện tiền, đó là sự an tịnh tối thượng của bậc Thánh đó con! Thế nên khi các con khởi tâm công phu tu tập thì các con phải quán tri sự vô thường của các pháp, thấy được sự thật của thân và tâm này, nó là cái gì? Từ đó mà sợ hãi khi thấy sự nguy hiểm của Sanh y, thấy rồi thì phải ly nó, phải từ bỏ nó, phải buông nó xuống, phải vượt qua nó, phải đoạn diệt nó. Do đoạn diệt được Sanh y nên ái diệt, ái diệt nên con giải thoát được tự ngã, do con không ái luyến và chấp thủ đối với tự ngã nữa nên con sẽ chứng đạt được sự an tịnh tối thượng của một bậc Thánh. Đây là bài kệ trong Tiểu Bộ Kinh nói về sự an tịnh tối thượng của một bậc Thánh khi Sanh y diệt, tức ái diệt, ái diệt tức là Niết Bàn, bài kệ này tuy ngắn gọn nhưng nó là căn bản của Phạm Hạnh, các con nên ghi nhớ trong lòng và dụng tâm như thế để chứng đạt cứu cánh Phạm Hạnh.
Sau đó Sư Phụ đưa mắt nhìn về phía biển xa xa, vài tia nắng hồng phản chiếu vào trong mắt Ngài long lanh như hai viên ngọc. phải chăng ánh mắt Sư Phụ đang soi chiếu vào tâm thức của mấy chú nhỏ đoanh vây, làm cho tâm thức mọi người an tịnh và mát lạnh đến lạ lùng... Rồi Sư Phụ lại khẽ cất giọng trầm ấm ngâm lên bài kệ sau, một bài kệ mà với tôi nó hay đến vô cùng và diệu ý thậm thâm sâu đến không thể nghĩ bàn:
"Phật rằng có ái, có ly
Đã thương thì sớm muộn gì cũng xa
Vô thường, số mạng người ta
Cùng trong muôn vật chịu là luật chung.
Xem qua, ta luống hãi hùng
Khắp trong tam giới cháy bùng như than
Người yêu ta đến số ngàn
Người mà ta mến cũng tràn khắp nơi
Nhưng ta có thể tách rời
Cam lòng ly biệt những người yêu thương
Cõi đời là chốn ngục đường
Là nơi u ám, là trường nạn nguy
Con người chẳng biết nghĩ suy
Cứ ham thương mến dứt đi không đành
Chết kia nào có vị tình
Lại mong đánh đỗ, tranh giành, cướp đi.
Yêu nhau ví chẳng biệt ly
Cần chi giải thoát tu trì nữa chăng?
Càng nhiều âu yếm lăng xăng
Thì giờ vĩnh quyết lại càng đến mau.
Hiền nhân là đấng trí cao
Tìm đường giải thoát, chẳng cầu trí ai."
Sư phụ kết thúc bài kệ, tôi liền thưa:
-Bài kệ này của ai vậy Sư Phụ?
Sư Phụ đáp:
-Bài kệ này của Tổ A-na Bồ- đề. Các con nên nhớ,chúng ta đang sống ở Dục giới cũng như những con cá đang bơi trong biển dục vậy, và ngũ dục chính là năm miếng mồi của ma vương quăng ra để tiêu diệt chúng ta như diệt cá! Nếu các con tham đắm ngũ dục thế gian thì chẳng khác nào con cá bị cắn câu, bị ma vương muốn làm gì thì làm. Hay nếu các con đắm say với ngũ dục thì chẳng khác nào những con thiêu thân sa vào ngọn đèn đang cháy đỏ, nó chết đi vì bị thức tâm lừa dối, trong mắt nó ngọn đèn chính là một nơi lý tưởng tuyệt vời, một chân trời đầy hương hoa mật ngọt, nhưng chẳng ngờ đó chính là điểm chết của tử thần. Các con thường suy ngẫm về bài kệ trên sẽ nhận ra con đường giải thoát và biết mình phải nên làm gì! Cẩn thận! Cẩn thận!
...
Lời Sư Phụ đã kết thúc mà âm ba còn vang vọng mãi trong tâm thức mọi người: "Những lời Sư Phụ đã tuyên lưu làm thân tâm chúng tôi mát lạnh và an tịnh lạ thường, chúng tôi đang tắm mình trong biển Cam Lồ chăng? Thầm tri ân Sư Phụ vô cùng mà không thể nói nên lời ... Tâm chúng tôi chợt dâng lên cảm xúc vô biên hướng về chúng sanh: Ước gì tất cả chúng sanh đều được như chúng tôi!..." - Mấy chú chia sẻ.
...
Nam mô phật! Thật là hoan hỷ quá khi nghe dc những lời pháp của thầy! Con chúc thầy an lạc và sớm đạt được đạo quả ah!
Trả lờiXóa