Tham Thiền Hoặc Vấn
Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma
Phần V- Ma Sự Phát Tướng (tt)
Về phần Ma ấm, giới, nhập phát sinh thì sao? Ấm ma tức là năm uẩn hay còn gọi là năm ấm. Ấm là che lấp, còn uẩn là tích tụ. Đó là năm loại: Sắc, thọ, tưởng, hành và thức tích tụ mà thành khổ quả sanh tử. Chính vì vô minh nên chấp thủ vào các uẩn nên che lấp mất chân tánh, vì che lấp chân tánh mà khởi lên tà kiến, đi trong rừng rậm dua dối không tự ra được nên không thể khai phát trí vô lậu siêu thế hướng đến đoạn tận khổ đau, như Kinh Tương Ưng III, Đức Phật dạy: "Này các Tỷ Kheo, do có sắc, có chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, nên khởi lên tà kiến", đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đối với 62 học thuyết ngoại đạo đều gọi là tà thuyết hay tà kiến gồm: 18 luận chấp về quá khứ, 5 luận chấp về hiện tại Niết Bàn luận và 39 luận chấp về tương lai. Đều là kết quả của sự tham ái, chấp thủ năm uẩn mà thành. Cho nên Đức Phật khẳng định rằng: "Những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do sự xúc chạm, xúc tiếp qua sáu xúc xứ. Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thọ phát khởi; do duyên thọ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sanh phát khởi; do duyên sanh, lão, tử, sầu bi, khổ, ưu não, phát khởi. Này các Tỷ-kheo, khi vị Tỷ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt và sự nguy hiểm của sáu xúc xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên"
Chính thật từ nơi si mà có ái, do ái mà thọ báo trong sanh tử, do sanh tử nên tâm dính mắc chấp thủ ngũ dục lục trần, do tâm dính mắc nơi ngũ dục lục trần nên sanh khởi kiết sử, do kiết sử nên không thể giải thoát, không thể như thật tuệ tri với chánh kiến vô lậu về năm uẩn theo bốn chuyển, chính vì không thể liễu tri năm thủ uẩn theo bốn chuyển nên không thể đặt gánh nặng xuống, không thể vượt qua ấm Ma mà chứng quả Bồ Đề, điều này đã được Đức Thế Tôn khẳng định qua Kinh Tương Ưng Bộ III : "Này các Tỷ-kheo, khi nào Ta chưa thật liễu tri Năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào Ta đã liễu tri Năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm Thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh đẳng Chánh Giác".
Chính tiến trình sanh tử tiếp nối mãi mãi như thế, nó đoạt mất tuệ mạng và công đức thiện căn của chúng sanh, nên gọi là Ấm ma. Đúng thật như vậy, nên Đức Thế Tôn của ta đã từng nói : "Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. (Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức). Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn". Chính sự tập khởi khổ uẩn là sự tập khởi của sanh tử, sự tập khởi của sanh tử chính là sự tập khởi của khổ đau, sự tập khởi của khổ đau chính là sự tập khởi của Ấm ma. Ấm ma này có khai có hợp chẳng đồng, khai thì thành 12 nhập, 18 giới; còn hợp thì không ngoài 2 pháp là sắc và tâm.
Còn về phần Tử ma và Thiên ma ở Dục Giới phát sinh thì trên tôi đã có nói rồi, không lập lại nữa.
Giờ sẽ nói Ma sự phát tướng thông qua ba loại sau đây, ba loại Ma này ngày xưa Tổ sư Thiên Thai Tông là Trí Khải Đại Sư cũng đã từng lược nói.
1. Ma tinh mị
Là loài thú theo mười hai giờ, nó biến hóa làm các thứ hình sắc. Hoặc nó hóa người thiếu nữ, người già nua, nhẫn đến những hình tướng đáng sợ không phải ít để làm não loạn người tu hành. Các loài tinh mị này não hại người tu, mỗi loài đến theo giờ của nó, phải biết rành rõ. Nếu giờ Dần (3 giờ - 5 giờ) đến, ắt là loài cọp v.v... Nếu giờ Mẹo (5 giờ - 7 giờ) đến, ắt là loài thỏ, nai v.v... Nếu giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ) đến, ắt loài rồng, trạnh v.v... Nếu giờ Tỵ (9 giờ - 11 giờ) đến, ắt loài rắn, trăn v.v... Nếu giờ Ngọ (11 giờ - 13 giờ) đến, ắt loài ngựa, lừa, lạc đà v.v... Nếu giờ Mùi (13 giờ - 15 giờ) đến, ắt loài dê v.v... Nếu giờ Thân (15 giờ - 17 giờ) đến, ắt loài khỉ, vượn v.v... Nếu giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ) đến, ắt loài gà, chim v.v... Nếu giờ Tuất (19 giờ - 21 giờ) đến, ắt loài chó, chó sói v.v... Nếu giờ Hợi (21 giờ - 23 giờ) đến, ắt loài lợn v.v... Nếu giờ Tý (23 giờ - 1 giờ) đến, ắt loài chuột v.v... Nếu giờ Sửu (1 giờ - 3 giờ) đến, ắt loài trâu v.v... Hành giả nếu thấy chúng thường dùng những giờ này đến, tức biết những loài tinh thú ấy, kêu tên nó mà quở trách liền phải tiêu diệt.
Hành giả an trú trong Chỉ và Quán hướng tâm đoạn tất cả các lậu hoặc ngay trong hiện tại, công phu một khi thuần thục ắt sẽ bị những bọn ma tinh mị này đến phá hoại. Chỉ cần giác biết chúng đến theo giờ, nguyên hình của nó là gì mà chánh niệm gọi tên và quở trách, thì chúng ngay lập tức biến mất.
2. Ma đôi dịch
Ma đôi dịch: Nó cũng làm những việc xúc chạm não loạn người tu hành. Hoặc hóa như con sâu, con mọt bò lên đầu, mặt người vùi, chích, chớp nhoáng; hoặc bươi, vạch dưới hai nách của người; hoặc chợt ôm người giữ người; hoặc kêu vang lên làm ồn náo và hóa hình các loài thú rất nhiều tướng lạ. Khi nó đến não loạn, người tu liền biết nên nhất tâm nhắm mắt lại, thầm mắng nó thế này : “Ta nay đã biết ngươi, ngươi là loài quỉ Thâu-lạp-kiết-chi tà kiến ưa phá giới ngửi mùi ăn lửa trong cõi Diêm-phù-đề, ta nay giữ giới quyết không sợ ngươi”. Nếu người xuất gia nên tụng giới bổn, nếu người tại gia nên tụng tam qui, ngũ giới v.v... thì bọn quỉ này khúm núm rút lui. Nếu có hóa các thứ tướng mạo làm chướng nạn người tu như thế và các phương pháp đoạn trừ, ở trong kinh thiền có nói rộng.
3. Ma não
Ma não: Bọn ma này hay hóa làm ba thứ cảnh tướng ngũ trần đến phá thiện tâm người.
a. Hóa cảnh nghịch ý : Chúng sẽ hóa làm những cảnh giới của 5 trần đáng ghê rợn, khiến tâm người tu kinh sợ. Như hóa cọp, sói, sư tử, những hình tượng đáng sợ, là ngũ trần ghê sợ khiến người phải kinh khủng...
b. Hóa cảnh thuận ý : Chúng biến hóa những hình tướng và cảnh giới của năm trần đáng ưa thích, khiến người tu sanh tâm tham đắm. Như hóa hình tượng cha mẹ, anh em, chư Phật và nam nữ đẹp đẽ đáng yêu, là ngũ trần yêu thích khiến người sanh tâm ái trước.
c. Hóa cảnh không thuận không nghịch : Là cảnh ngũ trần bình thường làm loạn động tâm người tu hành khiến mất thiền định.
Thế nên, ông phải biết Ma gọi là “Sát” cũng gọi là “Mũi tên hoa”, cũng gọi là “Năm mũi tên”; vì nó bắn vào năm giác quan của người. Làm cho con người say đắm rơi vào mê hồn trận của Ngũ dục, tạo ra gió Giác Quán mê lầm, chính Giác Quán mê lầm đó thổi ngọn lửa tham ái hực hực không tắt, dựng cao tràng liêu mạn vào trong lưới khát ái, đắm chìm trong Dục lưu, Hữu lưu, Vô minh Lưu và Kiến lưu, nối luôn phát khởi chủng tử tâm, ý và thức... không thể thoát khỏi biển khổ của Tam giới, không thể nhổ tận mầm móng gốc rễ của sanh tử mà bước lên địa vị Chánh Giác Bồ Đề.
Nói chung tất cả Ma sự khai phát phần nhiều bắt đầu từ 5 căn đối với 5 trần mà sanh. Khi Căn tiếp xúc với Trần thì Thức sanh khởi, chính vì mê muội Duy Thức Tánh nên nghiệp cho Ma có cơ hội khai phát, não loạn bậc chánh tu. Ông phải lưu ý là trong mỗi giác quan hiện ra 3 cảnh giới để não loạn người tu, cả 5 giác quan tổng lại là có 15 cảnh giới vậy. Như trên đã nói, đối với sắc chúng sẽ hóa những cảnh thuận trong sắc, nghịch trong sắc và không thuận không nghịch trong sắc. Đối với thanh, hương, vị, xúc cũng lại như vậy. 3 lần 5 thành 15 cảnh giới. Nếu ông không phân biệt được sự biến tướng, hư dối, đe dọa, áp đảo, huyễn hoặc... của tà ma, thì sẽ bị chúng hủy hoại công phu tu hành, phế bỏ đạo nghiệp, tâm sanh điên cuồng, tạo những ác nghiệp vô kể, thậm chí lửa dục đại phát, không còn biết điều gì cả, thân thể lõa lồ, cuồng ngôn loạn ngữ, hành hạnh bất chánh, hủy báng Tam Bảo, phá hoại đạo pháp... có người trong khi công phu vỡ tim mà chết tại chỗ, hoặc phát bệnh điên cuồng cho đến chết...
Lại nữa, ngoài ba loại Ma trên thì Ma ấy cũng có ba việc, ông cũng cần phải tuệ tri, những gì là ba? 1- Nói phô, cười cợt, nhảy múa, nhìn bậy, tham đắm chấp thủ đối với 5 dục... những việc như vậy đều từ tham ái sanh. 2- Trói buộc, đánh đập, tra khảo, châm chích, cắt chặt, đấu tranh... những việc như vậy đều từ sân sanh. 3- Lấy lửa đốt thân, chịu rét, nhổ tóc, chịu đói, nhảy vào lửa, nhảy vào vực thẳm, nhảy từ chót cao... những việc như vậy đều từ ngu si sanh.
Bởi thế nên bậc tu hành chân chánh không thể không tường tri về Ma sự khai phát, vì nếu không biết rõ, không quán xét rõ thì sẽ bị chúng cướp mất tuệ căn, đoạt mất công đức, chìm đắm vĩnh viễn trong sanh tử luân hồi, cũng là nhân duyên của Ma vương lực. Ma ấy là oán thù của chư Phật, là giặc của Thánh nhân, phá hoại tất cả sự nghiệp của người ngược dòng sanh tử, không còn ưa thích Niết Bàn.
Ngoài Ma sự ra còn có Ma nghiệp. Về Ma nghiệp thì tạo ra ba thứ chướng là phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng. Chúng sanh chứa nhóm các nghiệp cho đến trong trăm ngàn vạn ức kiếp cũng không cháy, không mất, không hoại, thậm chí cùng hiệp với quả báo cũng không mất. Các nghiệp ấy tồn tại lâu dài đến mức hòa hiệp cùng quả báo cũng không mất như thế. Như hạt giống lúa được gieo dưới đất gặp thời tiết nhân duyên thuận lợi thì sẽ sinh trưởng. Như có Kệ nói:
"Xe sanh tử chở người
Các phiền não kết nghiệp
Có sức lớn tự tại xoay chuyển
Không ai cấm ngăn được".
Nói tóm lại, trừ thật tướng các pháp, tất cả tàn dư đều gọi là Ma. Như các phiền não, kiết sử, phược, thủ, triền, ấm, giới, nhập, Ma vương, Ma nhân, Ma dân... những điều như vậy đều gọi là Ma cả. Chính vì tác hại của Ma quá ư kinh khủng, không thể nghĩ bàn như trên tôi đã nói, thế nên trong Kinh Đại Phẩm mới dạy: "Những loại Ma sự, nếu ai không chỉ dạy cho người tu hành biết, đây chính là Bồ Tát ác tri thức vậy".
Than ôi! Khéo không răng dè mình ư?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét