Tham Thiền Hoặc Vấn
Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma
Phần IV- Ma Sự Phát Tướng
Hỏi: Các cảnh giới Ma thì tôi đã rõ, nhưng không biết chúng phát tướng như thế nào, nguyện Thầy từ bi chỉ dạy rõ ràng được không ạ?
Đáp: Vậy Ông lắng nghe! Thế nào là Ma phiền não phát sinh? Phiền não tức là buồn phiền não loạn, tâm thức hệ phược khiến sầu bi ưu não bức bách... Do vô minh và tham ái câu hữu với si mê làm châm ngòi cho ngọn lửa phiền não thiêu đốt thân tâm, hủy hoại thiện căn, mất giống trí tuệ, tạo vô vàn ác nghiệp. Về phiền não thì tạm chia thành hai loại là: Căn bản phiền não và Tùy phiền não. Tất cả phiền não nói chung cũng không nằm ngoài 5 thứ bất thiện pháp, tôi sẽ vì ông mà ước lượt tỏ bày.
A/ Căn bản phiền não
Căn bản phiền não có 6 món, đó là:
1.Tham: Tham lam ngũ dục
2. Sân: Sân hận
3. Si: Si mê
Ba món này Tâm sở này trái ngược với ba món Thiện căn (vô tham, vô sân, vô si) trong 11 món Thiện Tâm sở là: Tín, Tàm, Quí và ba thiện căn là vô tham, vô sân, vô si với cần, an, bất phóng dật, hành xả và bất hại. Ba món căn bản đầu tiên này còn gọi là tam độc, nếu người uống vào thì thân tâm bị thiêu đốt đau khổ, sầu ưu, ai oán...nó cướp mất hạt giống thiện căn và hủy hoại tất cả thiện pháp.
4. Mạn: Gồm có bảy loại mạn: 1/ Mạn tức là mình bằng người mà cho mình hơn người, hoặc người hơn mình mà mình cho người đó thua mình . 2/ Quá mạn tức là mình thua kém người nhưng cho rằng mình bằng hay hơn người, luôn tự đề cao và nâng mình lên hơn người một bậc. 3/ Mạn quá mạn tức là cho mình tài giỏi hơn người nên khinh khi kẻ khác. 4/ Tăng thượng mạn tức là luôn luôn tự mãn có được chút ít cho là đủ, nghĩ mình hay và tài giỏi mà ngạo nghễ khinh thường người khác, hay tự ngôn chứng Thánh trong khi mình vẫn là kẻ phàm phu hạ liệt . 5/ Tà mạn tức là tin vào định kiến sai lầm của mình rồi chấp chặt vào tà nhơn, tà quả, tự thị vào tà nhơn, tà quả đó mà khinh thường những người khác. 6/ Ty liệt mạn tức là dù mình thua thấp kém hơn người rất nhiều, nhưng vẫn tự thị cho họ là thua kém chút ít thôi, hoặc là tự biết là mình thấp hèn, nhưng vẫn cứ bảo thủ không chịu phục tùng học hỏi với bất cứ ai. 7. Ngã mạn tức là tâm lý tự phụ, tự ti, chấp ngã tạo thành ngã si, ngã kiến, ngã ái...
5. Nghi: Tức là nghi ngờ, như người nghi ngờ Phật Pháp Tăng, không tin thuyết nhơn quả luân hồi v.v ...
6. Ác kiến: Tức là hiểu biết không chơn chánh tà vạy, rồi chấp thủ vào định kiến sai lầm đó của mình. Ác kiến này, chia ra làm năm món: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ.
B/- Tùy phiền não
Gồm 20 món được chia làm 3 thứ là 10 thứ Tiểu tùy, 2 thứ Trung tùy và 8 thứ Đại tùy.
Tôi xin lược nói để ông liễu tri.
- Thứ nhất là 10 món Tiểu tùy gồm có: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siễm, Hại, Kiêu.
1. Phẫn: Tức là giận, khi gặp nghịch cảnh sanh tâm giận giỗi.
2. Hận: Tức là câm hận, sau khi giận rồi lưu lại trong tâm không bỏ.
3. Phú: Tức là che giấu, che giấu tội lỗi của mình không cho ai biết.
4. Não: Tức là phiền, sau khi giận rồi buồn phiền trong lòng.
5. Tật: Ganh ghét, thấy người hơn mình sanh tâm đố kỵ.
6. Xan: Bỏn xẻn, có tiền của mà rít rắm, keo kiệt, không bố thí.
7. Cuống: Dối gạt, vì muốn được danh lợi nên dối gạt người.
8. Siểm: Nịnh, bợ đỡ nịnh hót với người để xin danh vọng quyền lợi.
9. Hại: Tổn hại, trái với "bất hại" trong Thiện Tâm sở.
10. Kiêu: Kiêu cách, giống như mạn tâm sở, song "Mạn tâm sở" là kinh dễ lấn lướt người, còn "Kiêu tâm sở" là ỷ tài năng của mình mà khinh ngạo xem thường người.
- Thứ hai là Trung tùy gồm có 2 món: Vô tàm và Vô quý:
11. Vô tàm: Tức là tánh không biết hổ thẹn với chính mình về những việc xấu, ác, bất thiện mà mình đã làm.
12. Vô quý: Là tánh không đếm xỉa đến người khác, không biết hổ thẹn với mọi người xung quanh về những việc ác và bất thiện đã làm.
- Thứ ba là 8 thứ Đại tùy gồm có: Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn và Bất chánh tri.
13. Trạo cử: Chao động, làm chướng ngại tu Chỉ; trái với Định tâm sở trong vị Biệt cảnh.
14. Hôn trầm: Tối mờ, thân tâm luôn trọng trược, nặng nề làm chướng ngại tu Quán; trái với Huệ tâm sở.
15. Bất tín: Không tin, trái với Tín tâm sở trong 11 món thiện.
16. Giải đãi: Trễ nải, lười biếng, không chịu tu trì các pháp thiện, trái với Cần tâm sở trong 11 món thiện.
17. Phóng dật: Buông lung, phóng túng, trái với "Bất phóng dật" trong Thiện tâm sở.
18. Thất niệm: Không nhớ, làm chướng ngại Chánh niệm và đưa đến Tán loạn trái với "Niệm tâm sở" trong vị Biệt cảnh.
19. Tán loạn: Rối loạn, tâm lăng xăng rối loạn; trái với "Định tâm sở" trong vị Biệt cảnh.
20. Bất chánh tri: Biết không chơn chánh, khi đối với cảnh hiểu biết sai lầm, không có chánh kiến.
C. Năm thứ bất thiện pháp
Ngoài ra Ông phải biết Ma phiền não trong tâm như con rắn độc màu đen ở trên đầu, nếu không cẩn thận ắt tính mạng có thể diệt vong. Nên Kinh Niết Bàn nói: "Phiền não tức là pháp ác". Phiền não thì danh từ rất nhiều ở trên tôi chỉ lược nói, nếu tóm lược lại thì cũng không ngoài 5 thứ bất thiện pháp. Những gì là 5? Đó là:
- Giác quán bất thiện pháp
- Tham dục bất thiện pháp
- Sân khuể bất thiện pháp
- Ngu si bất thiện pháp
- Ác nghiệp bất thiện pháp
Nếu đem 5 pháp bất thiện trên chia ra thì Giác quán bất thiện pháp là do tam độc là tham, sân, si phát sanh, nên thuộc về Tập nhân đẳng phần; còn Ác nghiệp chướng đạo thuộc về Báo nhân đẳng phần. Luận về căn bản phiền não thì chỉ có Tam độc đẳng phần. Năm thứ bất thiện trên đây nếu nói tổng quát có 4 phần, còn luận rộng ra thì có tám mươi bốn ngàn (84.000), như trong luận Ma Ha Diễn nói: "Tham dục phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn thứ (21.000). Sân phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn (21.000). Ngu si phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn (21.000). Đẳng phần phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn (21.000)". Đẳng Phần phiền não mà Luận Ma Ha Diễn nói là Báo nhân đẳng phần. Bốn phần phiền não như Đại Luận nói tổng cộng có tám mươi bốn ngàn thứ (84.000) phiền não trần lao, nên Đức Phật thuyết tám mươi bốn ngàn pháp môn để đối trị. Nay chỉ nói 5 thứ ác pháp bất thiện để luận về tướng Ma sự khai phát.
Đấy là tôi đã lược nói một cách tổng quát về hiện tượng Ma phiền não phát sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét