Tham Thiền Hoặc Vấn
Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma
Phần III
II. Ma ấm, giới, nhập
Hỏi: Về phần Ma phiền não tôi đã rõ, xin cho biết thế nào là Ma ấm, giới, nhập ạ?
Đáp: Ấm tức là 5 ấm, nhập là 12 nhập, giới là 18 giới, tất cả danh sắc trói buộc chúng sanh, khiến chúng sanh đắm chìm trong lưới khát ái, tạo nghiệp luân hồi, phá hỏng công đức cùng các căn lành, đoạt mất trí tuệ của người tu hành, khiến không thể giải thoát được, nên gọi là Ma.
Như khi ở núi Mạc-câu-la, Đức Phật dạy đệ tử La-đà: "Sắc uẩn là Ma. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là Ma". Từ nơi 5 ấm xuất sanh vô lượng tình thức đối với các pháp như 12 nhập, 18 giới... ấm, giới, nhập của cõi Dục cho đến cõi Sắc và Vô Sắc cũng vậy. Cho nên nếu muốn làm thân có sắc trong vị lai, đó là chỗ động; nếu muốn làm thân không sắc cũng là chỗ động; nếu muốn làm thân có tưởng, không tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng... tất cả đều là chỗ động. Động là bị Ma trói buộc, không động thì không bị Ma trói buộc, từ nơi ác mà giải thoát gọi là phá Ma nghiệp vậy.
III. Ma chết
Hỏi: Thưa Thầy! Còn Thế nào là Ma chết?
Đáp: Tất cả nghiệp báo sanh tử luân chuyển không ngừng nghỉ, đều gọi là Ma.
Lại như có người phát tâm tinh tấn tu hành nhưng bị quỷ vô thường nuốt mất, mạng căn chấm dứt mà chưa tu giải thoát được. Như Kinh nói:
"Sắc này bị suy già,
Ổ tật bệnh, mỏng manh,
Nhóm bất tịnh, đỗ vỡ,
Chết chấm dứt mạng sống".
Hay người nổ lực cần cầu tuệ giác vô lậu nhưng bị tướng suy của già, bệnh khổ mà chết, hoặc có kẻ giết hại, hoặc bất đắc kỳ tử mà chết... bỏ mất cơ hội tu tập Thánh đạo. Khi luân chuyển qua đời sau lại bị 5 ấm ngăn che, quên mất bản tâm, tạo nhân huyễn hoặc và cứ như thế mà sanh tử tiếp nối nhau đời đời kiếp kiếp không giải thoát được. Những điều trên cũng gọi là Ma sự vậy.
Hoặc lại có người muốn tu nhưng cuồng sợ cái chết, sợ khổ... không dám dấn thân để thực hành Phạm Hạnh, tiếc thân mạng này nên không thể tinh tấn thực hành tu đạo... Đây cũng không nằm ngoài Ma sự.
IV. Thiên ma ở Dục Giới
Hỏi: Nguyện xin Thầy cho biết loại Ma thứ tư là Thiên ma ở Dục Giới là sao ạ?
Đáp: Chính là Thiên ma Ba-tuần chúa tể của Dục Giới ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại, đây là khắc tinh của bậc tu hành chuẩn bị giác ngộ Bồ Đề, loại Ma này chỉ phá những bậc tu hành khi sắp đạt được Thánh quả cao tột làm chủ sanh tử, thoát khỏi luân hồi mà thôi. Tuy nhiên trong nghịch lại có thuận, nếu giả sử loại Ma này không xuất hiện thì người tu khó thể đắc đạo được, cho nên nếu bậc đại trí thì phải biết duyên Ma nghịch này chính là thắng duyên cao tột, cũng như một đặt ân thù diệu vô biên mà Tam thế chư Phật ban tặng cho mình vậy; nếu không vượt qua cửa ải cuối cùng này thì không thể bước lên địa vị Thiên Nhân Sư Chánh Đẳng Giác. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta, trước khi giác ngộ hoàn toàn Ngài cũng phải vượt qua cửa ải này, đây cũng là phương tiện đạo tối thắng mà Đại Bồ Tát tạo duyên để giáo hóa chúng sanh, cho nên Bồ Tát với thanh gươm trí tuệ Vô Năng Thắng Đại Bồ Đề Tâm chiến đấu và hàng phục Ma quân mới thành tựu Chánh Giác Vô Thượng Bồ Đề.
Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, bấy giờ Ngài nói với các Tỳ Kheo rằng xưa khi chưa thành Phật đạo, ngồi dưới gốc cây Ta nghĩ: “Trong cõi Dục Giới gồm có chư Thiên và loài Người, ai hào quý nhất (tài trí nhất), Ta sẽ hàng phục”. Ta lại nghĩ: “Nghe nói, trong cõi Dục Giới có Thiên Ma là ghê gớm nhất, ta sẽ chiến đấu với Ma ấy. Do hàng phục Thiên Ma, tất cả chư Thiên và loài người kiêu mạn đều sẽ bị hàng phục”.
Khi nghĩ như thế rồi, Ta ngồi nơi tòa ngồi mỉm cười, khiến cảnh giới Thiên Ma chấn động, rồi nghe tiếng nói trong hư không:
Bỏ ngôi Vua chân chánhXuất gia học cam lộ,Nếu ai phát nguyện rộng,Chẳng ba đường ác này.Nay ta hợp binh chủng,Đến thăm Sa Môn kia,Nếu không theo ý ta,Nắm chân ném ra biển.Khi ấy Thiên Ma sân hận bừng bừng bảo Đại tướng Sư Tử:
“- Đại Tường mau tập hợp bốn bộ binh tướng đi dẹp Sa Môn, hãy quan sát xem ông ấy có thế lực gì mà dám chiến đấu với ta?”
Ta lại suy nghĩ: “Giao chiến với người thường còn không thể im lặng, huống chi với Thiên Ma, nên tranh đua với Thiên Ma”. Nên Ta mặc áo giáp “Nhân từ”, tay cầm cung “Chính định”, tên “Trí tuệ” chờ đợi.
Chẳng bao lâu sau đó, tệ Đại Ma, Đại Tướng, quân binh đủ loại đông đảo đến mười tám ức (Một triệu tám trăm nghìn), mặt mày mỗi mỗi khác nhau, đủ hình đủ dạng, vượn, khỉ, sư tử, v.v... đều đến chỗ Ta. Binh chúng hoặc La Sát, hoặc một thân có vô số đầu, hoặc nhiều thân có một đầu, hoặc hai vai ba cổ, hoặc ngay ngực có miệng lớn, hoặc một tay, hai tay, bốn tay. Hoặc hai tay bê đầu miệng ngậm thân rắn, hoặc trên đầu bốc lửa, miệng phun lửa, hoặc phanh bụng đi tới tay cầm dao tay cầm kiếm, tay cầm gươm tay cầm giáo, tay cầm cối tay cầm chày. Hoặc vác đá, vác cây, hoặc đi bằng hai tay, hai chân ở trên đầu ở dưới. Hoặc cưỡi voi, cưỡi sư tử, cưỡi hổ mang độc xà, hoặc đi hoặc chạy hoặc bay v.v.... Tất cả vang động rầm rầm chung quanh cây Đại thọ nơi Ta ngồi.
Thiên Ma đứng trước mặt phía bên trái nói:
“- Sa Môn, hãy đứng lên mau”
Ta im lặng chẳng trả lời. Thiên Ma nói như thế đến ba lần, rồi nói:
“- Sa Môn sợ ta chăng?”
Ta bảo Thiên Ma:
“- Nay Ta nhiếp tâm không có một chút kinh sợ”
Thiên Ma nói:
“- Ông có một thân một mình ở đây, không khí giới gậy gộc binh đao, thân trơ đầu trọc, lại nói: “Ta không sợ”, Sa Môn có thấy bốn binh chúng của ta không?
Ta liền nói kệ:
“Ta mặc áo giáp nhân từ,
Cung chánh định tên trí tuệ,
Dùng phước nghiệp làm binh chúng,
Nay quân Ông sẽ bị hoại”.
Thiên Ma nói:
“- Nếu không nghe lời ta, Ông sẽ bị đốt cháy, mau rời chỗ này, Sa Môn dung mạo đẹp đẽ, dòng Sát Đế lợi (Dòng Vua Chúa), ta sẽ đem đến cho Ông nhiều lợi ích, để ông làm Chuyển Luân Thánh Vương”.
Ta trả lời:
“- Những lời Ông nói đều là vô thường, thay đổi hư hoại, chẳng phải điều Ta ưa”.
Thiên Ma lại nói:
“- Sa Môn muốn điều gì, chí nguyện việc chi?”
Ta đáp:
“- Điều Ta ước nguyện là nơi vô úy an tịnh trong thành Niết Bàn, dẫn dắt chúng sanh đang trôi nổi chìm đắm trong khổ não được đến con đường chánh đạo”.
Thiên Ma lại nói:
“- Nếu như Sa Môn không mau mau đứng dậy, ta sẽ nắm chân Ông ném xuống biển.”
Ta liền đáp:
“- Ta tự quán sát tất cả từ Trời, Ma, Người, Phi Nhân, và cả bốn chúng của Ông, chẳng thể động đến lông chân của Ta”.
Thiên Ma thách thức:
“- Ông muốn chiến đấu với ta chăng?”
Ta đáp:
“- Ta muốn cùng Ông giao chiến”.
Thiên Ma hỏi:
“- Ông ghét điều gì?”
Ta đáp:
“- Ta dẹp những điều kiêu mạn, như tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn”.
Thiên Ma hỏi:
“- Ông dùng điều gì để diệt các mạn đó?”
Ta đáp:
“- Thiên Ma Ba-tuần nên biết, có Từ tam muội, Bi tam muội, Hỉ tam muội, Xả tam muội, Không tam muội, Vô nguyện tam muội, Vô tướng tam muội.
Do Từ tam muội được Bi tam muội, do Bi tam muội được Hỉ tam muội , do Hỉ tam muội được Xả tam muội. Do Không tam muội được Vô nguyện tam muội, do Vô nguyện tam muội được Vô tướng tam muội.
Do sức của các tam muội này chiến đấu với Ông”.
Ta nói tiếp:
“- Hành tận ắt khổ tận, khổ tận ắt kết tận, kết tận ắt Niết Bàn”.
Thiên Ma hỏi:
“- Có thể dùng pháp (sự việc) diệt pháp chăng?
Ta trả lời:
“- Có thể dùng pháp diệt pháp được.”
Tệ Ma lại hỏi:
“- Thế nào là dùng pháp diệt pháp?”
Ta giải thích:
“- Dùng chánh kiến diệt tà kiến, dùng tà kiến diệt chánh kiến; đối với chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạn, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định cũng như thế, lấy chính diệt tà, lấy tà diệt chính. Đó là dùng pháp diệt pháp”
Thiên Ma nói:
“- Sa Môn hôm nay tuy có những lời như thế, ở chỗ này khó khắc phục, Ông mau đứng dậy, đừng để ta nắm chân ném ra biển”.
Ta lại bảo Ma Vương:
“- Xưa kia Ta tạo công đức vô kể, còn Ông chỉ tạo phước có một đời được làm Ma Vương ở cõi trời Dục Giới nên lời của Ông khó thực hiện được”.
Thiên Ma Ba-tuần đáp:
“- Ông tự xưng đã tạo vô số phước đức, đó chỉ mình Ông biết, ai có thể chứng cho Ông?”
Lúc ấy, đang ngồi, Ta duỗi bàn tay phải thẳng xuống đất, đồng thời bảo Ma Vương:
“- Công đức Ta đã tạo, Địa Thần cũng biết”.
Ta nói dứt lời, Địa Thần từ đất vọt lên chắp tay thưa:
“- Bạch Ngài, con chứng biết công đức của Ngài”.
Địa Thần vừa nói xong, Ma Vương Ba-tuần buồn rầu khổ não, liền biến mất cùng với bốn binh chúng Ma.
Cho nên hành giả phải biết một khi lưới ái không nhiễm, tất cả hữu dư không còn, căn- trần viên tịnh, ngũ uẩn giai không... thì tệ Ma Ba-tuần sao có thể nhiễu loạn được ư? Như Kinh Tạp A Hàm có nói:
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Ban đêm Thế Tôn dậy đi kinh hành. Đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng ngồi ngay thẳng, chuyên tâm cột niệm thiền tư. Bây giờ, ta sẽ đến làm nhiễu loạn.’ Liền hóa ra một thiếu niên đứng trước Phật nói kệ:
Tâm ta ở giữa không,
Cầm dây dài buông xuống.
Nhằm muốn trói Sa-môn,
Khiến ngươi không thoát được.
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Ta nói, ở thế gian,
Năm dục, ý thứ sáu;
Đối chúng đã lìa hẳn,
Tất cả khổ đã dứt.
Ta đã lìa dục kia,
Tâm ý thức cũng diệt.
Ba-tuần, Ta biết ngươi,
Mau đi khỏi nơi đây.
Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét