Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

 

  Tri môn cảnh huấn    


                               CHÂN ĐẠO BỒ ĐỀ

Nương nơi nước mà thuyền ngược xuôi, nương nơi cuộc đời mà bạn có thể giác ngộ, giác ngộ hay không giác là ở chính tâm bạn, chớ lìa tâm mà tìm đạo. Nếu lìa tâm mà tìm đạo đích thực là ngoại đạo vậy!

                                                  -ೋ- Thích Long Viễn -ೋ-




Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

 Tri môn cảnh huấn


DÙNG TRÍ ĐỐI CƠ TIẾP VẬT


Người có trí lớn làm việc có thể vượt ra ngoài khuông phép, người chấp chặt vào nguyên tắc sao có thể ứng cơ tiếp vật một cách quyền biến mà hóa độ chúng sanh đúng như căn tánh của họ được? 

                                             -ೋ- Thích Long Viễn -ೋ-





Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

  Tri môn cảnh huấn


LÀM BẬC ĐẠO SƯ

Muốn cho cây tươi tốt phải cho nước bón phân chăm sóc cội rễ, muốn dòng nước chảy xa phải khai rộng thông sâu đạo lộ từ nguồn. Cũng vậy muốn trở thành một bậc Thầy mô phạm cho chúng sanh và hướng đạo cho sanh chúng thì phải huân tu Giới Đức thật viên tròn.


                                               -ೋ-Thích Long Viễn--






Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

BÍ MẬT TẠNG

   -------------------------ೋ•--------------------------

Một hôm, khi bóng tối của màn đêm bao phủ cả hoàn cầu, trong cái lạnh tê dại của núi rừng hòa với cái lạnh vô biên trong lòng người nhân thế.... bỗng vang lên âm thanh thuyết pháp như Sư Tử Hống giữa cảnh u tịch, như xé rách màn đêm u tối mà làm hiển lộ chân tánh rực sáng của tinh linh quỷ thần ở nơi đây! Tôi thoáng nghe mà lòng kinh hãi, là ai? Là quỷ thần ư? Hay chư thiên ư? Không...! Không...! Có lẽ là lời của một vị Thánh nào đó chăng? Tôi nhẹ tiến đến gần, ồ! Thì ra đó là Sư Phụ của chúng tôi (Thích Long Viễn)! Ngài đang thuyết Pháp cho ai vậy kìa? Nhìn không thấy ai cả... Đây là diệu pháp mà Ngài tuyên lưu:


Thành công là gì? Nếu không thất bại?

Hạnh phúc là gì? Nếu không khổ đau?

Giàu sang là gì? Nếu không bố thí?

Tu hành là gì? Nếu không kiến tánh?

Tánh thật của Pháp là gì? Nếu không thấy nguồn Tâm?

Giải thoát là gì? Nếu không triền phược?

Giác ngộ là gì? Nếu không ngu si?

Đắc pháp là gì? Nếu chẳng nhiễm sáu trần?

Xuất gia là gì? Nếu không lìa khỏi sanh tử?

Đắc đạo là gì? Nếu không còn thọ lãnh thân đời sau?

Niết Bàn là gì? Nếu không vọng tưởng?

Trí huệ là gì? Nếu không vô minh?

Tánh Phật là gì? Nếu không có tánh tham, sân, si?

Thấy Phật là gì? Nếu không rõ biết Tâm là Không?

Tạo sửa Chùa Tháp là gì? Nếu không dứt ba độc, sáu căn trong sạch, thân tâm thanh tịnh?

Lễ lạy là gì? Nếu trong tâm không luôn sáng rõ, ngoài không biết tùy duyên ứng cơ tiếp vật?

Đúc vẽ hình tượng Phật là gì? Nếu không lấy thân làm lò, pháp làm lửa, trí huệ làm thợ khéo; Tam Tụ Tịnh Giới và Lục Độ làm khuông, đúc luyện Phật tánh chân như trong mình?

Thọ trì trai giới là gì? Nếu ngoài không ngăn sáu tình, trong không ngăn ba độc, tâm thường thanh tịnh chánh niệm tỉnh thức?

Tụng niệm là gì? Nếu miệng đọc mà tâm không nhớ nghĩ, thường tu tỉnh giác?

Thắp đèn sáng mãi là gì? Nếu tâm không tỉnh thức, chân tánh không hiển bày?

Rải hoa là gì? Nếu không thuyết giảng Chánh Pháp làm thành các thứ hoa công đức, trang nghiêm Tịnh Độ khắp mọi nơi?

Đốt hương là gì? Nếu không xông hương Chánh Pháp Vô Vi? 

Hương Chánh Pháp Vô Vi là gì? Nếu không đoạn ác, tu thiện thành tựu hương Giới? Nếu không tin sâu Đại Thừa, lòng không thối chuyền, thành tựu hương Định? Nếu không thường tự quán xét thân tâm thành tựu hương Huệ? Nếu không dứt hết sự trói buộc của mê mờ, tăm tối thành tựu hương Giải Thoát? Nếu không thường quán chiếu sáng suốt, thấu đạt tất cả không ngăn ngại, thành tự hương Giải Thoát Tri Kiến?

Sáu pháp Ba La Mật là gì? Nếu sáu căn không thanh tịnh?

Bố Thí Ba La Mật là gì? Nếu không xả hình sắc, buông bỏ giặc mắt và cảnh vật?

Trì Giới Ba La Mật là gì? Nếu không ngăn cấm được giặc tai, xả tất cả thanh trần?

Nhẫn Nhục Ba La Mật là gì? Nếu không hàng phục giặc mũi, buông xuống tất cả hương trần?

Tinh Tấn Ba La Mật là gì? Nếu không chế ngự giặc lưỡi, xả ly hết thảy vị trần, âm thanh thuyết Pháp, ca vịnh?

Thiền Định Ba La Mật là gì? Nếu không khuất phục được giặc thân, ý bất động với sự xúc chạm?

Trí Tuệ Ba La Mật là gì? Nếu chẳng điều phục được giặc ý, chẳng thuận theo dòng vô minh?

Đây là diệu nghĩa thâm sâu cùng cực trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, là chỗ hành chân thật của đại Bồ Tát, là chỗ thấy chân thật của đại Bồ Tát, Bồ Tát tuy chiếu kiến thân tâm, linh diệu rõ biết thực tướng của vạn pháp nhưng không hủy diệt pháp tánh. Các vị phải dùng trí tuệ mà tư duy, Kinh điển của Phật thuyết đều là lời liễu nghĩa chân thật. Mật nghĩa rất thâm sâu, những ý chỉ tôi nói trên đây đều thuận theo Thánh ngôn mà phân biệt, nếu chánh quán với trí tuệ sẽ nhập Huyết Mạch của Chánh Pháp, từ Huyết Mạch này sẽ ngộ được Chân Tánh, khi đã triệt ngộ Chân Tánh rồi thì hành giả có thể Phá Tướng thâm nhập vào Không giải thoát môn, Vô Tướng giải thoát môn và Vô Tác giải thoát môn. Trên có thể ứng hợp với bản Tánh diệu Tâm của mười phương chư Phật, dưới có thể phương tiện quyền biến mà độ thoát hết thảy muôn loài. Cho nên các vị phải thường quán Tâm mà ngộ Tánh, quán Tâm là phương pháp tu chóng tắt nhất vượt ra ngoài ba cõi. Tâm này chính là nguồn cội của vạn pháp, đau khổ cũng do tâm mà an lạc cũng do tâm, giải thoát cũng do tâm mà triền phược cũng do tâm, thiện cũng do tâm mà ác cũng do tâm, Thánh cũng do tâm mà phàm cũng do tâm, sanh tử cũng do tâm mà Niết Bàn cũng do tâm, Tịnh Độ cũng do tâm mà Ta Bà cũng do tâm. Đạo Phật chính là đạo Tâm, Phật giáo tức là Tâm giáo? Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh đều có Tâm! Chỉ một Tâm này ở phàm không thiếu ở Thánh không hơn. Phàm là người tu đạo một khi rõ được nguồn Tâm thì dụng công ít mà thành công cao, không rõ được bản Tâm mà tu thì đó là tu mù. Còn không rõ ư? Nên Kinh Hoa Nghiêm nói:

"Nếu người muốn biết rõ

Tất cả Phật ba đời

Phải quán tánh pháp giới

Tất cả do tâm tạo".

Hay:

"Nếu người muốn biết cảnh giới Phật

Phải tịnh ý mình như hư không

Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ

Khiến tâm khắp nơi đều vô ngại".

Bởi thế nên: Trực Tâm, Thâm Tâm, Bồ Đề Tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát; Bồ Tát muốn được cõi Phật thanh tịnh, tùy tâm tịnh ấy liền được cõi Phật tịnh.  Cõi Phật Tịnh của Bồ Tát là nơi không có phiền não nhiễm ô, chính là cảnh giới cứu cánh Phạm Hạnh đó là Niết Bàn vậy! Niết mà không sinh, Bàn mà không tử; vượt thoát sinh tử gọi là Niết Bàn. Tâm không còn có đến có đi, không còn phân biệt, không còn sân si liền nhập vào Niết Bàn. Đã liễu chưa?

  Kinh dạy: "Không lìa bỏ trí huệ, gọi là ngu si". Một khi Tâm các vị sanh thì pháp Phật diệt, Tâm các vị diệt thì pháp Phật sanh. Tâm sanh thì pháp chân thật diệt còn Tâm diệt thì pháp chân thật sanh. Chính vì thế mà các bậc Thánh nhân không dùng Tâm để cầu Pháp, cũng không dùng Pháp để cầu Tâm, không dùng Tâm để cầu Tâm, không dùng Pháp để cầu Pháp. Cho nên Tâm không sinh Pháp, Pháp cũng không sinh Tâm. Tâm và Pháp đều Không nên thường ở trong đại định.

Hãy nghe tôi nói kệ:

"Tâm tâm tâm chớ truy tầm

Tình tình tình chân hư dối

Tưởng tưởng tưởng chớ câu hội

Kiến phi kiến thị Như Lai".

----------------=========----------------

Sau khi đứng nghiêm trang dùng hết tâm lực tập trung nghe diệu pháp của Sư Phụ mà những ý nghĩa thâm sâu như thế tôi chưa từng được nghe bao giờ, thật đúng như người khát nước mà chợt gặp được cam lồ, từng lời từng câu xuyên thẳng vào tâm can của tôi, tưới mát và thấm nhuần toàn thân toàn tâm, khiến tôi phát sanh hỷ lạc không bến bờ với niềm tin bất thối vào diệu Pháp của Đức Phật và đấng Tôn Sư của mình. Khi lời Kệ của Sư Phụ kết thúc, tôi bước đến quỳ xuống bên cạnh Ngài bạch hỏi:

- Thưa Sư Phụ, Sư Phụ đang thuyết pháp về Thật Tướng Của Các Pháp xứng với Chân Tánh trong Bí Mật Tạng phải không ạ?

Sư Phụ nhìn tôi với ánh mắt thật từ bi, mỉm cười và nói:

- Con có nghe không?

- Dạ vâng! Con có nghe ạ!

Sư Phụ chậm rãi nói:

- Đã nghe thì hãy đúng như Pháp đã nghe mà tu hành!

Lời Sư phụ đã dứt mà sao trong lòng tôi dường như cả hư không vẫn đang chuyển vận theo diệu âm của Thầy...Thầy đang thuyết pháp cho ai mà diệu nghĩa thâm sâu quá vậy? Thật ra trong lòng tôi đã có câu trả lời!

  

 (Thị Giả của Sư Phụ  Long Viễn kể lại, Hồng Tuyến kính lưu, nguyện cầu Chánh Pháp trường tồn, lợi ích khắp trời người!)  

                                                 ___++ Thích Long Viễn++___




 


Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

 Tri môn cảnh huấn


THU PHỤC NHÂN TÂM- NHIẾP PHỤC CHÚNG SANH

Phàm muốn thu phục nhân tâm hay độ hóa Tăng Chúng trong Tòng Lâm hữu hiệu, thì bậc lãnh đạo cần phải thưởng lệ phân minh tùy công tội lớn nhỏ mà khen thưởng bằng vật chất hoặc tinh thần hay trách mắng quở phạt đúng lý. Đã là người thì ai cũng có lòng trắc ẩn, mà có lòng trắc ẩn tức có nhân từ, mà có nhân từ tức có Phật tánh; cho nên lấy lòng nhân từ, thực thi bác ái, tức khơi dậy Phật tánh trong họ thì có thể độ hóa tất cả phàm tình. Bởi thế nên người lãnh đạo phải vượt qua vòng vây ích kỷ của chính mình, phải mẫu mực thuần khiết, lấy Đức lớn với sự tu dưỡng cao mà mô phạm cho người và cho Chúng Tăng, mới có thể hướng dẫn mọi người đến đích giác ngộ cao thượng. Ta nói chính trí tuệ và phước đức biến mình thành bậc Vạn Thế Sư Biểu, đồng thời làm cơ sở cho sự nghiệp giải thoát của mình và cho chúng sanh muôn đời.

                                                        ____Thích Long Viễn____





  Tri môn cảnh huấn


SIÊU THOÁT PHÀM TỤC THÀNH BẬC ĐẠI NHÂN

Lúc cấp tốc phải nên tỉnh giác cao để tránh những sai phạm do dực tốc mà ra. Khi nhận lãnh nhiệm vụ quan trọng nên đứng vững bằng đôi chân của chính mình. Đối mặt với chướng duyên bất thuận thì không nên cúi đầu, phải nhận ra chướng ngại chính là trường học đào tạo anh hùng, càng khó khăn càng vững chí hùng cường. Phương pháp siêu thoát phàm tục là phải rèn luyện trong cõi thế gian, người có trí tuệ sẽ giác ngộ trong lúc làm việc. Khi ứng cơ tiếp vật: "Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên". Người như thế chắc chắn là bậc đại trí tuệ, sẽ có đại thành tựu, chắc chắn là bậc Đại Nhân giác ngộ.


                             _____ Thích Long Viễn_____







Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

  Tri môn cảnh huấn


BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG


Khí cao nhưng không nộ, Đức lớn nhưng không kiêu, trang trọng mà không ngạo mạn, uy nghiêm mà không hung bạo, chấp lệnh như sơn, hành lệnh như rồng nhập hải, nhưng phải biết uyển chuyển ứng dụng. Dụng cặp mắt trí tuệ vượt thế tục để quan sát, đứng trên vai các bậc Thánh Hiền để tầm mắt được nhìn xa rộng, việc thành không khoe khoang tự mãn, việc bại nên ngoái đầu nhìn lại, tâm luôn hoan hỷ trước những thành công của người khác. Thi ân sẽ hay khiến người cảm ơn, ra uy sẽ khiến người thuần phục... những cách này nếu biết ứng dụng tùy thời, tùy cơ, tùy duyên... Ta nói người như thế chắc chắn sẽ thành công, có thể trở thành người mô phạm cho thế nhân, có thể nhiếp phục chúng sanh, thành tựu bậc Thánh Hiền, đứng trên muôn người.

                                                               ______ Thích Long Viễn______




Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

 Tri môn cảnh huấn


DIỆU DỤNG TÂM TỪ BI

Người có tâm Từ Bi lớn tức có lòng bao dung và hi sinh lớn vì chúng sanh, nếu khí độ rộng sâu như biển lớn thì sự bao dung và đức hi sinh sao có thể nghĩ bàn?

                   ____Thích Long Viễn____




Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

   THÂN NGOẠI MỘNG PHI THÂN KÝ

 (Kính niệm Tôn Giả Piịđola-bhàradvàja Đại A La Hán)                         

                       -------------------------ೋ•--------------------------

Nẻo vắng chiều hoang khói lam đồng

Từng đàn cò trắng luyện hư không

Cò bay trong khói chiều loang tím

Tổ ấm tìm về dưới cơn giông?


Chao nghiêng từng cánh xô mưa gió

Rớt xuống đồng hoang nước ngập bờ

Tiếng lòng xé nát

Cõi trời mơ

Tim đau

Cánh rã

Đâu bờ bình yên?

Xót xa

Lệ cháy Tam thiên

Đoạn trường 

Ai hiểu

Hàn ôn lòng mình?


Bâng khuâng thương bóng thương hình

Nhân sinh sự thế vị tình đảo điên

Ái này khổ não truân chuyên

Hỷ- Tham câu hữu Thập Triền- Sử sanh

Sanh già bệnh chết đành rành

Hỏi ai thoát khỏi mong manh kiếp người?

Vô thường cuộc sống nổi trôi

Vô thường

Tan biến

Luân hồi ngàn năm!


Mộng đông tánh Phật ngầm quên

Trông cánh cò ướt chênh vênh giữa trời

Lòng ta khắc khoải bồi hồi

Tim như lửa cháy lệ sôi máu hồng

Đại Tâm biến mãn hư không?

Tâm Hành nguyện phát mà lòng nát tan!

Kể từ vô thỉ thời gian

Niết Bàn không nhập, gian nan tư nghì?

Quyết đem ánh sáng Từ Bi

Phủ trùm Tam Giới phá nghi trùng trùng

Thiên thân hiện khắp không trung

Đại Tâm quyết chí Đại Hùng hóa sanh

Đêm về

Lệ cháy

Tàn canh

Thư lòng

Với ánh đèn hồng

Cô liêu.


Đêm đêm gác tráng suy tư

Đêm đêm nước mắt nối đèn thiên thu.


Thiên thu ca Khúc Mộng Du:

Duy tâm vạn pháp thực mà hư?

Vạn pháp duy tâm? Hớ... kẻ mù!

Ta đây quăng hết vào nhà xí

Chống gậy tiêu dao giữa thái hư.


Thiên thu ngâm Truyền Gậy Mộng Du:

Anh ơi! Có gậy chống đi chưa?

Nếu chưa có gậy ta cho gậy

Chống nát cõi Không cùng ta quậy

Đã có gậy rồi? 

Khà khà

Ta cướp gậy của anh!


Thiên thu ca Kệ Mộng Du:

Dộng gậy vào mồm kẻ thức thời

Thức thời thời thức thức thời thức

Đã thức tri thời? Thời tri thức?

Ăn gậy thức thời kẻ vô tri!


Thiên thu ngâm Nghèo Mộng Du:

Người chửi lão điên, kẻ chửi nghèo!

Tình không rách rưới hạnh trong veo

Nghèo hèn nên thân manh áo vá

Đạo ắt tâm đầy châu báu đeo.


Thiên thu thiền Ngộ Mộng Du:

Diệu cực hiển bày tánh bản nhiên

Dứt lìa hết thảy vọng tình duyên

Trong Không rõ chiếu Không, Không đắc

Trước mắt Chân Như chứng ngộ liền.


                                                                      Đà Lạt 10/1/2021

                      ೋ•-Thích Long Viễn- ೋ•