Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

                              KHAI MỞ BÍ MẬT TẠNG

Mặt trời vừa lên, những màn sương dần tan, vạn loài được đánh thức sau một giấc ngủ dài. Sư Phụ cũng tọa thiền vừa xong, định xả thiền thì bỗng vang vọng âm thanh tuyệt diệu, với một câu hỏi mà diệu ý thâm sâu thật không thể nghĩ bàn mà tôi chưa từng nghe bao giờ. Phải chăng đây là Bí Mật Tạng đệ nhất nghĩa trong tam tạng Kinh điển của Phật đà? Tôi được nghe Sư Phụ kể lại, Người không nói ai đặt câu hỏi, nhưng Người rất tôn kính khi kể về... Và còn ân cần khuyên dạy: "Các con phải cảm niệm ân đức vô cùng của chư thiên Hộ Pháp, phải ghi nhớ thật kỹ diệu ý này mà tu hành, phải tự thắp sáng lên ngọn đèn của chính mình, đó là ngọn đèn của Chánh Pháp! Hãy tôn kính đảnh lễ và y chỉ vào đây để minh liễu chí đạo của mình phải đi...!"

Hỏi: 

Bậc chánh tu làm sao có thể hoạt dụng Bồ Đề Tâm rốt ráo, đoạn tất cả vô minh khát ái, vượt qua tất cả chướng ma mà thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác, viên chứng Niết Bàn ngay trong hiện tại?

Đáp: 

Ông hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ và tác ý, nay tôi sẽ vì ông mà phân biệt nói rõ Bí Mật Tạng thâm sâu cùng cực của Tam Thế Như Lai.

Đức Thế Tôn trước khi nhập diệt, Ngài đã dùng trí Bát Nhã thâm sâu, quán tất cả lục đạo trong tam giới, căn bản tánh lìa, cuối cùng tịch diệt, đồng với tướng hư không, vô danh vô thức, tình chấp đoạn diệt, vốn là bình đẳng. Nếu tham nhiễm nơi pháp có, pháp không, bị nó hoặc loạn thì tự tâm là ma vương, chiếu dụng thuộc ma dân. Liễu liễu thường minh, giác chiếu giác soi; vô trụ vô y nơi tam thế và ngũ uẩn, ly tứ cú tuyệt bách phi, Không giác cực viên thì tự tâm là Phật, chiếu dụng thuộc Bồ Tát. Tam thế và ngũ uẩn, gọi là tướng thế gian, nó diệt là phi thế, nhưng thế gian và phi thế tất cả đều giả danh. Tánh uẩn chẳng diệt được, vì vậy nói vô sanh. Nếu phân biệt các uẩn này, tánh nó vốn không tịch; vì không, nên chẳng diệt, liễu triệt pháp vô sanh, bổn giác minh tâm. Do đó mà Diệu Giác trạm nhiên, như như bất động, chẳng thể nghĩ bàn: "Tánh thức minh tri, giác minh chân thức". Vốn dĩ pháp Như Thị cho nên: "Tánh kiến giác minh, giác tinh minh kiến"; tất cả các tướng đều vô sở đắc, chư Phật có tướng hay không tướng đều là tâm tưởng phân biệt, rốt ráo không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả. Niết Bàn hay sanh tử đều bất khả đắc, Phật pháp và Bồ Đề đều bất khả đắc, xa lìa tất cả điên đảo, nhị biên nhị tế cứu cánh thanh tịnh, không một pháp trói buộc, không một pháp viên thành, tịnh ý bất động, thanh tịnh bản nhiên, chẳng thể nhiếp trì, thực tế của vô minh tánh vốn giải thoát, tìm khắp mười phương quyết không thể được, căn bản vô minh đã không thì cành lá vô minh cũng không; vô minh giải thoát thì lão tử cũng giải thoát. Tất cả các pháp đồng một nhất tâm trong Chơn Như Diệu Tánh. Do nhân duyên này mà chư Phật an trụ nơi Thường Tịch Diệt Quang vậy! 

Bậc chánh tu y chỉ vào đây ngay liền tức thời đoạn dứt tất cả vô minh, khát ái; vượt qua tất cả chướng ma, thành tựu Chánh Biến Giác, viên chứng Bồ Đề tâm, làm Phật sự không thể nghĩ bàn.


                                            ---Thích Long Viễn ---





Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

  Tri môn cảnh huấn           


 LÀM PHẬT SỰ

Người muốn đa văn, thành tựu biện tài và chứng ngộ thì phải có chí hướng thượng, phải có chí trượng phu lực, trượng phu tinh tấn và trượng phu cần dõng; phải dùng Văn- Tư- Tu Tuệ để khai thông giác tánh mà liễu ngộ nguồn chân. Muốn thành tựu Văn Tuệ thì phải tham cầu học hỏi, phải thân cận Minh Sư và gần gũi Thiện Tri Thức; phải biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng; phải dùng Trí Phương Tiện mà lựa chọn chánh lý gạn lọc tà tư duy, đó cũng chính là Tư Tuệ. Từ Tư Tuệ phát sanh chánh kiến vô lậu siêu thế với Trí Căn Bản, cũng tức là thành tựu Tu Tuệ viên chứng cứu cánh Phạm Hạnh. Hành giả thâm nhập chánh quán với trí tuệ sẽ thấy rằng Văn- Tư- Tu Tuệ khi dùng trí phương tiện mà biện biệt thì thứ lớp đi vào như thế, nhưng khi hành thâm chiếu kiến vạn pháp sẽ thấy như thật trong một có ba và trong ba có một. Nếu không ứng dụng được Tam Huệ này thì làm sao có thể làm Phật Sự tùy duyên mà vận hành Đại Tâm độ thoát hết thảy hàm linh vạn loài được?

                                                                -ೋ- Thích Long Viễn -ೋ-