Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

THỨ LỚP CHỨNG ĐẠO 
(Diệu Pháp hành thâm viên chứng Thánh quả)

Một hôm, ánh thái dương tà tà xuyên qua khu rừng vắng, buông mình qua những tán lá cây len lỏi vào từng ngọn cỏ, như sưởi ấm lòng người khi màn đêm sắp phủ trùm nhân thế... Lúc ấy cũng có một  vị Thầy tuổi tác đã lớn đến thăm viếng Sư Phụ Long Viễn, sau khi chào đón hỏi thăm và dùng vài cốc trà, thì vị hành giả kia trịnh trọng chấp tay thưa hỏi:

- Hôm nay tôi đến đây, nguyện xin Thầy từ bi hoan hỷ phân biệt về chánh trí tuyệt đối trong Phật giáo, vì sở hành sở chứng của tôi không có nên không thể trạch pháp đúng như pháp mà hành trì, sợ uổng phí một đời tu vô ích, có được không, thưa Thầy?

Sư phụ với ánh mắt từ bi nhìn vị Thầy già kia và nhẹ tiếng thưa:

- Ông cứ tùy ý mà hỏi, nếu liễu giải được thì tôi sẽ vì ông mà nói vài lời.

- Cứu cánh Thánh quả của một hành giả do đâu mà được, thưa Thầy?

Sư Phụ chậm rãi đáp:

- Cứu cánh Thánh quả của một hành giả do nhiều duyên tác chứng, tuy nhiên trọng yếu mà nói thì do Nhập chánh tánh ly sinh mà được.

Vị Thầy già định tâm lắng nghe rất chăm chú, sau đó lại cất tiếng hỏi:


- Xin nguyện Thầy từ bi cho biết thế nào là Nhập chánh tánh ly sinh?

Sư phụ đáp:

- Các Thánh đạo vĩnh viễn diệt trừ mọi thứ điên đảo, gọi là chánh tánh. Ly sinh có nghĩ là lìa hẳn nẻo sinh. Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay do hai phần phiền não là Kiến, Tư hòa hợp mà phát sanh vô lượng tội cấu, ác nghiệp; vì tánh bướng bỉnh, tánh cứng đầu chấp thủ... mà chúng sanh sinh vào các nẻo ác, triền phược, khổ đau, luân hồi... Nay đoạn trừ lần lượt hai phần phiền não này, nên gọi là ly sinh. Khi Kiến Đạo khởi hiện rồi lần lần đoạn trừ từng phần phiền não trên khiến chúng từ từ lần lượt vĩnh viễn trái lìa không hòa hợp được nữa. Pháp thế đệ nhất làm đẳng vô gián duyên cho một phần này nên gọi là Nhập.  Đấy là tôi đã lược nói thế nào là Nhập chánh tánh ly sinh.

- Ở trên Thầy có đề cập đến Pháp thế đệ nhất, vậy xin Thầy từ bi cho biết pháp này là thế nào? - Vị Thầy già hỏi. 

 Sư phụ mỉm cười hoan hỷ nhìn vị Thầy già đối diện trước mặt mình, rồi Ngài lên tiếng trả lời:
 
-  Nếu tâm tâm sở pháp là đẳng vô gián, Nhập chánh tánh ly sinh, đó gọi là Pháp thế đệ nhất. Cũng có thuyết cho rằng: Nếu năm căn là đẳng vô gián, Nhập chánh tánh ly sinh, đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Pháp thế đệ nhất hệ thuộc cõi nào, cõi dục, cõi sắc hay vô sắc? 

- Tùy theo các Tông khác nhau mà có sự phân biệt và nhận định có khác nhau. Ông hãy tác ý lắng nghe, suy nghĩ và tác ý, tôi sẽ vì ông mà lược nói:
   Đại Chúng Bộ nói: Pháp thế đệ nhất thuộc chung cõi dục và cõi sắc. Vì sao? Nếu địa nào có các thế tục trí hiện quán biên thì địa đó tức có Pháp thế đệ nhất.
    Độc Tử Bộ nói: Pháp thế đệ nhất thuộc chung nơi hai cõi sắc, cõi vô sắc. Vì sao? Vì địa nào có các Thánh đạo thì địa ấy tức có Pháp thế đệ nhất.
    Hóa Địa Bộ lại cho rằng: Pháp thế đệ nhất thuộc chung ba cõi. Vì sao? Vì nếu địa nào có tận trí đã tu tập căn thiện thì địa đó tức có pháp này. 
     Pháp Mật Bộ cho: Pháp thế đệ nhất thuộc chung ba cõi và không hệ thuộc. Vì sao? Vì đã gọi là thế tức hệ thuộc ba cõi, vì gọi đệ nhất nên cũng không hệ thuộc cõi nào cả. 

Vị Thầy già kia trầm ngâm một lúc rồi hỏi tiếp:

-  Vậy theo Thầy Pháp thế đệ nhất thuộc cõi nào?

-  Theo ngu ý thì Pháp thế đệ nhất thuộc cõi sắc. Vì sao thế? Vì cõi sắc có thể làm đẳng vô gián duyên cho ba đạo, ba địa, ba căn... lại cũng có thể dẫn phát phẩm pháp trí thứ nhất, kế đến là phẩm loại trí, các cõi khác thì không như thế. Nên Pháp thế đệ nhất thuộc cõi sắc.
500 đại A La Hán và Tôn Giả Thế Hữu cũng đồng một quan kiến này. 

- Tại sao Pháp thế đệ nhất ở cả ba địa, tôi thật tình không hiểu?- Vị Thầy già hỏi.

Đoạn Sư phụ đáp với tâm hoan hỷ vô cùng:

- Vì nhập chánh quán như thật mà liễu triệt về Pháp thế đệ nhất, vì phá kiến chấp sai lầm của các Tông về căn thiện này chỉ ở một địa mà hiện bày thắng nghĩa. Tức là có người chấp:  Pháp thế đệ nhất chỉ có tầm có tứ, có tướng, có tỉnh thức, không phải cùng dẫn phát thuộc về phàm phu duyên nơi các hành. 
Chỉ có tầm có tứ: Tức là tư duy dẫn dắt chuyển biến.
Có tướng: Tức là duyên nơi tên gọi khởi hiện.
Có tỉnh thức: Tức là có công dụng.
Không phải cùng dẫn phát: Tức là không nối tiếp nhau mà chuyển biến.
Thuộc phàm phu: Tức là phàm phu đạt được vậy.
Duyên nơi các hành: Tức là duyên nơi hữu vi.
Cho nên ông phải biết Pháp thế đệ nhất thuộc cõi sắc, vì trong cõi sắc có ba thứ địa: 
1. Địa có tầm có tứ. 
2. Địa không tầm chỉ có tứ. 
3. Địa không tầm không tứ. 

Vị Thầy già vẫn nhắm mắt tư niệm về lời Sư phụ nói, một lúc sau ông mở mắt ra và hỏi tiếp:

-Kính thưa Thầy: Tôi muốn tu tập thứ lớp để các thiện căn đầy đủ, xuất sanh đại định viên chứng đại quả, xin Thầy từ bi khai đạo thứ lớp tu tập như thế nào, được không?

-  Những câu hỏi này chưa ai hỏi tôi bao giờ, ông quả thật là người có trí tuệ lớn. Tuy tuổi tác đã già mà trí tuệ và ý chí không già chút nào. Vậy ông hãy chánh tác ý mà lắng nghe thật kỹ. 
Để thiện căn khai phát và tròn đủ thì có nhiều pháp hành để ông có thể quán chiếu tu tập, tuy nhiên tôi chọn một pháp hành chánh yếu để phương tiện diễn bày cho ông hành trì công phu, các pháp khác cũng giống như thế. 
Thí như ông hành trì quán sát bốn Thánh đế, lấy bốn Thánh đế làm pháp tu chánh yếu trong thiền định của mình, vậy thì phải quán sát thứ lớp như thế nào để thành tựu tất cả thiện căn mà viên thành Thánh giải thoát lậu tận? Khi ông quán sát bốn Thánh đế hãy lập làm ba phần là: Danh, Tự tướng, Cộng tướng.
Danh: Tức tên gọi như đây là Khổ đế... cho đến Đạo đế.
Tự tướng: Nghĩa là đây là tự tướng của Khổ đế... cho đến đây là tự tướng của Đạo đế.
Cộng tướng: Nghĩa là bốn hành tướng. 
Ông quán Khổ đế với bốn thứ Cộng tướng là bốn hành tướng:
1. Khổ
2. Vô thường
3. Không
4. Vô ngã
Ông quán Tập đế với bốn thứ Cộng tướng là bốn hành tướng:
1. Nhân
2. Tập
3. Sinh
4. Duyên
Ông quán Diệt đế với bốn thứ Cộng tướng là bốn hành tướng:
1. Diệt
2. Tĩnh
3. Diệu
4. Ly
Ông quán Đạo đế với bốn thứ Cộng tướng là bốn hành tướng:
1. Đạo
2. Như
3. Hành
4. Xuất
Ông hãy duyên nơi bốn đế này mà tu trí, tu chỉ. Lần lượt quán chiếu như trong Kiến đạo. Nghĩa là trước tiên chánh quán riêng khổ nơi cõi dục, sau đó hợp quán khổ nơi cõi sắc và vô sắc. Trước quán riêng Tập nơi cõi dục, sau đó hợp quán nơi cõi sắc và vô sắc. Trước quán riêng Diệt nơi cõi dục, sau đó lại hợp quán nơi cõi sắc và vô sắc. Trước quán riêng Đạo nơi cõi dục, sau đó tiếp tục hợp quán nơi cõi sắc và vô sắc. 
Quán chiếu bốn Thánh đế như vậy là chánh quán với trí tuệ, như một nhà họa sĩ chuyên nghiệp tài ba muốn vẽ một bức tranh phong thủy tuyệt sắc thì trước nên xem xét, chọn vải lụa tốt, sau đó chọn các màu sắc và cuối cùng là vẽ hình tượng đẹp đúng như ý. Ngang đây là sự tu tập tuệ do Văn tạo thành mới được viên mãn. Dựa vào tuệ Văn này mà phát sanh tuệ do tạo thành, viên mãn rồi. Từ tuệ viên mãn tiếp đến phát sinh tuệ do Tu tạo thành, tức gọi là Noãn. Sau Noãn sinh Đảnh, sau Đảnh sinh Nhẫn, sau Nhẫn sinh Pháp thế đệ nhất, sau Pháp thế đệ nhất sinh Kiến đạo, sau Kiến đạo sinh Tu đạo, sau Tu đạo sinh đạo Vô học. Theo thứ lớp như thế căn thiện được đầy đủ. Từ thiện căn tròn đủ mà thành tựu cứu cánh Phạm hạnh, viên thành Đại Giác.

Vị Thầy kia không biết liễu ngộ thế nào mà đôi mắt ông chợt sáng long lanh, có pha lẫn nước mắt. Ông nhìn Sư phụ một lúc rồi lại thưa:

- Thiện căn có bao nhiêu thứ? Xin Thầy từ bi vì tôi mà phân biệt giải nói?

 Sư phụ chậm rãi đáp lời:

- Thiện căn có ba thứ là:
1. Thiện căn thuận phần phước: Nghĩa là gây tạo chủng tử sinh làm người, chủng tử sanh làm chư thiên.
2.Thiện căn thuận phần giải thoát: Nghĩa là gieo trồng chủng tử quyết định giải thoát, do đó mà nhất định chứng đắc Niết Bàn.
3.Thiện căn thuận phần quyết định lựa chọn: Nghĩa là Noãn, Đảnh, Nhẫn, Pháp thế đệ nhất.
Nếu ông đã hỏi về diệu Pháp thâm sâu như thế này, những Pháp này thật khó thấy và khó nghĩ bàn, không có thời gian đến để mà thấy, chỉ có người trí mới có thể giác hiểu. Do đó ông nên đúng y như Pháp mà hành trì, nếu ông y Pháp mà hành trì thì gọi là từ Pháp hóa sanh, nhất định ông có thể chứng ngộ Vô Sanh trong đời này. 
Cố gắng!
Cố gắng!
-------------------------------
Buổi Pháp thoại kết thúc, vị hành giả kia như uống được cam lồ giữa sa mạc nóng bức, đôi mắt ông rưng rưng lệ, hai tay chấp lại nguyện sẽ đúng như Pháp đã nghe mà hành trì, để báo đền thâm ân của Sư Phụ Long Viễn, sau đó ông đảnh lễ và lui ra. 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét