Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

  Diệu Nghĩa Đà-la-ni

Kho Chân Ngôn Bí Mật Thông Dụng

(Phần I)

Đây là phần tham học chí thành của Sư Cô- một hành giả Kim Cương Thừa, cũng là đệ tử của Sư Phụ Long Viễn. Trong sự tôn nghiêm thanh tịnh, Sư Cô với Đại Tâm cầu pháp chí thành chí kính, những lời Pháp nhũ vi diệu này được Sư Phụ nói lên thật lợi ích không thể nghĩ bàn.

***

Sư Cô bạch: 

Thưa Sư Phụ Chân Ngôn hay Đà-la-ni nghĩa là gì ạ? Diệu dụng như thế nào? Nguyện xin Sư Phụ từ bi diễn nói cho con, để con và chư huynh đệ minh liễu, hành dụng pháp này để đạt lợi ích chân thật cho mình, cho người và cho chúng sanh ạ?


Sư Phụ đáp: 

Đức Văn Thù Bồ Tát từng dạy:

"Tổng Trì như thuốc hay

Thường chữa các bệnh mê

Như Cam Lồ trời kia

Người được thường bất từ"

 Chân Ngôn hay Đà-la-ni có nghĩa là Tổng Trì, Năng Trì, Năng Già...

Tổng Trì có nghĩa là Tổng tất cả các pháp, Trì vô lượng nghĩa. Tổng Trì có 4 loại là: Pháp Trì, Nghĩa Trì, Tam Ma Địa Trì, Văn Trì. 

A . Pháp Trì: Do được Trì này mà phá tan tất cả các Pháp ô nhiễm và chứng được giáo pháp từ nơi Pháp Giới thanh tịnh . 

B . Nghĩa Trì: Do được Trì này nên ở trong nghĩa của một chữ mà được trăm ngàn vô lượng hạnh của Tu Đa La (Sūtra: Khế Kinh) và diễn nói thuận nghịch không có chướng ngại, được biện tài vô ngại. 

C . Tam Ma Địa Trì: Do được Trì này nên Tâm không phóng dật được Tam Muội hiện tiền, ngộ được vô lượng trăm ngàn môn Tam Ma Địa. Vì tăng trưởng Tâm Bi của Bồ Tát cho nên dùng nguyện thọ sinh nơi sáu nẻo mà chẳng bị căn bản phiền não (Mūla-kleśa) với tùy phiền não (Upakleśa) phá hoại được Tam Muội ấy. Lại do Tam Ma Địa này mà chứng được năm thần thông để thành tựu sự lợi lạc cho vô biên chúng hữu tình. 

D . Văn Trì: Do đây mà thọ trì Đà-la-ni để thành tựu sự nghe, nhận lãnh tất cả Khế Kinh của tất cả Như Lai trong mười phương và tất cả Bồ Tát, nghe được trăm ngàn vô lượng Tu Đa La (Sūtra: Khế Kinh) mà chẳng hề quên mất.

Còn Năng Trì là nhóm các thiện pháp, giữ gìn không tán không mất. 

Năng Già là tâm ác bất thiện chưa sanh, hay ngăn làm cho không sanh. Dứt ác không làm, tu thiện phát sanh, thiện đức tăng trưởng, viên thành Đại tâm, đó gọi Đà-la-ni... 

Bồ Tát được Đà-la-ni, thì đối với hết thảy pháp đã được nghe, do niệm lực giữ gìn không mất, Bồ-tát nhờ được lực Đà-la-ni mà hết thảy Ma vương, Ma dân, Ma nhân, tất cả tinh mị yêu quái không thể làm lay động, không thể phá, không thể hoại, như núi Tu-di miệng người phàm thổi không thể lay động được. Bồ Tát nhờ Đà-la-ni mà thành tựu tất cả pháp, tất cả nguyện, tất cả trí, tất cả lực, tất cả phước lành, tất cả công đức... Bồ Tát được Đà-la-ni thì dựng cờ Thập Trí, viên chứng Thập Thân, tồi hoại tứ ma, xuất ấm giới ngục, tùy duyên tự tại, kiến lập đạo tràng, vô ngại độ sanh,Từ Phụ tứ sanh, Đạo sư trời người.

- Chân Ngôn cũng có đủ 4 nghĩa, Chân là tương ứng Chân Như, Ngôn là tuyên thuyết nghĩa bí mật chân thật. Bốn nghĩa của Chân ngôn là:

 1 . Pháp Chân Ngôn: Là Pháp giới thanh tịnh dùng làm Chân Ngôn .

 2 . Nghĩa Chân Ngôn: Là tương ứng Thắng nghĩa, trong mỗi mỗi chữ có sự tương ứng chân thật . 

3 . Tam Ma Địa Chân Ngôn: Do bậc Du Già dùng Chân Ngôn này để bố liệt (an bày) văn tự của Chân Ngôn lên trên vành trăng KÍNH TRÍ của Tâm, đồng thời chuyên chú Tâm chẳng lay động mà mau chóng chứng được Tam Ma Địa. Vì thế gọi là Tam Ma Địa Chân Ngôn . 

4 . Văn Trì Chân Ngôn: Từ chữ OṂ cho đến chữ SVĀHĀ có bao nhiêu văn tự ở khoảng giữa thì mỗi mỗi chữ đều gọi là Chân Ngôn, cũng gọi là Mật Ngôn và cũng có đủ 4 nghĩa : 

a . Pháp Mật Ngôn: Chẳng phải là phi pháp với cảnh giới của Nhị Thừa và Ngoại Đạo mà chỉ tu Chân Ngôn Hạnh Bồ Tát. Tất cả Sở văn, Sở tu, Ấn khế, Mandala, tu hành Sở cầu Tất Địa đều gọi là Pháp Mật Ngôn

 b . Nghĩa Mật ngôn: Mỗi mỗi chữ trong Chân Ngôn thì chỉ có Phật với Phật cùng với Bậc Bồ Tát đại uy đức mới có thể liễu triệt mà thôi.

 c . Tam Ma Địa Mật Ngôn: Do Tam Ma Địa và văn tự của Chân Ngôn trong sự kiện này mà tương ứng thành tựu được uy lực .

 d . Biến Bố Mật Ngôn: Tức là theo Thầy mật truyền quy tắc của ba Mật, chỉ có Thầy và Đệ Tử biết thôi chẳng thể cho người khác biết được cho đến Quán Môn, Ấn Khế, hình tượng của Bản Tôn cũng mật thọ trì cho đắc được Tam Ma Địa.


Sư Cô hỏi tiếp

Đà-la-ni có bao nhiêu thứ ạ?


Sư Phụ dạy: 

Pháp Đà-la-ni có rất nhiều thứ như: Có Văn Trì Đà-la-ni. Người được Đà-la-ni này, hết thảy các pháp ngữ ngôn, tai đã được nghe, đều không quên mất. Lại có Phân Biệt Trí Đà-la-ni người được Đà-la-ni này, phân biệt hết các chúng sanh, các pháp lớn, nhỏ, tốt, xấu như kệ nói:

“Các voi, ngựa, vàng

Cây, đá, y phục,

Nam nữ và nước,

Các thứ bất đồng.

Các vật tên một,

Quý tiện khác nhau,

Được Tổng Trì này,

Phân biệt được hết”.

Lại có Nhập Âm Thanh Đà-la-ni, vị Bồ Tát được Đà-la-ni này, nghe hết ngữ ngôn âm thanh, không mừng không giận. Nếu hết thảy chúng sanh trải qua kiếp số như cát sông Hằng, dùng lời ác mắng nhiếc, tâm Bồ-tát cũng không lay động, không ghét hận.

Lại có Danh Tịch Diệt Đà-la-ni, Vô Biên Triền Đà-la-ni, Tùy Địa Quán Đà-la-ni, Oai Đức Đà-la-ni, Hoa Nghiêm Đà-la-ni, Tịnh Âm Đà-la-ni, Hư Không Tạng Đà-la-ni, Hải Tạng Đà-la-ni, Phân Biệt Chư Pháp Địa Đà-la-ni, Minh Chư Pháp Nghĩa Đà-la-ni, Phân Biệt Chúng Sanh Đà-la-ni, Quy Mạng Cứu Hộ Bất Xả Đà-la-ni...

Lược nói có năm trăm Đà-la-ni môn như vậy. Nếu nói rộng thời có vô lượng. Còn theo Kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát thì có thể lập ra ba loại Đà-la-ni môn: Toàn Đà-la-ni, Bách Thiên Vạn Ức Đà-la-ni, Pháp Âm Phương Tiện Đà-la-ni.


Sư Cô thưa hỏi:

Bồ Tát muốn nhập Đà-la-ni để thành tựu đại Bồ Đề Tâm thì phải như thế nào ạ?


Sư Phụ đáp:

Bồ Tát muốn nhập Đà-la-ni thì phải tu ba pháp:

Một là phát Bồ Đề Tâm

Hai là hộ trì Chánh Pháp

Ba là như Pháp tu hành.

Bồ Tát tu ba pháp này thì gọi là chân thật cúng dường chư Phật, xuất sanh căn lành, phước báo vô lượng, thành tựu tất cả Đà-la-ni, viên giác Đại Tâm, Bồ Tát được Vô ngại Đà-la-ni.


Sư Cô cung kính bạch:

Nguyện xin Sư Phụ từ bi diễn nói bí mật tạng về kho Chân Ngôn thông dụng để chúng con tùy duyên làm Phật sự không có chướng ngại được không ạ?


Sư Phụ chỉ dạy:

 Con là một hành giả Kim Cương con cũng biết, tất cả Chân Ngôn muốn thành tựu thì phải nhận quán đảnh và giáo lý khẩu truyền của một vị Đạo Sư để thực hiện đại Ấn hành dụng Tam Mật mới thành tựu như ý được. Tuy nhiên hôm nay Sư Phụ sẽ nói về kho Chân Ngôn thông dụng trong bí mật tạng, nhưng con phải biết với chánh trí là tuy Sư Phụ diễn nói y Kinh là như thế, nhưng khi con muốn thực hành thì phải cầu thỉnh để nhận được sự quán đảnh và giáo lý khẩu truyền bí mật thì con mới có thể thành tựu, con không được vượt qua các Giới Nguyện của Kim Cang Thừa; đây là điểm quan trọng nhất mà tất cả hành giả Kim Cương đều phải liễu đạt.


KHO CHÂN NGÔN BÍ MẬT THÔNG DỤNG

Đây là một số những Chân Ngôn bí mật thông dụng mà con phải nhớ để khi làm Phật Sự con hành trì ứng dụng, giúp con bạt trừ tất cả chướng ngại, thành tựu Bồ Đề Tâm của mình.


I. Vô Lượng Thọ Như Lai Đà-la-ni

NAMO RATNA-TRAYĀYA NAMAḤ ĀRYA-AMITĀBHĀYA TATHĀGATĀYA ARHATE SAMYAKSAṂBUDDHĀYA TADYATHĀ: OṂ_ AMṚTE _ AMṚTODBHAVE _ AMṚTA SAṂBHAVE _ AMṚTA-GARBHE _ AMṚTA SIDDHE _ AMṚTA TEJE _ AMṚTA VIKRĀNTE _ AMṚTA VIKRĀNTA GAMINE _ AMṚTA GAGANA KĪRTTI KARE _ AMṚTA DUṆḌUBHISVARE _ SARVĀRTHA SĀDHANE KARMA KLEŚA KṢĀYAṂ KARE_ SVĀHĀ.

Hán dịch:

Nẵng mô la đát-nẵng đát-la dạ dã, Nẵng mạc a lý-dã nhĩ đá bà gia, đát tha nghiệt đá dạ, la hạ đế, tam miệu tam một đà gia, Đát nễ-dã tha. Án, a mật-lật đế, A mật-lật đố nạp-bà phệ, A mật-lật đa tam bà phệ, A mật lật đa nghiệt bệ, A mật-lật đa tất đệ, A mật-lật đa đế tế, A mật-lật đa vĩ cật-lân đế, A mật-lật đa vĩ cật-lân đa, nga nhĩ ninh, A mật-lật đa, nga nga nẵng, cát để ca lệ, A mật-lật đa thú nổ tỳ, sa phộc lệ, tát phộc la-tha, sa đà ninh, tát phộc yết ma cật-lễ xả, khất-sái dựng, ca lệ, sa-phộc hạ.

Đây là bí mật công đức nội chứng của Đức A Di Đà Như Lai.

Nếu chí thành tụng một biến thì các tội mười ác, tứ trọng, ngũ vô gián... tất cả nghiệp chướng thảy đều tiêu diệt.

Nếu có Tỷ Kheo hoặc Tỷ Kheo Ni phạm tội căn bản, chí thành tụng bảy biến, tức thời trở lại giới phẩm thanh tịnh. 

Tụng mãn một vạn biến thì đắc Bất Phế Vong Bồ Đề Tâm Tam Ma Địa, Tâm Bồ Đề hiển hiện trong thân. Đức A Di Đà Như Lai thường hiển hiện trên đảnh đầu vị ấy, lúc lâm chung sẽ được thấy Đức A Di Đà Như Lai cùng chư vị Bồ Tát vây quanh tiếp dẫn về cõi Cực Lạc, sanh về Thượng Phẩm Thượng Sanh chứng đại quả vị của Bồ Tát. 


II. Địa Tạng Bồ Tát Diệt Định Nghiệp Chân Ngôn

OM PRA MANI DHANI SVAHA

Chân Ngôn này với thân Bồ Tát Địa Tạng bất nhị, nên nếu tu trì thì mình với Pháp Thân Bồ Tát thể nhập làm một.

Tất cả nghiệp chướng, báo chướng, kiến chướng, phiền não chướng, ma chướng... hay dù là định nghiệp cũng thảy đều tiêu tan và đều tồi phục. Thành tựu vô biên phước trí, hết thảy nguyện lớn sớm thành. 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét