Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

 

CHÚNG SANH TRANH ĐẤU VÀ ĐAU KHỔ DO ĐÂU?

(Sư Phụ Long Viễn khai thị cho Đại Chúng Chùa Phật Đảnh Bảo Vương, trích trong Bát Thánh Đạo Và Kinh Nghiệm Thực Hành)


***

Mở đầu tham vấn vua trời Đế Thích mà thế gian gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế đã thưa thỉnh, bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

“Bạch Thế Tôn, các loại trời, người, A-tu-la, Kiền-đạt-hòa, La-sát và các chủng loại khác, mỗi mỗi có bao nhiêu kết sử?”

Đức Thế Tôn nghe xong, đáp:

“Này Câu-dực, các loại trời, người, A-tu-la, Kiền đạt hòa, La-sát và các chủng loại khác, mỗi mỗi đều có hai kết là bỏn sẻn và ganh tị. Mỗi chủng loại ấy đều nghĩ rằng: ‘Mong sao ta không gậy, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, không đấu, không khổ, sống trong an lạc.’ Chúng tuy nghĩ như vậy, nhưng vẫn có gậy, có kết, có oán, có nhuế, có tranh, có đấu, có khổ mà không sống trong sự an lạc.”

 Câu Dực là tên gọi mà Đức Phật hay những vị Thánh Đệ Tử thường gọi tên Thiên Chủ. Câu hỏi đầu tiên dụng ý Thiên Chủ muốn hỏi rằng: Tất cả chúng sinh có bao nhiêu kiết sử? Chúng sanh thì có nhiều phiền não, nhiều ái kiết, làm sao biết? Làm sao thấy? Làm sao thắng tri? Ngoại trừ người đã đoạn trừ chúng, đã vượt qua chúng với con mắt trí tuệ! Và người ấy chỉ có thể là Đức Phật mà thôi. Và câu trả lời của Đức Thế Tôn đã phá nghi, đoạn hoặc, khiến Thiên Chủ vô cùng hoan hỷ.

Đức Thế Tôn dạy: Có 2 kiết sử. Thứ nhất là bỏn xẻn và thứ hai là ganh tỵ. Chính hai kiết sử này đã tạo nên chúng sanh, đã trói buộc khiến cho chúng sanh không thể giải thoát. Câu hỏi này thật sự rất cao sâu, ý vua trời muốn hỏi rằng: Chúng sanh do đâu trói buộc? Do đâu có phiền não? Gốc rễ của chúng sanh Tam giới nhân đâu khởi hoạt với căn bản?... Nhưng bằng câu hỏi ngắn gọn tinh túy vô cùng: Tất cả chúng sinh có bao nhiêu kiết sử? Và Đức Thế Tôn và đúng là chỉ có Thế Tôn với tuệ nhãn siêu việt thế gian mới có thể phá nghi được cho Ngài. Chính 2 kiết sử là bỏn xẻn và ganh tỵ đã tạo nên những chúng sanh đúng nghĩa, đã khởi hoạt với sự trói buộc chúng sanh khiến họ mãi mãi trôi lăn trong Lục đạo, tranh đấu với nhau, đấu tranh với nhau hay tập khởi sự ái luyến gom về mọi sự đắm say để rồi triển chuyển luân hồi bất tận, tập khởi khổ đau. Chính luân hồi và khổ đau tập khởi cho nên có kết, có oán, có nhuế, có tranh, có đấu, có khổ, ngập chìm trong biển vô minh, mãi mãi không có ngày thoát khỏi. Câu hỏi quá cao siêu phải không? Quá trí tuệ phải không? Chính hai kiết sử bỏn xẻn và ganh tỵ này là tập khởi của chúng sanh, mà tập khởi của chúng sanh là tập khởi luân hồi, mà tập khởi luân hồi là tập khởi của ái, tập khởi của ái là tập khởi của sanh y, tập khởi của sanh y là tập khởi của bỏn xẻn và ganh tị, tập khởi của bỏn xẻn và ganh tị là tập khởi của sầu bi khổ ưu não oán kết sân nhuế đấu tranh... tập khởi của sầu bi khổ ưu não oán kết sân nhuế đấu tranh... là tập khởi của khổ vậy. Nên chúng sanh mãi mãi không thể nào thoát khổ, không thể đoạn tận khát ái và chấm dứt luân hồi, bởi những nguyên nhân đó vậy.

***




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét