Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

     QUYẾT NGHI CHÁNH TÀ

_Đạo lộ chứng ngộ thực tánh các pháp và thực tướng Chân Ngôn_

Đây là một đoạn Pháp thoại ngắn mà Sư Phụ Long Viễn phá nghi và hướng đạo cho đệ tử của mình.

...

Đệ tử hỏi:

-  Kính bạch Sư Phụ! Bậc tu hành khi thể nhập trí Bát Nhã có thể liễu triệt với trí tuệ thực tánh của các pháp chăng?

Sư Phụ đáp:

- Đương nhiên là có thể biết được!

- Kính bạch Sư Phụ vậy thế nào là biết như thực về thực tánh của các pháp?_ Đệ tử hỏi.

- Đây là diệu nghĩa rất thâm sâu, không phải là chỗ húy luận cho vui! Nguyên nhân nào Ông hỏi như thế?_ Sư Phụ hỏi lại.

Đệ tử thưa:

- Dạ! Bởi vì con tu Kim Cương Thừa đang trong giai đoạn thực hành và đang quán chiếu về thực tánh của các pháp để thấy được thực tướng của Chân Ngôn, nhưng sợ căn tánh chậm lụt không thể thực hành đúng như pháp và dễ rơi vào tà kiến... Nguyên xin Sư Phụ từ bi khai thị cho con hiểu rõ, để con biết con đường mình phải tu và đi như thế nào để trở thành một hành giả đích thực của pháp, không rơi vào tà kiến đến nỗi mất mạng ạ!

Sư Phụ khai thị:

-Ông muốn biết thực tánh của các pháp hay còn gọi là nhất thế pháp tướng (sắc thái của các pháp) và thực tướng của Chân Ngôn thì Ông phải liễu tri về Thắng Nghĩa (*) của các pháp. Mà Thắng Nghĩa này vốn siêu việt tầm tư, nếu đã siêu việt tầm tư thì ông lấy gì để liễu tri nó? Ở đây nếu không phải là bậc thượng thiện căn thì không thể nào bước qua mà thành tựu được! Nên hành giả tuyệt đối phải theo thứ lớp như sau:

1. Thứ nhất Ông phải quyết trạch với chánh trí về sự vận hành bí mật của tâm, ý và thức. Nếu không có Trí Pháp Trú (**) làm nền tảng thì không thể biết được mật nghĩa với sự vận hành này.

2. Thứ hai, lúc bấy giờ Ông tiếp tục chánh quán với trí tuệ về tam tánh: một là Biến Kế Chấp Tánh, hai là Y Tha Khởi Tánh, ba là Viên Thành Thật Tánh. Liễu triệt tam tánh này tức có thể biết duyên sinh và thực tánh của các pháp nhưng chưa rốt ráo.  

3. Tới đây mới chỉ là hóa thành chưa phải về đến Bảo Sở, Ông phải tu  tiếp tục bước thứ ba, tức là hành thâm trí Bát Nhã để liễu tri về Vô Tánh để biết các pháp là thực Không. Vô Tánh là ba tánh gồm có: Tướng Vô Tánh, Sinh Vô Tánh, Thắng Nghĩa Vô Tánh. Đến đây thì chánh trí Bát Nhã như thật phát sinh, Ông mới có thể minh liễu hoàn toàn thực tánh của các pháp cũng như thực tướng của Chân Ngôn.

- Kính bạch Sư Phụ con biết mình đã sai rồi, con thỉnh Sư Phụ từ bi chỉ dạy bây giờ con phải dụng công tu tập từ đâu ạ?_ Vị đệ tử trần tình và thưa hỏi.

Sư Phụ tiếp tục chỉ dạy:

- Vậy Ông hãy chánh tác ý mà lắng nghe: Muốn thành tựu tri kiến chánh kiến về thực tánh của các pháp, tức trí Bát Nhã hay Trí Tối Thắng thì phải tu tập Chỉ và Quán. Muốn tu tập Chỉ Quán thì lấy giáo pháp của Như Lai thiết lập mà làm chỗ y cứ, lấy sự không bỏ mất tâm nguyện Vô Thượng Bồ Đề mà làm chỗ trú ở. Ông muốn lấy giáo pháp của Như Lai thiết lập mà làm chỗ y cứ thì Ông phải biết Pháp và Tùy Pháp Hành. Ông muốn không bỏ mất tâm nguyện Vô Thượng Bồ Đề mà làm chỗ trú ở thì phải phát Bồ Đề tâm nguyện và thực hành Bồ Đề tâm hạnh; xa lìa ba pháp chướng Bồ Đề và phải y theo ba pháp thuận Bồ Đề vậy. 

Do tôi có thể  minh liễu về đạo lộ thành tựu trí Kim Cang Bát Nhã và quyết nghi về thực tướng của Chân Ngôn với sở hành của mình, tuy nhiên sở hành này của tôi đã được quyết nghi qua tam tạng Thánh Giáo của Đức Như Lai, cho nên tôi đã hướng dẫn quý Thầy quý Cô đi từng bước căn bản nhất, để tránh rơi vào hố thẳm của tà kiến, tránh rơi vào tưởng Định, tránh rơi vào các pháp tướng của quỷ thần, tránh rơi vào ngũ ấm ma... Nên tôi đã thiết lập từng bước, nhất là bước đi đầu tiên đó là Pháp và Tùy Pháp Hành, sau đó tôi mới hướng đạo tiếp, nhưng có người vì say mê thần thông tưởng, vọng tưởng chứng Định... mà đã bỏ qua những lời dạy tâm huyết này, bỏ qua những bước đầu tiên và quan trọng này. Nếu đã bỏ qua thì e rằng sau này sẽ ăn năn hối hận... và hối hận mãi mãi. Ông nên nhớ rằng: Một khi mất thân người rồi thì muôn kiếp khó được lại! 

Cố gắng!

Cố gắng!



Ghi chú:

(*) Thắng Nghĩa: Nói đủ là Thắng nghĩa đế tướng (sắc thái của chân lý tuyệt đối). Thắng nghĩa đế cũng gọi là đệ nhất nghĩa đế (chân lý bậc nhất), chân đế (chân lý chân thật); đối lại là thế tục đế (chân lý phổ thông), cũng gọi là thế đế hay tục đế (chân lý giả thiết). Ở đây, chân lý tuyệt đối chỉ cho pháp tánh (Tâm hay Như).

(**Trí Pháp Trú: Hữu Bộ nói là cái trí biết nhân (trú) của quả (pháp), Kinh Bộ nói là cái trí biết pháp thường trú, Đại Thừa nói là cái trí biết sự thiết lập của các pháp môn. Đại Thừa nói rộng và chuẩn sát hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét