MA ĐẠO
&
CON ĐƯỜNG HIỆP GIÁC ĐẠI BỒ ĐỀ
(Đây là đoạn Pháp thoại ngắn Sư Phụ Long Viễn khai thị cho một hành giả đến tham vấn về Bồ Đề Tâm, diệu Pháp được nói đến thật vi diệu không thể nghĩ bàn!)
-------------------------ೋ•--------------------------
Hỏi: Kính bạch Thầy! Theo như Kinh Hoa Nghiêm nói: "Nếu không phát tâm Bồ Đề dẫu tu các pháp lành đều là cái nghiệp của ma!" Nghe lời Đức Phật dạy mà con giật mình kinh hãi, vậy xưa giờ mình tu cái gì? Xưa giờ những pháp con hành đều là ma nghiệp? Khi con đọc và suy nghĩ đến đây con đã khóc rất nhiều, vừa mừng vừa sợ hãi, tâm lý thật khó diễn tả nên lời. Do đó mà con đã tìm hiểu cách phát tâm Bồ Đề, Bồ Tát muốn phát tâm Bồ Đề chân thật thì phải quán sát sáu điều trọng yếu như sau:
1. Quán giác ngộ tâm
2. Quán bình đẳng tâm
3. Quán từ bi tâm
4. Quán hoan hỷ tâm
5. Quán sám nguyện tâm
6. Quán bất thối tâm
Nguyện xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy thêm: Làm sao Bồ Tát có thể phát tâm Bồ Đề kiên thật thành tựu Đại Tâm này, được không ạ?
Đáp: Chí cầu đạo và thiện căn của Ông thật đáng tán thán, vậy ông hãy lắng nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông mà ước lược tỏ bày. Như bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm nói :
“Bồ Đề Tâm là gốc mười lực
Gốc bốn biện tài, bốn vô úy,
Cũng là gốc của thập bát pháp;
Đắc những thứ ấy do phát tâm”.
Qua bài kệ trên, ta thấy rằng: Bồ Đề Tâm là gốc của tất cả pháp lành, là tinh chất của tám vạn bốn ngàn pháp môn, là nơi xuất sanh ra thập phương tam thế chư Phật, tất cả mười lực, bốn biện tài, bốn vô úy, thập bát pháp, tam thân, ngũ trí... đều do phát tâm mà được. Tâm này là cánh cửa thiết yếu vào đạo, không phát tâm này liền trở thành quyến thuộc của ma; không phát tâm này thì dẫu tu các pháp lành đều là nghiệp của ma... Không phát tâm này thì không thể thành tựu nhanh chóng quả vị Chánh Giác Bồ Đề, vừa phát tâm này thì Phục- Đoạn- Tu- Chứng ngay liền thành tựu, Tín- Giải- Hành- Chứng liền viên tròn, tất cả công đức và phước báu ngay liền trọn đủ, tâm này là mẹ của tất cả Thành và phàm. Tâm này là chỗ quy hướng của tất cả trời, rồng, quỷ thần cùng vạn loài hàm thức. Tâm này là Kim Cương Định Môn của ba đời Chư Phật, là lưỡi kiếm Vô Năng Thắng có thể quét sạch tứ ma, hoại giặc sanh tử; tâm này chính là cánh cửa phương tiện tối thắng có thể cứu độ tất cả chúng sanh, đưa hành giả đến bờ giải thoát chân thật.
Ngoài quán sát sáu điều trọng yếu để phát tâm chân thật mà Ông đã nói ở trên thì theo Thật Hiền Đại Sư, tâm nguyện của chúng sanh có rất nhiều sai khác, Ông cũng cần phải liễu tri để phát Tâm chí thượng Bồ Đề. Phát tâm lập nguyện gồm có tám tướng đó là: Tà, chánh, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên và viên. Thế nào là Tà, chánh, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên và viên? Đại Sư dạy rất rõ: "Trong đời có kẻ tu hành mà từ trước đến nay chỉ một bề hành theo sự tướng, không biết tham cứu tự tâm, chỉ lo những việc ở ngoài, hoặc mong cầu lợi dưỡng, hoặc ưa thích hư danh, hoặc ham dục lạc hiện đời, hoặc mong cầu phước báo mai sau, phát tâm như vậy gọi là tà. Ðã không mong cầu hư danh lợi dưỡng, lại không ham quả báu dục lạc đời sau, chỉ vì mong liễu thoát sinh tử, vì chứng đắc Bồ Đề, phát tâm như vậy thì gọi là chánh. Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sanh, nghe con đường thành Phật lâu xa cũng không sanh tâm thối chí khiếp sợ, thấy chúng sanh khó độ cũng không chán nản mệt mỏi, như leo núi cao vạn trượng quyết trèo lên đến tận đỉnh, như lên tháp lớn chín tầng quyết phải đến nóc tột cùng, phát tâm như vậy thì gọi là chân. Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ, trong trược ngoài thanh, trước siêng năng sau biếng lười, dù có tâm tốt phần lớn cũng bị danh lợi xen lẫn, dù tu thiện pháp phần nhiều cũng bị nghiệp tội làm ô nhiễm, phát tâm như vậy thì gọi là ngụy. Chúng sanh độ hết nguyện ta mới hết, đạo Bồ Đề thành nguyện ta mới thành, phát tâm như vậy thì gọi là đại. Xét xem ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia, chỉ mong tự độ, không muốn độ người, phát tâm như vậy thì gọi là tiểu. Nếu ngoài tâm thấy có chúng sanh mình nguyện độ, có Phật đạo nguyện thành, công phu không xả, thấy biết không tiêu mất, phát tâm như vậy thì gọi là thiên. Nếu biết tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện viên thành, không thấy một pháp nào lìa tâm mà riêng có, lấy cái tâm hư không phát cái nguyện như hư không, làm cái hạnh như hư không, chứng cái quả hư không, cũng không có cái tướng hư không có thể đắc được, phát tâm như vậy gọi là viên."
Biết tám tướng phát tâm sai biệt như trên, tức là biết cứu xét lấy bỏ, cứu xét lấy bỏ thế nào? Cứu xét sự phát tâm của mình so với tám tướng ở trên là tà là chánh, là chân là ngụy, là đại là tiểu, là thiên hay viên. Còn lấy bỏ như thế nào? Ấy là bỏ tà, bỏ ngụy, bỏ tiểu, bỏ thiên, lấy chánh, lấy chân, lấy đại, lấy viên. Đây gọi phất tâm chân thật Bồ Đề.
Bồ Đề tâm này là vua của tất cả các pháp lành, nếu không có nhân duyên cũng khó phát khởi được, nhân duyên ấy theo Thật Hiền Đại Sư lược nói có mười thứ:
1. Nhớ ơn sâu nặng của Ðức Phật.
2. Nhớ ơn cha mẹ.
3. Nhớ ơn sư trưởng.
4. Nhớ ơn thí chủ.
5. Nhớ ơn chúng sanh.
6. Nhớ khổ sanh tử.
7. Tôn trọng linh tánh của mình.
8. Sám hối nghiệp chướng.
9. Cầu sanh Tịnh độ.
10. Vì mong muốn làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài.
Mười thứ này Ông có thể tìm hiểu và nguyên cứu trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của Thật Hiền Đại Sư để liễu tri rõ hơn, nếu có gì không hiểu thì ông có thể đến hỏi tôi, tôi sẽ vì Ông mà phân tích rõ.
Lại nữa, Bồ Đề Tâm có hai loại:
1. Một là nguyện Bồ Đề Tâm.
2. Hai là trụ Bồ Đề Tâm.
Nghĩa là bước đầu tiên Bồ Tát phải phát tâm lập nguyện, sau đó an trụ trong tâm nguyện đã phát mà hành thâm. Như trong Kinh Hoa Nghiêm nói: "Này Thiện nam tử! Có chúng sanh ở trong cõi chúng sanh mà nguyện chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm khó được! Có chúng sanh trụ vào A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm khó được!" Phát tâm đã khó mà trụ tâm lại càng khó hơn nhiều. Nếu phát tâm lập nguyện mà không hành thì không thành nguyện lực được. Nếu đã là Bồ Tát sơ phát tâm thì đương nhiên liễu tri: Biển khổ sanh tử vô cùng, vì giải thoát tất cả chúng sanh và cầu nhất thiết chủng trí, nên Bồ Tát phải:
"Thệ tinh tấn,
Quyết hùng tâm,
Chấn ma thiên,
Thành Diệu Giác."
Như trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật có dạy:
“Sinh tử thiêu đốt,
Khổ não vô biên.
Phát tâm Bồ Đề,
Tu hành Thánh đạo.
Cứu độ tất cả,
Nguyện thay chúng sinh,
Thọ vô lượng khổ,
Khiến cho chúng sanh
Được đại an lạc”.
Đúng như Kinh Vô Tận Ý, Đức Phật có dạy: “Nếu không vì hóa độ chúng sanh, ta không Phát Tâm Bồ Đề này!” Cho nên phát tâm Bồ Đề này thật là vì cứu độ hết thảy chúng sanh mà nguyện chứng thành Phật quả vậy!
Lại nữa, Bồ Đề Tâm cũng có hai hạng:
1. Bồ Đề Tâm tương đối.
2. Bồ Đề Tâm tuyệt đối.
Bồ Đề tâm tương đối tức là Bồ Tát phát tâm lập nguyện cụ thể rõ ràng, định hướng với tuệ giác lộ trình độ sanh hay phương tiện quyền biến như thế nào khi thành tựu Chánh Biến Trí Giác Vô Thượng, như Đức Phật Thích Ca của ta xưa kia khi còn Bồ Tát đã phát 500 đại nguyện, Đức Phật A Di Đà khi còn nhân địa Bồ Tát là Pháp Tạng Tỳ Kheo cũng đã phát 48 đại nguyện... Đó là Bồ Đề tâm tương đối. Còn Bồ Đề Tâm tuyệt đối tức là chỉ cho bản giác trong mỗi chúng ta, hay nói khác hơn là chỉ cho lý tánh Bồ Đề, thâm đạt viên chứng Đệ Nhất Nghĩa Không, quay về giác tánh thuần chân kiên thật bình đẳng của chính mình, như Kinh Đại Nhật nói: “Giác tánh là gì? Đó là biết tâm mình trong hiện trạng thực sự của nó” vậy.
Ông cũng phải biết, Bồ Tát muốn phát tâm Bồ Đề phải trọn đủ 10 nhân duyên thù thắng như sau:
1. Bồ Tát phát tâm bằng cách thân cận Thiện Tri Thức
2. Bồ Tát phát tâm bằng cách cúng dường chư Phật
3. Bồ Tát phát tâm bằng cách tu tập thiện căn
4. Bồ Tát phát tâm bằng cách lập chí cầu chánh pháp
5. Bồ Tát phát tâm bằng cách tâm thường nhu hòa
6. Bồ Tát phát tâm bằng cách gặp khổ chịu nhẫn nhục được
7. Bồ Tát phát tâm bằng cách từ bi thuần hậu
8. Bồ Tát phát tâm bằng cách thâm tâm bình đẳng
9. Bồ Tát phát tâm bằng cách ưa thích pháp Đại Thừa
10. Bồ Tát phát tâm bằng cách mong cầu được trí huệ Phật
Lại nữa, Bồ Tát phát tâm tu tập Vô Thượng Bồ Đề cũng cần có bốn duyên:
1. Một là suy nghĩ đến chư Phật
2. Hai là quán các tội lỗi của tự thân
3. Ba là thương xót chúng sanh
4. Bốn là cầu quả tối thắng, tức quả Phật.
Nhờ có bốn nhân duyên trên mà tâm Bồ Đề của Bồ Tát phát khởi càng thêm kiên cố.
Bồ Tát sơ phát tâm phải lấy Đại Bi làm gốc, thiền định tư dư về phương tiện cứu độ chúng sanh, hoạch thắng thiện căn vô lậu, chí nguyện kiên cường, lần lượt tăng tiến bổn nguyện tâm Bồ Đề của mình với 10 thắng nguyện như sau:
1. Nguyện ta đời trước cho đến đời này, có làm những thiện căn gì, xin đem thiện căn ấy ban bố cho tất cả vô biên chúng sanh đều cùng nhau hồi hướng quả vô thượng Bồ Đề, thệ gìn giữ cho nguyện ấy của ta mỗi niệm tăng trưởng chuyển từ đời này qua kiếp khác, sanh vào đâu cũng được thủ hộ của đại Tổng Trì, luôn luôn giữ ở lòng không vì một lẽ gì mà quên mất.
2. Nguyện ta hồi hướng đại Bồ Đề rồi, nhờ thiện căn ấy không sanh vào quốc độ không có Phật, hễ sanh ra thường được cúng dường hết thảy chư Phật.
3. Nguyện ta được sanh vào quốc độ chư Phật rồi, thường được thân cận hầu hạ tả hữu như bóng theo hình, không một giây lát xa rời chư Phật.
4. Nguyện ta được thân cận chư Phật rồi, tùy lòng mong muốn của ta mà chư Phật vì ta thuyết pháp, liền được thành tựu năm pháp thần thông của Bồ Tát.
5. Nguyện ta đã được năm pháp thần thông của Bồ Tát rồi, liền thông đạt giả danh lưu bố của thế đế (chơn lý thế tục) được trí Chánh Pháp đúng như tánh chơn thật mà chứng ngộ đệ nhất nghĩa đế (chơn lý tuyệt đối).
6. Nguyện ta được trí Chánh Pháp rồi, đem tâm thích thú vì chúng sanh thuyết pháp đều khiến cho khai giải "thị giáo lợi hỷ" (khai thị chân giáo lợi lạc hoan hỷ).
7. Nguyện đã khai giải cho chúng sanh được rồi, dùng sức thần thông của Phật, khắp đến mười phương vô tận thế giới cúng dường chư Phật và thỉnh thọ chánh pháp, nhiếp hóa mọi loài chúng sanh.
8. Nguyện ta ở trước chư Phật thỉnh thọ chánh pháp rồi, liền hay tùy theo căn cơ chuyển pháp luân thanh tịnh (thanh tịnh thuyết pháp), mười phương thế giới tất cả chúng sanh nghe ta thuyết pháp, nghe danh diệu của ta, đều được pháp tâm Bồ Đề, xả bỏ hết thảy phiền não.
9. Nguyện khi ta đã làm cho chúng sanh phát tâm Bồ Đề rồi, thường theo dõi hộ trì, trừ bỏ các việc không lợi ích, gây cho chúng sanh vô lượng nguồn vui chơn chánh, xả bỏ thân mạng, tài sản, phụ trách chánh pháp hóa độ chúng sanh.
10. Nguyện khi ta đã phụ trách với chánh pháp, tuy thực hành chánh pháp mà tâm không chấp trước chỗ sở hành; cũng như sự thực hành chánh pháp của các Bồ Tát, không chấp trước chỗ sở hành hay không sở hành, chỉ vì hóa độ chúng sanh mà không xa bỏ chánh nguyện.
Mười thắng nguyện này có thể nhiếp thủ vô lượng chư đại nguyện bất khả tư nghì của Bồ Tát, Ông nên tuệ tri cầu học và thành tựu những thắng nguyện này mới phải là người phát tâm cầu đạo tối thắng hy hữu đệ nhất.
Hỏi: Tu Bồ Đề Tâm chân chánh là tu hạnh như thế nào ạ?
Đáp: Là tu 3 thứ tâm: Trực Tâm, Thâm Tâm và Đại Bi Tâm.
1. Trực Tâm, nghĩa là tâm trực niệm chơn như
2. Thâm Tâm, nghĩa là tâm ưa làm các việc lành
3. Đại Bi Tâm, nghĩa là tâm thệ cứu khổ chúng sanh.
Hỏi: Kính bạch Thầy! Bồ Tát phát tâm Bồ Đề cầu đạo vô thượng phải tinh tấn như thế nào?
Đáp: Bồ Tát đã phát tâm Bồ Đề cầu đạo vô thượng thì không được phóng dật buông lung, hạnh phóng dật và buông lung nó giết chết gốc lành, tăng trưởng dục và ác pháp, người phóng dật và buông lung phế bỏ đạo nghiệp, hủy hoại Phạm Hạnh, cuộc đời trở nên vô dụng, chẳng khác nào thi thể bị quăng bỏ ở bên đường, chẳng ích lợi gì cả.
Hỏi: Kính bạch Thầy, làm sao để diệt trừ tâm phóng dật và buông lung?
Đáp: Muốn diệt từ chúng thì Ông phải chánh niệm tỉnh giác: thường xuyên quan sát tâm mình, khi dục ái phát sinh thì phải nhận biết ngay và điểm mặt chúng, tư duy về những tầm ác bất thiện mà nó mang đến cho mình, tức là trên nhân quả thiền tư về Tứ Chánh Cần... Khi sự thèm khát phát sanh cũng vậy, Ông phải nhận biết đánh vào mũi heo của nó, kham nhẫn để vượt qua; tập sống thanh bần đạm bạc, khi gặp thứ thách cám dỗ phải thấy sự hiểm nguy đang đe dọa mình và biết đưa tâm về hướng khác, được như thế thì sẽ sớm thoát khỏi dã dượi phóng túng, buông lung. Như Đức Thế Tôn, khi chưa thành Chánh Giác, lúc bắt đầu thiền tọa dưới cội cây Bồ Đề, Ngài đã lập thệ nguyện: : "Dù cho thịt nát, máu khô cạn, thân còn da bọc xương nếu chưa thành Chánh Giác, ta thề quyết không từ bỏ tinh tấn và không rời khỏi chỗ ngồi này". Người đã lập thề quyết định thì không bao giờ còn buông lung giải đãi, trễ nải, khinh lờn. Vì sao? Vì đã lập thề quyết định, thì có năm việc duy trì thành tựu:
1. Tâm được kiên cố
2. Chế ngự được phiền não.
3. Ngăn đón được sự buông lung.
4. Phá trừ được năm điều ngăn che tức là phá trừ ngũ cái.
5. Siêng năng tu hành sáu pháp Ba La Mật.
Khi đã lập thệ quyết định rồi, Ông phải dùng trượng phu lực, trượng phu tinh tấn và trượng phu cần dõng để vượt qua tâm phóng dật và buông lung mới có thể thành tựu đạo nghiệp được. Bồ Tát sơ phát tâm phải quán về sự sinh, sự già, sự bệnh, sự chết và suy xét về sự tái sinh trong 4 ác đạo: địa ngục, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh; để định tâm kiên cố, thành tựu chánh tinh tấn phá tan tâm u mê phóng dật.
Lại nữa, Bồ Tát phải biết thu nhiếp sáu căn, không cho nó chạy theo sáu trần mà sanh khởi ác pháp.
Hỏi: Thưa Thầy, xin Thầy từ bi chỉ dạy, làm sao Bồ Tát có thể thu nhiếp được sáu căn?
Đáp: Bồ Tát phải biết thiền tư về sáu xúc xứ qua bốn chuyển, đó là sự tập khởi, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ. Nếu Bồ Tát biết chánh quán như thế thì thành tựu Giới Tối Thượng Thừa, viên chứng đại định với tuệ giác vô thượng.
Hỏi: Nguyện xin Thầy từ bi chỉ dạy, các tướng trạng phát tâm Bồ Đề của Bồ Tát cho con được liễu tri được không ạ?
Đáp: Có thể được, Ông hãy lắng nghe kỹ và tác ý! Có 4 tướng trạng phát tâm Bồ Đề như sau:
1. Khi các vị Bồ Tát tự thể tánh phát tâm Bồ Đề liền được gặp Như Lai và các bậc Thanh Văn giáo hóa, khuyến phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm (Tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Đây gọi là tướng trạng hỷ lạc đầu tiên về phát tâm Bồ Đề.
2. Nếu nghe Bồ Đề và phát tâm Bồ Đề, liền phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đây gọi là tướng trạng thứ hai về hỷ lạc phát tâm Bồ Đề.
3. Nếu chẳng quay lại, chẳng cầu thấy được tâm đại bi của hai loại trụ này, tiếp tục phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đây gọi là tướng trạng thứ ba về hỷ lạc phát tâm Bồ Đề.
4. Nếu thấy các tướng của Như Lai viên mãn, liền sanh ái kính. Đây gọi là tướng thứ tư phát tâm Bồ Đề.
Hỏi: Khi Bồ Tát phát tâm Bồ Đề có thể xa rời quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng?
Đáp: Bồ Tát chẳng đầy đủ năm vô gián thì xa rời quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thế nào là năm? Như trong Luật Văn Thù Sư Lợi Thanh Tịnh nói: "Bồ Tát thâm sâu tác ý cầu vô thượng đạo, phát tâm chẳng rơi vào nơi chốn của Thanh Văn, Duyên Giác, đây là sơ vô gián phát tâm. Bồ Tát từ bỏ tất cả sở hữu, tâm keo kiệt mà chẳng cộng trụ, đây là vô gián thứ hai. Ta nên cứu độ tất cả chúng sanh, chẳng khởi tâm xấu hổ thối lui, đây là vô gián thứ ba. Rõ biết tất cả pháp chẳng không, chẳng có, không sanh, không diệt. Ở chỗ chẳng rơi vào thấy nghe, đây là vô gián thứ tư. Nơi các pháp biết hoà hợp cùng tướng, như thế phát tâm vô sở trụ. Do vô sở trụ nơi tất cả trí tất chẳng sở đắc, đây là vô gián thứ năm!"
Lại nữa, như Kinh Pháp Tập (Dharmasangiti-Sutra) có dạy: "Này Thiện nam tử! Bồ Tát phải nên trọng Thật Đế. Vì sao vậy? Này Thiện nam tử! Vì tích tập Thật Đế gọi là Pháp Tập. Thiện nam tử! Vì sao gọi là Thật Đế? Vì Bồ Tát phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, có thể xả bỏ thân mệnh nhưng chẳng bỏ tâm này và chẳng lìa bỏ chúng sanh; nên gọi là Bồ Tát trọng Thật Đế. Nếu Bồ Tát nào phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề rồi, sau đó xả bỏ tâm này, lìa bỏ chúng sanh, thì Bồ Tát ấy đại vọng ngữ. Xấu hổ vô cùng!"
Hỏi: Bồ Tát phát tâm cầu đạo Vô Thượng Chánh Giác, quyết tu Lục Độ Vạn Hạnh thì có pháp nào cần phải xa lìa không? Bồ Tát muốn chóng đắc Vô Thượng Bồ Đề, có pháp nào cần phải thực hành không? Nguyện xin Thầy từ bi chỉ dạy, để con trạch pháp quyết nghi và tu tập đúng đạo lộ tối thắng này ạ?
Đáp: Bồ Tát phát tâm Bồ Đề tu hành đúng Lục Độ và Vạn Hạnh thì phải xa lìa 7 pháp sau đây:
1. Xa lìa ác tri thức. Ác tri thức hay khuyên người bỏ mất đức chánh tín, lòng mong muốn và sức tinh tấn tối thượng chân chánh, để chạy theo dục vọng thấp hèn.
2. Xa lìa nữ sắc hay nam sắc, không tham đắm dục lạc và những tập tục theo thói đời.
3. Xa lìa ác giác. Ác giác là cảm giác sai lầm; tự quán hình dung sanh tâm tham ái, luyến tiếc, chấp đắm và cho rằng có thể bảo tồn trường cửu.
4. Xa lìa sân nhuế tàn bạo, kiêu căng, ganh ghét, khơi dậy sự tranh tụng, làm rối loạn thiện tâm.
5. Xa lìa sự buông lung, kiêu mạn, biếng nhác, tự ỷ có chút tiểu xảo khinh miệt kẻ khác.
6. Xa lìa sách luận ngoại đạo và những văn chương thêu dệt giả dối của thế tục, không nên tán tụng những lời không phải Phật dạy.
7. Không nên thân cận những kẻ tà kiến, ác kiến.
Đây là 7 pháp gây chướng ngại cực trọng mà Bồ Tát tuyệt đối phải xa lìa.
Nếu muốn chóng đạt Vô Thượng Bồ Đề, nên tu bảy pháp sau đây:
1. Bồ Tát cần phải thân cận Thiện Tri Thức. Thiện Tri Thức là chư Phật, Bồ Tát hoặc hàng Thanh Văn có công năng khiến Bồ Tát an trú thâm nhập pháp tạng và các pháp Ba La Mật, gọi là Bồ Tát Thiện Tri Thức.
2. Bồ Tát nên thân cận người xuất gia, cũng nên thân cận pháp A Lan Nhã, xa lánh nữ sắc hoặc nam sắc và các thị dục, không cùng với người đời làm những điều tục lụy.
3. Bồ Tát nên quán sát hình hài như đất, phân chứa đầy ô uế, phong đàm, nhiệt huyết, không nên tham đắm, nay còn mai mất mỗi ngày bước gần đến cửa chết, nghĩ thế mà nhàm chán cảnh vô thường lo siêng năng tu đạo.
4. Bồ Tát thường tu hạnh nhu hòa, nhẫn nhục, thuận thảo, cung kính và khuyên người khác cũng tu những pháp ấy.
5. Bồ Tát nên tu hành tinh tấn, thường biết, cung kính, phụng thờ Sư Trưởng, thân cận, xót thương những kẻ bần cùng; thấy người nguy khốn, đem thân mình thay thế.
6. Bồ Tát cần phải tu tập Phương Đẳng Đại Thừa Bồ Tát Tạng và thọ trì đọc tụng những pháp Phật thường khen ngợi.
7. Bồ tát phải tu tập đệ nhất nghĩa đế (chân lý tuyệt đối) nghĩa là thật tướng, nhất tướng, vô tướng.
Nếu Bồ Tát muốn mau được quả vị Vô Thượng Bồ Đề phải luôn luôn thân cận thực hành 7 pháp nói trên.
Nguyện cầu Ông phát khởi đại Bồ Đề Tâm, thực hành Bồ Đề Tâm, sớm thâm nhập vào kho tạng bí mật của chư Phật, được Tổng Trì Môn vào thành lớn Viên Giác của chư Phật, đắc Nhất Thiết Chủng Trí, làm lợi ích chân thật cho mình cho người và cho tất cả chúng sanh. Đúng như Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật đã dạy:
“Muốn biết tất cả mọi Phật pháp,
Hãy mau khởi phát Bồ Đề Tâm.
Tâm này công đức thù thắng nhất,
Chắc chắn đắc Phật trí vô ngại.
Chúng sinh tâm hạnh: Có thể biết,
Cỏi nước, hạt bụi: Cũng rõ thấu.
Biên tế hư không: Đo lường được.
Công đức phát tâm không thể tính.
Phát tâm: Sản sinh Phật ba đời,
Thành tựu an lạc trong thế gian,
Tăng trưởng tất cả thắng công đức,
Vĩnh đoạn tất cả mọi nghi hoặc.
Mở ra tất cả diệu cảnh giới,
Tận trừ hết thảy mọi chướng ngại,
Làm thành tất cả cõi thanh tịnh,
Xuất sinh tất cả trì Như Lai.
Muốn gặp mọi Phật trong mười phương,
Muốn thí vô tận kho công đức,
Muốn diệt khổ não của chúng sinh,
Hãy mau phát khởi Bồ Đề Tâm!"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét