THẾ NÀO LÀ HÀNH GIẢ CỦA PHÁP?
Một hôm có một hành giả đến thăm Sư Phụ Long Viễn, và đoạn pháp thoại ngắn sau đây được nói lên khi hành giả ấy cung kính thưa hỏi:
Hỏi:
- Có bao nhiêu cách tạo ra công đức?
Đáp:
- Có ba cách tạo ra công đức!
Hỏi:
- Ba cách đó là gì?
Đáp:
Ba cách tạo ra công đức đó là:
- Có cách tạo công đức bằng bố thí
- Có cách tạo công đức bằng trì giới
- Có cách tạo công đức bằng tu tập thiền định.
Hỏi:
- Xin Thầy từ bi chỉ rõ sự khác biệt giữa phước đức và công đức được không?
Đáp:
- Người tạo ra phước đức là để được hưởng, vì hưởng nên phải giữ lấy, vì giữ lấy nên dính vào và đi theo dòng luân hồi của nó. Tức là người tạo tác thiện hạnh nhưng tâm còn chấp thủ vào việc mình làm, còn thấy có mình làm, có đối tượng nhận và vật phẩm mình bố thí... cùng với quả dị thục mà những thiện hạnh mình làm mang lại.
- Còn công đức thì nhìn vào trong tự tánh, ngay nơi pháp tánh mà hiển bày, có thể nương vào hành động tạo tác thiện lợi cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh: Bố thí, trì giới, thiền định nhưng trong tâm thanh tịnh, bình đẳng, không có phân biệt, không có chấp trụ; không lìa tự tánh thanh tịnh mà ứng dụng diệu tánh không nhiễm khi đối cơ ứng vật, tâm giác chiếu thường tri minh liễu những việc mình làm, sở hành tạo tác những thiện hạnh vì mục đích chứng ngộ Đại Bồ Đề. Mà Bồ Đề vốn không có nơi chỗ, chân thật là tự tác, tự giác, tự minh, tự liễu, tự chiếu, tự soi giác tánh ở nơi mình không thể tìm cầu bên ngoài mà được! Cho nên Đức Phật được gọi là Đại Giác Bồ Đề!... Đó là công đức.
Ví như Xưa Lục Tổ Huệ Năng có dạy ông Vi công như sau:
“Vi công hỏi Ngài Lục Tổ Huệ Năng: Đệ tử nghe chuyện Đạt Ma thuở xưa giáo hóa cho Lương Võ Đế. Vua hỏi: “Một đời trẫm cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, ăn chay, có công đức gì không?”. Đạt Ma đáp: “Thật không công đức gì”. “Đệ tử chưa hiểu lẽ ấy, xin hòa thượng giảng giải cho”.
Sư đáp: “Thật không có công đức. Đừng nghi ngờ lời của bậc Thánh đời trước. Võ Đế lòng mê, chẳng rõ pháp chánh. Cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, ăn chay, gọi là cầu phước. Không thể lấy phước ấy mà xem là công đức. Công đức ở nơi Pháp thân, chẳng phải ở sự tu phước”.
Sư lại nói: “Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm tưởng không ngăn ngại, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức. Trong lòng khiêm nhượng là công, việc làm theo lễ là đức. Tự tánh sanh ra muôn pháp là công, tâm lìa vọng niệm là đức. Chẳng rời tự tánh là công, ứng dụng mà không đắm nhiễm là đức. Muốn tìm Pháp thân công đức, cứ nương theo đó mà làm, ấy là công đức chân thật. Nếu người tu công đức thì lòng chẳng khinh mạn, thường cung kính hết thảy. Lòng hay khinh người, tánh tự tôn chẳng dứt là tự mình không có công, tánh hư vọng chẳng thật là tự mình không có đức. Vì tánh tự đại tự tôn, nên thường khinh hết thảy.
“Các vị thiện tri thức! Chánh niệm không gián đoạn là công; trong tâm công bình, chánh trực là đức. Tự tu tánh mình là công, tự tu thân là đức.
Các vị thiện tri thức! Công đức nên nhìn từ trong tự tánh, không phải do bố thí, cúng dường mà cầu được”.
Khá không rõ lắm ư? Ông nên giác chiếu lại sở hành tạo tác của mình, minh liễu tự tánh mà ứng dụng linh tri ly niệm khi đối cơ ứng vật. Là một hành giả cần phải biết rõ mình là ai? Mình từ đâu đến? Mình đến đây để làm gì? Khi chết mình về đâu? Không phải tìm cầu thử thách người này người kia để minh chứng mình hay, mình giỏi. Hay đó! Giỏi đó! Có lợi ích gì khi quỷ vô thường mang cái chết đến? Hay ư? Giỏi ư? Có làm chủ được sanh già bệnh chết không? Tôi có thể tuyên bố với ông: "Không ai có thể chiến thắng nổi tôi! Vì tôi đã chịu thất bại rồi!" Ông hãy nhớ kỹ:
Chớ phóng niệm tìm cầu tri thức mà quên mất tự tánh của chính mình!
Chớ buông lung theo dục tình mà điên đảo với ma ý!
Chớ đắm mình bi lụy theo dòng chảy thế gian!
Chớ uất hận khóc than khi sanh ly tử biệt!
Chớ chạy theo mãi miết với bóng dáng tiền trần!
Chớ ham đắm sắc thân vì vô thường nuốt mất!
Chớ như con Lật Đật không phân biệt thị phi!
Chớ ngu si tạo tác ác hành để đi vào đọa lạc!
Nghiệp lực vốn không tha ai cả và nhân quả rất công bằng!
Hãy quán tri:
Diệu tánh vốn vô tướng
Diệu tánh vốn nguyên minh
Diệu tánh luôn hiển bày
Diệu tánh vô phân biệt!
Và:
Ở ngay đây: Vốn là Tịnh Độ!
Ở ngay đây: Chính là Niết Bàn!
Tìm Phật vốn không thể lìa tự tánh mà được! Nếu ông phóng tâm ra ngoài chính là chánh điên đảo, một khi chân thật xoay trở vào chính là chánh biến tri!
Cố gắng!
Cố gắng!
Hành giả nghe xong cuối đầu chấp tay xá lễ, khuôn mặt trở nên cương nghị lạ thường, đôi mắt long lanh ần ận nước nhưng sáng rực phi phàm... phải chăng ông đã ngộ được gì với diệu nghĩa mà Sư Phụ từ bi huấn thị?