--ӂɛ Ngọn Đuốc Sáng Trong Đêm Mạt Pháp ɜӂ--
Một hôm, khi ánh mặt trời đã dần khuất sau rạng núi, những tia sáng cuối cùng cũng dần tắt lịm đi; bỗng dưng một trận gió lớn từ biển đông thổi về cuốn theo vô vàn những chiếc lá rừng bay xào xạc vào không trung. Bầu trời tự nhiên tối sầm lại, sấm chớp vang rền khắp bốn phương, rồi một trận cuồng phong bão tố mưa bùng dữ dội ập đến, cả đất trời như nhập một, mịt mù với cái lạnh của núi rừng như băng vào hồn những lữ khách đang ở trong quán trọ trần gian chốn núi non hiu quạnh này.
Lúc ấy Sư Phụ Long Viễn cùng vài đệ tử đang trú mưa dưới tấm bạt căng lên làm nhà khách. Mưa gió lạnh lùng phá đi mái nhà nhựa bạt ấy - đây cũng là nơi Sư Phụ tiếp khách và thường đàm đạo với chúng đệ tử. Khi ấy mưa tạt lẫn dột làm ướt hết áo quần cả thầy lẫn trò. Người ai cũng ướt sũng những nước thêm vào đó bão tố cuồng phong thổi ào ào, phải chăng đang xé lòng người tha hương đang xả thân ẩn tu chốn núi non cô quạnh chỉ vì hạnh phúc của nhân sinh, hay vì bình yên của nhân loại? Nhìn những đệ tử của mình đang run lên bần bật, ánh mắt Sư Phụ như chứa cả một đại dương sâu thẳm vô bờ, phải chăng đó chính là ánh mắt của người thầy hay của người mẹ hiền đối với con thơ? Sư Phụ cuối xuống dường như đang thầm gạt đi những giọt nước mắt quyện cùng những giọt mưa lạnh mà không muốn cho đệ tử thấy, xong Người vuốt mặt một cái rồi hỏi chúng đệ tử:
-“ Các con có lạnh không?”
Một thầy trẻ đáp với giọng nói đang run lên vì lạnh:
-“Dạ, chúng con chỉ lo cho Sư Phụ thôi…! Thầy lạnh lắm không ạ?”
Sư Phụ ngước mắt nhìn mưa rơi, rồi nhẹ nhàng đưa tay hứng lấy những những giọt mưa xuyên thủng màn bạt mỏng kia, Ngài từ tốn nói :
- “Chúng ta thân là đệ tử của Đức Phật thì các con phải nhớ và hành theo hạnh: Thiểu dục tri túc, có nghĩa là ít muốn biết đủ. Người mà biết đủ thì dù trong hoàn cảnh nào cũng được tự tại cả. Người không biết đủ thì dù ở thiên đường cũng vẫn thấy thiếu. Người biết đủ thì nghèo mà giàu, người không biết đủ thì giàu mà nghèo. Cho nên nếu tu hành hạnh biết đủ thì việc chứng ngộ chân lý Phật Đà không phải là việc xa vời khó khăn, có hạnh biết đủ là có thể viên thành Giới Luật của Phật chế định, hướng đến ly tham, đoạn diệt ác pháp, thành tựu cứu cánh Phạm Hạnh với thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn!”
Sư Phụ im lặng một chút nhìn những đệ tử của mình đang tắm mưa lạnh buốt cả thân tâm mà vẫn chú tâm định tĩnh lắng nghe mình dạy, không hề phóng niệm mất tỉnh giác chút nào cả. Ngài mỉm cười thoáng nụ hàm tiếu rồi đưa bàn tay chỉ vào những giọt mưa đang chảy trên đầu mình và nói tiếp :
- “Các con hãy nhìn những giọt nước mưa này! Nó rơi ở đây vì sao? Vì tấm bạc này không đủ lực để chống đỡ, đúng không?”
Một thầy trẻ vừa run vừa trả lời:
- “Dạ, thưa Sư Phụ đúng ạ!”
Bấy giờ Sư Phụ dạy:
- “Cũng vậy đó con, nếu tâm các con vụng tu thì tâm sẽ không đủ lực chống lại ngũ dục( Tài, sắc, danh, thực,thùy), khi ấy tham ái sẽ xâm chiếm tâm con và an trú. Con sẽ bị giặc tham ái ngự trị, con sẽ trở thành nô lệ của tham ái; có tham ái là có mong cầu, có mong cầu thì có ưu bi, có ưu bi thì có khổ não, có khổ não thì có bám chấp, có bám chấp thì có luân hồi trong sáu cõi, có luân hồi thì không thể vượt dục tham, đoạn dục tham, mà thành tựu cứu cánh Phạm Hạnh này! Cũng như thế, nếu tâm con khéo tu áp dụng đúng Pháp và tùy Pháp hành, thì sáng tu là chiều có ngay kết quả, nhất là quả Thánh Nhập Lưu Tu Đà Hoàn (Một trong tứ quả Thanh Văn: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán) rất dễ chứng đắc. Chỉ cần các con biết Pháp và tùy Pháp hành thì không còn phải lo sợ giặc phiền não nữa.”
Khi ấy một vị Thầy trẻ tên Không Giả bạch Sư Phụ :
- “Thưa Sư Phụ! Con nghe nói trong thời này là thời kỳ Mạt Pháp, tu không thể chứng quả?”
- “ Con ăn cơm có khi nào con ăn hoài mà không no không?”: Sư Phụ hỏi
- “ Dạ ăn là phải no ,thưa Sư Phụ!”
Ngay lúc đó Sư Phụ dạy:
- “Cũng như ăn là phải no, hễ có tu là có chứng, đạo Phật là đạo Nhân Quả. Có lý nào ăn hoài mà không no? Vậy há có việc tu mà không chứng sao? Nếu tu mà không chứng vậy tu để làm gì? Nếu ăn mà không no vậy ăn làm chi cho mệt? Cho nên cái lý “ Tu không chứng” đó là ma nói, đó là thiên ma Ba Tuần đội lốt phá Phật giáo đó con! Đức Phật đã từng dạy trong Kinh Tứ Niệm Xứ của tạng Kinh A Hàm rằng : “ Sáng tu là chiều có kết quả.” Nếu hành giả đó biết dụng đúng lời Phật dạy, biết hành Pháp và tùy Pháp.”
Sư Phụ nói đến đây thì trời mưa giông sấm chớp cũng vừa dứt, các đệ tử nhìn Sư Phụ mình mà rơm rớm nước mắt, một sự hỷ lạc tràng ngập chảy khắp cơ thể, một sự hân hoan vô bờ bến lan toả khắp núi rừng, ví như trong đêm đen mà ngọn đuốc sáng chiếu soi, cũng như trong thời Mạt Pháp (Pháp nhược ma cường) mà họ gặp Sư Phụ vậy.
Mỗi khi tôi về nơi đây đều rất xúc động, khi nhìn Sư Phụ với ánh mắt từ bi không giới hạn, Người luôn lặng lẽ soi đường cho cho chúng sanh trong thời đại Ngũ trược ác thế này! Người thường hay nói : “Không ai chiến thắng nổi Thầy vì Thầy đã chịu thất bại rồi!”. Và tôi nhìn chư Tăng tinh cần tinh tấn dõng mãnh vô cùng để thực tập thiền quán theo lời Sư Phụ dạy, phải chăng đây chính là đời sống Tăng Đoàn theo đúng nghĩa của nó? Tôi thầm cảm niệm ân đức của Đức Phật đã ban cho tôi gặp Người - một ngọn đuốc rực sáng trong thời đại Mạt thế u tối này…
---ΰΰ- Hồng Tuyến kính nghe – lưu tâm bút -ΰΰ---