Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

 TÂM NHƯ CÂY SẮT
                       ----------------------------  
Tâm của chúng ta cũng như một cây Sắt, nếu như cây Sắt ấy không được bảo quản trong một môi trường tốt và được người trí sử dụng thì nó sẽ bị phế bỏ, hư hoại do rỉ Sét sanh ra. Cũng vậy nếu Tâm không được tinh lọc trong môi trường của Giới Luật và Tri Kiến tốt, thì Tâm sẽ tạo đủ thứ ác nghiệp, rồi chính những ác nghiệp đó trở lại hại Tâm. In như Sắt hay sanh ra Sét nhưng chính Sét lại tiêu Sắt vậy! 
                                                             ۞-- Lương Sơn Long Viễn --۞  



            
 

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Lời Vàng Thầy dạy :

   LÀM THẦY
               ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ•

   Một hành giả có trí khi bước chân vào Đạo là phải nhận chân được sự vận hành của Tâm thức,  đi ngược lại  thức Tâm của mình, không làm theo sự xúi giục của nó. Tâm vốn là một ông chủ Vô thường như thương khách bôn ba khắp chốn, lại như con khỉ, con vượn chuyền cành một tay buông một tay bắt, rất nhanh lẹ, rất khéo léo và rất xảo quyệt… Vậy nên lúc nào cũng phải dè chừng, đề phòng Tâm; phải lấy lưới Giới Luật mà cấp tốc bủa vây nó lại, phải lấy sức Kiên Thệ mà chiến đấu với nó; nếu nó bảo ta đi hướng Đông thì hãy đi hướng Tây, nó bảo ta đi hướng Nam thì hãy đi hướng Bắc, nó bảo ta làm cái này thì hãy làm cái nọ; tuyệt đối không được chạy theo nó, luôn luôn tỉnh giác trên bốn oai nghi (Đi, đứng, ngồi, nằm) đừng để nó làm chủ ta mà ta phải làm chủ nó! Có như vậy ta mới có thể nhiếp phục  được Tâm, chế ngự được Tâm và đánh bại được Tâm. Khi ta làm chủ được Tâm cũng có nghĩa là làm chủ vận mệnh của chính mình, uốn dẹp được Tâm cũng có nghĩa là ta đã diệt trừ được giặc phiền não và tham ái… Thế mới biết: Giải thoát cũng do Tâm mà luân hồi cũng do Tâm! Niết Bàn cũng do Tâm mà sanh tử cũng do Tâm! Hãy nguyện làm Thầy của Tâm chớ chẳng cho Tâm làm Thầy!

                                                  ೋ• -- Lương Sơn Long Viễn  --ೋ•

(Hồng Tuyến kính chép lại đoạn Pháp Thoại ngắn này mà Sư Phụ Long Viễn đã dạy cho Đại Chúng ở Chùa Phật Đảnh Bảo Vương, nguyện cầu Chánh Pháp Nhãn Tạng mãi tuyên lưu không dứt, lợi lạc khắp Trời Người)




Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

                   -ಢ- TÂM ẤN -ಢ-

(Kính niệm Đức Thế Tôn: Niêm Hoa Vi Tiếu,
Truyền Tâm Ấn Cho Tôn Giả Đại Ca Diếp Trên Núi Linh Thứu)
 
Suối chảy theo dòng về biển khơi
Hoa tàn hoa nở sắc hoa cười
Muôn thuở chúng sanh vô thường chuyển
Duyên sanh, duyên diệt chỉ TÂM thôi.

TÂM thể rỗng mầu tịch như nhiên
Ai gieo phiền não để ưu phiền?
Xoay lại: TÂM Không, Không Nhân- Pháp
Ý lặng thức dừng: Bậc Đại Tiên !

Niết Bàn giải thoát có đâu xa
Ngay trong biển khổ cõi Ta Bà
Một niệm không sanh: Duyên dứt tuyệt
Kìa! Kìa! Trăng sáng chiếu bao la!

                       Lương Sơn ngày 14/7/2018
             ೋ۞-Thích Long Viễn

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

                   -ಢ- NGỘ TÁNH -ಢ-
 (Kính niệm giác Tâm trực chỉ Tổ Sư Đạt Ma)
 Vô Tâm nhập đạo gọi chánh tri ?
Nhập đạo Vô Tâm: Kẻ cuồng si !
Đạo lớn- Hư không, không Tâm nhập
Song chiếu diệu biến bất tư nghì !
                     _۞_Thích Long Viễn _۞_



Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

           ೠ۞ Không Đề 8 ۞

Trùng khơi biển ái trùng khơi xa
Nghiệp hải vô biên nguyện hải hà
Tàn canh lệ điểm tàn canh mộng
Ngục không Địa Tạng ta với ta!
       ۞Thích Long Viễn۞

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

ച___ THIỆN XẢO CHỨNG NGỘ THÁNH ĐỊNH
(Viên Chứng Tối Thượng MẠN ĐÀ LA - Mật Tông Nhãn Tạng Chánh Yếu)
  ----------------------- -----------------------

Khi các con nhập Định, vấn đề đầu tiên mà Đức Phật luôn nhắc đến là Hơi Thở. Tại sao khi mới vào Tứ Niệm Xứ, Đức Phật lại đề cập ngay đến Hơi Thở? Tức là gì? – Nếu con dụng công sai ngay bước đầu tiên thì con sẽ sai mãi mãi và lúc bấy giờ đất trời xa cách. Có nhiều vị rất thông giáo lý nhưng khi vào tu Thiền lại học máu, điên khùng. Trường hợp này rất nhiều, thậm chí đệ tử của một vì Thầy nổi tiếng ở Tây Ninh cũng vậy. Pháp hành của vị Thầy này tương đối chuẩn nhưng khi đệ tử dụng công lại bị học máu, và vị đệ tử giỏi nhất mà Ngài tâm đắc lại bị điên khùng. Bởi vậy con đừng nghĩ vấn đề tu là đơn giản. Nói đơn giản thì thật là đơn giản nhưng khi vào tu rồi con phải để ý, chỉ cần lệch một chút hay sơ sẩy trong một niệm thôi là ‘đất trời xa cách’. Cho nên khi dụng công tu Định thì vấn đề Điều Hòa là vấn đề đầu tiên. Tuy nhiên, khi Điều Hòa rồi, Tâm Thức và Thân đã an định rồi thì nó sẽ bắt đầu lưu xuất ra hỷ tưởng, pháp Tưởng và 95 Pháp Tướng Quỷ Thần kết hợp với 50 Ngũ Ấm Ma. Cho nên tu tập không phải là vấn đề có thể đùa cợt. Đừng nghĩ như vậy! Khi tu luôn cần phải có một người có kinh nghiệm túc trực chỉ dạy. Mình thấy trường hợp vị Thầy ở Tây Ninh, có Thầy trực tiếp hướng dẫn mà đệ tử vẫn bị điên, mất trí, bị học máu là chuyện bình thường. Cho nên các con đừng bao giờ tự cao ngã mạn, học được một chút đừng cho là đủ. Và các con phải lưu ý trong khi tu Định phải cẩn thận và dè dặt. Nếu như Tâm Thức thế nào, biến chuyển ra sao phải bạch Thầy liền để Thầy biết đường  chỉ dẫn. Những nội dung Thầy dạy là một hệ thống xuyên suốt chứ không chỉ thuộc riêng về Nguyên Thủy. Sau này, con tu Tịnh Độ, Mật Thừa cũng không lìa những nội dung này.
Thầy lấy thí dụ: Một hành giả muốn tu Mật Thừa, muốn nhập tu hạnh Mạn-đà-la thì phải như thế nào?_Phải đặc biệt thứ lớp thành tựu sáu hạnh, tức là vượt qua sáu bậc mới chứng nhập được Mạn-Đà-La, nhập vào Ly Cấu Địa và Thập Địa, thành tựu Tam Mật Tương Ưng được chứ không phải đơn giản:
“Lúc mới bắt đầu Vô Uý thì dùng pháp Quán chữ của tiếng mà tu hạnh Mạn-đà-la” – Tức là phải tu Chỉ Quán. Lúc nãy Thầy đã nói, nếu con tu tập Tứ Niệm Xứ thì Chỉ Quán gồm thâu.  Cho nên đầu tiên để nhập được vào Vô Úy (không sợ hãi) thì phải tu Quán để tu hạnh Mạn-đà-la.
“Vô Úy bậc 2 thì vào trong Pháp Quán có Tướng mà tu hạnh Mạn-đà-la”.Pháp quán tưởng tức là đối tượng của Quán, mà muốn thể nhập vào Pháp Quán lẽ tất nhiên phải tu Chỉ thì mới có thể Quán thành được.
“Vô Úy bậc 3 thì vào trong Tâm “Chỉ có Uẩn Vô Ngã” mà tu hạnh Mạn-đà-la”. Bây giờ nếu như con không Quán Ngũ Uẩn thì làm sao con nhập hạnh Bồ Tát hay tu hạnh Mạn-đà-la để chứng tất địa? Cho nên người tu bây giờ thường mất căn bản.
“Vô Úy bậc 4 thì vào Tâm Duyên Pháp tu hạnh Mạn-đà-la”. Tức là khi con đã chứng được Ngũ Uẩn vô ngã rồi thì con quán chiếu tiếp là Duyên sinh vạn Pháp, liễu chứng vạn Pháp do duyên sinh mới tu được hạnh Mạn-đà-la
- “Vô Úy bậc 5 thì vào “Tâm Vô Duyên” tu hạnh Mạn-đà-la”. Tức là khi con quán Tâm duyên các Pháp rồi thì cũng không còn Pháp, không còn Tâm, Tâm và Pháp đều quên, chỉ còn cái biết thuần tịnh, như nhiên, bất động, như như.
- “Vô Úy bậc 6 thì vào “Tâm Bình Đẳng” tu hạnh Mạn-đà-la”. Thường có câu “Vận tâm bình đẳng, Pháp lực vô biên”.
“Từ Địa Ly Cấu trở đi, mỗi nơi tự địa đều quán trong Tâm, cho nên việc tu hạnh thành 16 tầng lớp, sâu cạn chẳng đồng nhau.” Người muốn tu hạnh Mạn-đà-la muốn nhập Mạn-đà-la thì phải quán chiếu từng bước một. Đâu phải muốn nhập là nhập, đâu phải chỉ cần trì chú là được! Cho nên thường những bậc Sơ Cơ, Sơ Căn thì không thâm thấu đượcvấn đề này. Các con phải lưu ý, khi con đã nắm bắt được vững giáo trình, cũng giống như lộ trình hay bản đồ rồi thì muốn tu gì cũng được. Nhưng muốn tu gì thì cũng phải nhập vào Quả vị Thánh đầu tiên (Tu Đà Hoàn) rồi sau đó mới dụng công. Cho nên bây giờ, đa phần những người tu Tịnh Độ và Mật Thừa bị mất căn bản. Ngày xưa chư Tổ dạy rất kỹ lưỡng và dứt khoát. Đệ Tử nếu không hành theo đúng pháp thì lập tức đuổi đi ngay, chứ không phải như mình bây giờ. Người ta đào tạo như vậy là đào tạo những bậc tu chứng, chứ khôngphải đào tạo những kẻ phàm phu hại Phật Giáo.  Riềng mối để chứng Đạo, Thể nhập Mạn-đà-la Thành tựu Tam Mật Tương Ưng, Thầy vừa nói chính trong Kinh Đại Nhật, là bộ Kinh  chánh yếu nhất của Mật Thừa, các con cần phải lưu ý. 



Sư Cô Huệ Nghiêm đánh máy dựa trên nội dung Sư Phụ Long Viễn trùng tuyên cho đại chúng ngày 08/06/2018 về Thiện Xảo Tu Thiền, Hồng Tuyến xin kính trích và lưu vì thấy diệu Pháp cực kỳ trọng yếu!Cảm niệm công đức Sư Cô rất nhiều ! 

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

          Vô Sanh
        ----------- ---------
Tâm sanh Pháp sanh
Tâm diệt Pháp diệt
Liễu Tâm sanh- diệt
Vô sanh .
-- Thích Long Viễn --




Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018


 ಋ--Kinh Nhất Dạ Hiền Giả --
Bài Kinh NHẤT DẠ HIỀN GIẢ là căn bản của Phạm Hạnh.
Nếu như một Thánh đệ tử của Như Lai chưa học thuộc Nhất Dạ Hiền Giả, chưa hành trì Nhất Dạ Hiền Giả thì chưa phải là người thật tu theo Phạm Hạnh.Tôi sẽ vì các vị mà nói lên ý nghĩa của bài Kinh Nhất Dạ Hiền Giả.

Quá Khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng,

Quá Khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến.



Chỉ có Pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây,

Không động không rung chuyển,

Biết vậy, nên tu tập.



Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được.

Với đại quân thân chết.



Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.”



Ngày xưa, khi các bậc Thánh Tăng tuyên thuyết về Kinh Nhất Dạ Hiền Giả thì mỗi vị đều tuyên thuyết theo sở ngộ, sở chứng của mình sau đó trình kiến giải lên Đức Thế Tôn và được ấn khả. Như vậy, ngày hôm nay, tôi cũng trình bày khái quát ý nghĩa của bài kệ này.

“Quá Khứ không truy tìm”. Cái gì là Quá Khứ?_ Là Sắc ở Quá Khứ, Thọ ở Quá Khứ, Tưởng ở Quá Khứ, Hành ở Quá Khứ, và Thức ở Quá Khứ. Thế thì cái gì là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thứccủa chúng ta trong Quá Khứ?_Phàm Pháp gì đã qua, đã đoạn tận, đã chấm dứt, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thứcở trong Quá Khứ. Đó gọi là Pháp Quá Khứ.

Cái gì là Pháp Hiện Tại?_Đó là Sắc trong Hiện Tại, Thọ, Tưởng, Hành, Thức trong Hiện Tại. Hiện Tại là gì?_Hiện Tại là những pháp đang lưu chuyển, đang tồn tại, đang sở trú, đang hướng đến.

Cái gì là “ước vọng tương lai”? _Tức là Sắc của tôi như thế trong Tương Lai, Thọ, Tưởng, Hành, Thức của tôi như thế trong Tương Lai. Phàm Pháp gì liên hệ đến nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hướng đến tương lai, cầu mong, ước muốn, khát khao, chấp thủ thì đây gọi là Pháp của Tương Lai.

Như vậy, Quá Khứ đã qua rồi, Hiện Tại đang trôi không dừng.Cái gọi là Hiện Tại đây cũng là giả định bởi vì cái gọi là Hiện Tại là một dòng chảy liên tục. Nói Hiện Tại nhưng nó đã thuộc về Quá Khứ, ước vọng thì đang trôi chảy đến Tương Lai. Nhưng Quá Khứ, Hiện Tại, Tương Lai là một vòng xoắn ốc. Cho nên nếu Hành Giả “truy tìm Quá Khứ”, “ước vọng Tương Lai” mà không Chánh Niệm Tỉnh Giáctrong “Hiện Tại Lạc Trú” thì như thế không phải là người có Chánh Niệm Tỉnh Giác, không phải là người đang tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định hướng đến ly tham, đoạn diệt, thắng trí, Giác Ngộ và Niết Bàn. Cho nên, phàm cái gì đã qua, qua rồi! Nó không phải của Ta, không phải là Ta, không phải là TNgã của Ta. Sắc ở Quá Khứ, Thọ, Tưởng, Hành, Thức ở Quá Khứ đã qua, đã đoạn tận, đã chấm dứt. Nó không có cái gì là của Ta, là Ta, là TNgã của Ta. Thế thì ai chấp thủ ‘Tôi là’ và ‘cái gì là Tôi’? Cho nên, ngay Hiện Tại hãy buông xuống, xả ly, hướng đến đến ly tham, hướng đến thắng trí, hướng đến Giác Ngộ và Niết Bàn. Hãy an trú ngay đây, Chánh Niệm và hiện tại tu tập theo Thân Hành Niệm hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, thắng trí, Giác Ngộ và thành tựu tối thượng Phạm Hạnh.Như thế thì gọi là một hành giả an trú trongHiện Tại Bất Động Tâm, Vô Lậu Trí và chứng ngộ Bất Động Định. Rồi khi ở trong Hiện Tại đây thì‘cái gì của Tôi, cái gì là Tôi, cái gì là TNgã của Tôi?_ Bảo là an trú trong Hiện Tại, nhưng thực chất cũng không có Hiện Tại để an trú,  bởi vì lúc nãy tôi đã nói rằng Hiện Tại chỉ là một dòng chảy tương tục của ý thức chấp thủ pháp” mà thôi! Vậy nên, khi biết rõ rằng Tâm không thật thì Pháp cũng không thật. Mà Tâm và Pháp đều không thật thì ‘cái gì là Tôi’, ‘cái gì Tôi là”? Vì vậy mà đoạn hẳn, dứt trừ, viễn ly, buông xuống, ly tham  ‘Tôi là’, ‘là Tôi’. Khi không còn ‘Tôi là’, ‘không có cái gì là Tôi’ thì đạt được Vô Ngã đối với tất cả các Pháp. Đây gọi là Hành Giả an trú trong Hiện Tại với Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

Cho nên ‘Quá Khứ không truy tìm như thế’, ‘Tương Lai không ước vọng như thế’, “Quá Khứ đã đoạn tận” như thế, “Tương Lai lại chưa đến” như thế, “chỉ có Pháp Hiện Tại, Tuệ Quán chính ở đây” là như thế. Cho nên, khi các Vị buông xuống tất cả tình chấp phân biệt của Quá Khứ, của Bản Ngã, an trú trong Hiện Tại hướng đến ly tham, thắng trí, Giác Ngộ và Niết Bàn; buông xuống ý niệm chấp thủ mình đang an trú, an trụ trong Thân Hành Niệm với Tuệ Giác Vô Lậu như thế thì Tương Lai cũng ‘không có cái gì là Tôi’, buông xuống tất cả Ngũ Uẩn của Tương Lai. Khi một Hành Giả đã “không truy tìm Quá Khứ, không ước vọng Tương Lai” an trú trong Chánh Niệm Tỉnh Giác như thế thì ‘Sắc của tôi biến đổi’, ‘Thọ, Tưởng, Hành, Thức của tôi biến đổi’, thì cái biến đổi đó không phải ‘là Tôi’, không phải ‘Tôi là’, cho nên không có cái gì ‘là Tôi’, cũng không có cái gì ‘Tôi là’. Đoạn hẳn ‘Tôi là’, ‘là Tôi’ thì ngay đó chúng ta Giác Ngộ, chúng ta thành tựu tối thượng Phạm Hạnh.

Ở đây, bài kệ Nhất Dạ Hiền Giả ý nói gì?_Chính muốn cho ta biết rằng Ngũ Uẩn này không thật, nó là vô thường, là duyên sinh, giả hợp, là tạm bợ, là một kẻ hủy hoại, một kẻ với bàn tay Vô Thường tàn khóc. Nó ‘không phải của Tôi, không phải là Tôi, không phải là tự ngã của Tôi’. Cho nên phàm những Sắc gì, Thọ, Tưởng, Hành, Thức gì đã qua, qua rồi! Khi buông xuống cái đã qua, an trú trong cái Hiện Tại hướng đến ly tham, hướng đến thắng trí, hướng đến Giác Ngộ và Niết Bàn, nhìn tất cả mọi sự, mọi vật với ý niệm xả ly, không chấp thủ Tương Lai, không mong cầu Tương Lai, buông xuống tình chấp của Quá Khứ, an trụ trong Hiện Tại thì như thế gọi là ‘Một Bậc Hiền’, ‘một bậc Thánh’ trong Pháp và Luật này.

Nếu không hiểu như thế, không liễu tri như thế thì chưa phải là một Hành Giả nhập Đạo và còn cách xa Pháp và Luật này. Cho nên Đức Thế Tôn đã dạy:

Quá Khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng,

Quá Khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến.



Chỉ có Pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây,

Không động không rung chuyển,

Biết vậy, nên tu tập.



Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được.

Với đại quân thân chết.



Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.”

Các vị có thấy, khi một Hành Giả dụng công tiến tu thì sao? _Thì phải thực hành Phạm Hạnh của ‘một bậc Thánh’. Mà Phạm Hạnh của ‘một bậc Thánh’ là gì?_Là “trầm lặng”, là “an tịnh”.  Và chỉ có ‘trầm lặng’, chỉ có ‘an tịnh’, chỉ có ‘độc cư’ thì chúng ta mới thành tựu được Phạm Hạnh này. ‘Cái chết’ thì không hẹn mà đến, nhất định nó phải đến. Nó đến ngay bây giờ, ngay đây, Bây Giờ và Hiện Tại này! Cái mà chúng ta giả gọi Hiện Tại cũng đang chết dần, không tồn tại vĩnh cửu. Sắc đang biến hoại, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đang biến hoại. Như thế thì cái gì là Hiện Tại, cái gì là Quá Khứ và cái gì là Tương Lai?_Cái gọi là Quá Khứ, Hiện Tại, Tương Lai thật ra chỉ là những khái niệm của Tâm Thức phân biệt, giả định mà thôi. Cho nên khi hiểu rằng ‘Tâm vốn Không’, vậy thì ‘Ngã’ có không, ‘Thân’ có không? Tâm chấp trụ vào Thân, nó cho rằng cái Thân này ‘là của Ta, là Ta, là Tự Ngã của Ta’. Nên một khi Thân biến hoại thì Tâm sẽ sầu, bi, khổ, ưu, não. Bây giờ liễu tri Tâm là một khái niệm, là vọng tưởng, là vô thường, là không thật, buông xuống tình chấp phân biệt về Tâm, về Ý, về Thức. Thế thì cái gì gọi là Tâm, cái gì gọi là Thân, cái gì gọi là Ý, cái gì gọi là Thức?_Không có cái gì gọi là Tâm, Ý, Thức và Thân cả. Liễu tri được như thế thì chứng ngộ được Ngã Không và Pháp Không, thành tựu một ‘Bậc Hiền’, an trụ trầm lặng ngay đây, và thành tựu Tối thượng Phạm Hạnh này.

Cho nên tôi hy vọng các vị y vào Thánh Pháp mà hành trì, nhất định sẽ đạt được chơn an lạc. Nguyện cầu cho tất cả các vị thủ hộ Chánh Pháp, Chánh Pháp trường tồn và con mắt của Trời, Người không bao giờ nhắm lại.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

{Huệ Nghiêm đánh máy dựa trên buổi Trùng Tuyên Kinh Nhất Dạ Hiền Giả của Sư Phụ Long Viễn cho đại chúng trong khi tọa thiền dưới lòng sông Ni Liên Thiền, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ khuya ngày 01, rạng sáng ngày 02/02/2018.    

Nội dung được soạn thảo với mục đích lưu hành nội bộ, kết tập làm cơ sở Pháp Hành cho Quý Tăng Ni chùa Phật Đảnh Bảo Vương. Mọi sai sót nếu có là do lỗi của người kết tập, xin được sám hối trước Thầy Tổ và chư Phật.

Nguyện hồi hướng trọn thiện đức có được đến niềm hạnh phúc và an lạc tối thượng của tất thảy hữu tình.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.}