Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

 ಈ-- TRỜI VIỄN MỘNG --


Anh đi trong gió bạc đầu
Thương em chìm đắm bể dâu đời đời
Quê người lặng hụp chơi vơi
Tìm trong sanh tử nụ cười phôi pha.

Trời đông rớt ánh trăng tà
Ru em vào mộng ái hà thiên thu
Trăm năm một kiếp phù du
Hàng mi điểm trắng mây mù bóng sương.

Môi em thắm ướt bụi đường
Sầu bi khổ não canh trường hoang man
Anh đi đôi mắt mơ màng
Hai hàng lệ điểm trường giang sóng dài.

Miên man anh bước đợi ai
Tìm trong biển mặn dấu hài em qua 
Chân anh dặm nát Ta Bà
Tình anh biến khắp hà sa cõi trần.

Mười phương hóa hiện chân thân
Đại hùng hóa kiếp hồng trần phàm ngu
Bi tâm biến mãn thái hư
Kim Tích khai mở ngục tù trần gian.

Minh Châu dạ chiếu hào quang
Soi đường em bước vượt ngang luân hồi
Bên anh tình mãi lên ngôi
Viên chứng Diệu Giác (*) em thời Vô Sanh (**).

Vô Sanh hiện tướng Hữu Sanh
Cùng anh tiếp độ chúng sanh can cường
Về đi em hỡi đêm trường
Mắt mờ viễn mộng sầu vương ngút ngàn.

Tình anh nhuốm trắng thời gian 
Tim anh rỉ máu hai hàng mi cay
Tàn canh mộng đổ đêm nay 
U Minh lan tỏa giờ này em đâu ?

                                                               Đà Lạt 18/9/2018
                                 __۞  Thích Long Viễn ۞ೋ__




  Ghi Chú:



(*)
Diệu Giác:  Tự giác ngộ chính mình, làm cho người khác giác ngộ, sự giác ngộ và hạnh nguyện tròn đầy, không thể nghĩ bàn, đó gọi là Diệu Giác; tức là quả vị Phật vô thượng chánh giác; là một trong 52 hay 42 giai vị tu hành của Bồ Tát Đại Thừa; còn gọi là Diệu Giác Địa.

(**) 
Vô Sanh: Vô Sanh đồng nghĩa với Niết Bàn, tâm đã không còn sanh diệt nữa như như bất động đối với vạn pháp; không còn sanh tử luân hồi. Là một trong 3 nghĩa của A La Hán là Sát Tặc (Giết giặc phiền não), Vô Sanh và Ứng Cúng (Xứng đáng cho trời người cúng dường)


Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

 XIN MỘT KHẮC...
         HỒI QUANG TỈNH THỨC !

Từ vô thỉ lênh đênh bao kiếp sống
Mộng trùng dương Ái nghiệp kết luân hồi
Linh thể chìm, Vô Minh hóa ngàn khơi
Sóng trôi dạt hóa thân thành cát bụi.

Nhìn vạn hữu trong U Minh thế giới
Say men tình đôi mắt nói lời yêu
Gom đắm say vào Ngã chấp thật nhiều
Xây thành mộng trong thiên đường tình ái.

Hương Dục thắm ru lòng vào mãi mãi
Cõi huyền mơ ngọt lịm Ý xuân nồng
Tình lên ngôi chợt bỗng hóa hư không
Sanh- Trụ- Diệt luật Vô Thường hiển hiện.

Luân hồi tiếp hồn tái sanh triển chuyển
Đọa đầy nào nói hết khổ cho cam
Tình là gì? Ái diệt chính Niết Bàn
Xin một khắc hồi quang trong Tỉnh Thức !
                                                    Đà Lạt 17/9/2018                                                      
                                                    __۞ Thích Long Viễn ۞ೋ__








Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Ngũ Thủ Uẩn :



CHIẾU KIẾN NGŨ THỦ UẨN VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ
( Phần VIII - Phần kết)
 ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ•ೋ•

Các thầy Tỳ-kheo nói: “Người này tự biết vô ngã dễ được đắc độ!” Và nói với ông ấy rằng: “Thân ông từ xưa đến nay luôn luôn tự vô ngã, chẳng phải ngày nay mới như thế. Chỉ do tứ đại hội hợp chấp làm thân ta!”. Rồi chư Tăng độ ông ấy vào Đạo, ông ta liền dứt các phiền não đắc quả A La Hán. Đây là do tuệ tri được Vô ngã mà đắc đạo vậy.
Khi thấy Ngũ uẩn vốn không, chỉ là duyên hợp giả tạm gọi là thân, có thân đây mà không trụ, không chấp bất kỳ một vật gì trên đời, thế thì Sanh Tử và Niết-bàn có gì khác biệt? Thắng tri cùng tột lý ấy thì gọi là Vô sanh, cũng gọi là Ứng cúng, cũng gọi là Sát tặc vậy.
Thậm chí cả đến thân kim cương sắc vàng vi diệu đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp bất khả tư nghì của Như Lai cũng từ nhân duyên mà sanh, trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Phầm Đàm Vô Kiệt thứ 28, Đức Phật dạy:
“Này thiện nam!Thân các Đức Như Lai cũng vậy, không có pháp quyết định. Chẳng từ mười phương đến, cũng chẳng vô nhân mà có; do quả báo của bốn hạnh sanh, các duyên hội hợp thì có, các duyên diệt mất thì không. Này thiện nam! Ví như tiếng đàn không hầu, không từ đâu lại, đi không chỗ đến; thuộc về các nhân duyên có dây, có trục, có người lấy tay đánh nó, các duyên hội hợp thì có tiếng đàn. Tiếng này không từ dây ra, từ trục ra, hay từ tay ra, các duyên hội hợp thì có tiếng mà không từ đâu tới, các duyên tan rã thì diệt mất mà không chỗ đến.”
Ấy nên muốn biết thân Như Lai, sở hành của Như Lai thì phải quán tướng đi đến của các Đức Như Lai như thế, các pháp tướng cũng quán như vậy. Khi thấy rõ thân tướng của các Đức Như Lai và tất cả pháp không đi, không đến, không sanh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác như vậy, liền liễu đạt phương tiện Bát Nhã Ba La Mật mà chứng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phật giáo không chú trọng ở chỗ ngôn thuyết giáo tướng mà chú trọng ở chỗ chân thật tu chứng. Cũng như Đạo là phải hành, không hành thì không gọi là Đạo; Đức do Tu không Tu thì Đức sao thành? Nhưng muốn Chánh Tu để viên mãn Thánh Đức tối thượng, trở thành bậc Thầy của Trời Người, bậc mô phạm cho tất cả chúng sanh, đấng Cha lành của mười phương pháp giới thì không gì hơn là chiếu kiến Ngũ thủ uẩn!
Chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa lời tuyên bố giác ngộ hoàn toàn với kinh nghiệm hiện thân thọ chứng của Như Lai, cũng là lời thọ ký cho tất cả chúng ta khi hành thâm chiếu kiến Ngũ uẩn:
Này các Tỳ-kheo, cho đến khi nào đối với Năm thủ uẩn này, Ta chưa như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỳ-kheo, Ta không tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên, đối với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.
Nhưng này các Tỳ-kheo, khi nào đối với Năm thủ uẩn này, Ta như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỳ-kheo y, Ta tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên, đối với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và tri kiến như sau khởi lên nơi Ta: “Tâm ta giải thoát, bất động. Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa!”
(Kinh Tương Ưng Bộ III)
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không liền viên mãn cứu cánh Bồ Đề với tâm giải thoát, bất động; cũng đồng nghĩa với thành tựu và chứng đạt Giới tối thượng vậy. Giới Đức Phật dạy thuộc về nội giới, ngoại giới gồm:
     + Thân hành thiện,
     + Khẩu hành thiện,
     + Ý hành thiện.
Nếu chúng ta muốn Thân, Khẩu, Ý cực thiện không phạm những lỗi nhỏ nhặt, tức là không phá Giới, bẻ vụn Giới thì phải biết Pháp và tùy Pháp hành.Nghĩa là trên Ngũ thủ uẩn tu Sáuxúc xứ, dùng Như lý tác ý để ngăn ác - diệt ác pháp làm sanh thiện – tăng trưởng thiện pháp, câu hữu với quán tri theo bốn chuyển, tức là biết như thật sự Tập khởi, Vị ngọt, Snguy hiểm và sự Xuất ly của Ngũ thủ uẩn. Nói cho dễ hiểu là khi ta dụng công tuChánh NiệmTỉnh Giác Định một cách liên tục với Như lý tác ý về Ngũ uẩn theo bốn chuyển câu hữu với Tứ chánh cần, thì tự nhiên sẽ thâu nhiếp được Thân, Khẩu, Ý bên trong, từ đó tất cả thiện pháp phát sanh, ác pháp không còn cơ hội xâm chiếm tâm ta và an trú nữa. Như vậy mới có thể thànhtựu Thánh Giới Uẩn hay viên mãn cứu cánh Phạm Hạnh vậy! Trong Kinh Tiểu Bộ, Đức Phật từng nói:
“Giới là đạo cam lồ
Phóng dật là đường chết
Không phóng dật không chết
Mất đạo là mất mình”
Hãy tự răn đe mình mà tiến tu Phạm Hạnh, đừng để ân hận, đừng để hối tiếc về sau, chớ đi lạc đường, đừng nhảy vào vực thẳm!
 ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•

CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ do Đại Đức Thích Long Viễn lược giảng




ಝ--- VÔ SỰ ---

Người về trong mộng gót phiêu linh
Dang tay vẫy gọi dệt sợi tình
Môi ấm hồn say duyên tình ý
Cạn hết ly bôi: Ta với Mình !
***
Người đi theo dấu ánh ban mai
Khuất nẻo xa xăm, không dấu hài
Bước bước chân tan vào pháp giới
Phổ hiện Tỳ Lô hóa Như Lai.
***
Không đến không đi người về đâu ?
Không cấu không tịnh ai cơ cầu ?
Không sanh không diệt ai sanh tử ?
Không tăng không giảm ai lụy sầu ?
***
Nhất niệm quy nguyên: Chớ hỏi Thiền !
Quy sơn ẩn bóng: Bậc Đại Tiên !
Mộng dài ai tỉnh? Ta vô sự !
Vô sự vì ta là Kẻ Điên ! 

  __۞ Thích Long Viễn ۞ೋ__










Ngũ Thủ Uẩn


CHIẾU KIẾN NGŨ THỦ UẨN VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ
( Phần VII )
 ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ•ೋ•
Đối với Năm Thủ Uẩn phải quán chiếu như vậy. Chánh tư duy, Chánh niệm quán chiếu liên tục, trong khi thực hành quán chiếu phải y viễn ly, y ly tham, y diệt tận mới có thể quán chiếu thành tựu Ngũ uẩn giai không viên chứng cứu cánh Phạm hạnh được.
 Một điều chúng ta cần hết sức lưu tâm là muốn tu bất kỳ Pháp gì thì trước tiên phải y viễn ly, y ly tham, y diệt tận mới có thể tu chứng được.
Trong Kinh Tương Ưng III, Ngài Xá Lợi Phất từng dạy rằng:
“Này Hiền giả Kotthika, Tỳ-kheo giữ giới cần phải Như lý tác ý về Năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ hủy hoại, rỗng không, vô ngã.”
Nếu vị Tỳ-kheo giữ giới dùng pháp Như lý tác ý mà tác ý về Ngũ thủ uẩn như vậy sẽ chứng từ quả Thánh Nhập lưu đến quả Thánh Nhất lai, từ quả Thánh Nhất lai sẽ chứng được quả Thánh Bất lai, từ quả Thánh Bất lai sẽ chứng được quả vị A-la-hán. Cho nên tôi hay khuyên quý vị hãy dùng câu này mà trạch Pháp, cũng dùng câu này làm  Pháp hướng để nhắc tâm, khi mức độ thiền quán thâm sâu dần dần chúng ta sẽ đoạn tận tham, diệt tận dục tham, xả ly dục tham, mới đạt được thắng trí, giác ngộ và Niết-bàn.
Như thế chúng ta đã tìm hiểu và phân tích một cách khái quát về Ngũ uẩn theo bốn chuyển, bản chất của nó vốn là “Không”, chỉ do duyên sinh giả hợp nên tạm gọi là “Có”, khi duyên tan biến thì thân Ngũ uẩn này ở đâu?
Xưa có một người đi sứ phương xa, dọc đường tạm trú trong một ngôi nhà hoang. Nửa đêm có một con Quỷ vác một người chết quăng trước ông ta. Phía sau có một con Quỷ đuổi theo mắng con quỷ trước: “Người chết này của ta sao mi vác đi!” Mỗi con Quỷ nắm một tay tranh giành. Con Quỷ trước nói: “Ở đây có người thì phải hỏi xem người chết này do ai vác đến!” Người ấy nghĩ rằng: “Hai con Quỷ này sức rất mạnh, nếu mình nói thật cũng chết, nói dối cũng chết. Cả hai cách đều chẳng thoát chết thì nói dối làm gì!” Rồi nói: “Do con Quỷ trước vác đến!”.  Con Quỷ sau giận dữ nắm cánh tay người đi sứ bẻ quăng xuống đất, con Quỷ trước lấy cánh tay của người chết lắp ngay vào chỗ đó. Như vậy hai chân, đầu, mình đều bị bẻ rời và cũng được lấy các bộ phận của thân người chết lắp vào chỗ cũ. Lúc ấy, hai con Quỷ cùng ăn thịt thân người bị đổi, ăn xong quẹt miệng bỏ đi.
Người ấy suy nghĩ: “Cha mẹ ta sanh ra thân ta, chính mắt ta thấy hai con quỷ ăn hết, nay thân của ta đều là máu thịt của thân người khác. Vậy ta nay quyết chắc là có thân hay là không? Nếu có thì là thân người khác, nếu không thì hiện nay đang rõ ràng có thân”. Suy nghĩ xong tâm người ấy hoang mang ví như người điên, ngày mai tìm đường ra đi. Ông đi đến một nước kia thấy có tháp Phật và chúng Tăng, ông không hỏi việc gì khác, chỉ hỏi thân mình là có hay không? Các thầy Tỳ-kheo hỏi: “Ông là người nào?” Đáp: “Tôi cũng không biết mình là người hay phi nhân!”. Bèn thuật lại cho chúng Tăng biết việc kể trên.
 ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•ೋ• ೋ• ೋ• ೋ•
CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ do Đại Đức Thích Long Viễn lược giảng