Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Vườn Thơ Phật Giáo:

 __TRONG BÓNG NGƯỜI ĐI__
 (Kính dâng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni)

Sương lạnh trời đông gió giao mùa
Khói mờ lấp kín ánh song thưa
Trời ơi, giá rét đau tim cắt!
Một áng mây buồn vọng hương đưa...

Cô phòng hiu hắt bóng đơn côi
Lòng đau muôn thuở cháy rạng ngời
Trong khoảng trăm năm, ngàn năm nữa...
Vô thường gió cuốn lệ băng rơi...

Lệ rơi hôn nhẹ xuống đôi môi
Phong kín tương tư tống biệt rồi
Pha loãng sương mù dâng tuệ chiếu
Đạp bằng biển ái thuyền êm trôi...

Lạy Đấng Cha Lành khắp muôn phương
Lòng con chỉ một... chỉ một đường
Đại tâm hùng khởi Tam thiên phá
Ấm lại tình nồng điệu quê hương.

Con nhớ...năm nào chân bước chân...
Người đi.. bóng đổ xuống thật gần
Con hôn màu nắng soi vạn lý
Trong bóng người đi...lệ băng tâm.

Ta Bà con đến... lệ hằng rơi...
Lạnh quá đêm nay, không bóng người
Tương tư con đốt cho tình ấm
Nguyện mãi dâng Người: Đại Tâm thôi!

Đại Tâm nguyện độ hết Nhân Thiên
Phân thân biến khắp, hóa trăm miền
Tam Thân thể nhập, song linh chiếu
Phật quả đăng ngôi phá ác triền!

        Ấn Độ khuya 28/12/2019
          ೋ -Thích Long Viễn-










Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Lời Vàng Thầy Dạy:

Tinh Túy Đạo Lộ Kim Cương Thừa

Hỏi: 
Kính bạch Thầy! Nguyện xin Thầy từ bi chỉ rõ đạo lộ thành tựu Phật quả ngay trong đời này với Kim Cương Thừa, một cách cốt lõi vắn tắt nhất, đầy đủ nhất và sâu sắc nhất được không? Kính bạch Thầy!

Đáp: 
Anh hãy lắng nghe, suy nghĩ, khéo tác ý và ghi vào tâm. Tôi sẽ vì anh mà chỉ rõ đạo lộ đi đến thành tựu Phật quả với Kim Cương Thừa, đúng như tâm nguyện của anh:

Điểm cốt lõi của việc thực hành Kim Cương Thừa là Quán Đảnh và tu tập đúng Nghi Quỹ.

Quán Đảnh và tu tập đúng Nghi Quỹ có nghĩa lý gì khi không nhận được giáo lý khẩu truyền?

Giáo lý khẩu truyền có nghĩa lý gì khi không biết được thực tướng của Chân Ngôn?

Thực tướng củaChân Ngôn có nghĩa lý gì khi không phát triển Bồ Đề Tâm?

Bồ Đề Tâm có nghĩa lý gì khi không khai triển lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh?

Lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh có nghĩa lý gì khi không thấy Duyên Sinh của các Pháp?

Duyên  sinh của các Pháp có nghĩa lý gì khi không nhận diện được bản chất của Tâm?

Bản chất của Tâm có nghĩa lý gì khi không thấy được vô sai biệt giữa "bây giờ" và "lúc ấy"?

"Bây giờ" và "lúc ấy" có nghĩa lý gì khi thấy Tâm và Tánh không giống nhau?

Tâm và Tánh có nghĩa lý gì khi không liễu ngộ phiền não tức Bồ Đề?

Phiền não tức Bồ Đề có nghĩa lý gì khi không kiện toàn Sắc Tướng Diệu Thân?

Sắc Tướng Diệu Thân có nghĩa lý gì khi không được bậc Đạo Sư Gia Trì?

Bậc Đạo Sư Gia Trì có nghĩa lý gì khi khi không thể nhập Đại Man-da-la Tâm Địa Kim Cương Bí Yếu của chư vị Bổn Tôn?

Đại Man-da-la Tâm Địa Kim Cương Bí Yếu của chư vị Bổn Tôn có nghĩa lý gì khi không đạt đến Tam Mật Tương Ưng?

(Trích Pháp ngữ khai thị của Sư Phụ Long Viễn về Kim Cương Thừa)

                                                                                 -Thích Long Viễn-












Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Thơ Tịnh Độ:

QUÊ HƯƠNG TRONG HUYẾT LỆ
 (Kính dâng Từ Phụ Di Đà và Liên Trì Thánh Chúng)

Con đi lạnh buốt thân gầy
Quê hương khuất bóng đêm ngày nhớ mong
Tình trong nguyện hải mắt trông
Phù sinh đại mộng lệ lòng máu rơi
Tim con băng giá chơi vơi
Tủi thân vô trí bời bời ruột gan
Đêm đêm con khóc ai màn?
Bước chân cô lẻ nhân gian một mình!
Hãi hùng cuộc thế nhân sinh
Vô Thường đắp đổi bóng hình là đâu?
Thuyền ai vượt sóng ngàn sâu?
Cùng trong cõi Mộng ái sầu Nghiệp duyên!
Vô minh khói phủ Tam Thiên
Phật ơi! Tóc trắng trăm miền con đau!
Mưa rơi từng giọt đan sầu
Mưa rơi lạnh quá xuyên màu không gian!
Tình ai đẫm giấc mơ màng
Tình con vượt sóng Trường Giang hải hà!
Tình ai khóc nỗi chia xa
Tình con lấp kín Ta Bà muôn năm!
Tàn canh mưa đổ âm thầm
Tàn canh lệ nhuốm máu đầm bóng đêm
Đèn khuya hiu hắt trong đêm
Đèn soi nẻo giác qua miền tử sanh?
Đèn rơi ánh sáng mong manh
Đèn không giá lại vết lòng bi thương?
Hồng trần lắm nỗi đoạn trường
Trần hoàn con quyết dọn đường chúng sanh
Dù cho thân vỡ tan tành!
Dù cho lệ máu không ngừng chảy tuôn!
Dù cho sanh chúng can cường!
Dù cho ngũ trược vết thương sâu dần!
Dù cho lòng vỡ muôn phần!
Dù cho con chết nghìn lần không khuây!
Phật ơi! Lạnh quá đêm này!
Phật ơi! Huyết lệ thiêu gầy thân con!
Phật ơi! Đau quá... lòng con...!
Phật ơi! Con nhớ...mỏi mòn tháng năm...!
Ngày đi... Ai tiễn bước chân...?
Giờ đây lệ máu đong đầy bóng đêm...!

                                                            Ấn Độ khuya ngày 19/12/2019
                                                               -Thích Long Viễn-










Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Thơ Thiền:

    ಝ---MANI DIỆU ÂM---ಝ

Cởi y da trắng lộ mười phần
Sáng chiếu trong ngần ngọc kim thân
Ánh hồng bụi cát không dính được
Hương thoảng gió đùa gảy Diệu Âm.


                  Ấn Độ khuya ngày 16/12/2019
                                           -Thích Long Viễn-





Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Vườn Thơ Phật Giáo:


ಝ---NHỚ MỘT VẦNG TRĂNG---ಝ
     (Vạn cổ trăng buồn vương lệ điểm)
Con nhẹ đi trong bước chân tỉnh giác
Nghe hai thời vang vọng tiếng dư âm
Chân bước chân, bóng đổ bóng âm thầm
Heo mây cuốn ánh trăng buồn lạnh quá!

Trăng sáng tỏ nhưng sao trăng xa lạ
Một vầng trăng in bóng dáng Như Lai
Một vầng trăng soi chiếu bóng con dài
Vầng trăng khóc, lệ băng lòng dâng sóng.

Đêm mạt pháp, đêm buồn trong sâu thẳm
Gió tám phương se lạnh dáng con gầy
Một mình con sóng cuộn lạnh qua tay
Người đông đúc mà riêng mình con bước...

Con đã đến trong màu đen ngũ trược
Nghe lạc loài không một tiếng tri âm
Nguyện xông pha với gươm sáng Đại Tâm
Cứu sanh chúng: Báo đền Phật ân đức

“Nhân sinh như đại mộng
Ái kết nghiệp ba tùy
Hỷ- tham: Cầu dục lạc
Tam giới khổ hà tri?”

Ôi hạnh phúc, bao lần quỳ con khóc
Nhớ thương Người, nuôi hạnh lớn thêm sâu
Ánh trăng rơi trong đáy mắt u sầu
Bờ Đại Giác, xin Người chờ con đến!

                                 Ấn Độ ngày 10/12/2019
                                      (15/11/ Kỷ Hợi)
                              -Thích Long Viễn-







Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Lời Vàng Thầy Dạy:

NGÓN TAY CHỈ VÀO TÂM

Chiều hôm ấy, khi ánh thái dương dần khuất sau rặng núi xanh, gió mát từ biển thổi về cuốn theo những chiếc lá bay vào không trung và rơi rụng vàng cả sân ngôi Già lam; xa xa vẳng lại tiếng súi reo róc rách cùng với tiếng chim muôn về tổ, cảnh tượng đẹp như một bức tranh thiên võng của trời Đế thích vậy. Trong bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên ấy, thấp thoáng hình bóng Sư phụ chống gậy đi dạo núi, theo sau là một chú Sa di, vừa đi chú vừa thưa hỏi:

-Xin Sư Phụ từ bi hãy chỉ dạy cho con làm sao giải thoát ngay bây giờ, được không ạ?
Sư Phụ ngước mắt nhìn những chiếc lá bay theo gió ở trước mắt, Ngài dừng chân lại với ánh mắt hiền từ như một người Cha thân thương, rồi Ngài lấy ngón tay chỉ vào giữa trái tim chú thị giả và nói:
-Con hãy nhìn vào chính mình! Đây, thân này vốn là một kẻ lạ hủy hoại, nó rất mong manh dễ vỡ, không phải là con, là của con hay con không thuộc sở hữu của nó. Tại sao thế? Vì bản chất của thân này là vô thường, chịu sự tan rã, biến hoại và đoạn diệt, con thật sự không làm chủ được nó, nó luôn đi theo tiến trình của sanh, già, bệnh, chết. Khi tứ đại phân ra thì thân này ở đâu? Tâm này cũng không phải của con. Tại sao thế? Vì tâm ý cũng vô thường. Cho nên thân và tâm này chẳng khác chiếc lá rơi kia (Sư Phụ đưa tay chỉ vào chiếc lá đang rơi trước mặt) chiếc lá chỉ là chiếc lá, nó không phải là con, là của con, con không thuộc sở hữu nó. Con hãy buông xuống sự bám chấp nơi thân và tâm này, buông xuống tất cả ngã chấp, ngã mạn, ngã kiến, ngã tùy miên. Ngay đó là giải thoát.

Đoạn, Thầy trò tiếp tục đi dù bước chân đã qua từng bước không quay lại và xa xa những chiếc lá rụng in hình lên những tia nắng cuối cùng; nhưng khuôn mặt chú thị giả vẫn bừng sáng như ánh mặt trời sau cơn mưa u ám. Phải chăng ngón tay Sư phụ đã in vào tâm chú như một pháp Ấn khai mở nguồn tâm, khiến chú nhập vào dòng Đại lạc chăng?
 

  (Hồng Tuyến kính lưu)






Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Lời Vàng Thầy Dạy:

 ಝ---Vạn Pháp Cứ Tùy Duyên---ಝ

Tôi chỉ là một lữ hành du lịch qua Tam giới, tôi không có hộ khẩu thường trú ở đây. Cho nên còn duyên thì ở hết duyên thì đi; vốn KHÔNG- VÔ TƯỚNG- VÔ TÁC bận lòng chi hữu vi, vô vi.

  -Lương Sơn Long Viễn-




Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Lời Vàng Thầy Dạy:

 ಝ---Điểm Cốt Lõi Trong Việc Thực Hành Pháp---ಝ

Điểm cốt lõi khi bạn thực hành Pháp là Bồ Đề Tâm. Nhưng bạn sẽ không thể phát Bồ Đề Tâm nếu bạn không gặp được một bậc Đạo Sư thông tuệ khả ái. Bậc Đạo Sư thông tuệ khả ái bạn không thể gặp được nếu bạn thiếu công đức. Công đức bạn không thể có được nếu bạn không thấy rõ bản chất của Tâm. Bản chất của Tâm bạn không thể thấy được nếu bạn không có tri kiến chánh kiến. Tri kiến chánh kiến bạn không thể đạt được nếu bạn không biết con đường trung đạo, hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm tỉnh giác. Con đường trung đạo bạn không thể minh liễu, các căn bạn không thể thủ hộ, tiết độ trong ăn uống và chú tâm tỉnh giác không thể thành được nếu bạn không giữ gìn và thuần thục trong giới luật của một bậc Thánh. Giới luật của một bậc Thánh sẽ không thể viên mãn nếu bạn không biết Pháp và Tùy Pháp Hành. Pháp và Tùy Pháp Hành bạn không thể thắng tri được nếu bạn không quyết tâm hiến mình cho Chánh Pháp. 
 (Trích lời khai thị của Sư Phụ Long Viễn cho Tăng Chúng trong nội viện)

 -Thích Long Viễn-

 ಝ--- Chứng Nghiệm Sự Giải Thoát---ಝ

   Hãy buông xuống tất cả bạn sẽ đạt được tất cả. Buông xuống thân này bạn sẽ đạt được thân kim cương, buông xuống tâm này bạn sẽ đạt được tâm vô sanh, buông xuống thế gian này bạn sẽ đạt đến cõi tịnh độ của chư Phật !
(Trích lời khai thị của Sư Phụ Long Viễn cho các đệ tử trong nội viện)

 -Thích Long Viễn-





Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

                   CHỨNG THIỀN ĐỊNH
                      (Kinh nghiệm tu tập)

Vào một buổi chiều, có một vị Thầy đến viếng chùa, sau khi chào đón hỏi thăm và đợi khi Phật tử về hết, vị Thầy kia trịnh trọng sửa áo rồi thưa hỏi Sư Phụ về pháp hành Thiền định mình tu đã lâu năm mà không có kết quả. Sư Phụ hoan hỷ trao đổi tri kiến về Pháp hành, cuộc pháp thoại diễn ra như sau:

Hỏi: Nghe nói Thầy đã chứng ngộ Tứ Thánh Định có đúng không?
Sư Phụ đáp: Dạ con chưa từng nói mình chứng ngộ! Nhưng con nói nếu có vấn đề gì trong công phu tu tập quý Thầy có thể hỏi, tùy theo câu hỏi nếu trả lời được con sẽ trả lời!
Hỏi: Thưa thật với Thầy, tôi có một số thắc mắc trong công phu nhưng không biết hỏi ai, không biết Thầy có thể giúp tôi không?
Sư Phụ đáp: Dạ, Thầy có thể tùy nghi mà hỏi, nếu giúp được con sẽ cố gắng!
Hỏi: Tôi dụng công tu Thiền đã nhiều năm nhưng lại không có kết quả, không biết nguyên nhân tại sao?
 Sư Phụ đưa mắt nhìn ra xa một khắc rồi hỏi:
- Thầy có phá Tứ Trọng Giới không?
Vị Thầy kia nghiêm nghị đáp:
- Dạ, không!
Sư Phụ hỏi tiếp:
- Thầy tu Thiền gì?
Vị Thầy kia đáp:
- Thiền Tứ Niệm Xứ!
- Thầy dụng công quán Tứ Niệm Xứ như thế nào?
- Sau khi thọ giới Tỷ Kheo, tôi quyết tâm tu tập để giải quyết sanh tử một đời cho xong, nên tôi đã cố gắng nhập thất và khi ra thất cũng cố gắng giữ gìn chánh niệm, cố gắng quán chiếu trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp như Kinh Tứ Niệm Xứ mà Đức Phật đã dạy; tôi cố gắng ép mình như thế nhưng không biết tại sao càng tu lậu hoặc càng tăng trưởng, có nhiều lúc tôi định xả Giới về lại đời sống thế tục, tâm tôi như ngây như dại, lừ đừ như một cục sắt, tôi rất mệt mỏi.
Sư Phụ bưng ly nước lọc uống một hớp rồi nhìn vị Thầy khả ái kia, nhẹ cất giọng nói:
- Thầy có chí tu tập quyết tâm như thế thật rất hi hữu, con rất vui mừng! Nhưng thật sự Thầy chưa biết Pháp và Tùy Pháp Hành mà Đức Phật đã dạy. Trong bước đầu hành Thiền, Thầy đã chệch hướng, vì chệch hướng nên kết quả không như Thầy mong đợi là đúng rồi! Thầy đã rơi vào ức chế tâm, do tinh tấn thái quá mà tâm sanh ra thụ động mệt mỏi...
Vị Thầy kia trông có vẻ kinh ngạc lắm, mắt mở to nhìn Sư Phụ một hồi rồi hỏi tiếp:
- Xin Thầy chỉ dạy cho!
Sư Phụ ôn tồn bảo:
- Một hành giả muốn tu Thiền có kết quả thì bước đầu dụng công rất quan trọng. Đức Phật dạy: "Hãy tu Thiền với Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có Thiền định của con ngựa chưa thuần thục". Có nghĩa là sau khi điều phục được con ngựa của mình rồi thì mới tu Thiền. Con ngựa của mình là con ngựa gì? Con ngựa chỉ cho Tâm của ta, Tâm rất khó điều phục và chế ngự, nó luôn tích tập các pháp rồi chạy theo các dục quay cuồng, như sáu căn chạy theo sáu trần sanh ra sáu thức, ba pháp này hiệp lại nên có xúc, từ xúc sanh thọ, thọ sanh ái... Cho nên phải điều phục được nó trước rồi mới tu Thiền, điều phục thế nào? Có nghĩa là sau khi thành tựu Giới uẩn tức là thành tựu hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, lúc bấy giờ hành giả mới bắt đầu bước vào giai đoạn chánh tu, như Kinh Trung Bộ I, Đức Phật dạy: "Lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma. lùm cây, ngoài trời. đống rơm. Sau khi đi khất thực và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già. lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt". Khi vị Thánh đệ tử thành tựu Giới uẩn như vậy, lựa chọn một trú xứ độc cư thanh tịnh như vậy, vị ấy thiện xảo an trú chánh niệm trong đề mục thiền của mình để đoạn trừ năm triền cái là: Dục tham, sân, hôn trầm thùy miên, trạo cử hối quá và nghi. Năm triền cái này có khả năng làm uế nhiễm tâm và làm yếu ớt trí tuệ, nó như một sự trói buộc, như gánh nặng... nên phải trừ khử nó để được sáng suốt, trút bỏ gánh nặng xuống, giải thoát khỏi những trói buộc và để trí tuệ được phát triển. Đấy là con chỉ mới nói bước đầu dụng công tiến tu để minh chứng, minh đạt với trí tuệ chánh kiến đúng như pháp mà thôi. Còn trong vấn đề tu tập sẽ gặp rất nhiều ma chướng, con nghĩ Thầy nên tìm cho mình một vị minh Sư đích thực để bào hộ mình và hướng đạo thêm. Bởi vì nếu không thấu được Pháp và Tùy Pháp Hành thì không thể thành tựu Phạm Hạnh được; không biết thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú trong định và thiện xảo xuất định thì không thể nào chứng được chánh định... 
 -----------------------------------
Vị Thầy kia nghe rất chăm chú, nước mắt lưng tròng, cầu thỉnh và nguyện y chỉ nơi Sư Phụ để tham vấn học hỏi trên con đường tu tập, pháp thoại còn nữa nhưng Hồng Tuyến lược trích một đoạn ngắn thôi. Nguyện cầu chánh Pháp luôn tỏa sáng, lợi ích khắp nhân thiên!