Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

 

        THẬT TƯỚNG


Tâm và Pháp xưa nay không có

Liễu Tâm không vạn Pháp cũng không

Thị, phi vứt hết ngoài đồng

Chân Như diệu lý tự thông đạt liền!

                              Đà Lạt 24/08/2020

                         -Thích Long Viễn-











Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

 

TRUYỀN TÂM ẤN


Trình và Vấn:

Tâm con vốn không đến?

Vậy làm sao có đi?

Đến đi là dối gạt?

Phương chi nói cơ Thiền?


Thiền: Vô tâm vô đắc?

Thuyết đắc tức danh đắc?

Không đắc, phi không đắc?

Vậy chứng đắc, đắc gì?


Chứng tức không phải chứng?

Tu tức vô tu tu?

Đã không tu, không chứng?

Vậy tu chứng cái gì?


Truyền và Ấn:

Ngôn ngữ không thể nói

Tâm hành cũng không qua

Truyền con Vô Sở Đắc

Hóa thân độ Ta Bà !


                  Đà Lạt 24/08/2020

                              _Thích Long Viễn_


Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

       ANH THẤY CHĂNG?

Thân thọ sanh từ nơi không tướng

Tâm cũng không, vạn tượng huyễn sanh

Thân, tâm, pháp hiện đành rành

Pháp Thân trước mặt, trình anh Pháp nào?


                                                            Đà Lạt 24/08/2020

                                                      _ Thích Long Viễn _



Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

             XUÂN LIỄU

Xuân đến xuân đi xuân khứ lai
Xuân trong chim hót bóng rơi dài
Tiết xuân thanh nhã ươm nhụy mật
Trời xuân ai liễu mộng xuân khai?

                           Đà Lạt 19/8/2020                   
                    _Thích Long Viễn_



Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

      BẢN LAI DIỆN MỤC


Lặng lẽ trời không không bóng mây

Gương không soi bóng bóng không hình

Trong không rõ chiếu không không đắc

Bản lai diện mục chính là đây?


                                 Đà Lạt 20/8/2020

                         __Thích Long Viễn__





̣̣̣                 Câu chuyện Thầy Trò
                            (Tông Chỉ Pháp Yếu)

̣̣̣Chiều đã về, muôn chim ca hát trong tổ ấm giữa rừng thiêng bao la, chúng đang ca hát hay đang cùng nhau tấu lên bài nhạc Hải Ấn Đốn Viên? Tiếng chim hót ca hòa cùng những chiếc lá rơi khi gió mát từ biển thổi về vọng lại, tiếng lá ngân xuyên qua những tia nắng hồng quang làm ấm lên tình người ở đây, phải chăng đấy là một bức tranh tuyệt diệu đầy màu sắc với âm thanh như Thắng Bỉ Thế Gian Âm, đưa lòng người vào tận cùng biển Diệu Pháp của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na? Hay trong tình thương không bến bờ của Sư Phụ Long Viễn?
Khi ấy Sư Phụ đang ngồi trên ghế có mấy chú tiểu đang vây quanh với quý Thầy cùng ở đấy. Sư Phụ nhẹ ngâm một bài Pháp Cú, âm thanh cất lên nhè nhẹ, trầm ấm, đầy lòng từ bi như góp thêm vào bản Diệu Pháp tuyên lưu không ngừng của Pháp Thân để bạt trừ nghiệp chướng của đệ tử đang vây quanh:
"Thành này làm bằng xương
Quét tô bằng máu thịt
Ở đây già và chết
Bệnh, lừa đảo chất chứa"
Đoạn Sư Phụ quay sang nhìn mấy chú mỉm cười, rồi nhẹ giọng bảo:
-"Các con có hiểu bản chất của thân này qua ý nghĩa của bài Pháp Cú trên không?"
-"Dạ, vâng! Có ạ!" Mấy chú khẽ đáp.
- Uhm! Hãy thường nhớ và tư niệm về nó, các con nhớ nhớ nghen!_ Sư Phụ dạy.
Ngừng một chút rồi Sư Phụ nói tiếp:
-"Phàm người xuất gia học đạo, nếu không có Pháp Hành, không biết Tùy Pháp Hành, không biết đường lối tu học hay tông chỉ tu học của mình thì cũng như kẻ lái thuyền mà không có đích đến, thuyền sẽ trôi dạt lông bông không đi về đâu được cả, chắc chắn khổ đau tiếp nối, vì ngu si vậy!"
- "Kính thưa Sư Phụ, xin Sư Phụ nói cho chúng con biết rõ về tông chỉ của Đức Phật dạy cho người tu, để thành tựu một Thánh Đệ Tử được không ạ?"_ Một vị thầy ở bên cạnh hỏi.
Sư Phụ đáp:
_ "Dĩ nhiên là được! Thầy còn nhớ trong Kinh Trung A hàm, Kinh Mật Hoàn Dụ, khi Đức Phật du hóa Thích-ki-sấu, ở tại Ca-duy-la-vệ.

Bấy giờ sau khi đêm tối qua, vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y ôm bát, rửa tay chân, lấy Ni-sư-đàn vắt lên vai, đi đến rừng trúc trong chùa Thích-ca, rồi Ngài đi vào Đại Lâm đến dưới một gốc cây, trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già.

Khi ấy, Chấp Trượng Thích chống gậy mà đi, sau bữa cơm trưa, ung dung tìm đến chỗ Phật, cùng nhau chào hỏi, chống gậy đứng trước Đức Phật rồi hỏi Đức Thế Tôn rằng:

“Sa-môn Cù-đàm, Ngài lấy gì làm tông chỉ? Và thuyết giảng những pháp gì?”

Đức Thế Tôn đáp:

Này người họ Thích nếu tất cả chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh, tu tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ hối, không đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng. Đó là tông chỉ của Ta. Pháp Ta thuyết giảng cũng như vậy”.

Pháp mà Đức Thế Tôn thi thiết, hiển lộ, khai thị, hiển thị... nếu chúng ta tu học đúng theo tông chỉ của Ngài thì chắc chắn các buộc ràng được cắt đoạn, người người đều tu đúng như thế thì thế gian này chẳng phải là thiên đường, Cực Lạc hay sao? Vì nếu tu đúng thì người với người sống đầy tình thương, không đấu tranh, không siểm khúc, dứt trừ hối, không đắm trước nới các hữu tức là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu, cũng không có tưởng, tâm thức hoàn thanh tịnh, an lạc vô lậu vô vi thì còn phúc lạc nào bằng?... Cho nên các con phải có trách nhiệm truyền bá tông chỉ chánh yếu của Đức Phật đã thi thiết, phải có trách nhiệm với chúng sanh và đạo pháp, nên nhớ: "Muốn cầu thành Phật chỉ biết chúng sanh!". Nên nếu các con quên mình vì hạnh phúc của chúng sanh đó là pháp cúng dường tối thắng nhất dâng lên chư Phật. Hãy vui khi chúng sanh vui, buồn khi chúng sanh buồn, hãy đem nguồn chánh pháp nhãn tạng với tông chỉ này mà hoàn thiện đại bi tâm, đại Bồ Đề tâm của mình, hãy tích lũy phước báo và công đức của mình, đừng bao giờ nhàm chán việc lợi lạc cho chúng sanh, đó cũng tức là các con báo đền Phật ân vậy!"

...

Mọi người nghe Sư Phụ huấn thị xong trong lòng hoan hỷ vô biên, khuôn mặt rạng ngời pháp lạc. Mọi người đều đồng tâm đáp: 

-"Dạ! Sư Phụ yên tâm chúng con sẽ cố gắng làm được ạ!" 

 Dù lời Sư Phụ đã dứt nhưng mãi đồng vọng trong tâm mọi người, đồng vọng vào khu rừng xuyên qua không gian bao la...Nguyện cầu Pháp Luân Thường Chuyển, lợi ích khắp chúng sanh!



Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

                   Bn Pháp Vi Diu

 

Một hôm khi ánh thái dương đã khuất sau rặng núi xanh, cảnh vật như đang mơ màng chìm vào giấc ngủ, thì ở Phật Đảnh Bảo Vương Tự lại bừng sáng bởi hình ảnh của Sư Phụ Long Viễn với vi diệu Pháp âm đang nhắc nhở sách tấn đại chúng tu học, âm thanh vang xa... vang xa như bạt ngàn khắp hư không pháp giới và mỗi diệu âm lại như như tia sáng soi chiếu tận cùng ngõ ngách trong tâm u tối của mọi người nơi đây.. Tôi xin kính cẩn khể thủ lễ lược trích một đoạn ngắn trong bài diệu pháp mà Sư Phụ tuyên lưu, kính nguyện mọi người đều thể nhập bất động tâm, thành tựu và an trụ cảnh giới tối thượng của Phạm Hạnh!

...

Sư Phụ dạy:

 Quý Thầy, quý Cô phải biết: Là một hành giả của Pháp cần phải liễu tri gốc của các Pháp, sự vận hành của nó như thế nào, tổng trì ra sao, tối thượng vi diệu cứu cánh Phạm Hạnh của các pháp là gì?... Nếu không học, không biết, không hành, không chánh quán với trí tuệ về căn bản của pháp thì không thể phát sanh tuệ giác không tịch, không thể đặt gánh nặng xuống, không thể nhổ tận gốc phiền não, không thể diệt trừ khổ ưu, không thể thành tựu chánh trí giác ngộ và Niết Bàn được. Cho nên rất cần phải minh liễu, nay tôi sẽ vì mọi người mà lược nói:  

 - Nếu có người hỏi: Tất cả các pháp lấy gì làm gốc? Phải đáp rằng: Dục là gốc của các pháp, vì sao? Vì các pháp sanh từ dục vậy! Nếu không có dục thì làm gì có yêu và không yêu, làm gì có kiết sử sanh ra để triển chuyển trôi lăn trong ba cõi sáu đường?

 - Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm hòa hiệp? Phải đáp rằng: Xúc là hòa hiệp của các pháp, vì sao? Nếu không có xúc thì căn- trần- thức sao có thể kham nhậm, tổng trì khiến cho pháp hiện khởi? Cho nên biết rằng xúc là hòa hiệp của các pháp vậy.

 - Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm dẫn khởi?Phải đáp rằng: Thọ là dẫn khởi của các pháp, vì sao? Vì từ xúc sanh vậy! Từ xúc sanh thọ, từ thọ sanh ái, ái sanh thủ... Cho nên chính thọ là nhiên liệu dẫn khởi khiến ý sanh ra phân biệt và hình thành nên các pháp vậy!

 -Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm hiện hữu? Phải đáp rằng: Tác ý là hiện hữu của các pháp, vì sao? Vì nhân tác ý mới sanh sự tích tập các pháp và phân biệt các pháp vậy!

 -Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm thượng thủ? Phải đáp rằng: Niệm là thượng thủ của các pháp, vì sao? Nếu không có niệm thì làm gì có các pháp sanh? Nếu không có niệm thì ai nhận biết, ai phân biệt, ai tích tập, ai dẫn khởi, ai liễu tri...Thượng thủ của các pháp đích thực là niệm vậy!

 - Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm tiền đạo? Phải đáp rằng: Định là tiền đạo của các pháp, vì sao? Vì nhân định mà tâm không tán loạn, phóng dật, bất chánh tri, khiến hành giả nhận chân được sự hiện hành của vạn pháp vậy!

 -Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm tối thượng? Phải đáp rằng: Tuệ là tối thượng của các pháp, vì sao? Do có tuệ mà hành giả thắng tri và liễu tri về sự sự vận hành của các pháp và thực tướng của nó vậy!

 -Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm chắc thật? Phải đáp rằng: Giải thoát là chắc thật của các pháp, vì sao? Vì giải thoát thì không rơi rớt vào các hữu, không bị các pháp trói buộc nữa, không còn chấp thủ nơi các pháp, làm chủ thân tâm, an nhiên tự tại không chướng ngại, cho nên nói giải thoát là chắc thật của các pháp vậy!

 -Nếu có người hỏi: Các pháp lấy gì làm cứu cánh? Phải đáp rằng: Niết Bàn là cứu cánh của các pháp, vì sao? Vì Niết Bàn là cứu cánh của Phạm Hạnh, Niết Bàn là pháp tối tôn, tối diệu, tối thắng, tối đại... không gì so sánh, không thể suy lường, là mục đích cuối cùng mà Thánh đệ tử hướng đến và phải chứng đắc vậy!

...