Tham Thiền Hoặc Vấn
Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma
Phần I
Khi ánh mặt trời lên cao độ hai, ba cây sào cảnh vật núi rừng đang giao hòa trong ánh nhật quang, tạo nguồn sống để khởi đầu ngày mới. Lúc bấy giờ có một hành giả đến thăm Sư Phụ Long Viễn, qua một thời gian sau khi chào đón hỏi thăm xong, vị hành giả kia chấp tay trịnh trọng thưa hỏi.
Hỏi: Kích bạch Thầy, tôi quyết tâm tu hành nhưng thật lòng khó vượt nỗi những cảnh Ma duyên hệ lụy, Thầy có thể giúp tôi phá trừ được không?
Đáp: Ông cứ tùy ý mà hỏi
Hỏi: Ma là gì?
Đáp: Ma tiếng Phạn là Ma-la dịch ý là Sát, Có nghĩa là nó có thể cướp mất công đức và thiện căn của người vậy!
Hỏi: Sao gọi là Ma sự?
Đáp: Chư Phật dùng vô lượng phương tiện thù thắng với vô tận trí và công đức vô biên để độ thoát chúng sanh, khiến chúng diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn, đó gọi là Phật sự.
Còn Ma thì phá hoại căn lành, cướp mất công đức và tuệ căn của chúng sanh, khiến chúng sanh trôi lăn trong biển sanh tử luân hồi, nên gọi là Ma sự vậy.
Người tu hành khi dùng tâm chánh quán để thể nhập vào biển trí giác vô lậu thì pháp giới rung chuyển, khiến cung điện thiên Ma cùng các cõi giới quỷ thần...thảy đều chấn động và biến hoại nên chúng sẽ dùng mọi cách để phá hủy chánh đạo của bậc chánh tu. Như Kinh Lăng Nghiêm nói: “Mười phương hư không sanh trong tâm ông, như một điểm mây trong bầu trời, khi các ông khởi tâm về nguồn chân thật, thì mười phương hư không thảy đều tiêu mất huống gì các thế giới trong hư không ấy!” Nên đạo càng cao thì Ma càng thịnh, càng tu chân chánh thì càng gặp chướng duyên, càng thể nhập Diệu Quán để bước vào các cảnh giới Thiền chứng thì càng bị những khảo nghiệm cả về thuận và nghịch làm cản trở... nên bậc tu hành chân chánh phải khéo tỉnh giác và nhận ra Ma sự để chuyển hóa tất cả các cảnh giới và biến tất cả chướng ngại thành con đường giải thoát.
Hỏi: Có bao nhiêu loại Ma?
Đáp: Đại lược có bốn loại Ma, thế nào là bốn? Đó là:
1. Ma phiền não
2. Ma ấm, giới, nhập
3. Ma chết
4. Thiên ma ở Dục Giới.
Hỏi: Xin hãy phân biệt và nói rõ được không?
Đáp: Vậy ông hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ; xưa chư Phật, chư Tổ sư đã từng phân biệt và diễn nói, nay tôi sẽ cũng sẽ vì ông mà ước lược tỏ bày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét