HUẤN THỊ CHO MỘT HÀNH GIẢ CAO CẤP (Phần III)
3. QUYẾT NGHI, TRẠCH PHÁP VÀ TUYỂN CHỌN PHÁP HÀNH GỐC ĐỂ TU:
Đệ Tử: Dạ, đúng như cái câu mà Sư Phụ nhắc hoài là cái trọng yếu khi tu Pháp môn niệm Phật là câu Đức Phật khai thị Phụ vương là tâm không dao động “Tất cả pháp không sinh, không dao động, không tướng mạo, không tự tánh” đúng không Sư Phụ?
Sư phụ: Đúng rồi con, bây giờ phần lớn tại sao Pháp môn Tịnh Độ nó chỉ hành một lối phiến diện thôi, bởi vì bây giờ người ta chỉ xiển dương về Tịnh Độ thù thắng, về 48 Bổn Nguyện của Đức Phật, về Trì Danh. Nhưng thật tiếc thay, về cái thực tướng Niệm Phật thì mọi người bỏ lơ đi. Mà nếu như một hành giả mà bỏ lơ chỗ này thì muôn đời làm sao đắc được Phật quả, làm sao sanh Tây Phương? Thí dụ, nhiều người cứ nói “Nam Mô A Di Đà Phật” thì mình cứ niệm hoài như thế thì từ từ nhiều niệm nó đến nhất niệm. Từ nhất niệm đến vô niệm. Nhưng con biết cái tâm - ý - thức của mình nó kinh khủng. Một ngày nó khởi biết bao nhiêu niệm mà mình dùng cái câu “Nam Mô A Di Đà Phật” mình đè. Mà mình ép cái tâm mình thì cái đó đâu phải là Pháp dạy của Đức Phật? Pháp của Đức Phật là mình ứng dụng giải thoát trên cái Pháp đó. Chứ không phải mình dùng cái Pháp để mình đè nó xuống, giống như là mình đè cỏ. Nhưng mà một số người thì họ lại cho rằng niệm Phật vọng tưởng mặc kệ. Mai mốt Thầy sẽ dạy những cái quan điểm của những vị Tổ sư để mình hiểu Pháp môn Tịnh Độ một cách đầy đủ và viên dung các tư tưởng. Nhưng mà cái mình nhắm đến và cái Đức Phật hoan hỷ mình biết rất rõ là cái mà mình giác ngộ. Mình nương vào Phật để mình giác, chớ mình không lệ thuộc vào ông Phật, con hiểu không? Pháp mà Đức Phật dạy bao giờ cũng như vậy hết. Cũng giống như là mình thấy: Khi mình nghiên cứu hệ Nguyên Thủy về 5 Cách Ly Dục, Ly Ác Pháp thì mình thấy thực ra mà nói pháp môn Thiền Tông Đại Thừa của mình nó chỉ là một trong năm cách mà Đức dạy thôi. Thí dụ bây giờ con thấy, cái vọng tưởng của mình, mình biết nhưng mà nó cứ vọng hoài trừ khi con phải thiền định thật sâu để con thấy cái vọng này tự thể là không, mà mình muốn biết cái vọng tự thể là không, đương nhiên mình phải thấy cái thân và cái tâm là không. Chứ bây giờ con cứ biết vọng biết vọng, cứ ngồi đó mà biết, biết chừng nào, rồi chừng nào con mới chứng? Cứ ngồi đó biết, mà cái vọng nó mông lung, nó trùng trùng điệp điệp, biết khi nào? Cho nên con phải tuyển trạch Pháp tu, tu như thế nào mà có thể giác ngộ nhanh nhất.
Là một hành giả phát Bồ Bề Tâm, bước trên đạo lộ Bồ Tát, con phải dùng cái trí tuệ, để con đi vào Pháp giới, để con nhận định để con chọn cái Pháp môn thù thắng nhất cho mình. Cho nên Bồ Tát không có Pháp môn tu là chỗ đó. Thí dụ họ thông suốt hết tất cả các Pháp môn, rồi họ có thể xáo trộn ứng dụng nó, làm sao để mình chứng ngộ nhanh nhất. Cho nên Bồ Tát phải dùng cái trí tuệ đi vào Pháp giới. Ngày xưa, Thầy đã bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu và tư niệm, cuối cùng thì thấy các Tông phái hình thành từ cái nền tảng gốc của Đức Phật. Mà nền tảng gốc chính là 5 bộ Nikaya, cho nên thiệt ra cái niệm Phật này cũng nằm trong Nikaya đó con. Là Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Thí, Niệm Thiên... Và Pháp niệm Phật, Đức Phật cũng dạy rất cụ thể. Mình cần biết rằng Pháp khế hợp với căn cơ thì gọi là đệ nhất hết. Giống như Đức Phật nói Pháp Hoa là vua các Kinh. Rồi Kim Quang Minh Kinh cũng là vua của các Kinh... như Kinh nào mới thật sự là vua của các Kinh? Chỗ này là vì sao? Vì nó khế hợp với căn cơ. Nhưng mà mình phải đứng ngoài để mình thâu nhiếp. Mình không nên đứng trên một tư tưởng để mình phán định. Và nên đi về cái gốc của từng pháp môn mà nguồn gốc chính là tư tưởng của Đức Phật. Đến đây, thì con thấy niệm Chân ngôn, thực tướng của Chân ngôn cũng không khác với thực tướng của niệm Phật, đó là một, thực chất chỉ là một thôi.
Sau này con học những câu duyên sanh của Chân Ngôn, con thấy Chân Ngôn thật ra cũng là một phương tiện để chúng sanh liễu ngộ thân tâm và các Pháp. Ngoài ý nghĩa đó ra, không còn mục đích nào khác. Tại vì mục đích Phật thuyết để chúng sanh giác ngộ, chứ không phải Phật thuyết cho chúng sanh hô mưa gọi gió rồi điều khiển quỷ thần làm gì đâu? Cho nên khi mình đi về nguồn gốc các tư tưởng mình dung hợp lại rồi trạch pháp, đi về đúng đạo lộ của những vị Bồ Tát, trên cái tư tưởng của Đức Phật, phán định. Lúc bấy giờ Thiền, Tịnh, Mật, khi con hiểu rồi, con thấy nó là một thôi. Tại vì tất cả pháp môn đều đưa về sáng tâm là chính, để ngộ đạo là chính, chấm dứt sanh tử, đau khổ chỉ bấy nhiêu đó! Nhưng bây giờ chúng sanh căn cơ khác nhau, mình phải tùy theo căn cơ để truyền dạy, để giúp họ giải thoát. Người thích Tịnh Độ, thì pháp môn Tịnh Độ là nhất. Người nào thích Mật Tông, thì Mật Tông là nhất. Còn vị nào đã phát Bồ Đề Tâm thật sự thì phải liễu triệt được các Pháp, phải: Quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa khắp hết; đó là mục đích của Bồ Tát. Cho nên, đã gọi là thực hành hạnh Bồ Tát, thì anh phải liễu tri tất cả các Pháp, mà khi đã biết rồi thì thực sự nó đi về một nguồn thôi. Cho nên khi con học Tịnh Độ con thấy không, nếu như mà Thầy xiển dương Tịnh Độ thì thiệt ra nó hơn Mật Tông chứ. Nếu mà xiển dương Tịnh Độ thì lập ra sự so sánh: đâu có cần phải kiết đàn, đâu cần bắt ấn, đâu có cần quán tưởng gì mà quá kinh khủng? Chỉ cần nương vào Danh Hiệu của Đức Phật, Trì Danh rồi quán chiếu thực tướng các Pháp trong niệm Phật lý tánh thì hành giả có thể giác ngộ tức thời. Mà khi hành giả quán tưởng Đức Phật thì thành tựu 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp giống như trong Kinh Vô Lượng Thọ đã nói. Thế thì Tịnh Độ cũng thù thắng như Mật Tông. Nếu xiển dương Mật Tông thì Thầy cũng sẽ nói: Đây là đại Pháp tối thượng nhất, vì sao? Chân Ngôn là ngôn ngữ bí mật, nó gồm thâu và nhiếp hết thảy thần lực, trí lực, nguyện lực, phương tiện lực... của chư vị Bổn Tôn. Chỉ cần con nhất tâm và hưng khởi Bồ Đề Tâm trì niệm thì công đức và phước báo không thể nghĩ bàn, sự thành tựu cũng không thể nghĩ bàn... hoặc thí dụ con chí thành trì niệm Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn với Bồ Đề Tâm dù chỉ một biến, thì khi lâm chung, Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ hiện thân tiếp dẫn con đi vào lỗ chân lông của Ngài, ở đó con tru tập đến khi thành Phật, trong lỗ chân lông của Bồ Tát Quán Thế Âm có cả mười phương Tịnh Độ của chư Phật trong đó, con phải biết Bồ Tát Phổ Hiền vào trong lỗ chân lông của Bồ Tát Quán Thế Âm 12 năm mà không biết biên giới... Vậy thì pháp môn Mật Tông quả thực rất thù thắng đúng không? Pháp môn thù thắng hay không là do người xiển dương có đủ biện tài và trí tuệ hay không. Mà một điểu cần lưu ý, pháp môn Tịnh Độ thật sự rất dễ tu dễ chứng, ứng hợp với cả ba căn, nhất là trông đời Mạt Pháp này. Con cứ nghĩ những đứa trẻ, thuốc đưa đắng nó không uống, buộc con bọc đường, đưa nó mới uống. Các pháp môn cũng vậy, đó là phương tiện của các vị Bồ Tát, phương tiện của Đức Phật mà thôi. Cho nên một khi con đi về trí tuệ chân thật của Đức Phật thì nó không hủy hoại các Pháp và nó cũng không hủy hoại các Tông Phái. Lúc bấy giờ con biết uyển chuyển biết tùy cơ mà con hóa độ, mà hoằng pháp lợi sanh. Khi con liễu triệt được rồi thì con thấy Giáo Pháp của Đức Phật tu là giải thoát. Dù Pháp nào chăng nữa cũng đi về cái gốc chính là sáng tâm, ngộ đạo, làm chủ sanh già bệnh chết, đoạn tận tất cả sự đau khổ. Cho nên khi con nắm được rồi thì con thấy nói tóm đi tóm lại thì tu hành cũng không có gì vượt ngoài thân tâm này hết. Khi con liễu triệt được Tam Tạng Kinh Điển, con thấy việc hành pháp này hoàn toàn khế hợp theo ý của Đức Phật bởi vì bây giờ nếu con tu Tịnh, tu Mật mà con không liễu ngộ được thân tâm thì con vô tình biến Pháp Phật thành Pháp tà. Như bây giờ thiệt ra Mật Tông đã bị biến chất rất là nhiều, bởi vì sao, bây giờ họ biến cái giáo lý Đức Phật thành cái lập đàn để giải yêu, trừ tà, trừ ma, cầu tài, cầu phước. Ngày xưa Đức Phật vẫn thuyết các Chân Ngôn để chúng sinh có thể nhiếp phục, nhưng đó là nhiếp phục khi quá cần thiết để con có thể ứng dụng Phật Pháp độ sanh, mà bây giờ người ta biến nó như thần giáo để gom về cái danh cái lợi... Thì con thấy nó sai hoàn toàn với giáo lý Đức Phật. Cho nên con thấy khi mà mình thẩm thấu tất cả các Kinh Điển thì thiệt ra nói thẩm thấu hết Kinh Điển là không thể nhưng mình có thể liễu ngộ được cái ý chính. Ví dụ như bây giờ hệ Bát Nhã, con chỉ cần liễu tri tư tưởng của Bát Nhã, hành thâm chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì cả cái hệ Bát Nhã con không cần đọc con vẫn hiểu ý của nó, ví dụ như vậy đó con!
Cho nên người mà phát khởi Bồ Đề Tâm, thì đúng là cái vị này phải có một trí tuệ, giống như con rồng có thể nuốt hết nước của bốn biển. Giống như mình là Pháp vương tử thì mình phải nuốt hết tất cả các Pháp của Đức Phật, rồi mình phải thẩm định đi như thế nào, bước 1, bước 2, bước 3, giống như bây giờ Thầy nói bước 1 phải nắm hết cái căn bản cho Thầy, nắm hết tất cả Pháp và Tùy Pháp Hành, rồi bước 2 mới cho mọi người vào chuyên sâu, chẳng hạn. Nhưng bây giờ dường như việc khế hợp tất cả các thừa dường như rất hiếm. Tất cả đa phần xiểng dương cành nhánh theo Thánh giáo cũng như truyền thừa từ Tổ. Điển hình như 1 số quan điểm cho rằng Nguyên Thủy là đệ nhất giống như là các hệ phái tư tưởng. Trong khi có tư tưởng đối lập, cho Nguyên Thủy là chồi khô mọng lép, tiêu nha bại chủng nên xem nhẹ, không tu và nâng cao tư tưởng của Đại Thừa. Mà thiệt ra tư tưởng Đại Thừa mà con không liễu ngộ được thân tâm thì con cũng đi về tư tưởng của Bà La Môn giáo. Bởi vì, nếu như con không thấy được thực tại của thân tâm mà tu thì tu cái gì? Rồi suốt ngày mình nói Tánh Không, mà thực chất đụng duyên thì cái gì cũng có, rồi sao ngộ được cái Không? Cho nên cái hệ phái nó không sai, nhưng người dụng có phần lệch thì lại rất là nhiều. Con học qua các hệ phái như Dị Tông Luận để mình biết được rằng các tư tưởng của các Hệ phái là như thế nào, nhưng mà mình phải để ý vượt qua các tư tưởng đó để mình quay về cái tư tưởng chánh thống của Đức Phật để tuyển chọn. Tuyệt đối mình không dùng pháp để hý luận. Cần quyết nghi với tư tưởng rằng học để tu, tu để chứng, tu chứng rồi dùng phương tiện khéo léo để làm lợi ích chúng sinh. Cho nên con cần trạch pháp, quyết nghi và tuyển chọn pháp. Cố gắng!
Câu chuyện giữa hai thầy trò cũng đã kết thúc, và cơn mưa lúc này cũng dần tạnh. Nhưng có vẻ như tâm vị hành giả ấy cũng dần sáng lên và như đã uống trọn cam lồ Pháp từ lời dạy của Sư Phụ Long Viễn. Cảm tạ ân sư ra về, vị ấy như thay da đổi thịt trong khoảnh khắc ấy. Vừa đi, vừa ngân nga câu 2 thơ của Sư Phụ:
“Xoay lại tâm không hà xứ nghiệp
Thức tình vọng biến, Bát nhã khai …”