Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

 ĐỨC TA RA BỒ TÁT 

CHÚNG SANH CÓ NÊN QUY KÍNH PHỤNG THỜ?


Hỏi: 

Xin Thầy từ bi khai thị về Bồ Tát Ta Ra, để con minh liễu về Ngài có được không ? Con thấy hiện tại có nhiều người tôn thờ Thánh tượng của Ngài nhưng Ngài trong thân tướng nữ, con không biết gì về Ngài cả, nguyện xin Thầy từ bi diễn nói để con và chúng sanh hữu duyên có thể tôn kính và thờ phụng Ngài đúng pháp ạ?

Đáp: 

Tôi sẽ lược nói.

Ta Ra tiếng Phạn là Tàrà, có nghĩa là Cứu Độ, Diệu Mục Tinh, Cực Độ, Tinh Thần... Ta Ra Bồ Tát là vị Đại Sĩ có thể gia trì pháp giới, cứu độ tất cả chúng sanh, Ngài luôn luôn ban ân đức vào tâm của muôn loài, cứu giúp chúng sanh vượt qua tất cả ách nạn sợ hãi, bạt trừ tất cả chướng ngại và tịnh hóa tất cả nghiệp chướng của chúng sanh, chấp nhận mọi ước nguyện và tận lực dắt dìu chúng sanh đến bờ giải thoát, khiến cho chúng sanh viên thành bậc Chánh Giác. Ngài là người mẹ của tất cả các cõi giới từ chư thiên, quỷ thần cho đến loài người. Thần lực, trí tuệ và phương tiện độ sanh của Ngài không thể nghĩ bàn, Ngài có 4 danh tán, 21 hóa thân, 108 ứng thân, 500 tùy hình... Cho nên thế gian tôn Ngài là Đấng Cứu Thế Mẫu, Đa La Tôn, Pháp Cứu Tôn, Đạt Ma Đa La, Đa La Phật Mẫu, Độ Mẫu, Cứu Độ Phật Mẫu... 

Cách đây vô lượng kiếp về quá khứ có Đức Phật ra đời tên Cổ Âm Như Lai, thế giới tên Tụ Quang. Bấy giờ có công chúa Bát Nhã Nguyệt, tịnh tín Tam Bảo, luôn kính lễ cúng dường và phụng sự không mệt mỏi, trước Thế Tôn nàng đã lập đại nguyện: "Từ thế giới này cho đến khi thế giới tận, hư không giới tận. Tôi dùng thân nữ để độ chúng sanh". Sau khi phát nguyện nàng tinh tấn tu hành  và thành tựu Phật Mẫu độ tất cả hữu tình. Đây là tiền thân của Độ Mẫu Tàrà.

Lại nữa, Khi Quán Âm Bồ Tát quán chiếu tiếng kêu khổ của chúng sanh trong biển luân hồi để tìm phương cứu độ, Bi tâm hóa lệ rơi xuống từ mắt phải biến thành Bạch Độ Mẫu, còn giọt nước mắt rơi từ mắt trái hóa thành Lục Độ Mẫu. Độ Mẫu tổng Tâm Chú là: OM- TÀRE TÀM-SVÀHÀ

Kinh Đại Phương Quảng Mạn Thù Thất Lợi, phẩm Quán Tự Tại Bồ Tát có ghi: "Quán Tự Tại Bồ Tát nhập vào Tam Muội Phổ Quang Minh Đa La, dùng sức Tam Muội nên từ con mắt phóng ra ánh sáng lớn và Đa La Bồ Tát liền nương theo ánh sáng đó mà sinh ra. Ánh hào quang của Đa La Bồ Tát chiếu soi tất cả chúng sanh giống như lòng thương xót của người mẹ hiền nhằm cứu độ con mình (chúng sanh) xa lìa biển khổ sanh tử." Nên Ngài mới có hiệu là Phật Thanh Liên Từ Bi Nhãn. Kinh Tô Ma Hô gọi danh Ngài là Diệu Mục Tinh Bồ Tát. Mật giáo còn tôn xưng danh hiệu Ngài là Bạch Cứu Độ Phật Mẫu (Phật Mẫu có thân màu trắng cứu độ thế gian), xưng tán qua câu: Namo Àrya Tàrà Jvala Bodhisatvàya Mahà-satvàya

Trong Ấn Giáo: Tàrà là vị thần Cứu Hộ đứng thứ hai trong 10 vị đại Thần Nữ Mahà- vidya. Mật Thừa cũng ghi nhận Tàrà là hiện thân của Mahà-devi, Mahà Kàli, Parvatì... Cho nên bậc hành giả chánh tu phải biết được điều này để tránh sự phỉ báng làm tổn hại phước trí của chính mình.

Trong cuộc chiến giữa chư Thiên (Deva) và A Tu La (Asura) đã khuấy động đại dương tạo thành chất độc (Halahala). Vì muốn cứu thế giới và chúng sanh khỏi sự hủy diệt mà Thần Shiva (Đại Tự Tại Thiên Vương Bồ Tát) đã uống tất cả chất độc ấy. Do cường độ độc tính quá lớn nên Thần Shiva đã bất tỉnh, lúc đó Đức Tàra hiện ra, ôm Thần Shiva đặt lên đùi mình và cho bú sữa, sữa từ bầu ngực của Ngài đã hóa giải chất độc và cứu được Thần Shiva. Đồng thời để ngăn chặn cơn thịnh nộ của Mahà Kàli nên Thần Shiva cũng đã hóa mình thành một em bé, làm trỗi dậy bản năng làm mẹ của Đức Kàli nên Ngài đã ôm đứa bé vào lòng và cho bú sữa, nhờ thế mà Thần Shiva đã hút tất cả độc tính phẫn nộ của Đức Kàli. Cho nên Đức Tàra là một hình thức khác của Mahà Kàli, Durga, Paravatì... Vì thế Đức Ta Ra còn được gọi là Kàlika, Ugra-Kàli, Mahà-Kàli và Bhadra- kàli; là vị phối ngẫu của Thần Shiva. 

Phật giáo Tây Tạng đồng hóa Đa La Tôn với Nam Hải Phổ Đà Sơn Quán Tự Tại Bồ Tát, nên tôn thờ Ngài với danh hiệu Đa La Quán Tự Tại Bồ Tát.

Nhân dân Ấn Độ hiện đại thì đồng hóa Đức Đa La Tôn với Mẹ Vũ Trụ và sùng tín Ngài qua ảnh tượng Phật Mẫu Sàkti.

Tín ngưỡng Đức Tàrà Bồ Tát từ Ấn Độ đã lan rộng và phát triển rất mạnh đến nhiều nơi trên thế giới: Trung Hoa, Hàn Quốc, Tây Tạng, Camphuchia,  Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan...

Riêng Việt Nam ta, thì tín ngưỡng về Bồ Tát Ta Ra không được phổ thông nhưng tất cả hành giả chánh tu với trí tuệ đều biết Ngài là một hóa thân của Bồ Tát Quán Âm qua Chân Ngôn: Án, đa rị đa rị, đốt đa rị, đốt đốt đa rị, ta bà ha.

Trong Mandala Ngũ Trí Như Lai ghi nhận Đức Đa La Tôn là Cứu Độ Phật Mẫu hiển thị cho Thành Sở Tác Trí của Bất Không Thành Tựu Như Lai. 

Hiện đồ Thai Tạng Giới Mandala thì Đa La Tôn có vị trí thứ nhất, phương bên phải (phương tây) của Quán Tự Tại trong Quán Âm Viện. Do Tôn này chủ về 2 đức là Đại Bi và Hàng Phục nên được xem là Phật Mẫu của Liên Hoa Bộ, tôn danh là Đa La Phật Mẫu.

Chánh yếu mà lược nói thì Ta Ra Bồ Tát là Đức Mẹ Hiền của Thánh và phàm, là Đức Đại Từ Bi Mẫu của muôn loài hàm thức, là vị Bồ Tát có lòng Đại Bi vô lượng, hóa thân vô lượng, có thể cứu khổ ban vui và giúp chúng sanh thành tựu mọi ước nguyện, đồng thời có thể nhiếp phục tất cả ác ma và trời rồng quỷ thần, phá trừ tất cả sự nhiễm ô; tịnh hóa tất cả nghiệp chướng, báo chướng, kiến chướng, phiền não chướng... của chúng sanh, giúp chúng sanh nhanh chóng đạt được giác ngộ, đến bờ giải thoát. Ngài là hiện thân của ba đời chư Phật với Đại Trí, Đại Hạnh, Đại Bi, Đại Lực, Đại Hùng, Đại Dũng... Nếu tu pháp của Ngài thì tất cả tâm nguyện đều được thành tựu, tất cả chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh đều ban ân đức gia trì, tất cả Thiên Long Bát Bộ đều theo bảo hộ khiến mau thành tựu đạo quả Bồ Đề, tốc đắc tất cả pháp: Tức Tai, Tăng Ích, Trường Thọ, Hàng Phục... đúng như Kinh Quán Tự Tại Bồ Tát Thụ Ký nói:

Đấng Đại Bi Đa La

Từ Bi của tất cả

Trời, Người với Dạ Xoa

Đều là con của Ngài

Nên hiệu Thế Gian Mẫu

Và cho xuất thế gian.

Quán Âm, Đại Thế Chí

Kim Cương với Thiện Tài

Văn Thù, Tu Bồ Đề

Từ Thị với Hương Tượng

Nguyệt Quang, Vô Tận Ý

Vô Cấu, Hư Không Tạng

Diệu Nhãn với Đại Bi

Duy Ma, Đẳng Bồ Tát

Là con của Ta Ra

Các Như Lai ba đời

Tất cả Ma Ha Tát

Không ai không là con.

Đều xưng là MẸ TA

Nuôi dưỡng các Hữu Tình

Ôm nâng như Đại Địa .

Đấy là tôi lược nói về ý nghĩa và diệu hạnh vô biên của Đức Bồ Tát Ta Ra. Còn về pháp tu Chân Ngôn của Ngài thì ông phải vâng lãnh và y chỉ nơi vị Kim Cương Đạo Sư của mình...

                                               _____ Thích Long Viễn__







Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

THỨ LỚP CHỨNG ĐẠO 
(Diệu Pháp hành thâm viên chứng Thánh quả)

Một hôm, ánh thái dương tà tà xuyên qua khu rừng vắng, buông mình qua những tán lá cây len lỏi vào từng ngọn cỏ, như sưởi ấm lòng người khi màn đêm sắp phủ trùm nhân thế... Lúc ấy cũng có một  vị Thầy tuổi tác đã lớn đến thăm viếng Sư Phụ Long Viễn, sau khi chào đón hỏi thăm và dùng vài cốc trà, thì vị hành giả kia trịnh trọng chấp tay thưa hỏi:

- Hôm nay tôi đến đây, nguyện xin Thầy từ bi hoan hỷ phân biệt về chánh trí tuyệt đối trong Phật giáo, vì sở hành sở chứng của tôi không có nên không thể trạch pháp đúng như pháp mà hành trì, sợ uổng phí một đời tu vô ích, có được không, thưa Thầy?

Sư phụ với ánh mắt từ bi nhìn vị Thầy già kia và nhẹ tiếng thưa:

- Ông cứ tùy ý mà hỏi, nếu liễu giải được thì tôi sẽ vì ông mà nói vài lời.

- Cứu cánh Thánh quả của một hành giả do đâu mà được, thưa Thầy?

Sư Phụ chậm rãi đáp:

- Cứu cánh Thánh quả của một hành giả do nhiều duyên tác chứng, tuy nhiên trọng yếu mà nói thì do Nhập chánh tánh ly sinh mà được.

Vị Thầy già định tâm lắng nghe rất chăm chú, sau đó lại cất tiếng hỏi:


- Xin nguyện Thầy từ bi cho biết thế nào là Nhập chánh tánh ly sinh?

Sư phụ đáp:

- Các Thánh đạo vĩnh viễn diệt trừ mọi thứ điên đảo, gọi là chánh tánh. Ly sinh có nghĩ là lìa hẳn nẻo sinh. Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay do hai phần phiền não là Kiến, Tư hòa hợp mà phát sanh vô lượng tội cấu, ác nghiệp; vì tánh bướng bỉnh, tánh cứng đầu chấp thủ... mà chúng sanh sinh vào các nẻo ác, triền phược, khổ đau, luân hồi... Nay đoạn trừ lần lượt hai phần phiền não này, nên gọi là ly sinh. Khi Kiến Đạo khởi hiện rồi lần lần đoạn trừ từng phần phiền não trên khiến chúng từ từ lần lượt vĩnh viễn trái lìa không hòa hợp được nữa. Pháp thế đệ nhất làm đẳng vô gián duyên cho một phần này nên gọi là Nhập.  Đấy là tôi đã lược nói thế nào là Nhập chánh tánh ly sinh.

- Ở trên Thầy có đề cập đến Pháp thế đệ nhất, vậy xin Thầy từ bi cho biết pháp này là thế nào? - Vị Thầy già hỏi. 

 Sư phụ mỉm cười hoan hỷ nhìn vị Thầy già đối diện trước mặt mình, rồi Ngài lên tiếng trả lời:
 
-  Nếu tâm tâm sở pháp là đẳng vô gián, Nhập chánh tánh ly sinh, đó gọi là Pháp thế đệ nhất. Cũng có thuyết cho rằng: Nếu năm căn là đẳng vô gián, Nhập chánh tánh ly sinh, đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Pháp thế đệ nhất hệ thuộc cõi nào, cõi dục, cõi sắc hay vô sắc? 

- Tùy theo các Tông khác nhau mà có sự phân biệt và nhận định có khác nhau. Ông hãy tác ý lắng nghe, suy nghĩ và tác ý, tôi sẽ vì ông mà lược nói:
   Đại Chúng Bộ nói: Pháp thế đệ nhất thuộc chung cõi dục và cõi sắc. Vì sao? Nếu địa nào có các thế tục trí hiện quán biên thì địa đó tức có Pháp thế đệ nhất.
    Độc Tử Bộ nói: Pháp thế đệ nhất thuộc chung nơi hai cõi sắc, cõi vô sắc. Vì sao? Vì địa nào có các Thánh đạo thì địa ấy tức có Pháp thế đệ nhất.
    Hóa Địa Bộ lại cho rằng: Pháp thế đệ nhất thuộc chung ba cõi. Vì sao? Vì nếu địa nào có tận trí đã tu tập căn thiện thì địa đó tức có pháp này. 
     Pháp Mật Bộ cho: Pháp thế đệ nhất thuộc chung ba cõi và không hệ thuộc. Vì sao? Vì đã gọi là thế tức hệ thuộc ba cõi, vì gọi đệ nhất nên cũng không hệ thuộc cõi nào cả. 

Vị Thầy già kia trầm ngâm một lúc rồi hỏi tiếp:

-  Vậy theo Thầy Pháp thế đệ nhất thuộc cõi nào?

-  Theo ngu ý thì Pháp thế đệ nhất thuộc cõi sắc. Vì sao thế? Vì cõi sắc có thể làm đẳng vô gián duyên cho ba đạo, ba địa, ba căn... lại cũng có thể dẫn phát phẩm pháp trí thứ nhất, kế đến là phẩm loại trí, các cõi khác thì không như thế. Nên Pháp thế đệ nhất thuộc cõi sắc.
500 đại A La Hán và Tôn Giả Thế Hữu cũng đồng một quan kiến này. 

- Tại sao Pháp thế đệ nhất ở cả ba địa, tôi thật tình không hiểu?- Vị Thầy già hỏi.

Đoạn Sư phụ đáp với tâm hoan hỷ vô cùng:

- Vì nhập chánh quán như thật mà liễu triệt về Pháp thế đệ nhất, vì phá kiến chấp sai lầm của các Tông về căn thiện này chỉ ở một địa mà hiện bày thắng nghĩa. Tức là có người chấp:  Pháp thế đệ nhất chỉ có tầm có tứ, có tướng, có tỉnh thức, không phải cùng dẫn phát thuộc về phàm phu duyên nơi các hành. 
Chỉ có tầm có tứ: Tức là tư duy dẫn dắt chuyển biến.
Có tướng: Tức là duyên nơi tên gọi khởi hiện.
Có tỉnh thức: Tức là có công dụng.
Không phải cùng dẫn phát: Tức là không nối tiếp nhau mà chuyển biến.
Thuộc phàm phu: Tức là phàm phu đạt được vậy.
Duyên nơi các hành: Tức là duyên nơi hữu vi.
Cho nên ông phải biết Pháp thế đệ nhất thuộc cõi sắc, vì trong cõi sắc có ba thứ địa: 
1. Địa có tầm có tứ. 
2. Địa không tầm chỉ có tứ. 
3. Địa không tầm không tứ. 

Vị Thầy già vẫn nhắm mắt tư niệm về lời Sư phụ nói, một lúc sau ông mở mắt ra và hỏi tiếp:

-Kính thưa Thầy: Tôi muốn tu tập thứ lớp để các thiện căn đầy đủ, xuất sanh đại định viên chứng đại quả, xin Thầy từ bi khai đạo thứ lớp tu tập như thế nào, được không?

-  Những câu hỏi này chưa ai hỏi tôi bao giờ, ông quả thật là người có trí tuệ lớn. Tuy tuổi tác đã già mà trí tuệ và ý chí không già chút nào. Vậy ông hãy chánh tác ý mà lắng nghe thật kỹ. 
Để thiện căn khai phát và tròn đủ thì có nhiều pháp hành để ông có thể quán chiếu tu tập, tuy nhiên tôi chọn một pháp hành chánh yếu để phương tiện diễn bày cho ông hành trì công phu, các pháp khác cũng giống như thế. 
Thí như ông hành trì quán sát bốn Thánh đế, lấy bốn Thánh đế làm pháp tu chánh yếu trong thiền định của mình, vậy thì phải quán sát thứ lớp như thế nào để thành tựu tất cả thiện căn mà viên thành Thánh giải thoát lậu tận? Khi ông quán sát bốn Thánh đế hãy lập làm ba phần là: Danh, Tự tướng, Cộng tướng.
Danh: Tức tên gọi như đây là Khổ đế... cho đến Đạo đế.
Tự tướng: Nghĩa là đây là tự tướng của Khổ đế... cho đến đây là tự tướng của Đạo đế.
Cộng tướng: Nghĩa là bốn hành tướng. 
Ông quán Khổ đế với bốn thứ Cộng tướng là bốn hành tướng:
1. Khổ
2. Vô thường
3. Không
4. Vô ngã
Ông quán Tập đế với bốn thứ Cộng tướng là bốn hành tướng:
1. Nhân
2. Tập
3. Sinh
4. Duyên
Ông quán Diệt đế với bốn thứ Cộng tướng là bốn hành tướng:
1. Diệt
2. Tĩnh
3. Diệu
4. Ly
Ông quán Đạo đế với bốn thứ Cộng tướng là bốn hành tướng:
1. Đạo
2. Như
3. Hành
4. Xuất
Ông hãy duyên nơi bốn đế này mà tu trí, tu chỉ. Lần lượt quán chiếu như trong Kiến đạo. Nghĩa là trước tiên chánh quán riêng khổ nơi cõi dục, sau đó hợp quán khổ nơi cõi sắc và vô sắc. Trước quán riêng Tập nơi cõi dục, sau đó hợp quán nơi cõi sắc và vô sắc. Trước quán riêng Diệt nơi cõi dục, sau đó lại hợp quán nơi cõi sắc và vô sắc. Trước quán riêng Đạo nơi cõi dục, sau đó tiếp tục hợp quán nơi cõi sắc và vô sắc. 
Quán chiếu bốn Thánh đế như vậy là chánh quán với trí tuệ, như một nhà họa sĩ chuyên nghiệp tài ba muốn vẽ một bức tranh phong thủy tuyệt sắc thì trước nên xem xét, chọn vải lụa tốt, sau đó chọn các màu sắc và cuối cùng là vẽ hình tượng đẹp đúng như ý. Ngang đây là sự tu tập tuệ do Văn tạo thành mới được viên mãn. Dựa vào tuệ Văn này mà phát sanh tuệ do tạo thành, viên mãn rồi. Từ tuệ viên mãn tiếp đến phát sinh tuệ do Tu tạo thành, tức gọi là Noãn. Sau Noãn sinh Đảnh, sau Đảnh sinh Nhẫn, sau Nhẫn sinh Pháp thế đệ nhất, sau Pháp thế đệ nhất sinh Kiến đạo, sau Kiến đạo sinh Tu đạo, sau Tu đạo sinh đạo Vô học. Theo thứ lớp như thế căn thiện được đầy đủ. Từ thiện căn tròn đủ mà thành tựu cứu cánh Phạm hạnh, viên thành Đại Giác.

Vị Thầy kia không biết liễu ngộ thế nào mà đôi mắt ông chợt sáng long lanh, có pha lẫn nước mắt. Ông nhìn Sư phụ một lúc rồi lại thưa:

- Thiện căn có bao nhiêu thứ? Xin Thầy từ bi vì tôi mà phân biệt giải nói?

 Sư phụ chậm rãi đáp lời:

- Thiện căn có ba thứ là:
1. Thiện căn thuận phần phước: Nghĩa là gây tạo chủng tử sinh làm người, chủng tử sanh làm chư thiên.
2.Thiện căn thuận phần giải thoát: Nghĩa là gieo trồng chủng tử quyết định giải thoát, do đó mà nhất định chứng đắc Niết Bàn.
3.Thiện căn thuận phần quyết định lựa chọn: Nghĩa là Noãn, Đảnh, Nhẫn, Pháp thế đệ nhất.
Nếu ông đã hỏi về diệu Pháp thâm sâu như thế này, những Pháp này thật khó thấy và khó nghĩ bàn, không có thời gian đến để mà thấy, chỉ có người trí mới có thể giác hiểu. Do đó ông nên đúng y như Pháp mà hành trì, nếu ông y Pháp mà hành trì thì gọi là từ Pháp hóa sanh, nhất định ông có thể chứng ngộ Vô Sanh trong đời này. 
Cố gắng!
Cố gắng!
-------------------------------
Buổi Pháp thoại kết thúc, vị hành giả kia như uống được cam lồ giữa sa mạc nóng bức, đôi mắt ông rưng rưng lệ, hai tay chấp lại nguyện sẽ đúng như Pháp đã nghe mà hành trì, để báo đền thâm ân của Sư Phụ Long Viễn, sau đó ông đảnh lễ và lui ra. 






Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

 Tri Môn Cảnh Huấn:

Bất hạnh lớn nhất của đời người là chấp lầm tự ngã, chính lầm chấp tự ngã là của ta, là ta, là sở hữu của ta nên khát ái gom về mọi đắm say sầu hận ai bi... Nếu buông xuống tự ngã thì không phải là giải thoát ư? 

                                                     -- Lương Sơn Long Viễn--