ĐẠO THANH TỊNH
(Đây là đoạn tham vấn của một Thiền giả với Sư Phụ Thích Long Viễn về Đạo Thanh Tịnh và tri kiến sở hành của một bậc Thánh)
***
Hỏi: Làm sao để được Đạo Thanh Tịnh?
Đáp: Nếu muốn được Đạo Thanh Tịnh thì phải dùng tuệ quán tất cả pháp là vô ngã, do quán vô ngã với các pháp nên tâm nhàm chán, yểm ly, ly tham, đoạn diệt khổ. Khi khổ đã đoạn diệt thì thành tựu cứu cánh Phạm Hạnh, cũng gọi là được Thanh Tịnh Đạo vậy. Như Kệ nói:
"Nếu lúc dùng tuệ quán
Tất cả pháp vô ngã
Bấy giờ hay chán khổ
Là đạo được thanh tịnh."
Hỏi: Có pháp tu nào không cần dùng tuệ quán mà cũng được Đạo Thanh Tịnh chăng?
Đáp: Trong Phật pháp không có pháp này.
Hỏi: Vì sao gọi là tịnh?
Đáp: Là hai đế Diệt và Đạo.
Hỏi: Sao gọi là khổ?
Đáp: Là các pháp hữu lậu hữu thủ.
Hỏi: Sao gọi là thường?
Đáp: Là Niết Bàn tịch diệt.
Hỏi: Hành tướng vô ngã duyên nơi đâu?
Đáp: Duyên nơi tất cả pháp.
Hỏi: Hành tướng vô ngã duyên nơi tất cả các pháp, tự Thể của nó là gì?
Đáp: Lấy tuệ làm tự Thể. Cũng như tự Thể thì ngã vật, tướng phần, tự tánh cũng lại như vậy.
Hỏi: Vì sao hành tướng vô ngã Thầy nói duyên nơi tất cả các pháp?
Đáp: Vì lấy tuệ khởi hoạt dụng.
Hỏi: Hành tướng vô ngã duyên nơi tất cả các pháp là hữu lậu hay vô lậu?
Đáp: Là hữu lậu, không phải vô lậu.
Hỏi: Hành tướng vô ngã hữu lậu có thể đoạn trừ phiền não được không?
Đáp: Không thể đoạn trừ được.
Hỏi: Nếu đã không thể đoạn trừ được thì hành giả sao lại khởi?
Đáp: Hành giả phải khởi quán bởi vì muốn chứng Đạo Thanh Tịnh thì căn tánh phải nhạy bén để nhập Thánh đạo. Lại cũng có năm duyên mà hành giả muốn chứng Thánh quả phải khởi quán đó là:
1. Vì hiện pháp lạc trú.
2. Vì quán công việc vốn đã làm.
3. Vì công đức đạt diệu dụng.
4. Vì chí cầu đạo thanh tịnh.
5. Vì nhận dụng tài vật của Thánh.
Hỏi: Hành tướng vô ngã hữu lậu thì duyên nơi tất cả pháp, vậy hành tướng vô ngã vô lậu thì duyên vào đâu?
Đáp: Hành tướng vô ngã hữu lậu thì duyên nơi tất cả pháp, còn hành tướng vô ngã vô lậu thì duyên nơi Khổ đế.
Hỏi: Tại sao hành tướng vô ngã hữu lậu thì duyên nơi tất cả pháp, còn hành tướng vô ngã vô lậu thì duyên nơi Khổ đế?
Đáp: Vì hành tướng vô ngã hữu lậu không phải đối trị phiền não, đối trị điên đảo, vì không có duyên sai biệt, hoặc vì khi tu quán duyên nơi các pháp mà quán vô ngã. Còn hành tướng vô ngã vô lậu thì duyên nơi Khổ đế bởi vì đối trị phiền não nên không duyên nơi tất cả pháp, tại sao? Vì không phải tất cả pháp đều thuận với tánh của phiền não. Lại nữa, hành tướng vô ngã vô lậu thì duyên nơi Khổ đế bởi vì để đối trị điên đảo. bởi vì không phải tất cả pháp đều thuận với tánh của điên đảo. Lại, hành tướng vô ngã vô lậu thì không duyên nơi tất cả pháp vì duyên sai biệt, vì duyên nơi cảnh giới của ngã kiến là vô ngã. Lại nữa, hành tướng vô ngã vô lậu khi hiện quán là tốt đẹp, nên không duyên nơi tất cả pháp, vì khi hiện quán chỉ duyên nơi Khổ đế là vô ngã.
Hỏi: Làm sao nhận biết được cái lầm của ngã và ngã sở?
Đáp: Kinh Bồ Tát Thiện Giới có phân biệt như sau:
"Trong pháp hữu lậu mà bảo thủ cái ta và sở hữu của ta, trong vô lượng đời, luôn luôn sanh tâm chấp giữ, so đo về bản ngã và những gì thuộc bản ngã. Đó gọi là cái lầm về ngã và ngã sở".
Hỏi: Nguyện trên Thầy cho biết Hữu thân kiến có bao nhiêu hành tướng?
Đáp: Tát- ca- da- kiến còn gọi là Hữu thân kiến có hai hành tướng, đó là hành tướng của ngã và hành tướng của ngã sở. Hay nói cách khác là ngã kiến và ngã sở kiến vậy.
Hỏi: Thưa Thầy! Ngã chánh yếu có bao nhiêu thứ?
Đáp: Ngã có hai thứ: Một là ngã của pháp. Hai là ngã của Bổ- đặc- già- la ( Hữu tình).
Hỏi: Nguyện xin Thầy từ bi chỉ dạy làm sao để thực chứng vô ngã tướng, được không ạ?
Đáp: Ông hãy lắng nghe, khéo tác ý tôi sẽ vì ông mà lược nói.
Nếu muốn chứng vô ngã tướng thì căn bản phải ứng dụng theo các bước sau:
1. Hành giả phải tích lũy phước báo
2. Thọ trì và tuân thủ các học giới
3. Buông xuống và từ bỏ sanh y
4. Trên sáu xúc xứ hoặc ngũ thủ uẩn tu Tứ Chánh Cần, lấy Bát Chánh Đạo làm nền tảng. Phân định với tuệ quán thành tựu thứ lớp chánh niệm tỉnh thức định và chánh niệm tỉnh giác định trên thân hành niệm, lấy Như Lý Tác Ý làm pháp hướng để định tâm và an trú trong chánh niệm tư duy pháp.
5. Trong khi các căn nhận biết các pháp nhạy bén rồi thì dụng tuệ quán các pháp vô ngã.
6. Khi tuệ quán các pháp vô ngã sẽ xuất sanh các thứ tà kiến, tà tưởng, hay linh quang chiếu hiện do định tâm vắng lặng mà lưu xuất ra 18 loại hỷ tưởng hay 50 ngũ ấm ma... đồng thời các pháp tướng quỷ thần cũng thường xuyên xuất hiện trong khi khởi quán. Hành giả phải khéo nhận biết hành tướng của nó, phần này tôi đã nói rất rõ, ông có thể tham cứu với các vị hành giả đang tu ở đây về kinh nghiệm và phương pháp nhận biết vượt qua các ma sự, nếu không thì phí uổng một cuộc đời tu.
7. Khi tuệ quán vô ngã nhập Thanh Tịnh Đạo lần lần sẽ đi vào các trạng thái thiền chứng, hành giả cần phải có một vị thầy có kinh nghiệm hướng dẫn mới được, còn không với tuệ căn thuận phần giải thoát cũng có thể vượt qua và thủ chứng. Nhưng tuệ căn thuận phần giải thoát này thật ra rất khó có.
Các bước này thật ra là một, trong một có bảy, trong bảy gồm một, tôi tạm thời phân định cho ông dễ dụng công tiến tu.
Cố gắng!
Cố gắng!
Sau khi tham vấn và phá nghi về vi diệu pháp, Thiền giả rất hoan hỷ và nguyện y pháp hành trì, sau đó đảnh lễ Sư Phụ rồi lui ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét