Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

 CHỨNG VÔ NGÃ

THẤY THỰC TƯỚNG CÁC PHÁP TỨC THỜI


Một hôm ánh tịch dương tà tà xuyên qua rừng vắng, phản chiếu trên những chiếc lá rơi như những ánh bạc lẫn vàng tạo nên một không gian tuyệt thế, tiếng lá rơi hòa lẫn tiếng suối róc rách và tiếng những chú chim hót trên những táng cây... Phải chăng tịnh độ là đây? Phải chăng "Tâm tịnh thì quốc độ tịnh?" Sư Phụ Long Viễn chóng gậy đi thiền hành cùng theo sau Ngài là một vị Thầy trẻ... Bấy giờ bỗng có một cơn gió đi qua làm khua động cánh rừng,  cuốn theo một trận mưa lá rơi trước mặt Sư Phụ, Sư Phụ quay lại nhìn vị đệ tử theo sau mình và hỏi:

- Con có thấy những chiếc lá rơi kia không?

Vị Thầy trẻ đáp:

- Dạ thưa Sư Phụ có ạ!

Sư Phụ mỉm cười nhẹ trong nụ cười hàm tiếu và hỏi:

- Nhìn những chiếc lá rơi, con có nghĩ là mình đang rơi không?

- Dạ không ạ! _ Đệ tử trả lời.

- Vì sao con không khởi nghĩ những chiếc lá rơi là con đang rơi?_ Sư Phụ hỏi.

- Dạ vì con là con, còn những chiếc lá kia là những chiếc lá, con không là nó và nó cũng không là con ạ!_ Đệ tử trả lời.

Sư Phụ dạy:

- Cũng vậy, thân này của con, nó cũng không phải là con, thế tại sao vì nó mà con lại sanh phiền não?

Vị Thầy trẻ lập tức chấp tay và thưa:

- Con không hiểu lắm, Sư phụ thương con chỉ dạy cho con, được không ạ?

Sư Phụ vừa đi vừa nói:

- Con hãy lắng nghe kỹ và khéo tác ý, Sư Phụ sẽ nói rõ cho con hiểu, hiểu để quán, quán để đoạn kiến chấp tùy miên "tôi là", khi con không có cái gì "là tôi" thì ngay đó con giải thoát, trong sự giải thoát biết mình đã giải thoát, con sẽ biết rõ "sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, sau đời hiện tại không còn một đời sống nào khác nữa!"

Con phải biết pháp sanh khởi thì là pháp hữu vi, đã là pháp hữu vi tức là phải có ba tướng là: sanh, trụ và diệt. Trong mỗi tướng vừa nói cũng có ba tướng kia, và nếu cứ như thế tức vô cùng, đã vô cùng thì tức chẳng phải hữu vi nữa. Sự sanh khởi sản sinh ra sự sanh khởi, tức là hạt nhân đầu tiên sanh khởi quả rồi từ quả đó lại làm nhân và cũng lại sanh ra quả: sanh sanh tương tục như thế cho đến vô cùng, nghĩa là  sự sanh khởi được sản sanh từ nơi nguồn gốc của sự sanh khởi và cái sanh sản ra nguồn gốc sanh sản trở lại được sanh ra từ nơi cái vừa được sanh ra... thế thì hữu vi tức chẳng phải hữu vi vậy, đúng không con? Còn nếu con cho rằng các pháp được sanh ra từ các duyên tức nhiều yếu tố, điều kiện... thì nó- pháp đó chính là tịch diệt tánh, đã tịch diệt thì không thể sanh khởi, vì tự tánh của pháp đó là tịch lặng rỗng không, không có tự tánh; như thế thì vật được sanh khởi (sanh pháp) và (cái gọi là thời gian) đang sanh cả hai đều tịch diệt (vắng lặng rỗng không). Nếu các pháp đang trong trạng thái hủy diệt, và đang hủy diệt thì lẽ ra không sanh khởi và nếu các pháp không là đang hủy diệt thì hoàn toàn không có sự việc như thế. Pháp bất trụ thì chẳng dừng một chỗ, pháp đứng yên một chỗ cũng chẳng đứng yên, lúc đang đứng yên cũng chẳng đứng yên, vì (vô sanh) đã không có sự sanh khởi thì làm gì có sự đình trụ (đứng yên)? Thêm nữa, nếu các pháp đang hủy diệt thì đúng ra không có đình trụ, và các pháp nếu không là đang diệt thì việc đó hoàn toàn không có bao giờ, vì sao? vì đã là pháp hữu vi tức phải sanh diệt vô thường. Vậy thì sự đình trụ không đình trụ nơi chính tự tướng và cũng chẳng đình trụ nơi dị tướng. Pháp đã diệt thì không diệt, pháp chưa diệt thì cũng chẳng diệt và pháp đang diệt thì cũng chẳng diệt vì đã vô sanh tức là không có sự sanh khởi thì làm gì có sự hủy diệt? Các pháp nếu đã đình trụ thì không thể diệt, đã diệt thì không đình trụ, pháp đó đang khi trụ, không thể đồng lúc diệt, tự tướng của các pháp chẳng diệt, tha tướng của các pháp cũng chẳng diệt; giống như tự tướng (các pháp) chẳng sanh khởi mà tha tướng cũng chẳng sanh khởi. Sanh, trụ, diệt đã bất thành cho nên không có pháp hữu vi, mà hữu vi pháp đã không thì pháp vô vi há lại có ư? 

Quán chiếu thân, tâm, các pháp như thế, cũng như những chiếc lá rơi trước mặt kia thì tịch diệt không phải hiện tiền đây ư? Không phải chứng vô ngã tức thời hay sao? Bởi thế cho nên Đức Phật mới dạy: Pháp của ta chân thật và hiện tại, không có thời gian đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ có người trí mới tự mình giác hiểu. Pháp vốn vô ngã, tự giải thoát, đâu có trói buộc mình; chính mình tự trói buộc mình nơi các pháp mà thôi, hiểu với trí tuệ giác chiếu nơi các pháp: thực tướng vô tướng vô bất tướng như vậy liền vào Tam Ma Địa mà thẳng nhập Nhất Thiết Trí. 

- Xin Sư Phụ từ bi khai thị thêm cho con vì con không đủ trí để quán chiếu thực tướng các pháp mà chứng vô ngã tức thời ạ? _ Vị Thầy trẻ đi sau Sư Phụ từ tốn thưa.

Sư Phụ vừa chóng gậy đi vừa dạy tiếp:

- Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang ngụ tại vườn Nai, ở Isipatana gần Bénarès. Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với năm vị Tỳ Kheo ở tại đấy:

“Này các thầy, sắc không phải là ta, là tự ngã. Nếu sắc là ta thì sắc sẽ không gây đau khổ (bệnh tật) và đối với thân thể ta có thể ra lệnh:  "Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì thân thể không phải là ta, nên nó không tránh khỏi bệnh tật và không ai có thể ra lệnh cho thân thể: “Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.

Thân này trước giờ con luôn cho rằng nó là con, là của con, là sở hữu của con, thế thì con bảo nó: "Thân của ta không được già, không được bệnh, không được chết... nó có nghe con không?"

- Dạ không ạ! _ Vị Thầy trẻ đáp.

- Nếu con bảo nó không nghe, thì đích thực nó không phải sở hữu của con, không phải là con, tại sao thế? Vì thân này bản chất là vô thường, cái gì vô thường thì phải tan rã, biến hoại và đoạn diệt, cho nên con phải chánh quán với trí tuệ: "Thân này nó không là ta, no không phải là của ta, ta không sở hữu nó. Ta như thế thì tất cả chúng sanh cũng đều như thế"

Thọ, tưởng, hành, thức và các pháp con cũng phải chánh quán như vậy. Khi chánh quán với trí tuệ như thế thì con sẽ nhàm chán đối với thân và tâm này, cũng như nhàm chán với tất cả các pháp, do nhàm chán con ly tham, do ly tham con đoạn diệt tất cả các ác, bất thiện pháp, do đoạn diệt nên con giải thoát, trong sự giải thoát khởi lên trí biết rõ "tôi đang giải thoát", biết rõ "sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không còn một đời sống nào khác nữa".

Sư Phụ kể cho con nghe câu chuyện này, chuyện kể về Tôn Giả được mệnh danh là thiền quán đệ nhất, để con có thể học hỏi.

Trong thời đức Phật hiện tại, Tôn Giả  Mahàkotthita được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu có và được đặt tên là Kotthita (Câu-hy-la). Khi đến tuổi trưởng thành, Ngài học ba tập Veda và thành tựu các đức tánh của vị Bà-la-môn, có lần Ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia.  Khi đã xuất gia Ngài rất tin tấn thực hành thiền quán, sau khoảng thời gian ngắn ngài chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về Nghĩa và về Pháp, Ngài thường hỏi bậc Ðạo Sư và các vị Ðại Trưởng lão về hai vấn đề ấy và trở thành rất lão luyện thuần thục trong Pháp và Luật của Thế Tôn. Sau đó bậc Ðạo Sư đã chứng minh quả vị tu chứng của ngài và xác nhận ngài là bậc thiền quán đệ nhất.

Ngài có nói bài bài kệ rằng:

 "Tịch tịnh và chỉ tức,
Tụng đọc lời trí tuệ,
Tâm tư không tháo động,
Ác pháp được vứt bỏ,
Giống như những lá cây,
Bị gió thổi phiêu bạt".

...

Vị Thầy trẻ đệ tử Sư Phụ đi theo sau Ngài trong lòng hân hoan vô hạn, gương mặt ửng hồng như thấm nhuần mưa Cam Lồ diệu pháp, thệ nguyện quyết tâm thực hành lời giáo huấn của Sư Phụ, quyết một đời phải làm chủ sanh, già, bệnh, chết... noi gương của Sư Phụ mình!... Hai Thầy trò tiếp tục đi về phía trước trong cơn gió thổi những chiếc lá vàng bay...






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét