Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

     Pháp Nhân Duyên Sâu Xa

 "HÀNH" Duyên Khởi Quán Trong 12 Nhân Duyên


(Đây là đoạn Pháp thoại Sư Phụ Long Viễn dạy đại chúng tại Chùa Phật Đảnh Bảo Vương)


Hỏi: 

Kính thưa Sư Phụ! Phật Pháp là Nhân Duyên Pháp, Pháp 12 Nhân Duyên sâu xa cùng cực, khó thấy, khó biết, khó suy lường... Chúng con được học như vậy. Nguyện Sư Phụ từ bi chỉ dạy về Pháp 12 Nhân Duyên này, Bồ Tát khéo hành Pháp Nhân Duyên này như thế nào để chứng được đạo quả Vô Thượng Bồ Đề?

Đáp: 

Pháp 12 Nhân Duyên các con đã được học, Thầy không đi vào định nghĩa về các chi phần nữa, nay Thầy sẽ lược nói chỗ khéo quán, khéo hành, khéo nói của Bồ Tát khi khởi quán về 12 Nhân Duyên này. Pháp Nhân Duyên mà Bồ Tát khéo hành khéo nói thật sâu xa cùng cực, Bồ Tát liễu tri về Phiền Não, Nghiệp, Sự (Khổ) thứ lớp triển chuyển tương tục mà sanh tất cả pháp. Đó là 12 Nhân Duyên. Trong 12 Nhân Duyên này thì Vô Minh, Ái, Thủ gọi là Phiền Não. Hành và Hữu 2 thứ này gọi là Nghiệp; 7 thứ còn lại gọi là Sự. Trong Mười hai nhân duyên ấy, hai thứ đầu thuộc đời quá khứ, tám thứ giữa thuộc đời hiện tại, hai thứ cuối cùng thuộc đời vị lai. Ba thứ Phiền Não, Nghiệp, Khổ này triển chuyển liên tục làm nhân duyên cho nhau: Phiền Não làm nhân duyên cho Nghiệp, Nghiệp làm nhân duyên cho Khổ, Khổ làm nhân duyên cho Phiền Não...

Như Trong Đại Trí Độ nói: "Tất cả phiền não thuộc đời quá khứ gọi là Vô Minh. Từ Vô Minh sanh nghiệp, có thể tạo thành quả cho một thế giới nên gọi là Hành. Do từ Hành sanh tâm cấu nhiễm, nhân của thân đầu tiên, như Trâu nghé biết mẹ. Vì tự tướng thức gọi là Thức. Thức ấy cùng sanh với bốn uẩn vô sắc và sắc của nó trú ở; ấy gọi là Danh Sắc. Từ trong Danh Sắc sanh ra Sáu Trần -Căn là mắt, tai v.v…; ấy gọi là Lục Nhập. Căn, Trần, Thức hòa nhập gọi là Xúc. Từ Xúc sanh Thọ. Trong Thọ có tâm đắm trước gọi là Khát ái. Do nhân duyên Khát ái nên tìm cầu, ấy gọi là Thủ. Từ Thủ nên có nghiệp làm nhân cho đời sau, ấy gọi là Hữu. Từ Hữu trở lại chịu Ngũ Ấm (Uẩn) trong đời sau, ấy gọi là Sanh. Từ Sanh cho đến khi Ngũ Chúng (Uẩn) chín mùi rồi hoại diệt, ấy gọi là Lão Tử. Lão Tử sanh buồn thương khóc lóc, đủ các thứ sầu não và các Khổ tập họp."

Nếu hành giả nhất tâm chánh quán thật tướng của các pháp thì có thể đoạn Vô Minh, do Vô Minh đã hết nên Hành cũng đoạn, do đoạn được Hành nên Khổ tập đều không còn. Đối với pháp 12 Nhân Duyên này mà khéo quán với trí tuệ thì phát sanh tri kiến vô lậu, năng dùng trí phương tiện mà mở bày diệu pháp bí mật của Chư Phật rộng làm lợi ích cho chúng sanh, ấy gọi là sở hành thiện xảo của Bồ Tát. Bồ Tát khéo hành thâm chiếu kiến Nhân Duyên Pháp như thế mà có thể thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. 

Hỏi:

Kính thưa Sư Phụ! Chi phần "Hành" trong 12 Nhân Duyên là chi phần khó hiểu nhất cũng khó thấy và khó quán nhất, nguyện xin Sư Phụ từ bi giải thích rõ "Hành" trong "Vô Minh duyên Hành" để chúng con sáng tỏ mà quán chiếu có được không ạ?

Đáp: 

Đúng là chi phần "Hành" rất khó hiểu, khó biết, khó thấy, khó quán, nhưng hôm nay Thầy sẽ phân tích kỹ cho con sáng tỏ để dễ quán chiếu minh đạt với trí tuệ. Tuy nhiên để minh đạt về "Hành" này thì phải là người thiện căn cực lớn, thông đạt Phật pháp. Vì sao? Vì rất sâu xa và khó biết, khó thấy, khó tuy duy, khó suy lường, khó liễu đạt được vậy! 

 "Vô Minh duyên Hành", là chỉ rõ Nghiệp đã tạo tác trong đời khác làm tăng trưởng, nay đã chín và thọ nhận quả dị thục. Như thế "Hành" lấy Vô Minh làm điều kiện, lấy Vô Minh làm gốc, cho nên tất cả khởi cùng khởi, sinh cùng sinh, tụ tập rồi xuất hiện ra, nên nói "Vô Minh duyên Hành".

 "Hành" này nói về tác Nghiệp như:

- Hành tạo tác có tổn hại thì "Hành" này là nghiệp bất thiện.

- Hành tạo tác không tổn hại thì "Hành" này là nghiệp thiện.

- Hành tạo tác hữu vi thì "Hành" này là ý nói tư duy.

- Khi nói về Sắc, Tâm, Tâm Sở Pháp, Tâm Bất Tương Ưng Hành, Vô Vi, thì "Hành" này chỉ Hành uẩn bất tương ưng.

- Nếu nói Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thủ uẩn thì "Hành" này là Hành uẩn tương ưng, bất tương ưng hữu lậu. Chữ “Hành” đây là sinh diệt dời đổi; chữ “Uẩn” là chứa nhóm. Hành uẩn có 2 loại: 1/ Tương Ưng Hành uẩn, tức là các 51 món Tâm Sở (5 Biến Hành: Xúc,Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư. 5 Biệt Cảnh: Dục, Thắng Giải, Niệm, Định và Tuệ. 11 Thiện Tâm Sở: Tín, Tàm, Quý, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Tinh Tấn, Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xã và Bất Hại. 6 Căn Bản Phiền Não: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến. 20 Tùy Phiền Não: a.Tiểu Tùy có 10: Phẩn, Hận, Phú, Não, Tật, San, Cuống, Xiểm, Hại, Kiêu. b. Trung Tùy có 2: Vô Tàm, Vô Quý. c. Đại Tùy có 8: Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, Bất Chánh Tri. 4 Bất Định: Hối, Miên, Tầm, Tư) . Chữ “Tương ưng” là ưng thuận với Tâm Vương. 2/ Bất Tương Ưng Hành uẩn, tức là 24 món Bất Tương Ưng Hành (Đắc, Mạng căn, Chúng đồng phận, Dị sanh tánh, Vô tưởng định, Diệt tận định, Vô tưởng báo, Danh thân, Cú thân, Văn thân, Sanh, Trụ, Lão, Vô thường, Lưu chuyển, Định dị, Tương ưng, Thế tốc, Thứ đệ, Thời, Phương, Số, Hòa hiệp tánh và Bất hòa hiệp tánh.); 24 món này không tương ưng với tâm, chúng chỉ y ba phần: Tâm Vương, Tâm Sở và Sắc Pháp mà giả thành lập.

- Nếu nói: Hành thân, ngữ, ý thì tiếng "Hành" của thân chỉ hơi thở vào hơi thở ra, tiếng "Hành" của ngữ chỉ tầm, tứ; tiếng "Hành" của ý chỉ về tưởng, tư. 

- Nếu nói: Hành tội, phước, bất động thì "Hành" này chỉ về nghiệp hữu lậu thiện, bất thiện. Như Kinh Ung Dụ, Đức Phật dạy: "Tạo tác các hạnh phước, phi phước và bất động rồi, thì sẽ có các phước, tùy phước và bất động."

- Nếu nói: Tất cả hành vô thường, tất cả pháp vô ngã, Niết Bàn tịch tĩnh, thì tiếng "Hành" này nói về tất cả pháp hữu vi.

*/ Còn các luận sư A Tỳ Đạt Ma nói: Đây là duyên khởi phần vị, nên tiếng "Hành" này (Hành trong 12 Nhân Duyên) là nói năm thủ uẩn.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét