ỨC CỐ NHÂN
(Tưởng niệm vị Rinpoche thân hữu đã thị tịch)
Gió thổi canh đi vạn lý sầu
Chiều buông theo lá cuốn tình đau
Trời Không vang tiếng hồi chuông vọng
Cố nhân biền biệt bóng về đâu?
__ೋ۞ Thích Long Viễn ۞ೋ__
"Vạn Pháp Tùy Duyên" nếu đã hữu duyên...hãy dừng chân mà nghe tôi kể: Thầy tôi (Lương Sơn Long Viễn, Chùa Phật Đảnh Bảo Vương, T.P. Nha Trang- Khánh Hòa) ngay từ thuở ấu thơ luôn ấp ủ giấc mơ đi tìm Chánh Pháp và rồi Người đã ra đi...hiến trọn đời mình cho hạnh phúc chúng sanh ...những chặn đường Người đi đều thấm đẫm nước mắt...Blog nhỏ này...Tôi xin lưu lại những câu chuyện về Người, góp nhặt lời Người dạy...đó là những lần tôi được nghe khi có dịp về thăm nơi trú xứ- núi rừng bình yên ấy...
ĐẠI BỒ ĐỀ TÂM
(Hùng Chí Đại Trượng Phu)
---_ೋ۞ --------۞------- ۞ೋ---
Chấn thế hùng tâm chí nam nhi
Hoành xuất tam giới, phá tam kỳ
Thệ không thối chuyển Bồ Đề nguyện
Ân Phật báo đền, quyết có khi.
Ma thiên diệt thế nhấn phàm gian
Ngũ trược sinh linh khổ ai màng?
Mạt thế, thế thời sao mạt thế?
Vô văn mặt kệ, nó chẳng màng!
Khí tượng tung trời giáng oai long
Há miệng cuồng phong nuốt vào lòng
Bốn bể vẫy vùng tan khí hải
Bước chân dặm nát cõi tây đông.
Sấm chớp tung trời quyết lật ngang
Đảo ngược càn khôn cứu thế gian
Bi tâm hòa thể song linh chiếu
Huyết cạn, thân tan, sá - chẳng màn!
Ma ý rừng thiêng cuốn mọi người
Ta thề sống chết với các ngươi
Kiếm trí phá tan rừng ma ý
Đại nguyện hóa thân tế độ đời!
Nhân sinh hề!
Tây Phương tiếp độ về!
Luân hồi hề!
Biến tri niệm quay về!
Khuấy đảo trùng dương cuộc hóa sanh
Hóa sanh, sanh hóa bến phong trần
Phong trần, đại mộng phi lai thể
Lai thể vô sanh với chân thân.
Chân thân vô khứ diệc vô lai
Vô lai! Người hỏi: "Ta là ai?"
Là ai? Ai biết? Nào ai biết?
Ai biết? Ta đi trong đêm dài!
Đêm dài vô thỉ đến vô chung
Vô chung tâm thể hóa không trung
Không trung lệ cháy ôi, tình cháy!
Tình cháy thiên thu kiếp tương phùng!
Núi Đà Lạt 27/05/2022
__ೋ۞ Thích Long Viễn ۞ೋ__
XÂY DỰNG HÔN NHÂN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Một hôm có một cặp tình nhân đến thăm chùa, có nhân duyên được gặp Sư Phụ Long Viễn, sau khi được chú thị giả mời ngồi uống nước, cô bạn gái của anh ấy chấp tay thưa hỏi Sư Phụ:
- Kính bạch Thầy, chúng con sắp cưới nhau, con không biết trong nhà Phật có dạy về hôn nhân không ạ?
Sư Phụ bê ly nước lên uống một ngụm, sau đó đặt ly nước xuống bàn, Ngài đưa ánh mắt từ ái nhìn đôi tình nhân nam nữ, rồi Sư Phụ chậm rãi nói:
- Có, khi Đức Phật còn tại thế, Đức Thế Tôn có dạy về bốn kiểu hôn nhân, mà một gia chủ cần phải biết để xây dựng hạnh phúc gia đình!
Cô gái lại thưa hỏi tiếp:
- Xin Thầy cho chúng con biết bốn kiểu hôn nhân mà Đức Phật đã dạy được không ạ?
- Được, anh chị hãy chánh tâm tác ý lắng nghe!
Sau đó Sư Phụ dạy:
Một thời Thế Tôn đang du hành trong nhân gian, có lần Ngài đi trên con đường giữa Madhura và Veranja, Ngài rời khỏi con đường ấy, rồi đến ngồi dưới gốc cây mà các gia chủ ở đấy đã soạn sẵn, bấy giờ Đức Thế Tôn dạy các gia chủ về bốn kiểu hôn nhân như sau:
1. Một kẻ đê tiện sống chung với một kẻ đê tiện.
2. Một kẻ đê tiện nam sống chúng với một Thiên nữ.
3. Một Thiên nam sống chúng với một kẻ đê tiện nữ.
4. Một Thiên nam sống chung với một Thiên nữ.
Cô gái chấp tay thưa:
- Xin Thầy có thể nói rõ hơn được không?
Sư phụ đáp: Anh chị hãy lắng nghe!
- Thế nào là: "Một kẻ đê tiện sống chung với một kẻ đê tiện?" Ở đây, người chồng sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, đắm say rượu chè, ác giới, tánh ác, không có đạo đức, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chửi rủa các bậc chánh tu. Còn người vợ của anh ta cũng y hệt như thế. Đó là: "Một kẻ đê tiện sống chung với một kẻ đê tiện."
- Thế nào là: "Một kẻ đê tiện nam sống chúng với một Thiên nữ?" Ở đây, người chồng người chồng sát sanh, trộm cắp, đam mê tà dâm, nói láo, đắm say rượu chè, ác giới, tánh ác, vô đạo đức, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chửi rủa các bậc chánh tu, không ti nhân quả tội phước. Nhưng người vợ của anh ta thì từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu chè, có giới, thiện tánh, sống ở gia đình mà tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chửi rủa các bậc chánh tu, tin sâu nhân quả tội phước, sống có đạo đức. Đó là: "Một kẻ đê tiện nam sống chúng với một Thiên nữ"
- Thế nào là: "Một Thiên nam sống chúng với một kẻ đê tiện nữ?" Ở đây, người chồng từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm sống chung thủy với vợ, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu chè, từ bỏ ăn chơi trác tán, có giới, thiện tánh, sống ở gia đình mà tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chửi rủa các bậc chánh tu, tin sâu nhân quả tội phước, sống có đạo đức, mọi người ai cũng kính yêu. Còn người vợ thì ngược lại, sát sanh, trộm cắp, đam mê tà dâm, nói láo, đắm say rượu chè, ăn chơi trác tán, ác giới, tánh ác, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chửi rủa các bậc chánh tu, không ti nhân quả tội phước, sống vô đạo đức. Đó là: "Một Thiên nam sống chúng với một kẻ đê tiện nữ."
Thế nào là: "Một Thiên nam sống chung với một Thiên nữ? Ở đây, người chồng và người vợ đều từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm sống chung thủy với nhau, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu chè, từ bỏ ăn chơi thác loạn, có giới, thiện tánh, sống yêu thương san sẻ cho nhau, sống ở gia đình mà tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chửi rủa các bậc chánh tu, tin sâu nhân quả tội phước, sống có đạo đức, mọi người ai cũng kính yêu. Đó là "Một Thiên nam sống chung với một Thiên nữ."
- Có bốn kiểu hôn nhân như thế! Anh chị thích kiểu hôn nhân nào?
Cả hai đều đáp:
- Dạ, chúng con đều thích kiểu hôn nhân thứ tư!
Sư Phụ dạy:
- Nếu vợ chồng tin sâu nhân quả tội phước, thọ nhận Tam quy và Ngũ giới, hiểu rõ lý vô thường... thì cuộc sống vợ chồng sẽ rất an lành, hạnh phúc, đời sống hôn nhân sẽ có nhiều phúc lạc. Còn ngược lại, thì cuộc sống gia đình sẽ dễ tan vỡ. Khi yêu nhau thì ai cũng sống trong mộng, cưới nhau về rồi thì tỉnh mộng và vỡ mộng. Vì sao? Vì những thói hư tật xấu của người kia dần hé lộ, những gì thầm kín sẽ được phơi bày... lại khi có con rồi, thì áp lực cuộc sống đè nặng lên vai, trăm thứ phải lo lắng: Cơm, áo, gạo, tiền... dẫn đến xúc não, hôn nhân dễ đổ vỡ...
Người thanh niên, chấp tay thưa hỏi:
- Kính bạch Thầy, Đức Phật có dạy thêm và phương cách khiến cho đời sống hôn nhân gia đình được đảm bảo hạnh phúc không ạ?
Sư Phụ đáp: Có! Anh chị hãy tác ý lắng nghe! Muốn đảm bảo đời sống gia đình hạnh phúc thì: Có năm cách người chồng đối xử với vợ: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ.
Lúc ấy cô gái rất hớn hở, nhanh miệng thưa:
- Dạ, con thích những lời dạy này của Đức Phật! Sau đó nhìn người tình, nhoẻn miệng cười và nói yêu:
- Anh phải làm theo lời Đức Phật dạy nghe chưa?
Anh thanh niên nhẹ cười, sau đó nhìn Sư Phụ và thưa:
- Dạ, còn vợ thì đối với chồng thế nào ạ?
Sư Phụ từ tốn nói:
- Có năm cách người vợ yêu thương chồng mình: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.
Anh ta liền đưa mắt nhìn cô gái, vừa nói vừa cười nhẹ, với vẻ tâm đắc:
- Đó! Em nghe chưa!
Sau đó Sư Phụ dạy tiếp:
- Lại nữa, chị phải nghe cho kỹ, trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật có dạy: Nữ nhân thành tựu bốn pháp thì sẽ chiến thắng ở đời này, đời này rơi vào tầm tay của nữ nhân. Bốn pháp đó là gì? Nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc, biết thâu nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, biết giữ gìn tài sản cất chứa.
Thế nào là nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc? Ở đây, nữ nhân phàm có những công việc trong nhà, thuộc về len hay vải bông, ở đây, nữ nhân ấy thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm.
Thế nào là nữ nhân biết thâu nhiếp các người phục vụ? Ở đây, trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, nữ nhân biết công việc của họ với công việc đã làm, biết sự thiếu xót của họ với công việc không làm; biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh; biết chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo từng phần của mình.
Thế nào là nữ nhân sở hành vừa ý chồng? Tức là, những gì người chồng không vừa ý, dầu cho có vì sanh mạng, nàng cũng không làm.
Thế nào là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thâu hoạch được? Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, nữ nhân ấy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi bọn ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại...
Nếu nữ nhân thành tựu bốn pháp trên sẽ là người chiến thắng ở đời. Ðời này rơi vào trong tầm tay của mình.
Lại nữa nếu lại thành tựu bốn pháp này, sẽ là người thành công, là người chiến thắng ở đời, tất cả cái gì trong đời đều sẽ rơi vào sự kiểm soát và tầm tay của mình. Thế nào là bốn?... Tức là:"Nữ nhân đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ."
Thế nào là nữ nhân đầy đủ lòng tin? Nghĩa là, nữ nhân có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. “ Thành tựu tịnh tín vô biên với Như Lai.
Thế nào là nữ nhân đầy đủ giới đức? Tức là nữ nhân ấy từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu chè.
Thế nào là nữ nhân đầy đủ bố thí? Nữ nhân sống ở gia đình với tâm tư từ bỏ cấu uế của xan tham, bố thí rộng rãi, với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia xẻ các vật dụng của mình, bố thí với tâm hỷ xả.
Thế nào là nữ nhân đầy đủ trí tuệ? Nữ nhân có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.
Thành tựu bốn pháp này, thì nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Ðời sau rơi vào trong tầm tay của mình. Như Đức Phật có kệ nói:
"Khéo làm các công việc
Thâu nhiếp người phục vụ
Sở hành vừa ý chồng
Giữ gìn của cất chứa
Ðầy đủ tín và giới
Bố thí, không xan tham
Rửa sạch đường thượng đạo
Ðến đời sau an lành
Như vậy là tám pháp
Nữ nhân có đầy đủ
Ðược gọi bậc có giới
Trú pháp, nói chân thật
Ðủ mười sáu hành tướng
Thành tựu tám chi phần
Nữ cư sĩ như vậy
Với giới hạnh đầy đủ
Sanh làm vị Thiên nữ
Với thân thật khả ái."
Lúc ấy, anh thanh niên quay nhìn người yêu của mình với ánh mắt trìu mến vô cùng, anh lên tiếng:" Đức Phật quả thật trí tuệ vô song! Em phải nhớ kỹ lời Thầy dạy nghen! Để anh mãi mãi ở trong tầm tay của em, và anh cũng tự nguyện mãi mãi ở trong tầm tay của em. Hy vọng em sẽ cho anh một ngôi nhà thật hạnh phúc, chúng ta cùng xây dựng nên cuộc sống tràng đầy phúc lạc."
Đoạn nói xong, hai người đều chắp tay quay nhìn Sư Phụ, anh thanh niên kính cẩn thưa:" Con thành tâm cảm ơn Thầy rất rất nhiều, đã chỉ dạy chúng con xây dựng nên hạnh phúc vĩnh cửu của mình, chúng con cũng cảm tạ ân đức và lòng từ bi vô hạn lượng của Đức Phật đã chỉ dạy rất rõ ràng, để chúng con biết được đạo lộ mà chúng con phải đi, không những xây dựng hạnh phúc đời này, mà còn cho đời sau nữa ạ!"
Sư Phụ từ tốn nhìn đôi tình nhân trẻ, với tình thương bao phủ như một người cha, trìu mến nhìn con mình. Sau đó Sư Phụ chậm rãi nói tiếp:
- Nếu vợ chồng muốn được tình yêu trọn vẹn đời này và tái hợp trong đời sau thì cả hai phải có cùng một đức tin, cùng giữ gìn giới hạnh, cùng tu bố thí, cùng tu thiền định, cùng dùng trí tuệ để ứng biến trong đời sống gia đình, xem người kia như chính một nửa thân mình thật sự, cùng hi sinh cho nhau, cùng biết lắng nghe, cùng biết chia sẻ, cùng biết tùy thuận và bằng lòng với những cái mình hiện có. Nếu anh chị làm được như thế thì đời này hạnh phúc, đời sau tái hợp duyên lành ở cõi trời. Đúng như trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật có dạy:
"Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng,
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau,
Ðời sống nhiều hạnh phúc,
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ thù không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành,
Ở đây sống theo Pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hân hoan được thỏa mãn,
Ðúng với điều sở cầu."
Sư Phụ nói xong bài Kệ trong Kinh, cặp tình nhân ấy vô cùng hớn hở, tâm đầy hỷ lạc, cùng nhau đảnh lễ Sư Phụ, cùng hứa sẽ đến chùa thọ Tam quy Ngũ giới... rồi từ biệt ra về
_CHỨNG NGỘ TRI KIẾN NHƯ THẬT VỀ CÁC PHÁP_
Một hôm có một hành giả Tỷ Kheo tu theo hệ phái Nguyên thủy Phật giáo, đến thăm Sư Phụ Long Viễn. Sau khi chào đón hỏi thăm xong, hai vị cùng nhau uống trà, đến lúc gần ra về thì vị Tỷ Kheo kia sửa lại y áo rồi trịnh trọng thưa hỏi:
- Làm sao để đạt được tri kiến như thật về các pháp?
- Hãy tu tập Chỉ và Quán!
- Chỉ và Quán được cảm nghiệm ở đâu?
- Ở nơi thân và tâm!
- Nếu thân và tâm được tu tập, có lợi ích gì?
- Bất động trước các pháp!
- Bất động trước các pháp, hạnh thâm là gì?
- Nghĩa là bất động tâm định!
- Tâm định diệu ý qua hành pháp như thế nào?
- Sáu căn xúc cảnh tâm chẳng duyên theo!
- Sáu căn xúc cảnh tâm chẳng duyên theo, gốc diệu hành ở đâu?
- Ở nơi Thánh Giới!
- Thế nào là Giới?
- Ngừa quấy, dứt ác không làm trở lại!
- Như vậy thành tựu Thánh Giới thì viên mãn Chỉ và Quán đúng không?
- Đúng như thế!
- Như thế thì, hạnh thâm của Chỉ cảm nghiệm lợi ích gì?
- Tâm được nhu nhuyến, kham nhậm và chói sáng!
- Tâm được nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, cảm nghiệm được lợi ích thù thắng gì?
- Tất cả tham ái được đoạn tận!
- Còn hạnh thâm của Quán cảm nghiệm được lợi ích gì?
- Trí tuệ được phát triển!
- Trí tuệ phát triển, hành giả cảm nghiệm được lợi ích gì?
- Tất cả vô minh được đoạn trừ, minh sanh khởi!
- Thế thì, sự đoạn diệt của tham dục, rốt ráo cảm nghiệm lợi ích chân thật gì?
- Tâm được giải thoát!
- Sự đoạn diệt của vô minh, rốt ráo cảm nghiệm lợi ích chân thật gì?
- Tuệ giải thoát!
- Tâm và tuệ giải thoát rốt ráo, hành giả thành tựu cứu cánh là gì?
- Cứu cánh Phạm Hạnh, thể nhập Niết Bàn ngay trong hiện tại!
Những câu hỏi mà vị Tỷ kheo đặt ra, Sư Phụ đã trả lời một cách vắn tắt; vị Tỷ Kheo ấy, sau mỗi câu hỏi đều gật đầu cảm thán liễu nghĩa, với ánh mắt sáng rực... Sau đó chí thành đảnh lễ Sư Phụ, nguyện sẽ cố gắng thực hành thành tựu cứu cánh Phạm Hạnh ngay trong đời này, để báo đền ân đức tri ngộ hôm nay!
BẪY MỒI
Dòng sông nước chảy lững lờ
Trong sông cá nhảy nhỡn nhơ gợi tình
Mồi ngon vẫy gọi cá xinh
Chao ôi, thèm khát trong mình thịt rung
Đạp sóng há miệng hớp tung
Nuốt xuống cho đã ... nghìn trùng đắng cay!
Ông câu giật lấy cần ngay
Đem về hấp, nướng... nhậu say vui cười.
Cuộc đời cũng thế ai ơi
Ta như con cá trong đời mà thôi
Ma vương quyền lực ngút trời
Cần câu Ngũ dục (*) giật người ái tham
Một khi nuốt phải chớ than
Luân hồi muôn kiếp, ai đan đoạn trường?
Sáu nẻo (**) không chỗ tựa nương
Tam đồ (***) ác báo khôn lường gian nan
Địa ngục, Ngạ quỷ, hầm than
Chảo dầu, lửa đốt, nướng ram tan tành
Thân này triển chuyển xoay quanh
Không bao giờ thoát, đành rành quả nhân.
Thế Tôn xuất thế thuyết nhân
Diệu pháp chân thật, nghìn phần không sai
Phá tan lưới ái đọa đày
Phá tan ma giới vượt ngay luân hồi
Vô thường sát quỷ khôn lời
Diêm Vương, Nghiệp Kính (****), chấp tay lạy mình
Ta về soi bóng u minh
Hào quang tỏa chiếu chúng sinh nương nhờ
Ai ơi chớ có lập lờ
Ai ơi chớ có hững hờ Pháp duyên
Quyết ngay, ngay quyết liền liền
Quyết như sấm sét tu liền đi thôi
Khổ thay kiếp sống luân hồi
Thương thay những kẻ nổi trôi biển tình
Thương mình mình phải cứu mình
Thương mình mình phải đoạn tình ái tham
Thương mình buông bỏ xan tham
Thương mình mình quyết Niết Bàn chứng thôi
Hỡi ôi! Nhân thế luân hồi
Tình trong như cắt bời bời ruột gan
Đêm đêm lặng ngắm quan san
Trông trường huyễn mộng mơ màng giấc thu
Đưa tay vén áng mây mù
Trông trăng, trăng sáng soi người ngủ say
Mắt trong ngọc biếc sương bay
Lá rơi theo gió ai hay sự tình?
Tình tôi một bóng một hình
Tâm đăng rạng chiếu phù sinh giữa đời
Tình tôi nở giữa luân hồi
Chờ ai ghé lại cùng ngồi ngắm trăng
Ánh trăng sáng giữa phàm nhân
Ánh trăng giác chiếu đôi bờ tử sanh
Quay về nhận lại thật nhanh
Bội trần hiệp giác, trình anh: "Không phần!"
Núi Đà Lạt đêm 08/05/2022
_ೋ۞ Thích Long Viễn ۞ೋ_
1. Sắc dục : Ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt.
2. Thinh dục : Ham muốn tiếng hay, dịu ngọt….
3. Hương dục : Ham muốn mùi thơm ngạt ngào….
4. Vị dục : Ham muốn đồ ăn thức uống ngon ngọt…
5. Xúc dục : Ham muốn sự đụng chạm mềm dịu….
+ Ngũ dục còn có 5 thứ sau :
1. Tài dục : Ham muốn của, vàng ngọc.
2. Sắc dục : Tham sắc đẹp mỹ miều.
3. Danh dục : Tham muốn địa vị cao sang, tiếng tốt.
4. Thực dục : Tham muốn thức ăn ngon nhiều.
5. Thùy dục : Tham muốn ngủ nghỉ nhiều.
Ngũ dục cũng kêu là Ngũ độc tiển (năm mũi tên độc hại) ngũ dục là 5 món dục của chúng sanh, từ súc sanh đến nhơn loài thần tiên, nếu mình không điều phục ngũ căn (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) để cho sa đắm ngũ dục thì thất lạc thiện căn, sa vào nẻo ác lụy. Tham đắm ngũ dục tức cuộc đời bị trói buộc bởi năm thứ độc hại ham muốn.
(**). Sáu nẻo: Sáu nẻo luân hồi còn gọi là lục đạo luân hồi, tức là vòng quanh trong 6 đường sinh tử. Sáu đường: địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, người, trời và a tu la. chúng sinh vì tạo các nghiệp, hoặc thiện hoặc ác, nên phải trôi lăn mãi trong vòng sinh tử mà chịu khổ trong 6 đường, nên gọi là lục đạo luân hồi.
(***). Tam đồ: Tam đồ cũng còn gọi là tam ác đạo nghĩa là ba đường dữ, gồm Hỏa đồ, Đao đồ và Huyết đồ, đồng nghĩa với Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh của ba đường ác, do vì các nghiệp ác của thân, miệng và ý gây ra nên dẫn đến kết quả sanh vào ba đường này:
1. Hỏa đồ (tức đường Địa ngục): do vì chúng sanh của cõi này thường chịu nỗi khổ bức bách, nóng bỏng của lò sôi, vạc cháy, hoặc do vì nơi ấy lửa tích tụ rất nhiều, nên có tên gọi là Hỏa đồ.
2. Đao đồ (tức đường Ngạ quỷ): do chúng sanh ở cõi này thường chịu cái khổ bức bách của đao gậy nên có tên gọi như vậy.
3. Huyết Đồ (tức đường Súc sanh): do chúng sanh ở cõi này tranh giành cấu xé lẫn nhau, người mạnh lấn áp kẻ yếu, uống máu ăn thịt nhau, nên có tên gọi như vậy.
(****). Nghiệp Kính: Gọi đầy đủ là Nghiệp Kính Đài, chúng sanh sau khi chết đọa vào địa phủ, đối diện là Nghiệp Kính Đài bao nhiêu nghiệp thiện ác đều hiện rõ hết trong ấy, chúng sanh không thể chối cãi trước Vua Diêm Vương, thuận theo nghiệp mà lãnh thọ quả báo.