Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

  Tham Thiền Hoặc Vấn


 Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma

Phần II

Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy:

"Nếu người muốn biết cảnh giới Phật

Phải tịnh ý mình như hư không

Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ

Khiến tâm khắp nơi đều vô ngại"

Cảnh giới Phật là gì? Là cảnh giới vô tướng vậy! Nếu đem tâm, ý, thức mà suy lường thì Phật cảnh giới hóa thành Ma cảnh giới, vì sao? Đạo vốn viên thành, bất dụng tu chứng! Phàm phu không thể liễu, cho nên vọng chấp hữu tướng, vì chấp tướng nên tâm ngăn ngại không thể phá trừ tất cả cảnh giới Ma mà thể nhập Chánh Biến Tri Giác vô trụ vô y. Muốn biết cảnh giới Phật ư? Phải trang nghiêm tu chứng, phải xuất sanh cái thấy chân thật gọi là Phật cảnh giới, cái thấy chân thật thì chẳng có gì không thấy mà cũng chẳng có gì thấy; những gì phàm phu nhìn thấy đều là vọng tưởng, hư ngụy, nếu muốn đạt đến tịch diệt thì  phải ngay nơi ý căn mà tẩy sạch các thứ nhiễm ô phiền não từ vô thỉ đến nay, xa lìa vọng tưởng phân biệt và chấp thủ thì cái Diệu Tâm Nguyên Minh tròn sáng tự nhiên sẽ hiển lộ khắp nơi chẳng có chướng ngại. Ông phải biết: Tâm chúng sanh vừa sinh thì pháp Phật diệt. Tâm chúng sanh vừa diệt thì pháp Phật sinh. Tâm sanh thì pháp chân thật diệt, tâm diệt thì pháp chân thật sanh. Chính thế nên các bậc Thánh nhân không dùng tâm để cầu pháp, không dùng pháp để cầu tâm, không dùng tâm để cầu tâm, không dùng pháp để cầu pháp. Do đó mà tâm không sanh pháp, pháp cũng không sanh tâm. Tâm và pháp đều vắng lặng nên thường ở trong cõi Phật. Tâm ông nếu lìa sanh và diệt thì tịch diệt hiện tiền, tịch diệt hiện tiền không phải là Chánh Biến Tri Giác ư? Không phải đang tự tại du hý trong cõi Phật ư? Làm sao bị Ma khuấy não được? Cho nên không thấy hết thảy các pháp gọi là đắc đạo, không hiểu hết thảy các pháp gọi là hiểu pháp. Vì sao vậy? Vì không thấy cả chỗ thấy và không thấy, vì không hiểu cả chỗ hiểu và không hiểu. Đó mới gọi là cái thấy chân thật cùng cái hiểu chân thật. Bởi thế nên Kinh dạy: "Nếu làm cho cõi nước không thanh tịnh, dơ nhớp xấu ác đầy dẫy, tất không thể có việc chư Phật Thế Tôn từ trong đó hiển lộ".

Trong tâm có ba độc thì gọi là cõi dơ nhớp xấu ác, cũng gọi là cõi nước của ác Ma, trong tâm không có ba độc thì gọi là cõi nước thanh tịnh, cõi Phật cực lạc. Vì tâm chúng sanh luôn luôn huân tập những chủng tử bất thiện, đi trong rừng rậm ma ý, dựng cao tràng kiêu mạn vào trong lưới khát ái,  lấy lưới khát ái bao trùm tạo mầm tái sanh luân chuyển vào lục thú luân hồi, nên không thể vượt khỏi tầm mắt của Ma vương và chiến thắng lưỡi hái của tử thần. Có người muốn chứng bất tử, muốn phá dẹp quân ma mà thành tựu Bồ Đề, chí quyết tinh tấn nhưng Hạnh Giải không thể tương ưng, luôn bị lửa khát ái thiêu đốt tức là Dục ái, Hữu ái và Phi hữu ái, sanh ra vô lượng phiền não, không thể nào phá dẹp quân Ma được. Vì sao? Vì Không gặp minh Sư, quên mất Thiện Tri Thức; vì thiếu phước báo, công đức và thiện căn vậy. Nếu như trong đời không gặp được chân Sư, không gặp được Thiện Tri Thức thì rất cần phải biết các cảnh giới Ma một cách rõ ràng mới có thể đoạn tất cả kiết sử phiền não, phá trừ chúng Ma, hoại giặt sanh tử mà viên giác Bồ Đề được.

Như tôi đã nói ở trên, đại lược có bốn loại Ma đó là:

1. Ma phiền não

2. Ma ấm, giới, nhập

3. Ma chết

4. Thiên ma ở Dục Giới.

Nay sẽ vì ông phân biệt Ma pháp rõ ràng:

I- Ma phiền não

Là những sầu bi khổ ưu não trong tâm sanh khởi do ba độc là tham, sân, si làm nền tảng và chín mươi tám loại phiền não. Chính Vô Minh duyên Hành... mà sanh khởi Thủ, Hữu trong mười hai nhân duyên, lưu chuyển đến Sanh, Tử trong ba đời luôn bị trói buộc đau khổ mà không thể  tự tại được. Ngũ trược, Ngũ cái, Ngũ triền, Cửu kiết, mười sáu thứ phiền não... đều phá loạn tâm người, khiến cho người tu hành bị bi sầu ai oán não hại ...bức bách, khiến bậc chân tu công phu phế bỏ, đạo nghiệp lùi xa, không thể chứng định, chấn phá quân Ma. Như trong Luận Ma Ha Diễn có kệ nói về mười đội quân của Ma vương như sau:

"Dục đạo quân thứ nhất.

Ưu sầu đạo thứ hai.

Đói khát là thứ ba.

Yêu mến là thứ bốn.

Mê ngủ là thứ năm.

Kinh sợ là thứ sáu.

Nghi hối là thứ bảy.

Giận hờn là thứ tám.

Tham danh là thứ chín.

Ngã mạn là thứ mười.

Những ma sự như thế,

Dìm đắm người xuất gia,

Ta dùng sức thiền trí,

Phá dẹp các quân ma,

Được thành Phật đạo rồi,

Độ tất cả chúng sanh."

Bậc tu hành chân chánh nếu không khéo biết mười đội quân tinh nhuệ của Ma vương thì sao có thể phá dẹp được chúng mà chứng quả Bồ Đề?






Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

 Tham Thiền Hoặc Vấn


 Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma

Phần I

Khi ánh mặt trời lên cao độ hai, ba cây sào cảnh vật núi rừng đang giao hòa trong ánh nhật quang, tạo nguồn sống để khởi đầu ngày mới. Lúc bấy giờ có một hành giả đến thăm Sư Phụ Long Viễn, qua một thời gian sau khi chào đón hỏi thăm xong, vị hành giả kia chấp tay trịnh trọng thưa hỏi.

 Hỏi: Kích bạch Thầy, tôi quyết tâm tu hành nhưng thật lòng khó vượt nỗi những cảnh Ma duyên hệ lụy, Thầy có thể giúp tôi phá trừ được không?

Đáp: Ông cứ tùy ý mà hỏi

Hỏi: Ma là gì?

Đáp: Ma tiếng Phạn là Ma-la dịch ý là Sát, Có nghĩa là nó có thể cướp mất công đức và thiện căn của người vậy!

Hỏi: Sao gọi là Ma sự?

Đáp: Chư Phật dùng vô lượng phương tiện thù thắng với vô tận trí và công đức vô biên để độ thoát chúng sanh, khiến chúng diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn, đó gọi là Phật sự.

Còn Ma thì phá hoại căn lành, cướp mất công đức và tuệ căn của chúng sanh, khiến chúng sanh trôi lăn trong biển sanh tử luân hồi, nên gọi là Ma sự vậy.

Người tu hành khi dùng tâm chánh quán để thể nhập vào biển trí giác vô lậu thì pháp giới rung chuyển, khiến cung điện thiên Ma cùng các cõi giới quỷ thần...thảy đều chấn động và biến hoại nên chúng sẽ dùng mọi cách để phá hủy chánh đạo của bậc chánh tu. Như Kinh Lăng Nghiêm nói: “Mười phương hư không sanh trong tâm ông, như một điểm mây trong bầu trời, khi các ông khởi tâm về nguồn chân thật, thì mười phương hư không thảy đều tiêu mất huống gì các thế giới trong hư không ấy!” Nên đạo càng cao thì Ma càng thịnh, càng tu chân chánh thì càng gặp chướng duyên, càng thể nhập Diệu Quán để bước vào các cảnh giới Thiền chứng thì càng bị những khảo nghiệm cả về thuận và nghịch làm cản trở... nên bậc tu hành chân chánh phải khéo tỉnh giác và nhận ra Ma sự để chuyển hóa tất cả các cảnh giới và biến tất cả chướng ngại thành con đường giải thoát.

Hỏi: Có bao nhiêu loại Ma?

Đáp: Đại lược có bốn loại Ma, thế nào là bốn? Đó là:

1. Ma phiền não

2. Ma ấm, giới, nhập

3. Ma chết

4. Thiên ma ở Dục Giới.

Hỏi: Xin hãy phân biệt và nói rõ được không?

Đáp: Vậy ông hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ; xưa chư Phật, chư Tổ sư đã từng phân biệt và diễn nói, nay tôi sẽ cũng sẽ vì ông mà ước lược tỏ bày.

 


Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

 
Bài Ca Diệu Pháp Cam Lồ

Chiều hôm ấy Sư Phụ Long Viễn đang nằm trên ghế nằm bằng gỗ, thì Chú thị giả ngồi bên cạnh, đôi tay Chú xoa xoa lòng bàn chân của Sư Phụ, Chú nhìn Sư Phụ với ánh mắt đầy kính trọng như chiêm ngưỡng Phật vậy, rồi sau đó Chú khẽ thưa:

- Thưa Sư phụ! Nguyện xin Sư phụ từ bi cho con những chỉ dạy tối hậu về Diệu Pháp Cam Lồ để con có thể y cứ vào đấy mà tinh tấn đến mục đích cuối cùng, mục đích mà một đệ tử vì lòng tin nơi Tam Bảo xuất gia, nguyện mong Sư Phụ hoan hỷ ạ!
-  Uhm! Nay Thầy sẽ vì con mà ca Bài Ca Diệu Pháp Cam Lồ, con hãy y cứ vào đấy mà thẳng đoạn Dục Lưu, Hữu Lưu, Vô Minh Lưu và Kiến Lưu, cắt đứt dòng sông tham ái, tinh tấn tu hành đến cảnh giới Niết Bàn:
"Một ngày trôi qua thân này ví như người ta dắt trâu vào lò mỗ
Thật là ngu si khi không tỉnh thức vạn hữu vô thường.
Sự vận hành của Nghiệp như một tòa án công lý chưa bao giờ thất bại
Thật là ngu si khi tạo tác ác nghiệp mà không lo buồn.
Nhân và Quả theo ta như bóng với hình mà không tạm rời xa
Thật là ngu si khi làm việc mà không nghĩ đến hậu quả của nó.
Cái chết là tài sản mà ta vừa sinh ra đã có
Thật là ngu si khi cứ mãi phóng dật mà không sợ tử thần.
Tất cả các pháp hiện hữu chẳng khác nào giấc mộng đêm qua
Thật là ngu si khi làm nô lệ cho khát ái mà không tỉnh đại mộng.
Ngũ uẩn này chính là hiện thân đích thực của Ma-la
Thật là ngu si khi không uống cam lồ vi diệu của Pháp.
Những ai thiện căn chín mùi sẽ nhận ra điều đó
Trong thời đại năm thứ suy đồi này
Và tinh tấn tu hành không bao giờ thoái lui
Họ sẽ làm chủ sanh già bệnh chết và hóa độ trời người."

Chú lắng lòng nghe...lắng lòng nghe... âm điệu trầm ấm của Sư Phụ như đưa chú về biển giác chân tâm, đôi mắt Chú sáng lên như đang tắm mình trong biển hào quang cam lồ vi diệu pháp, qua lời ca của Sư Phụ mình? Lời ca vô thường nhưng chân lý mà Sư Phụ đã dạy là chân thường với Chú...Chú hứa với Sư Phụ sẽ nhớ mãi lời ca này và thể nhập vào nó để chứng ngộ cứu cánh Phạm Hạnh, mục đích mà những ai vì lòng tin nơi Tam Bảo mà xuất gia học đạo. Tri ân Sư Phụ vô cùng, Ngài chính là Đạo Sư Kim Cương trong lòng Chú...