Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Câu Đối Phật Pháp :

ĐẠI ĐỊNH
------------
            Tình phàm Thánh hết chân Tam Muội
Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh.
               ೪-- Lương Sơn Long Viễn --
     
                 

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Lời Vàng Thầy Dạy :

ಙ-- THẮNG NGHĨA VÔ BIÊN CỦA PHẬT GIÁO --ಙ 
( Một chữ tóm gọn tám vạn bốn ngàn Pháp môn)

Vào một buổi sáng ngày hè, những hạt sương long lanh phản sắc cầu vồng trên cây lá, như báo hiệu một ngày mới bắt đầu với pháp âm truyện lưu vong vọng vào pháp giới bất nhị của Đại Tâm. Sư Phụ Long Viễn cũng vừa tọa thiền xong, Ngài chống gậy từng bước chân chánh niệm xuống Chánh Điện ( chống gậy đi là một thói quen của Ngài ). Lúc ấy tôi cũng vừa đến nơi, tôi vào đảnh lễ Ngài, Sư Phụ mời tôi dùng nước và hai thầy trò ngồi trò chuyện, khi những hạt sương tan biến vào hư vô, ánh mặt trời đã lên cao trên đỉnh núi. Lúc ấy tôi chấp tay thưa hỏi:
 - “ Bạch Sư Phụ! Phật Pháp có đến tám vạn bốn ngàn Pháp môn, làm sao con có thể nhiếp hết được mà dụng công thiền quán để ngộ đạo?
Sư Phụ nhìn tôi mỉm cười rồi từ tốn bảo:
 - “Chỉ cần con ngộ được một chữ TÂM, tức là tám vạn bốn ngàn Pháp môn đều vứt cả.”
Tôi tròn mắt ngạc nhiên hỏi:
 - “ Tại sao thể, Sư Phụ?”
 - “ Vì tám vạn bốn ngàn Pháp môn là phương tiện để ngộ được bổn tâm mình, nếu ngộ được tâm thì còn cần phương tiện để làm gì?”
 - “ Ồ ! Thì ra vậy, nhưng... thưa Sư Phụ: chỗ Đại Đạo hướng đến, tức là cái diệu của bổn tâm như thế nào ạ?”
 - “ Chỉ có một chữ thôi con.”
 - “ Là một chữ gì vậy? thưa Sư Phụ.”
Sư Phụ uống một hớp nước lạnh trong cốc, rồi nhẹ nhàng đặt ly xuống bàn, nhìn tôi và cười nói:
 - “ Đó là chữ “ TỊNH”.”
Tôi ngồi nghiệm một chập rồi thưa tiếp:
 - “ Xin Sư Phụ nói rõ hơn được không ạ?”
Sư Phụ đáp:
  “ Pháp môn phương tiện chỉ ngộ TÂM
   TÂM ngộ, Bát Nhã há truy tầm
   Ngộ Tâm, Tâm ngộ quy về TỊNH 
  Chư Phật ba đời thuyết diệu âm.”
Lúc ấy tôi như một người lạc đường chợt nhận ra phương hướng, thật hạnh phúc vô biên không nói nên lời, vì tôi đã biết được diệu lý thắng nghĩa của Phật giáo, cũng như tôn chỉ của người tu theo giáo lý Phật đà.
                                                 -- Hồng Tuyến kính lưu tâm bút --



Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Câu Đối Phật Pháp :

ಢ- CHÁNH TU -ಢ
----- -----
Tâm mê Diệu Pháp chuyển: Người về trong kiếp luân hồi thiên thu sóng cuộn muôn đời biển Đông.
Tâm ngộ chuyển Diệu Pháp: Người đi xa cách muôn trùng thiên thu khuất bóng mịt mùng trời Tây.
                                                                        -- Lương Sơn Long Viễn --




Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Thơ Tịnh Độ

    ೠ -- LẶNG LẼ -- 
(Kính dâng Đức Từ Phụ A Di Đà Phật!)

Núi vọng hương xưa núi vọng tình
Lá rơi từng chiếc lá lặng thinh
Hoàng hôn nhạt nắng hoàng hôn khuất
Bóng tối bao quanh bóng riêng mình.

Trong bóng đêm về xây cô liêu
Lòng đau như cắt quá tiêu điều
Nhớ thương, thương nhớ, ôi thương nhớ !
Từng dòng ký ức lạnh đìu hiu ...

Con đến thăm Người trong đêm nay
Tình dâng hóa sóng ngập qua tay
Mười phương kết nhớ thành hoa trắng
Ngũ phần chân hương lệ thấm đầy ! (*)

Bốn phía trông vời nhớ cố hương
Bước chân đơn bước dạ hoài vương
Bi tâm hòa thể, ơi lòng nát !
Trần hoàn ... con mặc áo phong sương !

Không cần ai biết, không cần ai
Con đi vào mộng với đêm dài
Con đi nhặt ánh Phật quang chiếu
Dâng đời - phúc lạc, một ngày mai !

Lặng lẽ: Mình con giữa luân hồi !
Lặng lẽ: Con biết chúng sanh thôi !
Lặng lẽ: Trông đêm mờ nhân ảnh !
Vô hình con bước trong lệ rơi !
            ೋ- Thích Long Viễn -































Ghi chú:
Ngũ phần chân hương : Hay còn gọi là Ngũ phần hương gồm năm loại hương thơm: Hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát và hương Giải thoát tri kiến.

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Câu Đối Phật Pháp

--VIÊN THÔNG--
Ba nghiệp thanh tịnh đạo quả viên thành
Sáu căn hỗ tương viên thông tự tại.(*)
 ೋ- Lương Sơn Long Viễn-



Ghi Chú:
- Ba nghiệp: Thân, khẩu, ý
Thân có ba ác nghiệp: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm
Khẩu có bốn ác nghiệp: Lưỡng thiệt (nói lời đâm thọc, nói hai lưỡi), ác khẩu (nói lời độc ác, chửi rủa người), vọng ngôn (nói lời không thật, nói láo), ỷ ngữ (nói lời thêu dệt)
Ý có ba ác nghiệp: Tham, sân, si 
Như vậy tổng cộng có mười ác nghiệp nếu ngược lại mười ác là mười thiện vậy. 
Cho nên Kinh dạy: 
" Ba nghiệp hằng thanh tịnh
Đồng Phật vãng Tây Phương."
- Sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
- Hỗ tương: Nghĩa là có thể dùng lẫn nhau một cách vô chướng ngại: Mắt có thể ăn, tai có thể ngửi... Nếu sáu căn có thể dùng lẫn nhau thì đạt đến cảnh giới viên thông tự tại.

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Lời Vàng Thầy Dạy :


PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
DIỆU HẠNH BÁO ÂN TỐI THẮNG

                                Con xin quy mạng kính lễ hết thảy chư Phật
                                Và xin quy mạng tâm Bồ-đề
                                Con chí thành đảnh lễ Bậc phát tâm
                                Xin nguyện cầu pháp giới chúng sanh
                                Đều an lập trong thực tính Bồ-đề!

Có lần đức Kadampa thấy một người đàn ông đi nhiễu chung quanh tháp, Ngài hỏi:
 - "Anh đang làm gì đó?"
 - "Con đi nhiễu tháp! ": Người đàn ông trả lời.
Bậc Thầy lại hỏi:
- "Thôi anh thực hành Phật Pháp có hay hơn không?"
Lần sau Thầy lại thấy anh ta đang lễ lạy, Thầy hỏi tiếp:
- "Anh đang làm gì đó?"
- "Con lạy một trăm ngàn lạy! ": Anh ta đáp lời.
Bậc Thầy vẫn hỏi:
- "Thôi anh thực hành Phật Pháp có hay hơn không?"
      Qua cách huấn thị của đức Kadampa, cho ta biết rằng: Đạo là phải hành, không hành không gọi là đạo. Nhưng biết đạo để thực hành cần phải có chánh nhân thiện nghiệp. Thiện nghiệp chánh chân chính là thực hành Phật đạo, Phật đạo chân chánh không ngoài Hiếu đạo (Nói đến Hiếu đạo thì rất rộng lớn, nhưng không ngoài Tứ ân: Ân Tam Bảo, ân Sư Trưởng, ân Cha Mẹ và ân Đàn Việt – Chúng Sanh). Như thế, nếu ta muốn qua thiện hành đạo Pháp của Phật thuyết, để báo đền Tứ ân làm tròn câu Hiếu đạo thì cần phải phát Bồ-đề tâm. Bởi vì Bồ-đề tâm là chỗ quy hướng của tất cả trời - người, là chúa tể của tất cả mọi thứ thiện pháp trên đời này!
    Thế nên, chỉ lễ lạy, nhiễu tháp, hay hành Thiền, niệm Phật, trì chú thôi chưa đủ. Giả sử đức Kadampa thấy bạn đang ngồi Thiền, đang lần tràng hạt hay đang trì tụng Chân ngôn… Thầy cũng sẽ nói: Thôi anh thực hành Phật Pháp có hơn không? Vậy thì nhiễu tháp, lễ lạy, hành Thiền, niệm Phật… đều không phải là Phật Pháp ư ? Ồ! Vậy thì Phật Pháp là gì thế ? Đấy chính là vấn đề của người đàn ông trong câu chuyện trên, anh ta chẳng biết phải làm gì khác hơn!
   Vâng! Thực hành Phật Pháp đúng đắn, thực tế nhất và toàn hảo nhất không có gì hơn là thực hành Bồ-đề tâm! Bạn hãy xác tín rằng: Tất cả chúng sanh trong quá khứ đều là cha mẹ của ta! Không có sự cùng tận cho lòng thương và sự hy sinh của cha mẹ dành cho bạn để chăm sóc, bảo vệ bạn khỏi sự đau khổ hiểm nguy. Hãy tri ân và niệm báo ân, hãy trải rộng tình thương phát khởi Từ tâm, lập đại thệ nguyện cứu vớt họ; khi từng bước đi của họ đang được dẫn dắt bởi dục vọng và ác hành. Họ đang tiến dần về vực thẳm:
“Chúng sanh bình đẳng trong đau khổ,
Vì bị vọng tưởng làm điên cuồng
Và vô minh làm mù  quáng
Mỗi bước đi đưa chúng đến vực thẳm.”
                                                           (Đức Shantideva)
  Nhưng bạn không thể làm lợi lạc cho hữu tình, nếu tự thân chưa đạt được trí toàn giác. Nên Tiên đức có câu:
“Phát Tâm Bồ-đề
Là mong cầu toàn giác
Để lợi lạc hữu tình.”
   Không lúc nào tốt hơn lúc này để phát tâm Bồ-đề, vì cái thân người bạn đang có đủ để bạn đạt thành Phật quả! Chớ về trắng tay khi bạn đến đảo châu báu (Được thân người), chớ lần lữa trong sự đói nghèo khi gặp được kho tàng vô tận! Nếu bạn chưa phát tâm Bồ-đề thì bạn không phải là Bồ-tát hay con Phật, dù bạn đắc được những pháp thần thông cao thượng cùng những tri kiến thấu suốt chân tánh, hay những thiền chứng siêu tuyệt cùng những linh kiến mật điển sâu xa … Bạn sẽ không được dự vào hàng ngũ Đại Thừa và ngược lại như tác Phẩm Hành Bồ Tát Hạnh nói:
“Chúng sanh đang ở ngục tù sanh tử
Mà biết phát tâm Bồ-đề,
Tức thì họ được ngay danh hiệu
Là “ Con của chư Phật.”
Và:
“Từ đây tôi được sinh vào dòng họ Phật
Tôi đã thành người con Phât.”
Khi một chúng sanh phát tâm Bồ-đề, thì mười phương thế giới thảy đều chấn động, khiến cho cung điện Ma vương rung chuyển như sụp đổ. Ma vương phải giật mình kinh hãi nói rằng: “ HừmThật bất hạnh cho Ma giới, người này tương lai sẽ thành bậc Toàn Giác!”, mười phương chư Phật thảy đều hoan hỷ, chư Bồ-tát tán thán, chư Thiên ca múa vui mừng… “Nếu có tâm Bồ-đề thì dù khi bạn cho súc sanh một miếng ăn, việc ấy cũng góp phần vào sự đạt toàn giác…Bởi đó mà Bồ-đề tâm như một người cha. Đấy là lý do gọi Bát Nhã là “mẹ” (Đức Pabongka). Nếu có tâm Bồ-đề bạn sẽ vượt hẳn hàng Thanh Văn và Duyên Giác, có thể phá rách lưới Ma, hoại giặc sanh tử, dẫn đạo cho nhiều loại hữu tình, hay khiến chúng sanh được Tâm đắc mãn túc, như châu ngọc trong biển cả sáng hơn tất cả đá sỏi ở lục địa Nam phương, những người phát tâm Bồ-đề trong dòng tâm thức cũng sáng chói hơn tất cả Thanh văn và Duyên giác. Trong Kinh Hoa Nghiêm đấng Đại Từ Bi Phụ cũng dạy rằng: “Ví như chim Ca Lăng Tần Già, khi còn nằm trong trứng, đã có thế lực mạnh, các loài chim khác chẳng bằng. Vị Đại Bồ-tát cũng in như vậy. Còn ở trong trứng sanh tử, đã phát tâm Bồ-đề, công đức rất thế lực, hàng Thanh Văn, Duyên Giác làm gì so sánh kịp.”
Thế Tôn cũng từng nói: “Ai tôn kính Ta thì hãy kính lễ các vị Bồ-tát thay vì kính lễ các đức Như Lai, cũng như trăng mới mọc quý hơn trăng tròn vậy. Khi vị Bồ-tát bước lên một chiếc xe, chư Phật sẽ giúp họ hưởng khoái lạc thuộc năm giác quan và làm cho họ vui thích. Nếu xe không người đẩy thì chính chư Phật sẽ quấn một sợi dây quanh cổ mà kéo xe.”
Có lần đức Phật không cúng cho Bồ-tát Văn Thù miếng ăn đầu tiên trong bình bát của Ngài, nên cái bát bị đất nuốt mất tiêu. Trong Kinh Đại Bảo Tích Như Lai cũng từng nói: “Công đức Bồ-đề tâm, nếu có chất hẳn hòi, khắp cả cõi hư không, không thể dung chứa hết”, bởi vì: “Bồ-đề tâm là con đường lớn, vì có thể đưa người được vào cõi Nhất Thiết Trí. Bồ-đề tâm là con mắt sáng, vì có thể xem thấy hết thảy đường chánh nẻo tà. Bồ-đề tâm là mặt trăng sáng, vì soi rõ các tịnh pháp đều viên mãn. Bồ-đề tâm là nước sạch, vì rửa sạch tất cả dơ bẩn phiền não. Bồ-đề tâm là ruộng tốt, vì nuôi dưỡng chúng sanh trong sạch. Bồ-đề tâm là hạt giống tất cả đức Phật, vì có thể sanh tất cả Pháp các đức Phật.” (Kinh Hoa Nghiêm). Hành Bồ Tát Hạnh cũng nói:
“Người đã phát Bồ-đề tâm thuần tịnh
Thì dù trong lúc ngủ hay sơ ý,
Vẫn được năng lực của công đức.
Phước báo họ luôn luôn tăng trưởng
Và trở thành to lớn như hư không.”
Khi bạn phát Bồ-đề tâm trong tâm nguyện (Bồ-đề nguyện) hay trong hình thức dấn thân (Bồ-đề hạnh) thì dòng Thiện đức sẽ chảy tương tục không ngừng và dòng Đại lạc cũng mở ra không ngừng, ngay cả lúc ngủ say hay lúc bạn không để ý. Bạn có thể biến tất cả chướng ngại thành con đường và không sợ gì tội lỗi:
“Tội lỗi lớn chắc chắn tiêu tan
Như bị thiêu trong hoả tai kiếp tận”
                                                   (Đức Shantideva)
Như thế đủ để biết rằng không những Bồ-đề tâm là gốc rễ duy nhất cho hạnh phúc chúng sanh mà còn là tinh chất của tám muôn bốn ngàn thiện pháp. Nếu quên mất Bồ-đề tâm là nguyên nhân hư nát của căn cội Đại Thừa : “Nếu quên mất Bồ-đề tâm mà tu các thiện Pháp, gọi là hành động theo Ma vương” (Kinh Hoa Nghiêm), quên mất còn như thế huống là chưa phát ư?
Bởi đó, mà ngài Thật Hiền đã khóc ra lệ máu, cúi đầu kính lạy, khẩn thiết đau buồn thưa với đại chúng hiện tiền, cùng chư thiện nam tín nữ có đức tin trong sạch trong hiện đời, gia tâm thương xót lưu ý nghe một chút về hành tướng và diệu dụng của Bồ-đề tâm; nếu muốn học Như Lai Thừa thì trước tiên phải lập Bồ-tát nguyện, không thể chậm trễ vậy! Theo Thật Hiền Đại Sư thì tâm nguyện vốn có nhiều sai biệt, nhưng vắn tắt có ba điều căn bản là:
Thứ nhất: Danh lợi không ham, vui thú không màng, chỉ vì thoát sanh tử, chứng Bồ-đề. Ngước lên mong cầu Phật đạo, nhìn xuống hoá độ chúng sanh, nghe Phật đạo lâu xa không thối chí khiếp sợ, xét chúng sanh khó độ không chán nản nhàm lìa.
 Thứ hai: Chúng sanh giới hết, nguyện ta mới hết, Bồ-đề đạo thành, nguyện ta mới thành.
Thứ ba: Biết tự tánh chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện thành tựu, không thấy một Pháp ngoài tâm mà có, đem tâm vô tướng, lập nguyện vô tướng, hành hạnh vô tướng, chứng quả vô tướng, cái tướng vô tướng cũng không thủ đắc.
Nếu chỉ phát tâm thôi chưa đủ (Lập Bồ-đề tâm nguyện), cần phải tinh tấn, cần dõng thực hành (Hành Bồ-đề tâm hạnh), nghĩa là mỗi lời nói, hành động hay ý niệm đều phải hướng về chúng sanh, vì lợi ích an vui cho chúng sanh mà giữ giới mật nghiêm (Không làm các việc ác), tích cực cứu độ chúng sanh (Chuyên làm các điều lành) và thanh lọc tâm ý để từng bước hướng về Phật quả. Bồ-đề tâm vốn vô tướng - vô bất tướng cũng như một đạo quân dũng kiện, cầm những đồ binh - khí tinh nhuệ, quyết đem lại thắng lợi trong cuộc chiến. Chư Phật, Thế Tôn cùng chư đại Bồ- tát đều do nhân duyên phát tâm đại Bồ-đề mà thành đạo quả. Tâm Bồ-đề ấy là sự chân thật tối thượng, nghĩa chân thật ấy là không, chẳng bị nhiếp-tàng bởi năng-sở, lìa hữu-vô, điều phục Ba hữu: Dục hữu, Sắc hữu, Vô Sắc hữu. Các pháp vô sinh là không, vô ngã cũng là không. Nếu dụng vô sinh, vô ngã mà quán không, quán ấy không thành. Nếu đem nhiễm và tịnh mà phân biệt, chúng liền thành hai thứ kiến-tướng: đoạn và thường… Thật tướng của Bồ-đề tâm là tướng của chúng sanh, nếu nắm tướng chúng sanh thời xa lìa thật đạo. Nếu niệm tướng thường không, người ấy chẳng hành đạo. Trong Pháp không sanh diệt mà khởi tướng phân biệt, nếu phân biệt nhớ tưởng liền rơi vào lưới Ma. Đối với hết thảy Pháp, hết thảy hý luận, không lãnh thọ, không chấp trước, không thấy là thật, không cùng cạnh tranh, an trụ trong Tam giải thoát môn (Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội). Thể nhập được vị Cam lồ của Phật Pháp, nên Kinh nói: “Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh Thánh Hiền đó là hạnh Bồ-tát.” Người ấy từ trí tuệ sanh ra, được người trí hộ niệm, được người trí cúng dường, được người trí ca thán, là bậc hy hữu giữa chư thiên và loài người; như Đại Trí Độ có kệ nói:
“Nếu khi mới phát tâm
Thệ nguyện sẽ làm Phật
Đã qua khỏi thế gian
Đáng nhận đời cúng dường.”
Diệu Pháp đây tất cả chư Phật đều tán dương:

“Như Lai Đại Trí Tôn
Hiển thuyết công đức chứng,
Nhẫn, Huệ phước nghiệp lực,
Thệ nguyện lực tối thắng.”
      Tạm dịch:
“Đấng Như Lai bậc Đại Trí tôn kính
Đã nói rõ các công đức tu chứng,
Nhẫn nhục, Trí huệ, Phước nghiệp lớn
Thệ nguyện lực, là Pháp tối thắng.”
Cho nên, nếu bạn muốn sớm đạt Toàn Giác hãy tu luyện tâm Từ,  tâm Bi và tâm Bồ-đề, Bồ-đề tâm là phương tiện cao cả nhất, cũng là suối nguồn báo ân thâm sâu mà hàng Phàm phu và những bậc Thánh trong Tam Thừa khó đo lường được. Trong Hoa Nghiêm Kinh đấng Thiện Thệ đã từng khuyến giáo:
“Muốn được tối thắng đạo đệ nhất
Là vua giải thoát Nhất Thiết Trí
Nên phải mau phát Bồ-đề tâm
Hết hẳn hữu lậu lợi quần sanh.
Xu hướng Bồ-đề tâm thanh tịnh
Công đức rộng lớn bất khả thuyết.”
Và:
“Muốn thấy thập phương tất cả Phật
Muốn ban vô tận công đức tạng
Muốn diệt chúng sanh tất cả khổ
Phải nên mau phát Bồ-đề tâm.”
Thế nhưng phẩm chất Bồ-đề tâm của Đại thừa và Mật thừa có khác biệt chăng? Có lần bà Tsogyal hỏi đức Liên Hoa Sanh: “Người ta có cần phát khởi Bồ-đề tâm sau khi thành tựu điểm cốt yếu này là thấy vào thực tại?”
Đạo sư trả lời: “Đại thừa và Mật thừa thực ra có khác biệt do phẩm chất đặc biệt của sự phát Bồ-đề tâm. Tuy nhiên, trừ phi con luôn nhớ đến cái chết, vô thường, nhân quả và các hiểm nguy của sanh tử trong bốn phần của một ngày, thì các biến cố của cuộc đời này sẽ nhanh chóng vút qua …”
Hãy quyết định như sấm sét! Đã đến lúc bạn cần phải hoá nhập vào trong tánh Giác tự hữu của Phổ Hiền, cắt đức tất cả những giới hạn của lỗi lầm và lầm lạc, tắm mình trong biển công đức vô biên của chư Phật mà diệu đáp thâm ân của tất cả hữu tình! Quả vị Như Lai Đại Trí Tôn đang chờ bạn! Hãy thực hành Phật Đạo! Hãy làm những gì cần làm! Chớ để ân hận, chớ có hối tiếc về sau! Đừng đi lạc đường! Chớ nhảy vào vực thẳm!...
                                                     
                                  Linh Sơn Pháp Bảo – Nha Trang
                        An Cư PL 2555
                                                                  
                           Tỷ Kheo Thích Tâm Giải




      
Bài này được Sư Phụ Long Viễn viết khi còn ở Chùa Linh Sơn Pháp Bảo nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, an cư kiết hạ Pl 2555. Hồng Tuyến xin kính ghi lại vì thiết nghĩ bài viết sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng sanh! Nguyện cầu chánh Pháp trường tồn, Phật quang phổ chiếu lợi khắp nhân thiên, tất cả chúng sanh đều phát Bồ Đề Tâm, đều trọn thành Phật đạo! Nam Mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

Lời Vàng Thầy Dạy



YẾU CHỈ CỦA KINH 
KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT

(Rốt ráo Vô ngã tức Niết-bàn)
"Rốt ráo vô ngã tức Niết-bàn. Như Kinh nói: “Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi, mà không có một chúng sanh thật diệt độ”. Ở trước, Thế Tôn đả phá tất cả tình chấp phân biệt nơi sự tướng để hiển bày “Chân trí ”. Đến đây, khiến chân trí cũng quên, ngầm hợp diệu lý “Chân tri vô vi”; bặt cả Lý và Trí, chỉ còn “Thực tại như thị” mà thể nhập, cũng gọi là “Cứu cánh Phạm hạnh hiện tiền” vậy!

Bởi đó, nên Bồ-tát phải ly tứ tướng (Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả) mới thật là Bồ-tát! Không còn một niệm thật sanh, thật diệt, dứt sạch cảnh duyên, bặt luôn tri quán. Nên Phật dạy “Thế nên Phật nói tất cả Pháp không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.” Từ trước đến đây, Đức Phật đã lần lược phá chấp Ngã – Pháp từ thô đến tế để đổng triệt tự tánh - hiển lộ Chân tâm. Rốt ráo quy về đâu? Về nghĩa “NHƯ” của vạn pháp, vì “Như Lai là nghĩa Như của các pháp. Khi sanh diệt đã diệt thì tịch diệt là chân. Cũng như có vị tăng hỏi quốc sư Huệ Trung:

- "Làm sao được thành Phật?"

Ngài Huệ Trung đáp:

- "Phật và chúng sanh đồng thời dẹp đi, thì ngay đó giải thoát."

Tức là hãy dẹp đi tình thù Phật và chúng sanh, thì ngay đó sẽ  thể nhập “Thực tại chân thật(Thực tại vô tướng). Lục Tổ cũng nói: “Chẳng ngộ thì Phật là chúng sanh, ngộ rồi thì chúng sanh là Phật”. Vậy thì “ngộ”  cái gì? Ngộ: Chúng sanh bổn lai là Phật, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm. Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm. Nếu lìa tâm mà tìm Bồ-đề, Niết-bàn thì thật là không tưởng!

Vậy thì, muôn pháp đều từ tâm sinh, tâm ta hay bao hàm muôm pháp ấy là Đại, muôn pháp đều khởi dụng từ trong tự tánh của mỗi người. Ngoài tâm vốn không pháp, ngoài pháp vốn không tâm. Ba cõi xoay vần đều do tâm khởi. Tâm là cửa luân hồi, tâm là bờ giác ngộ. Chúng sanh cũng là tâm nhưng là tâm mê; Phật cũng là tâm nhưng là tâm giác. Nếu tướng tâm thanh tịnh, rỗng lặng, tròn sáng liền thoát ly thân tâm (Thân tâm vô sở đắc – vô sở trụ) trong lòng rỗng rang cùng trời đất đồng lượng.

Thế nên, Tổ Bồ Đề Đạt Ma mới nói rằng: “Phật cũng gọi là Pháp thân, cũng gọi là bổn tâm. Tâm này không hình tướng, không nhân quả, không gân cốt. Vốn như hư không, bắt chẳng được;…Nhưng tâm này không phải lìa cái thân vật chất này. Nếu thân tứ đại này mà lìa tâm là không có sự sống, làm sao biết! Nhẫn đến nói năng vận động, thấy nghe hay biết đều là cái động dụng của tâm...” Động là tâm động, dụng là tâm dụng. Động dụng do tâm, tâm vốn không động. Nên Kinh nói: “Bặt đường nói năng dứt hết nơi chỗ, thấy nghe hay biết vốn tự tròn vắng, nhẫn đến giận mừng, đau ngứa nào khác người gỗ, chỉ vì suy tìm cái đau ngứa không thể được”. Nên Phật dạy:

“Nếu do sắc thấy Ta

Do âm thanh cầu Ta

Người ấy hành đạo tà

Không thể kiến Như Lai.”
Sở dĩ  Phật và chúng sanh hiện hữu khi ý  niệm “ngã” hiện hữu, khi “ngã ái” không còn thì “chân ngã” hiện (Niết-bàn hiện hữu), cũng gọi là Như Lai hiện tiền vậy!

Ngài Xuyên Công cũng đồng tình với ta về diệu ý trên, Ngài   nói:

Trước mắt chỉ ra muôn việc có,

Ta nói trong ấy một cũng không.

Đến trong ấy thì,

Sinh từ vật khác mà sinh,

Già cũng từ vật khác mà già.

Bệnh cũng từ vật khác mà bệnh,

Chết cũng từ vật khác mà chết.

Nếu người đã về đến nhà,

Thì không có sinh và tử.

Vâng! Chính thế nên Phật dạy “Như thị” và phải  “Như thị”, tức là phải: “Như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sanh pháp tướng” “ Cái gọi là pháp tướng đó, Như Lai nói ý chẳng phải pháp tướng, vì thế mới gọi là pháp tướng”, nghĩa là Ngài phủ định tất cả để làm thành tất cả, hay “Nếu Bồ-tát thông đạt vô ngã pháp thì Như Lai nói đó là  chân thật Bồ-tát”. 

Yếu chỉ của Kim Cang Bát Nhã là ở đó vậy!Nếu còn sanh Pháp tướng thì ….

         ĐI!
 

Đoạn yếu chỉ của Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật này là do một vị Thầy ở Đại Học Phật Giáo Việt Nam tại Huế, thưa hỏi Sư Phụ Long Viễn và Ngài đã tùy thuận hướng dẫn. Hồng Tuyến xin ghi lại vì thấy nó quá quan trọng đối với hành giả tiến tu trên con đường tìm cầu viên chứng tuệ giác vô thượng hướng đến lậu tận. Con nguyện cầu Chánh Pháp mãi trường tồn, lợi ích khắp nhân thiên, tất cả chúng sanh đều đượm nhuần mưa Pháp, tất cả muôn loài đều nhập vào chân tánh Bát Nhã!

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Lời Vàng Thầy Dạy :


    ತ-  CHÂN TÂM VÀ VỌNG TÂM -

Nhân lời thưa thỉnh giáo Pháp của cô Mỹ Tho về Chân Tâm và Vọng Tâm mà tối đến khi đại chúng đã tụng Kinh Kim Cang xong, Sư Phụ Long Viễn mời đại chúng ở lại chánh điện, rồi Ngài dạy:
- " Hôm nay nhân lời thỉnh Pháp của cô Mỹ Tho về Chân Tâm và Vọng Tâm, tôi có vài điều mà quý Thầy và quý Cô cần lưu ý! Thế nào là CHÂN TÂM và thế nào là VỌNG TÂM? Nếu không thấu rõ, liễu tri thì khó mà tu hành thành tựu Thánh quả được, đại lược như sau:

  Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ Tát Mã Minh phân định Tâm có hai mặt đó là TÂM CHƠN NHƯ còn gọi là CHÂN TÂM  và TÂM SANH DIỆT còn gọi là VỌNG TÂM . Tuy phân định hai loại khác nhau nhưng không phải là hai tâm, trên thể tánh vốn không sai khác; cũng như nước và sóng, tuy gọi 2 tên khác nhau nhưng tính chất của nước vốn như vậy và luôn không đổi, chỉ khác nhau ở thể tĩnh và động mà thôi. Hai tâm này không rời nhau mà kiến lập vạn pháp dù có tướng hay vô tướng.
  TÂM CHÂN NHƯ thì bất sanh bất diệt, ứng hợp với BẢN THỂ thanh tịnh, rỗng lặng tịch nhiên nguyên minh; bổn tánh thường nhiên chân thật sáng tỏ, dù trải qua sanh tử nhiễm ô nhưng tánh của nó không hề ô nhiễm, vì thế nên gọi là NHƯ,  là CHÂN; chỉ thể tướng chân thật của tâm, thật tướng ấy vốn ngôn ngữ không thể nói, suy nghĩ không thể đến, lìa tất cả phân biệt vọng tưởng điên đảo, năng và sở...nó vốn không sanh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không một cũng không nhiều, không đến cũng không đi... nên gọi là CHÂN TÂM. TÂM SANH DIỆT thì từ trong BẢN THỂ mà ứng dụng theo tình, theo tưởng niệm niệm dời đổi, sanh diệt tương tục nên gọi là VỌNG TÂM, vọng tâm thì trái chướng với thể chân như. VỌNG TÂM chính là TÂM-  Ý - THỨC của chúng ta, như trong Kinh Tạp A- Hàm (Kinh số 289), Đức Phật dạy: “Tâm – Ý – Thức trong một ngày đêm, từng thời khắc, thoáng chốc sinh, thoáng chốc diệt, biến đổi không ngừng…”; hay trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật cũng nói : “Các dòng nước dục, hữu, kiến, vô minh, tiếp nối chảy liên tục, làm nảy sinh hạt giống Tâm – Ý- Thức trên mảnh đất ba cõi …”(*) . Hoặc trong Luận Câu Xá (Quyển 4) : “Nó tập khởi nên được gọi là Tâm. Nó tư duy trừu tượng nên được gọi là Ý. Nó phân biệt nhận thức nên được gọi là THỨC…TÂM, Ý, THỨC ba tên gọi cùng chỉ một nội hàm. Nghĩa tuy khác nhau nhưng thể là một.”

  Do đó mà Kinh Hoa Nghiêm, Đức Thế Tôn mới nói:
 “Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Phải quán tánh Pháp giới
Tất cả do tâm tạo.”

Các con phải biết, nếu một niệm quay về liền BỘI TRẦN HIỆP GIÁC, liền ĐỒNG VỚI BẢN ĐẮC, vậy còn gì để chỉ ra CHÂN- VỌNG đây?

Đệ tử Hồng Tuyến kính chép lại lời dạy này của Sư Phụ Long Viễn, nguyện cầu Chánh Pháp cửu trụ thế gian, lợi ích cho tất cả chúng sanh muôn loài. Nam Mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát. 



Ghi Chú:
(*) Ba cõi:
Bao gồm cõi Dục giới, cõi Sắc giới và cõi Vô sắc giới.
1. Dục giới (zh. 欲界; s, p: kāmalokakāmadhātu, bo. `dod khams འདོད་ཁམས་, `dod pa`i     khams འདོད་པའི་ཁམས་), có ham muốn về giới tính và những ham muốn khác.

  • Trong dục giới có sáu loại hữu tình sau:
  • 1. Địa ngục (zh. 地獄, sa. naraka)

2. Ngạ quỷ (Quỷ đói) (zh. 餓鬼, sa. preta)
3. Súc sanh (Loài thú) (zh. 畜生, sa. paśu)
4. Loài người (zh. 人世, sa. nāra)
5. A tu la (Loài thần)(zh. 阿修羅, sa. asura)
6. Cõi trời ở cõi dục (lục dục thiên 六欲天):
Trời Tứ thiên vương (zh. 四天王, sa. cāturmahārājika);
Trời Đao lợi (忉利) hay trời Ba mươi ba (zh. 三十三天, sa. trayastriṃśa);
Trời Dạ-ma (zh. 夜摩, sa. yāmadeva) hoặc trời Tu-dạ-ma (zh. 須夜摩天, sa. suyāma);
Trời Đâu suất (zh. 兜率天, sa. tuṣita);
Trời Hoá lạc (zh. 化樂天, sa. nirmāṇarati);
Trời Tha hoá tự tại (zh. 他化自在天, sa. paranirmitavaśavarti);

2. Sắc giới (zh. 色界, sa. rūpalokarūpadhātu, bo. gzugs khams གཟུགས་ཁམས་): các vị ở đây thuộc nam tính nhưng đã chấm dứt mọi ham muốn, ăn uống, nhưng còn có khoái lạc. Đây là thế giới của các người trời trong cõi Thiền (sa. dhyāna). Hành giả tu tập thiền định có thể tái sinh trong cõi sắc. Sắc giới gồm bốn cõi, mỗi cõi lại được chia thành nhiều cõi trời khác nhau:

  • Trời Sơ thiền (zh. 初禪天) với ba cõi sau:

Trời Phạm thân (zh. 梵身天, sa. brahmakāyika);
Trời Phạm phụ (zh. 梵輔天, sa. brahmapurohita);
Trời Đại phạm (zh. 大梵天, sa. mahābrahmā).
Có hệ thống ghi thêm cõi trời thứ tư của trời Sơ thiền là trời Phạm chúng (zh. 梵眾天, sa. brahmaparśadya).

  • Trời Nhị thiền (zh. 二禪天) với ba cõi sau:

Trời Thiểu quang (zh. 少光天, sa. parīttābha);
Trời Vô lượng quang (zh. 無量光天, sa. apramāṇābha);
Trời Cực quang tịnh (zh. 極光淨天, sa. abhāsvara, kiểu dịch cũ là trời Quang âm (zh. 光音天).

  • Trời Tam thiền (zh. 三禪天) bao gồm:

Trời Thiểu tịnh (zh. 少淨天, sa. parīttaśubha);
Trời Vô lượng tịnh (zh. 無量淨天, sa. apramāṇaśubha);
Trời Biến tịnh (zh. 遍淨天, sa. śubhakṛtsna).

  • Trời Tứ thiền (zh. 四禪天) gồm có:

Trời Vô vân (zh. 無雲天, sa. anabhraka);
Trời Phúc sinh (zh. 福生天, sa. puṇyaprasava);
Trời Quảng quả (zh. 廣果天, sa. bṛhatphala);
Trời Vô tưởng (zh. 無想天, sa. asāṃjñika);
Trời Vô phiền (zh. 無煩天, sa. avṛha);
Trời Vô nhiệt (zh. 無熱天, sa. atapa);
Trời Thiện kiến (zh. 善見天, sa. sudarśana);
Trời Sắc cứu kính (zh. 色究竟天, sa. akaniṣṭha);
Trời Hoà âm (zh. 和音天, sa. aghaniṣṭha);
Trời Đại tự tại (zh. 大自在天, sa. mahāmaheśvara).
Có sách xếp trời Vô tưởng, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu kính, trời Hoà âm thuộc trời Tịnh phạm (zh. 淨梵天), không thuộc về trời Tứ thiền.

3. Vô sắc giới (zh. 無色界, sa. arūpalokaarūpadhātu, bo. gzugs med khams གཟུགས་མེད་ཁམས་, gzugs med kyi khams གཟུགས་མེད་ཀྱི་ཁམས་): thế giới này được tạo dựng thuần tuý bằng tâm thức và gồm bốn xứ (sa. arūpasamādhi). Vô sắc giới gồm:

Xứ Không vô biên (zh. 空無邊處, sa. ākāśanantyāyatana);
Xứ Thức vô biên (zh. 識無邊處, sa. vijñānanantyāyatana);
Xứ Vô sở hữu (zh. 無所有處, sa. ākiṃcanyāyatana);
Xứ Phi tưởng phi phi tưởng (zh. 非想非非想處, sa. naivasaṃjñā-nāsaṃjñāyatana).

Hành giả tu học Tứ thiền Cửu định có thể sinh vào bốn xứ này.
Chúng sanh luân hồi không thể nào vượt ra ngoài Tam giới.