Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018


 Chuyên Niệm Một Hướng Nhất Định Vãng Sanh


                                                         ----------------------------  

Hỏi: Về phần Phát Bồ Đề Tâm tôi thật đã quyết nghi! Thế nào gọi là “Chuyên niệm một hướng?”
Đáp: Chuyên tức là không tạp, chuyên cần, chuyên nhất. Niệm tức là nhớ nghĩ, tâm tâm nối tiếp nhau, không sanh tà niệm.
Một hướng tức là không phải hai hướng, ba hướng…
Như thế thì “Chuyên niệm một hướng” tức là: Tâm tâm nhớ nghĩ chuyên ròng về một hướng duy nhất. Một hướng đó là gì? Đó là Tây Phương Cực Lạc, về Đức Từ Phụ A Di Đà.
Tại sao chúng ta phải chuyên niệm một hướng?
Vì tâm của chúng sanh là do bóng dáng trần cảnh gôm lại mà thành, nếu không thu nhiếp tâm tâm số pháp về một hướng chuyên nhất thì định lực làm sao thành tựu?
Chuyên niệm một hướng, nói cho đủ là “Chuyên niệm một hướng Phật A Di Đà” . Tại sao chúng ta lại phải “Chuyên niệm một hướng Phật A Di Đà?” Vì Nam Mô A Di Đà Phật là Vạn Đức Hồng Danh, nếu ông niệm được một niệm danh hiệu Phật, tức trong một niệm đó bao gồm niệm Vạn Đức. Nay ông dùng Danh vời Đức, tức Đức châu viên. Cho nên Kinh dạy: “Trong khi tâm các ông tưởng Phật, thì tâm đó tức là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp!” Thế há chẳng vừa tưởng niệm đến Phật thì đã làm Phật rồi ư? Khi tâm ông phản vọng về chân tức liền bội trần hiệp giác! Chỉ cần ông “Chuyên” không tạp, “Niệm” không dứt, một hướng tu hành, với Tín Nguyện kiên cường bền chắc, ngàn voi kéo chẳng đổ, ngàn trâu giật chẳng lay, chấp trì danh hiệu Phật như hổ tựa sơn, như rồng nhập hải, như kẻ sắp chết đuối cần cầu một chiếc phao, như trẻ thơ khát khao giọt sữa mẹ hiền,…thì đâu còn phương tiện nào giản dị, thẳng tắc, viên đốn và thù thắng hơn đây. Bởi lẽ phép xưng danh niệm Phật này bao gồm căn cơ rất rộng, không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ nam người nữ, kẻ hiền người ngu, kẻ già người trẻ…nhà nhà đều tu được, người người đều tu được. Một khi đã gieo cái nhân niệm Phật một hướng tu hành thệ sanh An Dưỡng, vì diệt trừ khổ não cho tất cả chúng sanh mà quyết chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề; phàm có công đức nào đều dùng tâm thâm tín, tâm chí thành mà hồi hướng Vãng Sanh, thì tất cảm ra cái quả thấy Phật và Vãng Sanh vậy! Nên trong Kinh Xưng Dương Công Đức Chư Phật có dạy: “Nếu có người được nghe tên Như Lai Vô Lượng Thọ, nhất tâm tin thích, trì đọc tụng niệm…thì người ấy sẽ được vô lượng phước, sẽ vĩnh viễn lìa xa nạn khổ của Tam Đồ. Sau khi mạng chung đều được Vãng Sanh về quốc độ của Phật đó.”
Còn nếu ông đã phát đại Bồ Đề Tâm, nguyện sanh sanh thế thế hành Bồ Tát đạo, thì ông cần phải liễu tri rằng mối bận tâm lớn nhất của Bồ Tát là làm lợi ích rộng lớn cho tất cả hữu tình. Muốn vậy thì Bồ Tát phải thông đạt và thắng tri đạo lộ của tất cả các Thừa. Để đảm bảo lợi ích chân thật của tất cả chúng sanh thì Bồ Tát phải có công đức vô cùng rộng lớn. Bồ Tát muốn có công đức vô biên để cứu khổ ban vui và làm chỗ nương tựa vững chắc cho tất cả chúng sanh, đồng thời vượt qua ngôn hành đạo pháp của Phật thuyết vào biển Chân Như và thánh lớn Viên Giác của mười phương Như Lai, ngoài việc chấp trì danh hiệu Phật và nương tựa vào chư Như Lai như chim non không thể lìa xa mẹ, thì phép của Bồ Tát ngày ba thời, đêm ba thời, thường hành ba việc:
1.      Sáng sớm vệ sinh sạch sẽ, y phục chỉnh tề, chắp tay lễ mười phương chư Phật, cung kính lạy thưa: “Con tên…hoặc đời này, hoặc đời quá khứ, trong vô lượng kiếp thân, khẩu, ý tạo tội ác nghiệp, xin sám hối trước chư Phật hiện tại trong mười phương, nguyện được diệt trừ, không làm trở lại!” Trưa, chiều và đêm ba thời cũng làm như vậy!
2.      Nghĩ đến công đức sở hành của mười phương chư Phật trong ba đời và công đức của chúng đệ tử Phật, mà tùy hỷ khuyến trợ. Trưa, chiều và đêm ba thời đều làm như vậy!
3.      Khuyến thỉnh các đức Phật hiện tại trong mười phương, bắt đầu chuyển Pháp luân và thỉnh chư Phật trụ lâu ở trong thế gian vô lượng kiếp, để độ thoát hết thảy chúng sanh. Trưa, chiều và đêm ba thời đều làm như vậy!

Nếu Bồ Tát thực hiện ba việc như thế, công đức vô lượng.
Lại Bồ Tát cũng nên phát nguyện tu theo thập hạnh Phổ Hiền, xưng tán hạnh nguyện Phổ Hiền và tập hợp đạo Phổ Hiền. Ngày đêm thường xuyên đọc tụng và tưởng niệm đến bảy phần cầu nguyện trong Kinh Phổ Hiền Nguyện Vương, lời Kinh như sau:
         Đối trước tất cả chư Phật
Ở khắp nơi trong vũ trụ
Đã vượt ngoài mọi chiều thời gian
Con xin kính lễ bằng cả thân, lời, ý.

Nhờ năng lực thực hành Nguyện lớn
Con dùng vô số thân nhiều hơn cát bụi
Để kính lễ các đấng Chiến Thắng
Mà tâm con có thể nghĩ lường.

Con đặt hết niềm tin nơi chư Phật
Và những giới đức vượt bậc của các Ngài
Vô số Phật đang an tọa
Giữa chúng Bồ Tát nhiều hơn vi trần.

Con ca tụng tất cả các đấng Thiện Thệ
Bằng biển cả ngôn từ vô tận tán dương
Con hát ca công đức các đấng Chiến Thắng
Với toàn thể âm thanh của tiếng hải triều.

Với hoa tươi và những tràng hoa tốt đẹp
Âm thanh của não bạt, dầu thoa và lộng báu
Với đèn dầu và hương trầm hảo hạng
Con xin cúng dường tất cả Như Lai.

Với vải mịn nhất và hương thù thắng
Bình đựng hương bột cao như núi Tu Di
Với những đồ trang hoàng đặc biệt quý hiếm
Con dâng cúng lên các đấng Chiến Thắng.

Con xin dâng hiến lên chư Phật
Tất cả phẩm vật tráng lệ thù thắng
Với năng lực đức tin vào các thiện hành
Con xin kính lễ chư Như Lai.

Bất cứ tội lỗi nào con đã phạm
Do tham dục, giận dữ, si mê
Bằng thân, lời hay ý
Con xin sám hối tất cả.

Con xin vui theo những công đức
Của chư Bồ Tát và Độc Giác
Của các bậc còn học và hết học
Con tán thành việc tốt trong cả thế gian.

Với các bậc làm ngọn đèn của thế gian
Con thỉnh chuyển bánh xe Pháp vô thượng
Những người trải qua từng bước đến Giác Ngộ
Đã đạt thành Phật quả thênh thang.

Với những vị nào mong nhập Niết Bàn
Con xin chấp tay khẩn cầu các Ngài
Vì hạnh phúc an vui của chúng sanh
Hãy lưu lại thêm vô số kiếp.

Chút ít công đức nào con có được
Do kính lễ, cúng dường hay sám hối
Do vui theo, cung thỉnh, khẩn cầu
Tất cả con xin dồn cho mục đích Giác Ngộ.

Con xin kính lễ chư Phật quá khứ hiện tại
Nơi các Ngài an trú trong khắp mươi phương
Và cầu mong chư Phật vị lai chóng thành đạt
Qua những bước đường tiến đến Toàn giác.

Bồ Tát đem tất cả căn lành, phước đức và nhân duyên mình tạo được dùng tâm nguyện chí thành, tâm thâm tín sâu xa cùng với nguyện lực Bồ Đề Tâm mà hồi hướng Vãng Sanh. Tất cả những sở hành trên cũng được gọi là “Chuyên niệm một hướng”, chứ chẳng phải bỏ đây thủ kia mới gọi là “Chuyên niệm”. Vì sao? Vì trong Phật pháp không có lấy và bỏ. Ông nên biết: Chỗ sở hành của Bồ Tát không phải chỗ mà phàm phu có thể suy lường được. Tại sao? Vì chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh Thánh Hiền, đó là hạnh Bồ Tát. Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia!
            Đại Sư Ngẫu Ích cũng từng nói trong Phạm Thất Ngẫu Đàm rằng: “Lại Thiền giả muốn sanh Tây Phương, bất tất phải đổi qua niệm Phật. Chỉ đủ Tín Nguyện thì tham Thiền tức hành Tịnh Độ”. Đại Sư cũng từng đóng cửa thất kết đàn, trì Chú Vãng Sanh cầu sanh Tịnh Độ, phát thệ với lời kệ:
            “Con dùng tâm chí thành
Thâm tâm hồi hướng tâm
Đốt tay hương ba cột
Kết tịnh đàn một thất
Chuyên trì Chú Vãng Sanh
Chỉ trừ lúc ăn ngủ
Dùng lực công đức này
Quyết cầu sanh An Dưỡng”.
Nếu ông có lòng tin kiên định như kim cang, chí nguyện cầu sanh an dưỡng tha thiết như cứu lửa cháy đầu thì dù tham Thiền, trì Chú đều thành Tịnh Độ cả. Ông chớ để thời khắc luống trôi qua vô ích, phải nên gấp “Phát Đại Tâm chuyên niệm một hướng Phật A Di Đà”. Đấy cũng là tông chỉ chánh yếu của Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác vậy!
                                                     ------------- ಜ--------------
  Trích Tịnh Độ Phá Nghi, Lương Sơn Long Viễn biên soạn




Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Một Ngày Tu Ở Cõi Ta Bà Hơn Tây Phương Một Trăm Năm
                                         ---------------------------    
Hỏi: Tôi có nghe một số hành giả tu Tịnh Độ hay nói rằng “Tu một ngày ở cõi này hơn Tây Phương một trăm năm”. Xin Thầy khai thị rõ: Nếu tu ở cõi này thù thắng như thế, vậy thì cầu sanh Tây Phương để làm gì?

Đáp: Như Kinh Tư Ích nói: “Nếu người ở nước Thanh Tịnh trì giới mãn một kiếp, so với người ở cõi này làm việc lành trong khoảng chốc lát thì vẫn hơn”. Lại nói: “Ta thấy nước Hỷ Lạc và nước An Lạc,  không có khổ não, làm công đức ở đó, chưa đủ để làm chỗ nương tựa. Ở xứ phiền não này nhẫn được một việc khó nhẫn, cùng dạy người Pháp này thì Phước ấy là tối thắng”. Há chẳng rõ lắm ư? Ở cõi này hầm hố chông gai, mưa nắng thất thường, thời tiết khắc nghiệt, đầy rẫy những sự nhơ uế; đặc biệt trong đời Ngũ Trược ác thế lòng người bạc bẽo, bỏn xẻn, sân hận, si mê…Hạng phàm phu do vô minh che lòa, dựng cao trào kiêu mạn vào trong lưới khát ái, đi trong rừng rậm dua dối, không tự ra được, lòng luôn đi đôi với tham lam ganh ghét; tham, sân, si gây thành những nghiệp lực ngày đêm thêm lớn mãi, do gió phẫn hận thổi ngọn lửa tâm thức hừng hực không tắt, phàm họ nói hay làm đều từ điên đảo. Dục lưu, Hữu lưu, Vô Minh lưu, Kiến lưu nối luôn phát khởi chủng tử Tâm- Ý- Thức. Lại các ma và ngoại đạo luôn làm não loạn bậc chánh tu, muốn cầu Thiện Tri Thức, cầu Thiện Hỗ Trợ thật vô cùng khó khăn. Cho nên trong nhà lửa Tam Giới này mà mọc mầm giải thoát, dùng sức Kiên tuệ, Thắng Nhẫn với Bi, Từ, Xả không mỏi nhàm, biết Kinh- Luận, hiểu thế Pháp, Tàm- Quý, Kiên Thệ, cúng dường chư Phật, y giáo tu hành, há chẳng giống như hoa sen hồng mọc lên từ hầm lửa dữ hay sao? Cho nên một ngày tu ở cõi này công đức vô lượng vô biên. Còn ở cõi kia, thế giới trường xuân, phong quang bốn mùa, lưu ly làm đất, Y Chánh tịnh nghiêm, các bậc Thánh nhơn thường làm bạn hữu, Phật hóa tinh nhuần, ngoại ma tuyệt tích…Đâu có chướng ngại để làm thắng duyên chóng vượt biển tình thức! Cũng như Kinh Thiện Sanh nói: “Lúc Di Lặc ra đời, thọ giới một trăm năm, không bằng một ngày đêm ở cõi của Ta. Tại sao vậy? Vì chúng sanh thời của Ta có đủ Năm cặn bã”. Lại theo Ngài Cảnh Hưng, làm việc thiện ở cõi này hơn Tây Phương một trăm năm: “Vì tu cõi này khó thành”. Vì tiến tu ở cõi này rất khó, khó mà cố gắng dũng tiến mới thật là hy hữu. Còn như sanh về nước đó mau đắc Vô Thượng Bồ Đề, vì “Cõi đó không lúc nào không tu”. Cõi này thời gian tu thiện ít nên không trái nhau.

Chính vì sanh nước đó (Cực Lạc) chóng đắc Vô Thượng Bồ Đề, lại là phương pháp vượt ngang qua ba đại A Tăng Kỳ Kiếp, đốn siêu Tam Thừa, vì thế mà phải tha thiết cầu sanh vậy.

Lại câu hỏi của ông chỉ đề cập đến tu hành khó dễ , mà chẳng biết đến căn lành hơn kém. Cũng ví như người bần tiền cho một đồng tiền, tuy có thể gọi là tốt mà không làm được nhiều việc. Người phú quý bỏ ra ngàn vàng, tuy không hẳn gọi là tốt mà làm được nhiều việc. Sự tu hành ở hai cõi cũng in như vậy.
                                        ------------- ಜ--------------
Trích Tịnh Độ Phá Nghi do Lương Sơn Long Viễn biên soạn 


Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

 BÌNH MINH
  ------- ---------
 Hoang vu
Trong tiếng gió hờn
Ai đi trên sóng trần hoàn mộng du
Vi vu
Cát bụi
Mịt mù
Vi vu
Nỗi nhớ nghìn thu trăng mờ
Lênh đênh
Trăng đến bên bờ
Hư không
Bến vắng ngẩn ngơ sợi tình
Chiêm bao một kiếp phù sinh
Giật mình tỉnh giấc bóng hình bọt tan
Nghiêng vai rũ cánh mộng tàn
Lệ tràn qua ánh song vàng
Bình minh.

  --Thích Long Viễn--


Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018


۞-- ĐÊM LẠNH SOI TÓC BẠC  --۞
------------- ಜ--------------
Ai biết mình rơi lệ
Trong ngọn nến sắp tàn
Đêm buồn soi tóc bạc
Băng hồn ở thế gian.
-- Thích Long Viễn --






 
NHẬP THẬT TƯỚNG BÁT NHÃ
        ---------------------------                  
Hỏi: Tất cả ngôn hành đều có thể tận, vạn tượng sum la đều có thể diệt, sao lại nói thật tướng của các pháp không có tỳ vết, không có lỗ hỏng, chẳng thể phá, chẳng thể diệt?
Đáp: Tướng vọng tưởng là trần, thức tình là cấu, hai thứ ấy nếu một lúc xa lìa thì trí tuệ giác tánh mới chân nguyên hiển lộ rõ ràng. Vì các pháp không có tỳ vết, không có lỗ hỏng, chẳng thể phá, chẳng thể diệt nên trong Phật Pháp siêu việt ngữ ngôn, tâm hành cũng dứt, bất sanh bất diệt, bản thể thường Như, vắng lặng không tịch như tướng Niết bàn.
Bởi đó, nên Đức Long Thọ Bồ Tát mới nói:
“Vì nếu các pháp tướng là thật có, thời lúc sau chẳng nên không có, nếu các pháp trước có mà nay không, tức là đoạn diệt. Cũng chẳng phải thường, vì sao? Vì nếu thường tức không có tội phước, không có sát thương, cũng không có thí cho mạng sống, cũng không có lợi ích tu hành, cũng không triền phược không giải thoát, thế gian là Niết bàn, nên chẳng phải thường. Nếu các pháp là vô thường thời là đoạn diệt, cũng không có tội phước, cũng không thêm bớt, các nghiệp nhân duyên quả báo đều mất nên chẳng phải vô thường.”
Tam Thừa đều quán thật tướng của vạn pháp, bản thể thường “Không” mà đắc đạo. Nên quán “Không” gọi là chánh quán, quán khác đi gọi là tà quán. Khi mê có thế gian để ra khỏi, ngộ rồi thì thế gian là Niết bàn. Khi mê có bờ bên này, ngộ rồi thì bờ bên đây cũng không có. Khi mê thì có tâm có pháp, ngộ rồi thì tâm pháp đều không. Khi mê thì có Phật có chúng sanh, ngộ rồi thì chúng sanh là Phật. Khi mê thì có phàm phu và Thánh nhân, ngộ rồi thì vốn không sai khác. Khi mê thì vọng dứt phiền não vọng chứng Niết bàn, ngộ rồi thì phiền não tức là Bồ đề vậy.
Khi đó mới thật rõ ngộ lý chân truyền của Đức Phật Ca Diếp xưa:
“Nhất thiết chúng sanh tánh thanh tịnh
Tòng bổn vô sanh, vô khả diệt.
Tức thử thân, tâm thị huyễn sanh
Huyễn hóa chi trung vô tội, phúc.”
                         ****
“Tánh chúng sanh thảy đều thanh tịnh
Do không sanh, không diệt mà ra.
Thân, tâm là huyễn thôi mà
Huyễn thì tội, phước thật là đều không”.
Được vậy mới gọi là “Về Nguồn”. Cũng gọi là Như Lai dạo biển tịch diệt chuyển đại pháp luân nhập tất cả ngữ ngôn văn tự mà không có chỗ trụ. Cũng gọi là Phật độ hết chúng sanh vì Phật chẳng tự thành đều do chúng sanh độ cả (Chư Phật lấy vô minh làm cha, tham ái làm mẹ; vô minh và tham ái là biệt hiệu của chúng sanh). Khi Tâm, Phật và Chúng sanh không còn sai biệt thì mới có thể nhập vào Đại Đạo. Như Kinh Viên Giác nói: “Này Thiện nam tử, phải biết rằng các pháp đều bình đẳng và bất hoại diệt. Thân, Tâm và Ngã Pháp, sinh tử và Niết bàn đều như không hoa. Ở trong hành giả không có tạo tác và đình chỉ. Ở quả tu không có thủ xả và đắc thất. Rốt ráo không có Năng, Sở, Khứ lai, Sinh diệt. Có như thế mới nhập được vào Phật đạo.”
Ông Bàng Uẩn lúc lâm chung cũng có hai câu kệ:
“Không hoa lạc ảnh
Dương diệm phiên ba”.
 Hoa đốm trên không hiện ra hình bóng, Dương diệm (Ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất, ở xa nhìn thấy có nước nhưng đến gần thì chẳng có gì) nổi lên làn sóng. Ngài Vĩnh Minh tán thán rằng: Lời này không lọt vào kiến chấp “Có” và “Không”, khéo được ý chỉ vô sanh, kẻ học đạo nên quán sâu vào đó.” Khéo quán sâu vào đó mới gọi là kẻ nhập Phật Đạo có trí.                   
 (Trích Đại Giác Tánh Luận, Lương Sơn Long Viễn biên soạn)



Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

__ക__ NGỘ BỔN TÂM__ക__
-----------ങ-----------
Tự tâm nếu một phen tỏ ngộ liền đến quả vị Phật. Nếu lạc mất tự tâm tạo nhân mê hoặc tức phải chịu cái quả huyễn hóa. Một niệm phóng đi là tác thành nghiệp báo, tác thành nhân quả triển chuyển sanh diệt trong ba cõi sáu đường(*), thống khổ vô cùng, ai bi cực độ. Nên Ngài Lai Quả đã thống thiết chí thành trăm lạy khẩn xin chư Đại Đức hãy cứu giúp Tâm này:
“Tâm tại sao nói cứu? Kỳ thật là do sự ứng dụng hằng ngày của chúng ta chỉ biết có thân, không biết có Tâm. Xưa nay chỉ biết nói Tâm tức là thân, thân tức là Tâm, mê lầm cho thân Tâm là một thể, mà chẳng biết có vọng tâm, có chơn tâm cho nên bất cứ lúc nào, nơi nào cũng hết lòng tận sức xúi giục cái tâm ngu si này, lo cho cái thân này được thể diện, được cao sang, được vừa lòng. Cứ cho cái thân đây cũng là ta (Tâm), đó cũng là ta, mà chẳng biết đã cho cái Tâm Phật của ta ẩn giấu trong tạng phủ của cái thân này.”
         Tâm có chân tâm và vọng tâm. Chân tâm ứng hợp với bản thể. Vọng tâm trái chướng với thể chân như. Nguyên vì, vọng trần dấy khởi, sóng ái lao xao, nên Tứ trí không sanh(**), Thập thân bất hiện(***), thể vọng bất phân, mê lầm chân ngã, thường bị vật vô tình nhiếp mất tự do, nào hay nào biết trong cái đẫy da hôi thối này có cái bất sanh bất diệt...

(Trích Đại Giác Tánh Luận, Lương Sơn Long Viễn biên soạn) 





Ghi Chú: 
(*) Ba cõi sáu đường: Còn gọi là Ba giới, sáu đường luân hồi (tam giớilục đạo luân hồi)
Ba giới là Dục giớiSắc giới, và Vô sắc giớiSáu đường luân hồi là sáu loài chúng sinh thọ sanh trong luân hồi
1) Chư thiên
2) Loài người
3) Loài a-tu-la, 
4) Loài ngạ quỷ
5) Loài thú vật
6) Loài đọa địa ngục.
 Sáu loài chúng sanh đều nằm trong ba giới,Cụ thể như sau:
1. Dục giới  
(World of Sense-Desires, Kama Loka)
11. Tha hóa tự tại thiên (Devas Wielding Power over Others' Creations; Paranimmita-vasavattī devā) 
10. Hóa lạc thiên (Devas Delighting in Creation; Nimmānaratī devā)

09. Đâu-suất thiên (Contented devas; Tusitā devā) 
08. Dạ-ma thiên (Yama devas; Yāmā devā) 
07. Đao-lợi thiên (The Thirty-Three Gods; Tāvatiṁsa devā) 
06. Tứ thiên vương thiên (Devas of the Four Great Kings; Catumahārājikā devā) 
05.Loài người (Human beings; Manussā) 
04. Loài a-tu-la (Titans; Asurā) 
03. Loài ngạ quỷ (Hungry ghosts; Petā) 
02. Loài thú vật (Animals; Tiracchānā) 
01. Loài đọa địa ngục (Hells; Nirayā) 
 2. Sắc giới  
(World of Form, Rūpa Loka)
A1. Sơ thiền
14. Đại phạm thiên (Great Brahmas; Mahā Brahmā) 
13. Phạm phụ thiên (Ministers of Brahmas; Brahma-Purohitā devā) 
12. Phạm chúng thiên (Retinue of Brahma; Brahma-Parisajjā devā)
A2. Nhị thiền
17. Quang minh thiên (Devas of Streaming Radiance; Ābhassarā devā) 
16. Vô lượng quang thiên (Devas of Unbounded Radiance; Appamānabhā devā) 
15. Thiểu quang thiên (Devas of Limited Radiance; Parittabhā devā)
A3. Tam thiền
20. Biến tịnh thiên (Devas of Refulgent Glory; Subhakinnā devā) 
19. Vô lượng tịnh thiên (Devas of Unbounded Glory; Appamānasubhā devā) 
18. Thiểu tịnh thiên (Devas of Limited Glory; Parittasubhā devā)
 A4. Tứ thiền
27. Vô song thiên (Peerless devas; Akanitthā devā) 
26. Thiện kiến thiên (Clear-sighted devas; Sudassī devā) 
25. Thiện hiện thiên (Beautiful or Clearly Visible devas); Sudassā devā) 
24. Thanh tịnh thiên (Untroubled devas; Atappā devā) 
23. Vô đọa thiên (Devas not Falling Away; Avihā devā) 
22. Vô tưởng thiên (Unconscious beings; Asaññā sattā) 
21. Quảng quả thiên (Very Fruitful devas; Vehapphalā devā)

3. Vô sắc giới  
(Formless World, Arūpa Loka)
31. Phi tưởngphi phi tưởng thiên (Devas of Sphere of Neither-perception nor non-perception;Nevasaññā-nasaññā-yatanūpagā devā) 
30. Vô sở hữu thiên (Devas of Sphere of No-thingness; Ākiñcañña-yatanūpagā devā) 
29. Thức vô biên thiên (Devas of Sphere of Infinite Concsiousness; Viññānañca-yatanūpagā devā) 
28. Không vô biên thiên (Devas of Sphere of Infinite Space; Ākāsānañca-yatanūpā devā)
(**) Tứ Trí: 
1-Thành Sở Tác Trí (tức Ngũ Thức: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân chuyển thành Trí).
2- Diệu Quán Sát Trí (tức là thức thứ sáu: Ý Thức chuyển thành Trí).
3-Bình Đẳng Tánh Trí (tức là thức thứ bảy: Mạt Na Thức chuyển thành Trí).
4-Đại Viên Cảnh Trí (tức là thức thứ tám: A-Lại-Da Thức chuyển thành Trí).
(***) Thập Thân:

Theo Kinh diễn thuyết Thập Thân như sau:
1. Bồ đề thân: 
Trí nhập tam thế, tất giai bình đẳng (ý nghiệp). Kỳ thân sung mãn nhất thiết thế gian (thân nghiệp). Kỳ âm phổ thuận thập phương quốc độ (ngữ nghiệp). Ví như hư không cụ hàm chúng tượng, ư chư cảnh giới vô sở phân biệt. Hựu như hư không phổ biến nhất thiết, ư chư quốc độ bình đẳng tuỳ nhập.
Dịch ý là: Trí huệ của Phật thấu hiểu hết mọi chuyện trong ba đời một cách toàn diện và bình đẳng (đó là ý nghiệp). Thân của ngài hiện ra khắp mọi nơi trong thế gian (đó là thân nghiệp). Tiếng nói của ngài vào hết khắp mọi quốc độ trong mười phương (đó là khẩu nghiệp). Bồ đề thân thì cũng như hư không chứa đựng vạn tượng nhưng không hề phân biệt những cảnh tượng ấy. Bồ đề thân lại cũng giống như hư không phổ biến mọi nơi, nơi nào có quốc độ thì nơi đó nó nhập vào.  
2. Oai thế thân: 
Thân hằng biến tọa nhất thiết đạo tràng, bồ tát chúng trung oai quang hách dịch, như nhật luân xuất chiếu minh thế giới.
Dịch ý là: Oai thế thân của Phật thường biến ra đến khắp tất cả đạo tràng. Trong tất cả đại chúng bồ tát, thân của Phật phóng ra hào quang sáng lạn, giống như mặt trời xuất hiện rọi sáng thế giới.
3.Phước đức thân:  
Tam thế sở hành chúng phước đại hải tất dĩ viên mãn.
Dịch ý là: Biển phước rộng lớn mà Phật đã làm trong ba đời thì hoàn toàn viên mãn.
4.Tuỳ ý thọ sinh thân: 
Nhi hằng thị sinh chư Phật quốc độ.
Dịch ý là: Tuy đã viên mãn sự tu hành, nhưng đức Phật vẫn thường luôn thị hiện sinh vào các cõi nước của chư Phật.
5Tướng hảo trang nghiêm thân: 
Vô biên sắc tướng viên mãn quang minh  biến châu pháp giới, đẳng vô sai biệt.
Dịch ý là: Thân của Phật có nhiều vô số hình sắc tướng trạng, vô số quang minh viên mãn. Những thân ấy biến ra khắp pháp giới. Những thân này, sắc tướng đều trang nghiêm đẹp như nhau, không hề có sai khác.
6. Nguyện thân: 
Diễn nhất thiết pháp như bố đại vân
Dịch ý là: Ðức Phật hiện thân diễn thuyết hết thảy mọi pháp môn. (Sự diễn thuyết của ngài thâm sâu, thấu triệt và bao trùm hết mọi khía cạnh của chân lý, cũng giống như) mây lớn giăng kín bầu trời.
7. Hóa thân: 
Nhất nhất mao đoan tất năng dung thọ nhất thiết thế giới, nhi vô chướng ngại. Các hiện vô lượng thần thông chi lực, giáo hóa điều phục nhất thiết chúng sinh.
Dịch ý là: Mỗi sợi lông của Phật có thể chứa đựng toàn bộ tất cả thế giới mà không hề có chướng ngại gì. Trong mỗi thế giới ấy, Phật lại hiện ra vô lượng sức mạnh thần thông để giáo dục và cảm hóa tất cả chúng sinh
8. Pháp thân: 
Thân biến thập phương nhi vô lai vãng.

Dịch ý là: Thân Phật tuy hiện ra khắp mọi nơi nhưng thân ngài không hề di động , không tới cũng không đi.
9. Trí thân: 
Trí nhập chư tướng liễu pháp không tịch.
Dịch ý là: Trí huệ của Phật thấu suốt mọi hiện tượng, ngài biết rõ rằng mọi thứ đều là không, đều vắng lặng.
10.Lực trì thân:   
Tam thế chư Phật sở hữu thần biến, ư quang minh trung mỹ bất hàm đổ. Nhất thiết Phật độ bất tư nghì kiếp sở hữu trang nghiêm, tất linh hiển hiện.
Dịch ý là: Quang minh của Phật có thể khiến chúng ta thấy hết mọi hoạt động thần biến của tất cả chư Phật. Ngài cũng có thể làm hiển hiện cho ta thấy vô số vô lượng những thứ trang nghiêm trong những kiếp số nhiều không thể tưởng tượng.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

ಹ--DIỆU DỤNG BỒ ĐỀ TÂM--ಹ
(Nhân Tố Quyết Định Vãng Sanh)

Hỏi: Qua lời huấn thị của Thầy, tôi như vừa bừng tỉnh giấc mơ, mới biết mình là con của quốc vương lại cam đành liệt nhược làm kẻ ăn mày tha xứ. Từ nay tôi sẽ chấp trì đúng Lục tự Di Đà, chẳng dám vượt Pháp hầu mong lợi ích chân thật!
            Kính bạch Thầy! Như trên Thầy nói: “Nếu không phát Bồ Đề Tâm tức không tương ưng với bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà thì khó có thể Vãng Sanh!” Xin Thầy Từ Bi vì tôi mà minh định rõ ý này!
Đáp: Câu hỏi này của ông thật rất thỏa đáng!
Như Kinh A Di Đà, Đức Thế Tôn có thuyết: “Bất thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Lời này là tông chỉ của toàn bộ Kinh, có nghĩa là: “Không thể do một chút căn lành, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi nước kia đâu!” Thế thì, như Đại Sư Thật Hiền của ta đã nói:
“Phước đức lớn, không gì bằng chấp trì Thánh hiệu.
Thiện căn nhiều, chẳng chi hơn phát quảng Đại Tâm”
 Cho nên:
“Tạm trì Thánh hiệu thắng hơn bố thí trăm năm,
Nhứt phát Đại Tâm vượt quá tu hành nhiều kiếp”.
Ông niệm Phật vốn mong làm Phật, nếu Đại Tâm không phát thì niệm Phật làm gì?
Ông phải biết bổn hoài của ba đời mười phương chư Phật xuất hiện nơi đời, đều nhằm khai thị cho chúng sanh minh phát Tâm này. Các Thánh Tổ hiền triết dùng hết giáo ngôn phương tiện cũng đều nhằm ca thán Tâm này. Nên Kinh Hoa Nghiêm nói:
        “Muốn được tối thắng đạo đệ nhứt
Là vua giải thoát Nhất thiết trí
Nên phải mau phát Bồ Đề Tâm
Hết hẳn hữu lậu lợi quần sanh
Xu hướng Bồ Đề Tâm thanh tịnh
Công đức rộng lớn bất khả thuyết!”
            Kinh lại nói: “Quên mất Tâm Bồ Đề mà tu các pháp lành, đó gọi là Ma nghiệp!” Quên mất còn như thế, huống gì chưa phát ư?
            Cho nên, nếu ông chưa phát Bồ Đề Tâm, quyết chẳng thể Vãng Sanh. Vì sao như thế? Vì Bồ Đề Tâm là vua trong các Pháp lành, là nơi hộ niệm của mười phương Như Lai cùng chư Hiền Thánh, là chỗ quy hướng của tất cả Trời Người, là nơi tích tập vô lượng công đức rộng lớn, là mặt trời sáng hủy diệt tất cả tội chướng của chúng sanh, là lưỡi kiếm Vô Năng Thắng chấn nhiếp tất cả Ma vương, là nơi sanh ra ba đời mười phương chư Phật. Bồ Đề Tâm là gốc rễ duy nhất cho hạnh phúc của chúng sanh, cũng là tinh chất của Tám muôn Bốn ngàn thiện Pháp. Nếu ông quên mất Bồ Đề Tâm là nguyên nhân hư nát của căn cội Đại Thừa. Nếu ông không phát Bồ Đề Tâm liền bị Ma nhiếp giữ. Bồ Đề Tâm là Bổn Nguyện của chư Phật, là Tuệ Mạng của chúng sanh. Mới phát Tâm đã thành Phật đạo. Vì sao? Vì tương ứng với Phật trí, Vô tận trí, Bất khả tư nghì trí, Vô thượng đẳng đẳng trí, Hư không tạng kim cang trí…
            Lại như Ba bậc vãng sanh trong Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ đều do “Phát Bồ Đề Tâm, chuyên niệm một hướng” làm chỗ y cứ. Cho nên ông phải liễu tri rằng: Phát Bồ Đề Tâm thật là thiết yếu đầu tiên trong pháp hành Tịnh Độ! Vì sao? Vì lượng của Tâm Bồ Đề rộng lớn vô biên, dài xa vô hạn. Nên cảm được Y báo Tịnh Độ rộng lớn vô bờ, Chánh báo thọ mạng dài xa vô lượng. Trừ Tâm Bồ Đề không thể có quả đó! Còn nếu như căn cứ trên nhân địa của Pháp Tạng Tỳ Kheo, hiện tiền thành tựu Chánh Biến Tri Giác là A Di Đà Như Lai thì bổn nguyện thứ 19 là Nhân, chứng thực bổn nguyện thứ 20 là Quả. Cho nên Tổ Sư ta là Thật Hiền Đại Sư, cũng chính là hóa thân của A Di Đà Thế Tôn, Ngài đã khóc ra lệ máu, dập đầu kính lạy toàn thể chúng sanh mà thưa rằng: “Gieo hạt giống Bồ Đề, cày bằng lưỡi cày niệm Phật, thì đạo quả tự nhiên tăng tiến. Nương chiếc thuyền Đại nguyện, vào biển mầu Tịnh độ, ắt Tây Phương quyết định sanh về!” Đại sư Đàm Loan cũng từng dạy: “Ngoài bổn nguyện cầu sanh, lại còn phải phát lòng Bồ Đề, được vãng sanh cùng không, lấy đây làm chỗ y cứ!”
            Khuyên ông hãy mau phát Tâm Bồ Đề để được Phật quang nhiếp thọ, hãy cỡi thuyền Đại Nguyện mà tự tại du hý sanh trong cõi mầu Tịnh Độ. Đức Phật A Di Đà cùng Liên Trì Thánh Chúng đang đợi ông, tất cả chúng sanh cũng đang trông chờ ở ông. Chính lúc này ông phải quyết định đi lên hay đi xuống!  
               (Trích Tịnh Độ Phá Nghi, Lương Sơn Long Viễn biên soạn)