Tham Thiền Hoặc Vấn
Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma
Phần VI- Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma
Hỏi: Kính thưa thầy về phần Ma sự tôi thật đã liễu tri, bây giờ xin thầy hoan hỷ chỉ dạy phương pháp hàng Ma được không ạ?
Đáp: Về phương pháp hàng Ma, ở trên ít nhiều tôi cũng đã nói, nhưng để ông liễu ngộ toàn triệt hơn giờ tôi sẽ tiếp tục ước lược tỏ bày. Ông hãy lắng nghe, suy nghĩ và khéo tác ý để Phục- Đoạn- Tu- Chứng được tối thắng nhất. Biết Ma sự để đuổi chúng đi, để hàng phục chúng, để tồi hoại chúng, để chiến thắng chúng mà thành Chánh Giác Bồ Đề. Trước tiên tôi lược nói về phương pháp khước từ, vượt qua những Ma sự này theo Chỉ và Quán. Phương pháp này ngày xưa Tổ sư của Thiên Thai Tông cũng đã từng khai thị cho đại chúng, nay tôi cũng vì Ông mà phân tích giải bày thêm cho thật rõ ràng để Ông có thể y chỉ vào đấy mà hàng Ma chứng đạo:
1. Tu Chỉ chiến thắng: Phàm thấy tất cả cảnh ma bên ngoài đều biết là hư dối,
không lo, không sợ, cũng không thủ, không xả hay vọng chấp phân biệt, dứt tâm
lặng yên thì ma tự tiêu diệt.
Vâng, đã quá rõ ràng! Ông phải biết tất cả các pháp đều là hiện cảnh duy tâm, nên Kinh Kim Cang dạy: "Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng, nếu thấy có tướng chẳng phải tướng liền thấy Như Lai", chính ngay nơi tâm này là giác tánh Như Lai, ngay đây là Trạm Nhiên vậy! Chính tâm mình là Phật, đừng nên đem Phật lễ Phật, dù cho Phật và Bồ Tát cũng như Hiền Thánh ... có hiện ra trước mặt cũng không nên lễ kính, cũng không xao động... vì tâm ta bản lai thanh tịnh, không có các tướng mạo ấy, nếu chấp trước vào các hình tướng ấy tức rơi vào tà đạo, rơi vào cảnh giới của Ma. Các hình tướng khác như quỷ thần, dạ xoa, tinh mị, tà yêu, ác thú... cũng lại như vậy, không lo, không sợ, không hoang man, không lo lắng... cũng không thủ, không xả hay vọng chấp phân biệt, cũng không nên nghi hoặc. Tâm ta xưa nay vắng lặng rỗng không. Hết thảy tướng mạo đều là giả dối, chỉ cần không chấp không trụ nơi hình tướng, tất cả hình tướng đều là pháp sanh diệt vô thường. tâm lặng yên thì cảnh Ma tự tan tự diệt nên mới nói: "Lìa hết thảy tướng liền gọi là chư Phật!" là chỉ ý này vậy!
2. Tu Quán chiến thắng: Nếu thấy các cảnh ma như trước đã nói, dùng Chỉ đuổi
không đi, phải phản quán tâm năng kiến không thấy chỗ nơi thì bọn ma kia chỗ
nào mà não loạn ? Khi quán như thế ma liền diệt hết. Nếu nó trì hoãn không đi,
cần phải chánh tâm, chớ sanh tưởng kinh sợ, không tiếc thân mạng, chánh niệm
không động, biết trên bản tánh chân như ma giới tức là Phật giới; nếu ma giới là
Phật giới thì chỉ có một không hai; rõ biết như vậy thì ma giới không xả, Phật giới
không thủ, Phật pháp tự sẽ hiện tiền, ma cảnh tự nhiên tiêu diệt.
Há không rõ ư? Tôi hay nói với chúng đệ tử phải thường nổ lực công phu, công phu là gì vậy? Công phu có khó không? Không! Rất dễ! Chỉ cần buông xuống là được! Buông cái gì?Chỉ cần đem tất cả những gì đã có trong tâm thức buông xuống và từ bỏ chúng, ấy thật là công phu chân chánh, nếu có công phu nào khác thì thật là si cuồng vô trí, đều là hướng ngoại cầu tìm, mà tìm là không thể được, hướng ngoại cầu giác tức là ngoại đạo. Cho nên nếu thấy các cảnh Ma như trước đã nói, dùng Chỉ đuổi không đi, phải phản quán tâm năng kiến không thấy chỗ nơi thì bọn ma kia chỗ nào mà não loạn? Khi quán như thế ma liền diệt hết. Bởi thế nên Chư Tổ Sư cũng đã từng nói: "Hễ có tâm phân biệt so đo cái tự tâm hiện lượng thì thảy đều là mộng". Liễu tri được mộng, còn không tỉnh mộng ư? Cho nên nếu nó trì hoãn không đi, cần phải chánh tâm, chớ sanh tưởng kinh sợ, không tiếc thân mạng, chánh niệm không động, biết trên bản tánh chân như Ma giới tức là Phật giới; nếu Ma giới là Phật giới thì chỉ có một không hai; rõ biết như vậy thì Ma giới không xả, Phật giới không thủ, Phật pháp tự sẽ hiện tiền, ma cảnh tự nhiên tiêu diệt. Thắng tri như thế thì Ma sự làm sao não loạn được? Kinh Duy Ma nói: "Trực Tâm, Thâm Tâm, Bồ Đề Tâm là tịnh độ của Bồ Tát, Bồ Tát muốn được cõi Phật thanh tịnh? Tùy tâm tịnh liền được cõi Phật tinh!" Nếu tâm thức của ông tịch diệt, chẳng có chút động niệm thì đó gọi là chánh giác. Giác đã chánh thì há có còn mê nhiễm hay động loạn ư? Giác đã chánh thì cảnh Ma làm sao không tan không diệt?
Lại nữa, nếu thấy ma cảnh không tiêu chẳng cần phải lo, nếu thấy tiêu diệt
cũng chớ sanh mừng. Vì cớ sao? Vì chưa từng thấy có người ngồi thiền thấy ma
hóa làm cọp, sói đến ăn thịt, cũng chưa từng thấy ma hóa làm nam nữ đến kết làm
vợ chồng, chính nó là huyễn hóa. Người ngu không rõ, tâm sanh kinh sợ và khởi
lòng tham đắm, nhân đó mà tâm loạn, mất thiền định và sanh cuồng, tự chuốc lấy
họa hoạn đều tại mình không có trí tuệ mà thọ hại, không phải tại ma gây nên. Nếu
các ma cảnh làm não loạn người tu, hoặc trải qua nhiều tháng đến cả năm mà
không đi, chỉ phải đoan tâm chánh niệm cho kiên cố, không tiếc thân mạng, chớ
ôm lòng lo sợ, phải tụng các kinh Đại thừa, Phương đẳng và Thần Chú trị ma, thầm
tụng niệm và hằng nhớ Tam bảo. Nếu khi xuất định cũng phải tụng Chú để tự đề
phòng, sám hối, hổ thẹn và tụng Giới Luật, tà không can phạm được chánh, lâu lâu
nó tự diệt. Ma sự rất nhiều nói không thể hết, phải khéo mà biết nó.
Ông phải biết: Pháp vốn vô pháp, tâm cũng vô tâm, tâm pháp đều không, là tướng chân thật. Nếu động là tâm động, loạn là tâm loạn, động loạn do tâm nhưng tâm vốn không động; liễu tri như thế tướng chân thật hiển bày, Ma cảnh tự tan biến ngay. Nếu các ma cảnh làm não loạn người tu, hoặc trải qua nhiều tháng đến cả năm mà không đi, thì phải biết mình chưa ngộ được bổn tánh, chưa thấy được ngay nơi tâm địa mình chính là giác tánh Như Lai. Giác tức là chỗ linh diệu rõ biết, ứng tiếp tùy thời luôn phù hợp với sự vật, sự việc mà không động cũng không rung chuyển theo pháp trần... Vì chưa ngộ được bổn tánh chân thật hoặc có ngộ nhưng chưa triệt để nên bị cảnh Ma nhiễu loạn, lúc bấy giờ chỉ phải đoan tâm chánh niệm cho kiên cố, không tiếc thân mạng, chớ ôm lòng lo sợ, phải tụng các kinh Đại thừa, Phương đẳng và Thần Chú trị ma, thầm tụng niệm và hằng nhớ Tam bảo. Nếu khi xuất định cũng phải tụng Thần Chú để tự đề phòng, sám hối, hổ thẹn và tụng Giới Luật, tà không can phạm được chánh, lâu lâu nó tự diệt.
Thế nên, người sơ tâm tu hành cần phải gần gũi thiện tri thức. Nếu có
những việc nạn như vậy, ấy là ma nhập tâm người hay khiến người tâm thần
cuồng loạn, hoặc mừng, hoặc lo, nhân đó thành bệnh đến chết. Hoặc khi ma cho
được tà thiền định, trí tuệ, thần thông, Đà-la-ni, thuyết pháp giáo hóa, người đều
kính phục, về sau phá hoại việc lành xuất thế của người và phá hoại chánh pháp.
Những việc ma như thế, có nhiều loại sai biệt không thể nói hết. Nay lược chỉ bày
những điều cần yếu để cho người tu trong lúc tọa thiền không lầm nhận các cảnh
giới ma.
Ông phải xác quyết với tín tâm tuyệt đối rằng: Sự giác ngộ của mình trong đời mạt pháp này hoàn toàn phụ thuộc vào nhân duyên mình có trưởng ngộ Minh Sư hoặc Thiện Tri Thức hay không. Vì sao vậy? Như Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật dạy: "Nên gần gũi Thiện tri thức, chớ lập theo hạnh ác, chớ tin vào nghiệp ác. Vì sao thế? Gần gũi Thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm. Nếu Tỳ-kheo gần gũi Thiện tri thức thì chớ tập theo hạnh ác. Vì sao thế? Nếu gần gũi Ác trí thức, sẽ không có tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy gần gũi Thiện tri thức, chớ gần gũi Ác tri thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!" Và Ngài còn dạy:
"Chớ gần Ác tri thức,
Cũng chớ ngu theo hầu.
Nên gần Thiện tri thức,
Bậc tối thắng trong Người.
Người vốn không có ác,
Tập gần Ác tri thức,
Sau ắt trồng cội ác,
Ở mãi trong tăm tối."
Cho nên ông tuyệt đối phải minh đạt những điều trên để có sở hành chân chánh!
Nói tóm lại, nếu muốn dẹp tà về chánh phải quán thật tướng của các pháp,
khéo tu Chỉ, Quán thì không có cái tà nào mà không dẹp được. Cho nên trong kinh
luận chép: “Trừ thật tướng của các pháp, kỳ dư tất cả là ma sự”. Như bài kệ chép :
Nếu phân biệt nhớ tưởng,
Tức là lưới của ma,
Không động, không phân biệt,
Ấy tức là pháp ấn.
Tất cả phàm phu ức tưởng phân biệt, điên đảo chấp tướng, thế nên có trói buộc. Mống niệm hý luận, cho nên bị trói buộc. Thấy, nghe, hay, biết, cho nên bị trói buộc. Trói buộc tức không giải thoát, không giải thoát tức bị sầu, bi, khổ, ưu, não bức bách, đó là Ma sự não loạn vậy! Cho nên trong Kinh Ma Nghịch có Thiên tử tên là Đại Quang, vốn theo hầu cận Bồ Tát Văn Văn Thù Sư Lợi, lúc ấy hiện đang an tọa nơi tòa ngồi, liền thưa hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
-Thưa Đại sĩ! Vì sao có thể cho rằng các Bồ Tát thực hành những việc của ma? Việc làm của ma là gì?
Đức Văn Văn Thù Sư Lợi đáp:
-Đối với các nghiệp mà có tạo tác, đó là việc làm của ma. Đối với chí nguyện mà có chỗ thọ nhận, chấp giữ, có sự xâm đoạt, đó là việc làm của ma. Nếu tư tưởng có ham muốn, chấp trước, nhận thức nhớ nghĩ mong cầu, đó là việc làm của ma.
Lại nữa, này Nhân giả! Bồ Tát nương tựa tham chấp, chí mong cầu đạt đến đạo quả, đó là việc làm của ma. Tâm đối với sáu pháp Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ luôn dựa chấp, đó là việc làm của ma. Thức nghĩ về bố thí, vọng tưởng về trì giới, thọ chấp về nhẫn nhục, buông lung nơi tinh tấn, vướng mắc nơi thiền định, hạn hẹp về trí tuệ, đó là việc làm của ma.
Lại nữa, này Nhân giả! Tâm chỉ lìa thích ở chỗ vắng lặng, thực hành để đạt được các pháp quán cho riêng mình, đó là việc làm của ma. Nếu khiến nhớ nghĩ về hạnh tri túc, chỉ tu tập đức hạnh cho riêng mình, đó là việc làm của ma. Nếu hành theo nẻo không, vô tướng, vô nguyện, tu tập không buông lung, trụ chấp nơi chỗ thuyết giảng, chỉ dạy của Như Lai, đó là việc làm của ma. Nhân giả, nếu mọi tư tưởng đều có chỗ chấp giữ, tâm ý cũng ở chỗ ứng hợp thì mọi thấy nghe, nhớ biết, phân biệt về kinh điển đều là việc làm của ma.
Việc làm của Ma là như thế, còn không quá rõ ràng ư? Nên nếu hành giả chánh quán với Bồ Đề Tâm thì có thể dùng các pháp mà làm Phật sự, không có chướng ngại. Như Kinh Duy Ma nói: "Vì có bốn loại ma và tám muôn bốn ngàn phiền não này mà chúng sanh bị lao nhọc, các Đức Phật bèn dùng pháp này mà làm Phật sự." Cho nên giác ngộ thật tánh gọi là Bồ Đề vậy? Giác ngộ Bồ Đề tức là chiến thắng ác Ma vậy! Vậy thật tánh ấy phải tìm ở đâu? Kinh Như Lai Bí Mật Tạng nói: "Thật tánh của thân là thật tánh của Bồ Đề, thật tánh của Bồ Đề là thật tánh của tâm, thật tánh của tâm là thật tánh của tất cả pháp. Giác ngộ hết thảy các thật tánh này gọi là giác ngộ Bồ Đề vậy." Giác ngộ Bồ Đề chân thật là ở chỗ không động, không phân biệt, đó chính là Pháp Ấn, Bồ Tát dùng Ấn này mà chấn nhiếp Ma quân, bạt tế pháp giới, viên giác Đại Tâm... Cái Diệu và cái Dụng của Pháp Ấn này là Không, Vô Tướng, Vô Nguyện Không có hý luận. Như Kệ nói:
Thật tướng không phiền não
Không chúng sinh, không Phật.
Phân biệt pháp vô sinh
Phàm phu nguyện làm Phật.
Chẳng thấy các Phật pháp
Cũng chẳng thấy chúng sinh,
Người biết pháp tướng ấy
Chóng thành đấng Thế Tôn.
Nếu người cầu Bồ Đề
Ắt không có Bồ Đề
Người này xa Bồ Đề
Ví như trời với đất.
Biết các pháp như huyễn
Chóng thành đấng Thế Tôn.
Ông phải thắng giải với chánh kiến rằng: Tất cả các pháp vốn không có hai tướng, do vì nhân duyên của nghiệp Minh và Vô Minh mà sanh ra hai tướng. Nếu Vô Minh chuyển thì biến thành Minh. Tất cả các pháp thiện và bất thiện; Ma và Phật... cũng lại như vậy. Nếu chuyển được vật ắt đồng với Như lai. Ma giới Như tức là Phật giới Như. Ma giới, Phật giới đều Như nên cả hai không hai không khác. Đúng như trong Chứng Đạo Ca nói:
Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hóa không thân tức Pháp thân.
Nói chung, hành giả khi phát Bồ Đề Tâm tu Bồ Tát đạo, các Bồ Tát ấy do được Bồ Tát Đạo nên phá Phiền não ma. Do được Pháp Tánh Thân nên phá Ấm ma. Do được Đạo, được Pháp Tánh Thân nên phá Tử ma. Do thường nhất tâm, do tâm không trụ không chấp, không dính mắc ở một nơi nào, do vào được Bất Động Tam Muội, nên phá được Tha Hóa Tự Tại Thiên Tử Ma. Bốn loại Ma trên đã vượt qua, lại vượt qua Ma nghiệp nên nói vượt qua và chiến thắng tất cả các cảnh giới Ma vậy!
Vị Hành giả thỉnh pháp tĩnh tọa uy nghiêm lắng nghe Sư Phụ Long Viễn khai thị như người khát được uống nước mát, như người nghèo được của báu... Sau khi lời Sư Phụ kết thúc, Ông đứng lên cung kính đảnh lễ Sư Phụ ba lạy rồi quỳ gối chắp tay và thưa: "Kính bạch Thầy! Xin Thầy từ bi nhận con làm đệ tử! Con nguyện sẽ y giáo phụng hành tất cả lời Thầy dạy! Suốt cuộc đời con nguyện kính ngưỡng!" Sư Phụ mỉm cười hứa khả, đưa tay chỉ vị hành giả an tọa, sau đó Ngài bưng ly uống một ngụm nước rồi đôi mắt Ngài bỗng nhìn về phía núi xa xa, trong đôi mắt ấy dường như ẩn chứa cả một suối nguồn từ bi bao la vô hạn hay một sự bi cảm không thể nói nên lời trong đời ngũ trược ác thế này?...