Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

   Câu Chuyện Thầy Trò


SỰ GIẢI THOÁT

Một hôm khi ánh thái dương dần khuất sau rặng núi xanh, le lói những ánh hồng xuyên qua khu rừng trước mặt tựa như những ánh hào quang xuyên qua lớp màng vô minh mà hiển bày chân tánh bất sanh bất diệt với những ai đang an trú trong Chỉ- Quán mà hành thâm tuệ giác Bát Nhã. Phải chăng cảnh vật đang khẽ hát lên bài ca bất tử: Diệu Pháp Âm Tuyên Lưu Biến Hóa Sở Tác, đúng thật là: "Phật pháp nơi thế gian, không lìa thế gian giác, lìa thế tìm Bồ Đề, cũng như tìm sừng thỏ." Lúc ấy Sư Phụ đang ngồi trên chiếc ghế nằm bằng gỗ hướng về phía biển trong khu rừng vắng, có mấy chú nhỏ vây quanh; những ánh thái dương hồng xuyên qua rừng cây phóng tỏa đến Ngài... Ôi, đẹp làm sao!...

Khi ấy Sư Phụ nhìn mấy chú tiểu mỉm cười và Ngài khẽ ngâm một bài kệ:

"Biết thân bị hủy hoại

Còn thức bị lụn tàn

Thấy sợ trong sanh y

Hiểu được sanh và chết.

Sau khi chứng đạt được

Sự an tịnh tối thượng

Tự ngã được tu tập

Chỉ còn đợi thời gian."

Rồi Sư Phụ im lặng một chốc sau đó Ngài nói tiếp: 

Các con phải luôn ghi nhớ sự tập khởi của Sanh y là sự tập khởi của ái, sự tập khởi của ái là sự tập khởi của luân hồi, sự tập khởi của luân hồi là sự tập khởi của khổ đau. Cho nên Sanh y diệt thì ái diệt, ái diệt thì luân hồi diệt, luân hồi diệt tức là giải thoát đó con. Giải thoát tức là tâm không còn ái nhiễm đối với các pháp như thân, tâm, thế giới... vì tất cả các pháp này rồi cũng đến tàn hoại, vì sao? vì nếu cái gì có tướng đều là hư vọng, tất cả các pháp do duyên mà thành rồi cũng do duyên mà diệt, nếu sanh và diệt đã diệt thì tịch diệt hiện tiền, đó là sự an tịnh tối thượng của bậc Thánh đó con! Thế nên khi các con khởi tâm công phu tu tập thì các con phải quán tri sự vô thường của các pháp, thấy được sự thật của thân và tâm này, nó là cái gì? Từ đó mà sợ hãi khi thấy sự nguy hiểm của Sanh y, thấy rồi thì phải ly nó, phải từ bỏ nó, phải buông nó xuống, phải vượt qua nó, phải đoạn diệt nó. Do đoạn diệt được Sanh y nên ái diệt, ái diệt nên con giải thoát được tự ngã, do con không ái luyến và chấp thủ đối với tự ngã nữa nên con sẽ chứng đạt được sự an tịnh tối thượng của một bậc Thánh. Đây là bài kệ trong Tiểu Bộ Kinh nói về sự an tịnh tối thượng của một bậc Thánh khi Sanh y diệt, tức ái diệt, ái diệt tức là Niết Bàn, bài kệ này tuy ngắn gọn nhưng nó là căn bản của Phạm Hạnh, các con nên ghi nhớ trong lòng và dụng tâm như thế để chứng đạt cứu cánh Phạm Hạnh.

Sau đó Sư Phụ đưa mắt nhìn về phía biển xa xa, vài tia nắng hồng phản chiếu vào trong mắt Ngài long lanh như hai viên ngọc. phải chăng ánh mắt Sư Phụ đang soi chiếu vào tâm thức của mấy chú nhỏ đoanh vây, làm cho tâm thức mọi người an tịnh và mát lạnh đến lạ lùng... Rồi Sư Phụ lại khẽ cất giọng trầm ấm ngâm lên bài kệ sau, một bài kệ mà với tôi nó hay đến vô cùng và diệu ý thậm thâm sâu đến không thể nghĩ bàn:

"Phật rằng có ái, có ly
Đã thương thì sớm muộn gì cũng xa
Vô thường, số mạng người ta
Cùng trong muôn vật chịu là luật chung.


Xem qua, ta luống hãi hùng
Khắp trong tam giới cháy bùng như than
Người yêu ta đến số ngàn
Người mà ta mến cũng tràn khắp nơi
Nhưng ta có thể tách rời
Cam lòng ly biệt những người yêu thương
Cõi đời là chốn ngục đường
Là nơi u ám, là trường nạn nguy
Con người chẳng biết nghĩ suy
Cứ ham thương mến dứt đi không đành
Chết kia nào có vị tình
Lại mong đánh đỗ, tranh giành, cướp đi.
Yêu nhau ví chẳng biệt ly
Cần chi giải thoát tu trì nữa chăng?
Càng nhiều âu yếm lăng xăng
Thì giờ vĩnh quyết lại càng đến mau.


Hiền nhân là đấng trí cao
Tìm đường giải thoát, chẳng cầu trí ai."

Sư phụ kết thúc bài kệ, tôi liền thưa:

-Bài kệ này của ai vậy Sư Phụ?

Sư Phụ đáp:

-Bài kệ này của Tổ A-na Bồ- đề. Các con nên nhớ,chúng ta đang sống ở Dục giới cũng như những con cá đang bơi trong biển dục vậy, và ngũ dục chính là năm miếng mồi của ma vương quăng ra để tiêu diệt chúng ta như diệt cá!  Nếu các con tham đắm ngũ dục thế gian thì chẳng khác nào con cá bị cắn câu, bị ma vương muốn làm gì thì làm. Hay nếu các con đắm say với ngũ dục thì chẳng khác nào những con thiêu thân sa vào ngọn đèn đang cháy đỏ, nó chết đi vì bị thức tâm lừa dối, trong mắt nó ngọn đèn chính là một nơi lý tưởng tuyệt vời, một chân trời đầy hương hoa mật ngọt, nhưng chẳng ngờ đó chính là điểm chết của tử thần. Các con thường suy ngẫm về bài kệ trên sẽ nhận ra con đường giải thoát và biết mình phải nên làm gì! Cẩn thận! Cẩn thận!

...

Lời Sư Phụ đã kết thúc mà âm ba còn vang vọng mãi trong tâm thức mọi người: "Những lời Sư Phụ đã tuyên lưu làm thân tâm chúng tôi mát lạnh và an tịnh lạ thường, chúng tôi đang tắm mình trong biển Cam Lồ chăng? Thầm tri ân Sư Phụ vô cùng mà không thể nói nên lời ... Tâm chúng tôi chợt dâng lên cảm xúc vô biên hướng về chúng sanh: Ước gì tất cả chúng sanh đều được như chúng tôi!..." - Mấy chú chia sẻ.

...





Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Sư Phụ Long Viễn khai thị đại chúng

THÀNH TỰU GIỚI TỐI THƯỢNG CỦA BỒ TÁT
(Bồ Tát Nhập Pháp Giới Viên Giác Đại Tâm)

Giới Hạnh Bồ Tát lấy thiền định về Không làm chỗ trì tâm, lấy Trí thanh tịnh làm đối tượng và phát sinh Bồ Đề Tâm như căn bản. Nói cách khác ngay nơi ThiềnGiới hạnh viên mãn, nhân Giới thanh tịnh mà Trí giác phát sanh, ngay nơi Trí giác ấy mà chu toàn tất cả Phật pháp. Tất cả Phật pháp chu toàn tức là thanh tịnh Phật Địa vì hạnh phúc của chúng sanh. Mà thanh tịnh Phật Địa viên mãn sự lợi ích chúng sanh chính là Bồ Đề Tâm tối thắng, Bồ Đề Tâm này làm căn bản để bước vào thành tựu Trí toàn giác về Ngã KhôngPháp Không để Bồ Tát có thể Nhập Pháp Giới hằng an trụ trong cõi Thường Tịch Quang mà vận hành Đại Tâm bạt tế pháp giới. Cho nên Bồ Tát muốn vào cõi Thường Tịch Quang của chư Phật chỉ cần viên mãn Giới Hạnh Bồ Tát, giới hạnh tối thượng của Bồ Tát là Tâm Rỗng Lặng, rỗng lặng đồng như Không. Nên Kinh Hoa Nghiêm nói: "Khi tâm chúng sanh đi vào pháp giới, với tâm rỗng lặng sẽ biết được cõi Thường Tịch của chư Phật." Nói tóm lại, Bồ Tát muốn Nhập Pháp Giới để hành dụng Đại Tâm thì phải an lập nơi Trí MônHạnh Môn viên thông. Nghĩa là gì? Nghĩa là Bồ Tát phải dùng Giác Quán an lập Đại Tâm ở nơi Trung Đạo mà viên thành Đại Giới. Giác Quán tức là Trí Môn, còn Đại Tâm tức là Hạnh Môn. Trong Trí Hạnh, trong HạnhTrí, TríHạnh không một không khác. Chánh yếu mà nói thì Bồ Tát Nhập Pháp Giới phải Chánh Quán với Trí Giác siêu thế an lập Giới Tối Thượng trên lý tánh Bồ Đề mà thành tựu chánh biến trí giác: Pháp Giới đồng với TRUNG ĐẠO, Rỗng Lặng đồng với KHÔNG, Tâm và Phật đồng với GIẢ. Đấy là Giới Tối Thượng Của Bồ Tát, cũng gọi là sở hành chân chánh của Bồ Tát Nhập Pháp Giới Viên Giác Đại Tâm vậy!



Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

 Tham Thiền Hoặc Vấn


 Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma


Phần VI- Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma

Hỏi: Kính thưa thầy về phần Ma sự tôi thật đã liễu tri, bây giờ xin thầy hoan hỷ chỉ dạy phương pháp hàng Ma được không ạ?

Đáp: Về phương pháp hàng Ma, ở trên ít nhiều tôi cũng đã nói, nhưng để ông liễu ngộ toàn triệt hơn giờ tôi sẽ tiếp tục ước lược tỏ bày. Ông hãy lắng nghe, suy nghĩ và khéo tác ý để Phục- Đoạn- Tu- Chứng được tối thắng nhất. Biết Ma sự để đuổi chúng đi, để hàng phục chúng, để tồi hoại chúng, để chiến thắng chúng mà thành Chánh Giác Bồ Đề. Trước tiên tôi lược nói về phương pháp khước từ, vượt qua những Ma sự này theo Chỉ và Quán. Phương pháp này ngày xưa Tổ sư của Thiên Thai Tông cũng đã từng khai thị cho đại chúng, nay tôi  cũng vì Ông mà phân tích giải bày thêm cho thật rõ ràng để Ông có thể y chỉ vào đấy mà hàng Ma chứng đạo:

1. Tu Chỉ chiến thắng: Phàm thấy tất cả cảnh ma bên ngoài đều biết là hư dối, không lo, không sợ, cũng không thủ, không xả hay vọng chấp phân biệt, dứt tâm lặng yên thì ma tự tiêu diệt. 

Vâng, đã quá rõ ràng! Ông phải biết tất cả các pháp đều là hiện cảnh duy tâm, nên Kinh Kim Cang dạy: "Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng, nếu thấy có tướng chẳng phải tướng liền thấy Như Lai", chính ngay nơi tâm này là giác tánh Như Lai, ngay đây là Trạm Nhiên vậy! Chính tâm mình là Phật, đừng nên đem Phật lễ Phật, dù cho Phật và Bồ Tát cũng như Hiền Thánh ... có hiện ra trước mặt cũng không nên lễ kính, cũng không xao động... vì tâm ta bản lai thanh tịnh, không có các tướng mạo ấy, nếu chấp trước vào các hình tướng ấy tức rơi vào tà đạo, rơi vào cảnh giới của Ma. Các hình tướng khác như quỷ thần, dạ xoa, tinh mị, tà yêu, ác thú... cũng lại như vậy, không lo, không sợ, không hoang man, không lo lắng... cũng không thủ, không xả hay vọng chấp phân biệt, cũng không nên nghi hoặc. Tâm ta xưa nay vắng lặng rỗng không. Hết thảy tướng mạo đều là giả dối, chỉ cần không chấp không trụ nơi hình tướng, tất cả hình tướng đều là pháp sanh diệt vô thường. tâm lặng yên thì cảnh Ma tự tan tự diệt nên mới nói: "Lìa hết thảy tướng liền gọi là chư Phật!" là chỉ ý này vậy!

2. Tu Quán chiến thắng: Nếu thấy các cảnh ma như trước đã nói, dùng Chỉ đuổi không đi, phải phản quán tâm năng kiến không thấy chỗ nơi thì bọn ma kia chỗ nào mà não loạn ? Khi quán như thế ma liền diệt hết. Nếu nó trì hoãn không đi, cần phải chánh tâm, chớ sanh tưởng kinh sợ, không tiếc thân mạng, chánh niệm không động, biết trên bản tánh chân như ma giới tức là Phật giới; nếu ma giới là Phật giới thì chỉ có một không hai; rõ biết như vậy thì ma giới không xả, Phật giới không thủ, Phật pháp tự sẽ hiện tiền, ma cảnh tự nhiên tiêu diệt. 

Há không rõ ư? Tôi hay nói với chúng đệ tử phải thường nổ lực công phu, công phu là gì vậy? Công phu có khó không? Không! Rất dễ! Chỉ cần buông xuống là được! Buông cái gì?Chỉ cần đem tất cả những gì đã có trong tâm thức buông xuống và từ bỏ chúng, ấy thật là công phu chân chánh, nếu có công phu nào khác thì thật là si cuồng vô trí, đều là hướng ngoại cầu tìm, mà tìm là không thể được, hướng ngoại cầu giác tức là ngoại đạo. Cho nên nếu thấy các cảnh Ma như trước đã nói, dùng Chỉ đuổi không đi, phải phản quán tâm năng kiến không thấy chỗ nơi thì bọn ma kia chỗ nào mà não loạn? Khi quán như thế ma liền diệt hết. Bởi thế nên Chư Tổ Sư cũng đã từng nói: "Hễ có tâm phân biệt so đo cái tự tâm hiện lượng thì thảy đều là mộng". Liễu tri được mộng, còn không tỉnh mộng ư? Cho nên nếu nó trì hoãn không đi, cần phải chánh tâm, chớ sanh tưởng kinh sợ, không tiếc thân mạng, chánh niệm không động, biết trên bản tánh chân như Ma giới tức là Phật giới; nếu Ma giới là Phật giới thì chỉ có một không hai; rõ biết như vậy thì Ma giới không xả, Phật giới không thủ, Phật pháp tự sẽ hiện tiền, ma cảnh tự nhiên tiêu diệt. Thắng tri như thế thì Ma sự làm sao não loạn được? Kinh Duy Ma nói: "Trực Tâm, Thâm Tâm, Bồ Đề Tâm là tịnh độ của Bồ Tát, Bồ Tát muốn được cõi Phật thanh tịnh? Tùy tâm tịnh liền được cõi Phật tinh!" Nếu tâm thức của ông tịch diệt, chẳng có chút động niệm thì đó gọi là chánh giác. Giác đã chánh thì há có còn mê nhiễm hay động loạn ư? Giác đã chánh thì cảnh Ma làm sao không tan không diệt?

Lại nữa, nếu thấy ma cảnh không tiêu chẳng cần phải lo, nếu thấy tiêu diệt cũng chớ sanh mừng. Vì cớ sao? Vì chưa từng thấy có người ngồi thiền thấy ma hóa làm cọp, sói đến ăn thịt, cũng chưa từng thấy ma hóa làm nam nữ đến kết làm vợ chồng, chính nó là huyễn hóa. Người ngu không rõ, tâm sanh kinh sợ và khởi lòng tham đắm, nhân đó mà tâm loạn, mất thiền định và sanh cuồng, tự chuốc lấy họa hoạn đều tại mình không có trí tuệ mà thọ hại, không phải tại ma gây nên. Nếu các ma cảnh làm não loạn người tu, hoặc trải qua nhiều tháng đến cả năm mà không đi, chỉ phải đoan tâm chánh niệm cho kiên cố, không tiếc thân mạng, chớ ôm lòng lo sợ, phải tụng các kinh Đại thừa, Phương đẳng và Thần Chú trị ma, thầm tụng niệm và hằng nhớ Tam bảo. Nếu khi xuất định cũng phải tụng  Chú để tự đề phòng, sám hối, hổ thẹn và tụng Giới Luật, tà không can phạm được chánh, lâu lâu nó tự diệt. Ma sự rất nhiều nói không thể hết, phải khéo mà biết nó. 

Ông phải biết: Pháp vốn vô pháp, tâm cũng vô tâm, tâm pháp đều không, là tướng chân thật. Nếu động là tâm động, loạn là tâm loạn, động loạn do tâm nhưng tâm vốn không động; liễu tri như thế tướng chân thật hiển bày, Ma cảnh tự tan biến ngay. Nếu các ma cảnh làm não loạn người tu, hoặc trải qua nhiều tháng đến cả năm mà không đi, thì phải biết mình chưa ngộ được bổn tánh, chưa thấy được ngay nơi tâm địa mình chính là giác tánh Như Lai. Giác tức là chỗ linh diệu rõ biết, ứng tiếp tùy thời luôn phù hợp với sự vật, sự việc mà không động cũng không rung chuyển theo pháp trần... Vì chưa ngộ được bổn tánh chân thật hoặc có ngộ nhưng chưa triệt để nên bị cảnh Ma nhiễu loạn, lúc bấy giờ chỉ phải đoan tâm chánh niệm cho kiên cố, không tiếc thân mạng, chớ ôm lòng lo sợ, phải tụng các kinh Đại thừa, Phương đẳng và Thần Chú trị ma, thầm tụng niệm và hằng nhớ Tam bảo. Nếu khi xuất định cũng phải tụng Thần Chú để tự đề phòng, sám hối, hổ thẹn và tụng Giới Luật, tà không can phạm được chánh, lâu lâu nó tự diệt.

Thế nên, người sơ tâm tu hành cần phải gần gũi thiện tri thức. Nếu có những việc nạn như vậy, ấy là ma nhập tâm người hay khiến người tâm thần cuồng loạn, hoặc mừng, hoặc lo, nhân đó thành bệnh đến chết. Hoặc khi ma cho được tà thiền định, trí tuệ, thần thông, Đà-la-ni, thuyết pháp giáo hóa, người đều kính phục, về sau phá hoại việc lành xuất thế của người và phá hoại chánh pháp. Những việc ma như thế, có nhiều loại sai biệt không thể nói hết. Nay lược chỉ bày những điều cần yếu để cho người tu trong lúc tọa thiền không lầm nhận các cảnh giới ma. 

Ông phải xác quyết với tín tâm tuyệt đối rằng: Sự giác ngộ của mình trong đời mạt pháp này hoàn toàn phụ thuộc vào nhân duyên mình có trưởng ngộ Minh Sư hoặc Thiện Tri Thức hay không. Vì sao vậy? Như Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật dạy: "Nên gần gũi Thiện tri thức, chớ lập theo hạnh ác, chớ tin vào nghiệp ác. Vì sao thế? Gần gũi Thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm. Nếu Tỳ-kheo gần gũi Thiện tri thức thì chớ tập theo hạnh ác. Vì sao thế? Nếu gần gũi Ác trí thức, sẽ không có tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy gần gũi Thiện tri thức, chớ gần gũi Ác tri thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!" Và Ngài còn dạy:

"Chớ gần Ác tri thức,
Cũng chớ ngu theo hầu.
Nên gần Thiện tri thức,
Bậc tối thắng trong Người.
Người vốn không có ác,
Tập gần Ác tri thức,
Sau ắt trồng cội ác,
Ở mãi trong tăm tối."

Cho nên ông tuyệt đối phải minh đạt những điều trên để có sở hành chân chánh!

Nói tóm lại, nếu muốn dẹp tà về chánh phải quán thật tướng của các pháp, khéo tu Chỉ, Quán thì không có cái tà nào mà không dẹp được. Cho nên trong kinh luận chép: “Trừ thật tướng của các pháp, kỳ dư tất cả là ma sự”. Như bài kệ chép : 

Nếu phân biệt nhớ tưởng, 

Tức là lưới của ma, 

 Không động, không phân biệt, 

 Ấy tức là pháp ấn. 

Tất cả phàm phu ức tưởng phân biệt, điên đảo chấp tướng, thế nên có trói buộc. Mống niệm hý luận, cho nên bị trói buộc. Thấy, nghe, hay, biết, cho nên bị trói buộc. Trói buộc tức không giải thoát, không giải thoát tức bị sầu, bi, khổ, ưu, não bức bách, đó là Ma sự não loạn vậy! Cho nên trong Kinh Ma Nghịch có Thiên tử tên là Đại Quang, vốn theo hầu cận Bồ Tát Văn Văn Thù Sư Lợi, lúc ấy hiện đang an tọa nơi tòa ngồi, liền thưa hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

        -Thưa Đại sĩ! Vì sao có thể cho rằng các Bồ Tát thực hành những việc của ma? Việc làm của ma là gì?

          Đức Văn Văn Thù Sư Lợi đáp:

        -Đối với các nghiệp mà có tạo tác, đó là việc làm của ma. Đối với chí nguyện mà có chỗ thọ nhận, chấp giữ, có sự xâm đoạt, đó là việc làm của ma. Nếu tư tưởng có ham muốn, chấp trước, nhận thức nhớ nghĩ mong cầu, đó là việc làm của ma.

        Lại nữa, này Nhân giả! Bồ Tát nương tựa tham chấp, chí mong cầu đạt đến đạo quả, đó là việc làm của ma. Tâm đối với sáu pháp Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ luôn dựa chấp, đó là việc làm của ma. Thức nghĩ về bố thí, vọng tưởng về trì giới, thọ chấp về nhẫn nhục, buông lung nơi tinh tấn, vướng mắc nơi thiền định, hạn hẹp về trí tuệ, đó là việc làm của ma.

        Lại nữa, này Nhân giả! Tâm chỉ lìa thích ở chỗ vắng lặng, thực hành để đạt được các pháp quán cho riêng mình, đó là việc làm của ma. Nếu khiến nhớ nghĩ về hạnh tri túc, chỉ tu tập đức hạnh cho riêng mình, đó là việc làm của ma. Nếu hành theo nẻo không, vô tướng, vô nguyện, tu tập không buông lung, trụ chấp nơi chỗ thuyết giảng, chỉ dạy của Như Lai, đó là việc làm của ma. Nhân giả, nếu mọi tư tưởng đều có chỗ chấp giữ, tâm ý cũng ở chỗ ứng hợp thì mọi thấy nghe, nhớ biết, phân biệt về kinh điển đều là việc làm của ma.

Việc làm của Ma là như thế, còn không quá rõ ràng ư? Nên nếu hành giả chánh quán với Bồ Đề Tâm thì có thể dùng các pháp mà làm Phật sự, không có chướng ngại. Như Kinh Duy Ma nói: "Vì có bốn loại ma và tám muôn bốn ngàn phiền não này mà chúng sanh bị lao nhọc, các Đức Phật bèn dùng pháp này mà làm Phật sự." Cho nên giác ngộ thật tánh gọi là Bồ Đề vậy? Giác ngộ Bồ Đề tức là chiến thắng ác Ma vậy! Vậy thật tánh ấy phải tìm ở đâu? Kinh Như Lai Bí Mật Tạng nói: "Thật tánh của thân là thật tánh của Bồ Đề, thật tánh của Bồ Đề là thật tánh của tâm, thật tánh của tâm là thật tánh của tất cả pháp. Giác ngộ hết thảy các thật tánh này gọi là giác ngộ Bồ Đề vậy." Giác ngộ Bồ Đề chân thật là ở chỗ không động, không phân biệt, đó chính là Pháp Ấn, Bồ Tát dùng Ấn này mà chấn nhiếp Ma quân, bạt tế pháp giới, viên giác Đại Tâm... Cái Diệu và cái Dụng của Pháp Ấn này là Không, Vô Tướng, Vô Nguyện Không có hý luận. Như Kệ nói:

Thật tướng không phiền não

Không chúng sinh, không Phật.

Phân biệt pháp vô sinh

Phàm phu nguyện làm Phật.

Chẳng thấy các Phật pháp

Cũng chẳng thấy chúng sinh,

Người biết pháp tướng ấy

Chóng thành đấng Thế Tôn.

Nếu người cầu Bồ Đề

Ắt không có Bồ Đề

Người này xa Bồ Đề

Ví như trời với đất.

Biết các pháp như huyễn

Chóng thành đấng Thế Tôn.

Ông phải thắng giải với chánh kiến rằng: Tất cả các pháp vốn không có hai tướng, do vì nhân duyên của nghiệp Minh và Vô Minh mà sanh ra hai tướng. Nếu Vô Minh chuyển thì biến thành Minh. Tất cả các pháp thiện và bất thiện; Ma và Phật... cũng lại như vậy. Nếu chuyển được vật ắt đồng với Như lai. Ma giới Như tức là Phật giới Như. Ma giới, Phật giới đều Như nên cả hai không hai không khác. Đúng như trong Chứng Đạo Ca nói:

Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hóa không thân tức Pháp thân.

Nói chung, hành giả khi phát Bồ Đề Tâm tu Bồ Tát đạo, các Bồ Tát ấy do được Bồ Tát Đạo nên phá Phiền não ma. Do được Pháp Tánh Thân nên phá Ấm ma. Do được Đạo, được Pháp Tánh Thân nên phá Tử ma. Do thường nhất tâm, do tâm không trụ không chấp, không dính mắc ở một nơi nào, do vào được Bất Động Tam Muội, nên phá được Tha Hóa Tự Tại Thiên Tử Ma. Bốn loại Ma trên đã vượt qua, lại vượt qua Ma nghiệp nên nói vượt qua và chiến thắng tất cả các cảnh giới Ma vậy!


Vị Hành giả thỉnh pháp tĩnh tọa uy nghiêm lắng nghe Sư Phụ Long Viễn khai thị như người khát được uống nước mát, như người nghèo được của báu... Sau khi lời Sư Phụ kết thúc, Ông đứng lên cung kính đảnh lễ Sư Phụ ba lạy rồi quỳ gối chắp tay và thưa: "Kính bạch Thầy! Xin Thầy từ bi nhận con làm đệ tử! Con nguyện sẽ y giáo phụng hành tất cả lời Thầy dạy! Suốt cuộc đời con nguyện kính ngưỡng!" Sư Phụ mỉm cười hứa khả, đưa tay chỉ vị hành giả an tọa, sau đó Ngài bưng ly uống một ngụm nước rồi đôi mắt Ngài bỗng nhìn về phía núi xa xa, trong đôi mắt ấy dường như ẩn chứa cả một suối nguồn từ bi bao la vô hạn hay một sự bi cảm không thể nói nên lời trong đời ngũ trược ác thế này?...









Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

 Tham Thiền Hoặc Vấn


 Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma


Phần V- Ma Sự Phát Tướng (tt)

Về phần Ma ấm, giới, nhập phát sinh thì sao? Ấm ma tức là năm uẩn hay còn gọi là năm ấm. Ấm là che lấp, còn uẩn là tích tụ. Đó là năm loại: Sắc, thọ, tưởng, hành và thức tích tụ mà thành khổ quả sanh tử. Chính vì vô minh nên chấp thủ vào các uẩn nên che lấp mất chân tánh, vì che lấp chân tánh mà khởi lên tà kiến, đi trong rừng rậm dua dối không tự ra được nên không thể khai phát trí vô lậu siêu thế hướng đến đoạn tận khổ đau, như Kinh Tương Ưng III, Đức Phật dạy: "Này các Tỷ Kheo, do có sắc, có chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, nên khởi lên tà kiến", đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đối với 62 học thuyết ngoại đạo đều gọi là tà thuyết hay tà kiến gồm: 18 luận chấp về quá khứ, 5 luận chấp về hiện tại Niết Bàn luận và 39 luận chấp về tương lai. Đều là kết quả của sự tham ái, chấp thủ năm uẩn mà thành. Cho nên Đức Phật khẳng định rằng: "Những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do sự xúc chạm, xúc tiếp qua sáu xúc xứ. Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thọ phát khởi; do duyên thọ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sanh phát khởi; do duyên sanh, lão, tử, sầu bi, khổ, ưu não, phát khởi. Này các Tỷ-kheo, khi vị Tỷ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt và sự nguy hiểm của sáu xúc xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên"

Chính thật từ nơi si mà có ái, do ái mà thọ báo trong sanh tử, do sanh tử nên tâm dính mắc chấp thủ ngũ dục lục trần, do tâm dính mắc nơi ngũ dục lục trần nên sanh khởi kiết sử, do kiết sử nên không thể giải thoát, không thể như thật tuệ tri với chánh kiến vô lậu về năm uẩn theo bốn chuyển, chính vì không thể liễu tri năm thủ uẩn theo bốn chuyển nên không thể đặt gánh nặng xuống, không thể vượt qua ấm Ma mà chứng quả Bồ Đề, điều này đã được Đức Thế Tôn khẳng định qua Kinh Tương Ưng Bộ III : "Này các Tỷ-kheo, khi nào Ta chưa thật liễu tri Năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào Ta đã liễu tri Năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm Thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh đẳng Chánh Giác". 

Chính tiến trình sanh tử tiếp nối mãi mãi như thế, nó đoạt mất tuệ mạng và công đức thiện căn của chúng sanh, nên gọi là Ấm ma. Đúng thật như vậy, nên Đức Thế Tôn của ta đã từng nói : "Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. (Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức). Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn". Chính sự tập khởi khổ uẩn là sự tập khởi của sanh tử, sự tập khởi của sanh tử chính là sự tập khởi của khổ đau, sự tập khởi của khổ đau chính là sự tập khởi của Ấm ma. Ấm ma này có khai có hợp chẳng đồng, khai thì thành 12 nhập, 18 giới; còn hợp thì không ngoài 2 pháp là sắc và tâm. 

Còn về phần Tử ma Thiên ma ở Dục Giới phát sinh thì trên tôi đã có nói rồi, không lập lại nữa. 

Giờ sẽ nói Ma sự phát tướng thông qua ba loại sau đây, ba loại Ma này ngày xưa Tổ sư Thiên Thai Tông là Trí Khải Đại Sư cũng đã từng lược nói.

1. Ma tinh mị

Là loài thú theo mười hai giờ, nó biến hóa làm các thứ hình sắc. Hoặc nó hóa người thiếu nữ, người già nua, nhẫn đến những hình tướng đáng sợ không phải ít để làm não loạn người tu hành. Các loài tinh mị này não hại người tu, mỗi loài đến theo giờ của nó, phải biết rành rõ. Nếu giờ Dần (3 giờ - 5 giờ) đến, ắt là loài cọp v.v... Nếu giờ Mẹo (5 giờ - 7 giờ) đến, ắt là loài thỏ, nai v.v... Nếu giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ) đến, ắt loài rồng, trạnh v.v... Nếu giờ Tỵ (9 giờ - 11 giờ) đến, ắt loài rắn, trăn v.v... Nếu giờ Ngọ (11 giờ - 13 giờ) đến, ắt loài ngựa, lừa, lạc đà v.v... Nếu giờ Mùi (13 giờ - 15 giờ) đến, ắt loài dê v.v... Nếu giờ Thân (15 giờ - 17 giờ) đến, ắt loài khỉ, vượn v.v... Nếu giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ) đến, ắt loài gà, chim v.v... Nếu giờ Tuất (19 giờ - 21 giờ) đến, ắt loài chó, chó sói v.v... Nếu giờ Hợi (21 giờ - 23 giờ) đến, ắt loài lợn v.v... Nếu giờ Tý (23 giờ - 1 giờ) đến, ắt loài chuột v.v... Nếu giờ Sửu (1 giờ - 3 giờ) đến, ắt loài trâu v.v... Hành giả nếu thấy chúng thường dùng những giờ này đến, tức biết những loài tinh thú ấy, kêu tên nó mà quở trách liền phải tiêu diệt.

Hành giả an trú trong Chỉ và Quán hướng tâm đoạn tất cả các lậu hoặc ngay trong hiện tại, công phu một khi thuần thục ắt sẽ bị những bọn ma tinh mị này đến phá hoại. Chỉ cần giác biết chúng đến theo giờ, nguyên hình của nó là gì mà chánh niệm gọi tên và quở trách, thì chúng ngay lập tức biến mất. 

 2. Ma đôi dịch 

 Ma đôi dịch: Nó cũng làm những việc xúc chạm não loạn người tu hành. Hoặc hóa như con sâu, con mọt bò lên đầu, mặt người vùi, chích, chớp nhoáng; hoặc bươi, vạch dưới hai nách của người; hoặc chợt ôm người giữ người; hoặc kêu vang lên làm ồn náo và hóa hình các loài thú rất nhiều tướng lạ. Khi nó đến não loạn, người tu liền biết nên nhất tâm nhắm mắt lại, thầm mắng nó thế này : “Ta nay đã biết ngươi, ngươi là loài quỉ Thâu-lạp-kiết-chi tà kiến ưa phá giới ngửi mùi ăn lửa trong cõi Diêm-phù-đề, ta nay giữ giới quyết không sợ ngươi”. Nếu người xuất gia nên tụng giới bổn, nếu người tại gia nên tụng tam qui, ngũ giới v.v... thì bọn quỉ này khúm núm rút lui. Nếu có hóa các thứ tướng mạo làm chướng nạn người tu như thế và các phương pháp đoạn trừ, ở trong kinh thiền có nói rộng.

3. Ma não

Ma não: Bọn ma này hay hóa làm ba thứ cảnh tướng ngũ trần đến phá thiện tâm người. 

a. Hóa cảnh nghịch ý : Chúng sẽ hóa làm những cảnh giới của 5 trần đáng ghê rợn, khiến tâm người tu kinh sợ. Như hóa cọp, sói, sư tử, những hình tượng đáng sợ, là ngũ trần ghê sợ khiến người phải kinh khủng...

b. Hóa cảnh thuận ý : Chúng biến hóa những hình tướng và cảnh giới của năm trần đáng ưa thích, khiến người tu sanh tâm tham đắm. Như hóa hình tượng cha mẹ, anh em, chư Phật và nam nữ đẹp đẽ đáng yêu, là ngũ trần yêu thích khiến người sanh tâm ái trước. 

c. Hóa cảnh không thuận không nghịch : Là cảnh ngũ trần bình thường làm loạn động tâm người tu hành khiến mất thiền định. 

Thế nên, ông phải biết Ma gọi là “Sát” cũng gọi là “Mũi tên hoa”, cũng gọi là “Năm mũi tên”; vì nó bắn vào năm giác quan của người. Làm cho con người say  đắm rơi vào mê hồn trận của Ngũ dục, tạo ra gió Giác Quán mê lầm, chính Giác Quán mê lầm đó thổi ngọn lửa tham ái hực hực không tắt, dựng cao tràng liêu mạn vào trong lưới khát ái, đắm chìm trong Dục lưu, Hữu lưu, Vô minh Lưu và Kiến lưu, nối luôn phát khởi chủng tử tâm, ý và thức... không thể thoát khỏi biển khổ của Tam giới,  không thể nhổ tận mầm móng gốc rễ của sanh tử mà bước lên địa vị Chánh Giác Bồ Đề.

Nói chung tất cả Ma sự khai phát phần nhiều bắt đầu từ 5 căn đối với 5 trần mà sanh. Khi Căn tiếp xúc với Trần thì Thức sanh khởi, chính vì mê muội Duy Thức Tánh nên nghiệp cho Ma có cơ hội khai phát, não loạn bậc chánh tu. Ông phải lưu ý là trong mỗi giác quan hiện ra 3 cảnh giới để não loạn người tu, cả 5 giác quan tổng lại là có 15 cảnh giới vậy. Như trên đã nói, đối với sắc chúng sẽ hóa những cảnh thuận trong sắc, nghịch trong sắc không thuận không nghịch trong sắc. Đối với thanh, hương, vị, xúc cũng lại như vậy. 3 lần 5 thành 15 cảnh giới. Nếu ông không phân biệt được sự biến tướng, hư dối, đe dọa, áp đảo, huyễn hoặc... của tà ma, thì sẽ bị chúng hủy hoại công phu tu hành, phế bỏ đạo nghiệp, tâm sanh điên cuồng, tạo những ác nghiệp vô kể, thậm chí lửa dục đại phát, không còn biết điều gì cả, thân thể lõa lồ, cuồng ngôn loạn ngữ, hành hạnh bất chánh, hủy báng Tam Bảo, phá hoại đạo pháp... có người trong khi công phu vỡ tim mà chết tại chỗ, hoặc phát bệnh điên cuồng cho đến chết... 

Lại nữa, ngoài ba loại Ma trên thì Ma ấy cũng có ba việc, ông cũng cần phải tuệ tri, những gì là ba? 1- Nói phô, cười cợt, nhảy múa, nhìn bậy, tham đắm chấp thủ đối với 5 dục... những việc như vậy đều từ tham ái sanh. 2- Trói buộc, đánh đập, tra khảo, châm chích, cắt chặt, đấu tranh... những việc như vậy đều từ sân sanh. 3- Lấy lửa đốt thân, chịu rét, nhổ tóc, chịu đói, nhảy vào lửa, nhảy vào vực thẳm, nhảy từ chót cao... những việc như vậy đều từ ngu si sanh. 

Bởi thế nên bậc tu hành chân chánh không thể không tường tri về Ma sự khai phát, vì nếu không biết rõ, không quán xét rõ thì sẽ bị chúng cướp mất tuệ căn, đoạt mất công đức, chìm đắm vĩnh viễn trong sanh tử luân hồi, cũng là nhân duyên của Ma vương lực. Ma ấy là oán thù của chư Phật, là giặc của Thánh nhân, phá hoại tất cả sự nghiệp của người ngược dòng sanh tử, không còn ưa thích Niết Bàn.

Ngoài Ma sự ra còn có Ma nghiệp. Về Ma nghiệp thì tạo ra ba thứ chướng là phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng. Chúng sanh chứa nhóm các nghiệp cho đến trong trăm ngàn vạn ức kiếp cũng không cháy, không mất, không hoại, thậm chí cùng hiệp với quả báo cũng không mất. Các nghiệp ấy tồn tại lâu dài đến mức hòa hiệp cùng quả báo cũng không mất như thế. Như hạt giống lúa được gieo dưới đất gặp thời tiết nhân duyên thuận lợi thì sẽ sinh trưởng. Như có Kệ nói:

"Xe sanh tử chở người

Các phiền não kết nghiệp

Có sức lớn tự tại xoay chuyển

Không ai cấm ngăn được".

Nói tóm lại, trừ thật tướng các pháp, tất cả tàn dư đều gọi là Ma. Như các phiền não, kiết sử, phược, thủ, triền, ấm, giới, nhập, Ma vương, Ma nhân, Ma dân... những điều như vậy đều gọi là Ma cả. Chính vì tác hại của Ma quá ư kinh khủng, không thể nghĩ bàn như trên tôi đã nói, thế nên trong Kinh Đại Phẩm mới dạy: "Những loại Ma sự, nếu ai không chỉ dạy cho người tu hành biết, đây chính là Bồ Tát ác tri thức vậy".

Than ôi! Khéo không răng dè mình ư?




Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

 Tham Thiền Hoặc Vấn


 Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma


Phần IV- Ma Sự Phát Tướng


Hỏi: Các cảnh giới Ma thì tôi đã rõ, nhưng không biết chúng phát tướng như thế nào, nguyện Thầy từ bi chỉ dạy rõ ràng được không ạ?

Đáp: Vậy Ông lắng nghe! Thế nào là Ma phiền não phát sinh? Phiền não tức là buồn phiền não loạn, tâm thức hệ phược khiến sầu bi ưu não bức bách... Do vô minh và tham ái câu hữu với si mê làm châm ngòi cho ngọn lửa phiền não thiêu đốt thân tâm, hủy hoại thiện căn, mất giống trí tuệ, tạo vô vàn ác nghiệp. Về phiền não thì tạm chia thành hai loại là: Căn bản phiền não và Tùy phiền não. Tất cả phiền não nói chung cũng không nằm ngoài 5 thứ bất thiện pháp, tôi sẽ vì ông mà ước lượt tỏ bày.

A/ Căn bản phiền não 

Căn bản phiền não có 6 món, đó là:

1.Tham: Tham lam ngũ dục

2. Sân: Sân hận

3. Si: Si mê

Ba món này Tâm sở này trái ngược với ba món Thiện căn (vô tham, vô sân, vô si) trong 11 món Thiện Tâm sở là: Tín, Tàm, Quí và ba thiện căn là vô tham, vô sân, vô si với cần, an, bất phóng dật, hành xả và bất hại. Ba món căn bản đầu tiên này còn gọi là tam độc, nếu người uống vào thì thân tâm bị thiêu đốt đau khổ, sầu ưu, ai oán...nó cướp mất hạt giống thiện căn và hủy hoại tất cả thiện pháp.

4. Mạn: Gồm có bảy loại mạn: 1/ Mạn tức là mình bằng người mà cho mình hơn người, hoặc người hơn mình mà mình cho người đó thua mình . 2/ Quá mạn tức là mình thua kém người nhưng cho rằng mình bằng hay hơn người, luôn tự đề cao và nâng mình lên hơn người một bậc. 3/ Mạn quá mạn tức là cho mình tài giỏi hơn người nên khinh khi kẻ khác. 4/ Tăng thượng mạn tức là luôn luôn tự mãn có được chút ít cho là đủ, nghĩ mình hay và tài giỏi mà ngạo nghễ khinh thường người khác, hay tự ngôn chứng Thánh trong khi mình vẫn là kẻ phàm phu hạ liệt . 5/ Tà mạn tức là tin vào định kiến sai lầm của mình rồi chấp chặt vào tà nhơn, tà quả, tự thị vào tà nhơn, tà quả đó mà khinh thường những người khác.  6/ Ty liệt mạn tức là dù mình thua thấp kém hơn người rất nhiều, nhưng vẫn tự thị cho họ là thua kém chút ít thôi, hoặc là tự biết là mình thấp hèn, nhưng vẫn cứ bảo thủ không chịu phục tùng học hỏi với bất cứ ai. 7. Ngã mạn tức là tâm lý tự phụ, tự ti, chấp ngã tạo thành ngã si, ngã kiến, ngã ái...

 5. Nghi: Tức là nghi ngờ, như người nghi ngờ Phật Pháp Tăng, không tin thuyết nhơn quả luân hồi v.v ...

6. Ác kiến: Tức là hiểu biết không chơn chánh tà vạy, rồi chấp thủ vào định kiến sai lầm đó của mình. Ác kiến  này, chia ra làm năm món: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ.

B/- Tùy phiền não

Gồm 20 món được chia làm 3 thứ là 10 thứ Tiểu tùy, 2 thứ Trung tùy và 8 thứ Đại tùy.

Tôi xin lược nói để ông liễu tri.

- Thứ nhất là 10 món Tiểu tùy gồm có: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siễm, Hại, Kiêu.

1. Phẫn:  Tức là giận, khi gặp nghịch cảnh sanh tâm giận giỗi.

2. Hận: Tức là câm hận, sau khi giận rồi lưu lại trong tâm không bỏ.

3. Phú: Tức là che giấu, che giấu tội lỗi của mình không cho ai biết.

4. Não: Tức là phiền, sau khi giận rồi buồn phiền trong lòng.

5. Tật: Ganh ghét, thấy người hơn mình sanh tâm đố kỵ.

6. Xan: Bỏn xẻn, có tiền của mà rít rắm, keo kiệt, không bố thí.

7. Cuống: Dối gạt, vì muốn được danh lợi nên dối gạt người.

8. Siểm: Nịnh, bợ đỡ nịnh hót với người để xin danh vọng quyền lợi.

9. Hại: Tổn hại, trái với "bất hại" trong Thiện Tâm sở.

10. Kiêu: Kiêu cách, giống như mạn tâm sở, song "Mạn tâm sở" là kinh dễ lấn lướt người, còn "Kiêu tâm sở" là ỷ tài năng của mình mà khinh ngạo xem thường người.

- Thứ hai là Trung tùy gồm có 2 món: Vô tàm và Vô quý:

11. Vô tàm: Tức là tánh không biết hổ thẹn với chính mình về những việc xấu, ác, bất thiện mà mình đã làm. 

12. Vô quý: Là tánh không đếm xỉa đến người khác, không biết hổ thẹn với mọi người xung quanh về những việc ác và bất thiện đã làm.

- Thứ ba là 8 thứ Đại tùy gồm có: Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn và Bất chánh tri.

13. Trạo cử: Chao động, làm chướng ngại tu Chỉ; trái với Định tâm sở trong vị Biệt cảnh.

14. Hôn trầm: Tối mờ, thân tâm luôn trọng trược, nặng nề làm chướng ngại tu Quán; trái với Huệ tâm sở.

15. Bất tín: Không tin, trái với Tín tâm sở trong 11 món thiện.

16. Giải đãi: Trễ nải, lười biếng, không chịu tu trì các pháp thiện, trái với Cần tâm sở trong 11 món thiện.

17. Phóng dật: Buông lung, phóng túng, trái với "Bất phóng dật" trong Thiện tâm sở.

18. Thất niệm: Không nhớ, làm chướng ngại Chánh niệm và đưa đến Tán loạn trái với "Niệm tâm sở" trong vị Biệt cảnh.

19. Tán loạn: Rối loạn, tâm lăng xăng rối loạn; trái với "Định tâm sở" trong vị Biệt cảnh.

20. Bất chánh tri: Biết không chơn chánh, khi đối với cảnh hiểu biết sai lầm, không có chánh kiến.

C. Năm thứ bất thiện pháp

 Ngoài ra Ông phải biết Ma phiền não trong tâm như con rắn độc màu đen ở trên đầu, nếu không cẩn thận ắt tính mạng có thể diệt vong. Nên Kinh Niết Bàn nói: "Phiền não tức là pháp ác". Phiền não thì danh từ rất nhiều ở trên tôi chỉ lược nói, nếu tóm lược lại thì cũng không ngoài 5 thứ bất thiện pháp. Những gì là 5? Đó là:

- Giác quán bất thiện pháp

- Tham dục bất thiện pháp

- Sân khuể bất thiện pháp

- Ngu si bất thiện pháp

- Ác nghiệp bất thiện pháp

Nếu đem 5 pháp bất thiện trên chia ra thì Giác quán bất thiện pháp là do tam độc là tham, sân, si phát sanh, nên thuộc về Tập nhân đẳng phần; còn Ác nghiệp chướng đạo thuộc về Báo nhân đẳng phần. Luận về căn bản phiền não thì chỉ có Tam độc đẳng phần. Năm thứ bất thiện trên đây nếu nói tổng quát có 4 phần, còn luận rộng ra thì có tám mươi bốn ngàn (84.000), như trong luận Ma Ha Diễn nói: "Tham dục phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn thứ (21.000). Sân phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn (21.000). Ngu si phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn (21.000). Đẳng phần phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn (21.000)". Đẳng Phần phiền não mà Luận Ma Ha Diễn nói là Báo nhân đẳng phần. Bốn phần phiền não như Đại Luận nói tổng cộng có tám mươi bốn ngàn thứ (84.000) phiền não trần lao, nên Đức Phật thuyết tám mươi bốn ngàn pháp môn để đối trị. Nay chỉ nói 5 thứ ác pháp bất thiện để luận về tướng Ma sự khai phát.

Đấy là tôi đã lược nói một cách tổng quát về hiện tượng Ma phiền não phát sinh.




Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Tham Thiền Hoặc Vấn


 Nhận Biết Và Phá Trừ Tất Cả Cảnh Giới Ma

Phần III


II.  Ma ấm, giới, nhập

Hỏi: Về phần Ma phiền não tôi đã rõ, xin cho biết thế nào là Ma ấm, giới, nhập ạ?

Đáp: Ấm tức là 5 ấm, nhập là 12 nhập, giới là 18 giới, tất cả danh sắc trói buộc chúng sanh, khiến chúng sanh đắm chìm trong lưới khát ái, tạo nghiệp luân hồi, phá hỏng công đức cùng các  căn lành, đoạt mất trí tuệ của người tu hành, khiến không thể giải thoát được, nên gọi là Ma.

Như khi ở núi Mạc-câu-la, Đức Phật dạy đệ tử La-đà: "Sắc uẩn là Ma. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là Ma". Từ nơi 5 ấm xuất sanh vô lượng tình thức đối với các pháp như 12 nhập, 18 giới... ấm, giới, nhập của cõi Dục cho đến cõi Sắc và Vô Sắc cũng vậy. Cho nên nếu muốn làm thân có sắc trong vị lai, đó là chỗ động; nếu muốn làm thân không sắc cũng là chỗ động; nếu muốn làm thân có tưởng, không tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng... tất cả đều là chỗ động. Động là bị Ma trói buộc, không động thì không bị Ma trói buộc, từ nơi ác mà giải thoát gọi là phá Ma nghiệp vậy.

III. Ma chết

Hỏi: Thưa Thầy! Còn Thế nào là Ma chết?

Đáp: Tất cả nghiệp báo sanh tử luân chuyển không ngừng nghỉ, đều gọi là Ma.

Lại như có người phát tâm tinh tấn tu hành nhưng bị quỷ vô thường nuốt mất, mạng căn chấm dứt mà chưa tu giải thoát được.  Như Kinh nói:

"Sắc này bị suy già,
Ổ tật bệnh, mỏng manh,
Nhóm bất tịnh, đỗ vỡ,
Chết chấm dứt mạng sống".

Hay người nổ lực cần cầu tuệ giác vô lậu nhưng bị tướng suy của già, bệnh khổ mà chết, hoặc có kẻ giết hại, hoặc bất đắc kỳ tử mà chết... bỏ mất cơ hội tu tập Thánh đạo. Khi luân chuyển qua đời sau lại bị 5 ấm ngăn che, quên mất bản tâm, tạo nhân huyễn hoặc và cứ như thế mà sanh tử tiếp nối nhau đời đời kiếp kiếp không giải thoát được. Những điều trên cũng gọi là Ma sự vậy.

Hoặc lại có người muốn tu nhưng cuồng sợ cái chết, sợ khổ... không dám dấn thân để thực hành Phạm Hạnh, tiếc thân mạng này nên không thể tinh tấn thực hành tu đạo... Đây cũng không nằm ngoài Ma sự.

IV. Thiên ma ở Dục Giới

Hỏi: Nguyện xin Thầy cho biết loại Ma thứ tư là Thiên ma ở Dục Giới là sao ạ?

Đáp: Chính là Thiên ma Ba-tuần chúa tể của Dục Giới ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại, đây là khắc tinh của bậc tu hành chuẩn bị giác ngộ Bồ Đề, loại Ma này chỉ phá những bậc tu hành khi sắp đạt được Thánh quả cao tột làm chủ sanh tử, thoát khỏi luân hồi mà thôi. Tuy nhiên trong nghịch lại có thuận, nếu giả sử loại Ma này không xuất hiện thì người tu khó thể đắc đạo được, cho nên nếu bậc đại trí thì phải biết duyên Ma nghịch này chính là thắng duyên cao tột, cũng như một đặt ân thù diệu vô biên mà Tam thế chư Phật ban tặng cho mình vậy; nếu không vượt qua cửa ải cuối cùng này thì không thể bước lên địa vị Thiên Nhân Sư Chánh Đẳng Giác. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta, trước khi giác ngộ hoàn toàn Ngài cũng phải vượt qua cửa ải này, đây cũng là phương tiện đạo tối thắng mà Đại Bồ Tát tạo duyên để giáo hóa chúng sanh, cho nên Bồ Tát với thanh gươm trí tuệ Vô Năng Thắng Đại Bồ Đề Tâm chiến đấu và hàng phục Ma quân mới thành tựu Chánh Giác Vô Thượng Bồ Đề.

Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, bấy giờ Ngài nói với các Tỳ Kheo rằng xưa khi chưa thành Phật  đạo, ngồi dưới gốc cây Ta nghĩ: “Trong cõi Dục Giới gồm có chư Thiên và loài Người, ai hào quý nhất (tài trí nhất), Ta sẽ hàng phục”. Ta lại nghĩ: “Nghe nói, trong cõi Dục Giới có Thiên Ma là ghê gớm nhất, ta sẽ chiến đấu với Ma ấy. Do hàng phục Thiên Ma, tất cả chư Thiên và loài người kiêu mạn đều sẽ bị hàng phục”.

Khi nghĩ như thế rồi, Ta ngồi nơi tòa ngồi mỉm cười, khiến cảnh giới Thiên Ma chấn động, rồi nghe tiếng nói trong hư không:

Bỏ ngôi Vua chân chánh
Xuất gia học cam lộ,
Nếu ai phát nguyện rộng,
Chẳng ba đường ác này.
Nay ta hợp binh chủng,
Đến thăm Sa Môn kia,
Nếu không theo ý ta,
Nắm chân ném ra biển.

Khi ấy Thiên Ma sân hận bừng bừng bảo Đại tướng Sư Tử:

 “- Đại Tường mau tập hợp bốn bộ binh tướng đi dẹp Sa Môn, hãy quan sát xem ông ấy có thế lực gì mà dám chiến đấu với ta?”

Ta lại suy nghĩ: “Giao chiến với người thường còn không thể im lặng, huống chi với Thiên Ma, nên tranh đua với Thiên Ma”. Nên Ta mặc áo giáp “Nhân từ”, tay cầm cung “Chính định”, tên “Trí tuệ” chờ đợi.

Chẳng bao lâu sau đó, tệ Đại Ma, Đại Tướng, quân binh đủ loại đông đảo đến mười tám ức (Một triệu tám trăm nghìn), mặt mày mỗi mỗi khác nhau, đủ hình đủ dạng, vượn, khỉ, sư tử, v.v... đều đến chỗ Ta. Binh chúng hoặc La Sát, hoặc một thân có vô số đầu, hoặc nhiều thân có một đầu, hoặc hai vai ba cổ, hoặc ngay ngực có miệng lớn, hoặc một tay, hai tay, bốn tay. Hoặc hai tay bê đầu miệng ngậm thân rắn, hoặc trên đầu bốc lửa, miệng phun lửa, hoặc phanh bụng đi tới tay cầm dao tay cầm kiếm, tay cầm gươm tay cầm giáo, tay cầm cối tay cầm chày. Hoặc vác đá, vác cây, hoặc đi bằng hai tay, hai chân ở trên đầu ở dưới. Hoặc cưỡi voi, cưỡi sư tử, cưỡi hổ mang độc xà, hoặc đi hoặc chạy hoặc bay v.v.... Tất cả vang động rầm rầm chung quanh cây Đại thọ nơi Ta ngồi.

Thiên Ma đứng trước mặt phía bên trái nói:

“- Sa Môn, hãy đứng lên mau”

Ta im lặng chẳng trả lời. Thiên Ma nói như thế đến ba lần, rồi nói:

“- Sa Môn sợ ta chăng?”

Ta bảo Thiên Ma:

“- Nay Ta nhiếp tâm không có một chút kinh sợ”

Thiên Ma nói:

“- Ông có một thân một mình ở đây, không khí giới gậy gộc binh đao, thân trơ đầu trọc, lại nói: “Ta không sợ”, Sa Môn có thấy bốn binh chúng của ta không?

Ta liền nói kệ:

“Ta mặc áo giáp nhân từ,

Cung chánh định tên trí tuệ,

Dùng phước nghiệp làm binh chúng,

Nay quân Ông sẽ bị hoại”.

Thiên Ma nói:

“- Nếu không nghe lời ta, Ông sẽ bị đốt cháy, mau rời chỗ này, Sa Môn dung mạo đẹp đẽ, dòng Sát Đế lợi (Dòng Vua Chúa), ta sẽ đem đến cho Ông nhiều lợi ích, để ông làm Chuyển Luân Thánh Vương”.

Ta trả lời:

“- Những lời Ông nói đều là vô thường, thay đổi hư hoại, chẳng phải điều Ta ưa”.

Thiên Ma lại nói:

“- Sa Môn muốn điều gì, chí nguyện việc chi?”

Ta đáp:

“- Điều Ta ước nguyện là nơi vô úy an tịnh trong thành Niết Bàn, dẫn dắt chúng sanh đang trôi nổi chìm đắm trong khổ não được đến con đường chánh đạo”.

Thiên Ma lại nói:

“- Nếu như Sa Môn không mau mau đứng dậy, ta sẽ nắm chân Ông ném xuống biển.”

Ta liền đáp:

“- Ta tự quán sát tất cả từ Trời, Ma, Người, Phi Nhân, và cả bốn chúng của Ông, chẳng thể động đến lông chân của Ta”.

Thiên Ma thách thức:

“- Ông muốn chiến đấu với ta chăng?”

Ta đáp:

“- Ta muốn cùng Ông giao chiến”.

Thiên Ma hỏi:

“- Ông ghét điều gì?”

Ta đáp:

“- Ta dẹp những điều kiêu mạn, như tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn”.

Thiên Ma hỏi:

“- Ông dùng điều gì để diệt các mạn đó?”

Ta đáp:

“- Thiên Ma Ba-tuần nên biết, có Từ tam muội, Bi tam muội, Hỉ tam muội, Xả tam muội, Không tam muội, Vô nguyện tam muội, Vô tướng tam muội.

Do Từ tam muội được Bi tam muội, do Bi tam muội được Hỉ tam muội , do Hỉ tam muội được Xả tam muội. Do Không tam muội được Vô nguyện tam muội, do Vô nguyện tam muội được Vô tướng tam muội.

Do sức của các tam muội này chiến đấu với Ông”.

Ta nói tiếp:

“- Hành tận ắt khổ tận, khổ tận ắt kết tận, kết tận ắt Niết Bàn”.

Thiên Ma hỏi:

“- Có thể dùng pháp (sự việc) diệt pháp chăng?

Ta trả lời:

“- Có thể dùng pháp diệt pháp được.”

Tệ Ma lại hỏi:

“- Thế nào là dùng pháp diệt pháp?”

Ta giải thích:

“- Dùng chánh kiến diệt tà kiến, dùng tà kiến diệt chánh kiến; đối với chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạn, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định cũng như thế, lấy chính diệt tà, lấy tà diệt chính. Đó là dùng pháp diệt pháp”

Thiên Ma nói:

“- Sa Môn hôm nay tuy có những lời như thế, ở chỗ này khó khắc phục, Ông mau đứng dậy, đừng để ta nắm chân ném ra biển”.

Ta lại bảo Ma Vương:

“- Xưa kia Ta tạo công đức vô kể, còn Ông chỉ tạo phước có một đời được làm Ma Vương ở cõi trời Dục Giới nên lời của Ông khó thực hiện được”.

Thiên Ma Ba-tuần đáp:

“- Ông tự xưng đã tạo vô số phước đức, đó chỉ mình Ông biết, ai có thể chứng cho Ông?”

Lúc ấy, đang ngồi, Ta duỗi bàn tay phải thẳng xuống đất, đồng thời bảo Ma Vương:

“- Công đức Ta đã tạo, Địa Thần cũng biết”.

Ta nói dứt lời, Địa Thần từ đất vọt lên chắp tay thưa:

“- Bạch Ngài, con chứng biết công đức của Ngài”.

Địa Thần vừa nói xong, Ma Vương Ba-tuần buồn rầu khổ não, liền biến mất cùng với bốn binh chúng Ma.

Cho nên hành giả phải biết một khi lưới ái không nhiễm, tất cả hữu dư không còn, căn- trần viên tịnh, ngũ uẩn giai không... thì tệ Ma Ba-tuần sao có thể nhiễu loạn được ư? Như Kinh Tạp A Hàm có nói:

Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Ban đêm Thế Tôn dậy đi kinh hành. Đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng ngồi ngay thẳng, chuyên tâm cột niệm thiền tư. Bây giờ, ta sẽ đến làm nhiễu loạn.’ Liền hóa ra một thiếu niên đứng trước Phật nói kệ:

Tâm ta ở giữa không,

Cầm dây dài buông xuống.

Nhằm muốn trói Sa-môn,

Khiến ngươi không thoát được.

Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:

Ta nói, ở thế gian,

Năm dục, ý thứ sáu;

Đối chúng đã lìa hẳn,

Tất cả khổ đã dứt.

Ta đã lìa dục kia,

Tâm ý thức cũng diệt.

Ba-tuần, Ta biết ngươi,

Mau đi khỏi nơi đây.

Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất.